VTV.vn - Là giám đốc của sàn vàng Khải Thái nhưng đối tượng Nguyễn Mạnh Linh chỉ ở phòng trọ nhỏ, gia đình lại thuộc hộ cận nghèo.

Hàng nghìn nạn nhân đã uỷ thác gửi tiền đầu tư cho một doanh nghiệp, nhận lãi suất 3,5%/tháng mà không biết công ty này kinh doanh lĩnh vực gì? Họ chỉ biết gửi tiền và đến ngày thì nhận lãi, để cuối cùng tiền mất, tật mang…

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2007....

Giám đốc ở nhà trọ, gia đình cận nghèo, mở ra nghi vấn lật mặt ông trùm Khải Thái - Ảnh 1.

Năm 2007, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) mở sàn giao dịch vàng đầu tiên ở Việt Nam. ACB huy động khách hàng gửi vàng và số vàng này được ngân hàng đầu tư vào các sàn vàng quốc tế. Hình thức này được gọi là kinh doanh vàng trên tài khoản (vàng ảo).

Đại tá Trần Văn Doanh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Cục CSPCTPCNC), Bộ Công an cho biết, ACB là một trong những ngân hàng kinh doanh vàng ảo đầu tiên trong nước. Hình thức kinh doanh này mang đến nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.

Đến năm 2009, sau ACB, hàng loạt sàn giao dịch vàng khác đã ra đời trên thị trường tài chính Việt Nam, xuất hiện tình trạng các chủ sàn vàng vừa là nhà cái vừa tham gia chơi để thao túng giá vàng trong nước. Phát hiện nhiều lỗ hổng trong việc kiểm soát giao dịch vàng, lũng đoạn giá và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, Chính phủ đã ra Thông báo số 369/TB-VPCP bắt buộc mọi hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản phải chấm dứt trước ngày 30/3/2010.

Tuy nhiên, bất chấp mọi quy định của pháp luật, nhiều sàn vàng vẫn mở ra với các thủ đoạn lách luật, theo hình thức uỷ thác đầu tư vàng đầu tư ngoại hối tiếp tục thu hút lượng lớn người dân tham gia.

"Khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cấm, các công ty dùng nhiều hình thức để kêu gọi nhà đầu tư kinh doanh vàng trên tài khoản. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, chúng tôi đã chỉ huy lực lượng trinh sát tập trung nắm tình hình các công ty có số lượng người chơi lớn để tập trung chuyên án triệt phá, mang tính vừa răn đe vừa ngăn chặn hậu quả...", Đại tá Trần Văn Doanh cho hay.

Lật tẩy những thủ đoạn lừa đảo của sàn vàng ảo Khải Thái

Tận tâm, chuyên nghiệp, tất cả vì khách hàng, đó là những lời chào ấn tượng của công ty TNHH tư vấn đầu tư Khải Thái. Nếu gửi tiền để công ty đầu tư vào các sàn vàng quốc tế, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất cực kỳ hấp dẫn.

Khải Thái giới thiệu có một đội ngũ chuyên gia cao cấp tại Đài Loan chơi vàng trên các sàn giao dịch forex ở Quảng Đông và Hong Kong, Trung Quốc. Trang Facebook của công ty khẳng định, trong những năm qua, nhà đầu tư gửi tiền uỷ thác tại Khải Thái không xảy ra tình trạng thua lỗ. Với mức lãi suất 3 - 3,5%/tháng, tối thiểu 36%/năm và trả rất đúng hạn, nhiều khách hàng đã không ngần ngại dốc hết vốn gửi vào Khải Thái mà không biết công ty này làm gì.

Giám đốc ở nhà trọ, gia đình cận nghèo, mở ra nghi vấn lật mặt ông trùm Khải Thái - Ảnh 3.

Không chỉ vậy, vào mỗi dịp tri ân khách hàng, Khải Thái có cơ chế thưởng tiền và quà tặng đắt tiền cho các cá nhân tích cực lôi kéo khách hàng ủy thác vốn. Nhiều nhân viên sau khi giới thiệu được khách hàng "sộp" đã được lãnh đạo công ty thưởng "nóng" xe máy SH, điện thoại iPhone….

Bị cuốn vào những phần thưởng nóng và hưởng hoa hồng chiết khấu cao lên tới 20% mỗi khi ký được một hợp đồng mới, nhiều nhân viên kinh doanh của Khải Thái đã lôi kéo người thân trong gia đình, bạn bè… và thậm chí còn thế chấp nhà của mình để có tiền mở hợp đồng mới.

Chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, ngoài trụ sở chính tại tòa nhà CharmVit, công ty đã mở thêm 3 chi nhánh ở các văn phòng cao ốc hạng A với số lượng khách hàng lên tới gần 2000 tài khoản uỷ thác.

Lập chuyên án mang bí số 814K

Công ty TNHH đầu tư và tư vấn Khải Thái được thành lập từ tháng 11/2011 do Nguyễn Mạnh Linh làm Giám đốc với số vốn điều lệ ban đầu là 20 tỉ đồng. Trụ sở tại tầng 18, toà nhà CharmVit, Trần Duy Hưng, Hà Nội.

Đến cuối năm 2012, sau khi hoạt động được 1 năm, Khải Thái liên tục có các đợt tuyển dụng nhân viên kinh doanh, với lời mời chào rất hấp dẫn. Với đội ngũ nhân viên kinh doanh hùng hậu, chỉ trong một thời gian ngắn công ty đã huy động được hàng ngàn tài khoản uỷ thác đầu tư với số tiền lên tới hơn 200 tỉ đồng. 

Để tìm hiểu phương thức hoạt động, lý do vì sao công ty liên tục tuyển người và việc kinh doanh như thế nào, các trinh sát đã phải đóng nhiều vai để tiếp cận, đi tìm những dấu hiệu lừa đảo của công ty này.

"Tôi đã đăng ký hồ sơ nộp để phỏng vấn. Tôi thấy phỏng vấn ở tất cả các chi nhánh đều rất lỏng lẻo. Họ chỉ hỏi 1 câu là biết gì về vàng, có biết về chứng khoán không là tôi đã được nhận vào làm nhân viên…", Thượng úy Trương Quang Tuấn, Phòng 2, Cục CSPCTPCNC, Bộ Công an kể lại.

Công ty Khải Thái có mức thưởng rất cao mỗi khi nhân viên kinh doanh kiếm được khách hàng ký hợp đồng mới. Chỉ cần mở được 1 hợp đồng trị giá 500 triệu, mỗi nhân viên đã được hưởng hoa hồng tới 80 triệu đồng, ngoài ra còn rất nhiều phần thưởng may mắn được công ty trao vào cuối tháng, tháng nào cũng có nhân viên trúng điện thoại xe máy SH, laptop, Macbook…

Theo Đại úy Lê Anh Tuấn, vào thời điểm năm 2014, trinh sát điều tra phát hiện có khoảng hơn 2.000 nhà đầu tư góp vốn vào công ty Khải Thái. Các nhà đầu tư góp vốn nhưng công ty không có hoạt động nào trên thị trường Việt Nam và nước ngoài. Đó là dấu hiệu cơ bản xác minh công ty Khải Thái vi phạm pháp luật. Đặc biệt, khi lực lượng trinh sát về nhà đối tượng Nguyễn Mạnh Linh, điều bất ngờ là gia cảnh của ông chủ công ty Khải Thái lại là hộ cận nghèo.

Chân dung Nguyễn Mạnh Linh – Giám đốc chỉ biết ký...

Giám đốc ở nhà trọ, gia đình cận nghèo, mở ra nghi vấn lật mặt ông trùm Khải Thái - Ảnh 5.

Nguyễn Mạnh Linh - Giám đốc công ty TNHH Đầu tư và tư vấn Khải Thái - sinh năm 1987, có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Lực lượng công an đã tìm đến nơi mà gia đình Nguyễn Mạnh Linh đang sinh sống. Học hết lớp 12, Linh lên Hà Nội làm thuê và có gửi một ít tiền về cho mẹ để sửa nhà. Dù mới được sửa chữa nhưng nhìn ngôi nhà, không ai nghĩ nó lại là của một giám đốc công ty có doanh thu lên tới hàng trăm tỉ đồng. Hàng xóm của Linh cho biết gia đình Linh là hộ cận nghèo.

Tiếp tục điều tra, các trinh sát phát hiện Linh đang sinh sống trong một xóm trọ tại Vạn Phúc, quận Hà Đông. Không có kiến thức về kinh doanh tài chính nhưng Linh được hưởng lương 10 triệu đồng/tháng. Nhiệm vụ duy nhất của Linh là đến toà nhà CharmVit để ký giấy tờ cho một người Đài Loan tên Hsu Ming Jung, thường gọi là SAGA. Có những ngày, Linh phải ký khống hàng trăm phiếu thu theo lệnh của ông chủ.

Giám đốc ở nhà trọ, gia đình cận nghèo, mở ra nghi vấn lật mặt ông trùm Khải Thái - Ảnh 6.

Lúc này, các trinh sát đã lần ra được dấu vết những người có thể coi là bộ não điều hành mọi hoạt động của Khải Thái. Dưới Nguyễn Mạnh Linh, công ty còn có Đoàn Thị Luyến - Giám đốc Điều hành trụ sở chính tại toà nhà CharmVit, Đinh Thị Hồng Vinh - Giám đốc Điều hành văn phòng tại toà nhà Plaschem, Tăng Hải Nam – Giám đốc Điều hành văn phòng lại Lotte Liễu Giai và Trịnh Hoà Bình là Kế toán trưởng. Tất cả những người đứng đầu các văn phòng này đều có liên hệ mật thiết với SAGA.

Ông trùm giao hạn mức huy động vốn cho mỗi văn phòng chi nhánh tối thiểu từ 30 đến 40 tỉ đồng/tháng. Cao điểm nhất là vào tháng 9/2014, chỉ riêng văn phòng tại CharmVit, Đoàn Thị Luyến đã chỉ đạo các nhân viên kinh doanh huy động vốn lên tới 67 tỉ đồng. Tất cả số tiền này, kế toán đã giao cho SAGA mà không có giấy tờ ký nhận. 

Thâm nhập vào hệ thống sổ sách của Khải Thái, các trinh sát phát hiện SAGA không có báo cáo tài chính về việc đầu tư trên sàn forex tại nước ngoài. Xác minh tại Ngân hàng Nhà nước, trong danh sách các tổ chức tín dụng được cấp phép mua bán vàng miếng, hoạt động ngoại hối không có tên công ty này, có vài lần SAGA chuyển tiền về Đài Loan nhưng theo đường tiểu ngạch.

Bắt đầu chiến dịch đánh sập các sàn vàng ảo....

Giám đốc ở nhà trọ, gia đình cận nghèo, mở ra nghi vấn lật mặt ông trùm Khải Thái - Ảnh 7.

Với các bằng chứng đã thu thập được, Bộ Công an đã lên kế hoạch triệt phá ngăn chặn các sàn vàng ảo hoạt động trái phép tại Việt Nam. Tháng 9/2014, VGX là sàn vàng đầu tiên bị đánh sập. SAGA lo lắng và đã quyết định đánh một trận lớn để huy động vốn tuồn về Đài Loan, hòng biến mất khỏi Việt Nam trước khi sàn Khải Thái rơi vào tình trạng như VGX. 

SAGA đã chỉ đạo cho các giám đốc kinh doanh tổ chức một hội thảo lớn tại Trung tâm Hội nghị quốc gia để giới thiệu về dự án bất động sản Khách sạn tình yêu - Welove trên mặt đường Nguyễn Chánh, quận Cầu giấy. Xác minh địa điểm dự án này, các trinh sát phát hiện chủ sở hữu lô đất chính là công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sao Phương Bắc.

Với những lời quảng cáo có cánh, đúng như suy đoán của ban chuyên án, hội thảo giới thiệu dự án Khách sạn tình yêu - Welove đã thu hút hàng nghìn khách hàng tham gia. Một chiêu trò khiến nhiều nhà đầu tư tin tưởng chính là việc treo nhiều băng rôn, quảng cáo cho dự án Welove của công ty Khải Thái trên khu đất trống này.  Trong khi trên thực tế, nó chỉ là dự án ảo, không có thật… Vấn đề đặt ra đối với ban chuyên án là nếu không ngăn chặn kịp thời việc huy động vốn cho dự án ảo này thì sẽ có thêm hàng trăm nhà đầu tư khác bị lừa.

Hình ảnh tại hiện trường: Lực lượng công an đã thu giữ tang vật là số lượng tiền mặt rất lớn

Việc ngăn chặn hành vi lừa đảo của Khải Thái trước áp lực có quá nhiều khách hàng đã tin tưởng công ty này là một chuyện không đơn giản. Trong thời gian chuẩn bị phá án, ban chuyên án 814K đã phải tranh luận rất nhiều về tội danh, hành vi phạm tội của ông trùm. Một trong những khó khăn của cơ quan điều tra chính là việc ông trùm không tham gia bất kỳ vị trí nào trong công ty, các hành vi cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chủ yếu được thực hiện bởi các giám đốc người Việt Nam. Nếu không bắt được SAGA, để đối tượng trốn về nước thì sẽ gây thiệt hại cho hàng nghìn khách hàng.

Chiều 1/10/2014, theo chỉ  đạo của Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Cục CSPCTPCNC và Cục Cảnh sát Hình sự đã bất ngờ khám xét trụ sở công ty Khải Thái, đồng thời tiến hành bắt khẩn cấp SAGA, Nguyễn Mạnh Linh, các giám đốc kinh doanh cùng kế toán trưởng. Tại nơi ở của SAGA, lực lượng công an đã thu giữ lượng lớn tiền mặt.

3 năm sau, tại phiên toà xét xử SAGA và đồng bọn...

Khi thực hiện thành công chuyên án 814K triệt phá sàn vàng Khải Thái, chỉ có 717 người là khách hàng đến trình báo tại cơ quan điều tra. Theo lời khai của SAGA, tiền thu được từ ủy thác đầu tư của khách hàng, anh ta đã chuyển 1 triệu USD cho các đối tượng ở Đài Loan. Ngoài ra, SAGA chi phí cho việc trả lương, thưởng cho nhân viên, trả tiền thuê văn phòng.

Hội đồng xét xử cho rằng trong vụ án này SAGA giữ vai trò chính, đưa ra những thông tin gian dối, dùng nhiều hình thức quảng cáo để tạo niềm tin cho khách hàng. Hành vi của SAGA và các đồng phạm được cho là nguy hiểm, xâm phạm tài sản công dân, trật tự an ninh xã hội… Bằng thủ đoạn bất hợp pháp và gian dối, SAGA và các đồng phạm đã lừa đảo, chiếm đoạt 264 tỉ đồng của hơn 717 bị hại.  Bị cáo đã phải lãnh án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lập ra nhiều chuyên án đấu tranh với hình thức kinh doanh huy động vốn trái phép để lừa đảo, lực lượng cảnh sát công nghệ cao trên toàn quốc đã triệt phá hàng loạt sàn vàng như VGX, Khải Thái, BBG, HGI, 24 Gold. Đây được coi là một loại tội phạm mới chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam vào thời điểm trước năm 2015.  

Phim tài liệu: Lần theo dấu vết - Tập 5

Là loạt phim tài liệu do Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài THVN sản xuất, "Lần theo dấu vết" sẽ mang tới cho khán giả 30 chuyên án đặc biệt chấn động dư luận một thời. Phim sẽ nhắc tới các loại tội phạm nguy hiểm về ma tuý, bắt cóc, tội phạm công nghệ cao, với những cái tên như Tàng Keangnam, Vũ Xuân Trường... Tất cả sẽ được ê-kíp đạo diễn, phóng viên, biên tập viên tái hiện công phu, thể hiện cuộc đấu trí quyết liệt giữa các trinh sát, điều tra viên với các băng nhóm tội phạm cộm cán trong loạt phim này.

Bài viết: Thanh Huyền
Hình ảnh: Nguyễn Duy

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước