Cuối năm 1981, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thành và Truyền hình Việt Nam, kiêm Tổng biên tập Đài Truyền hình Trung ương - ông Lê Quý –đã đưa ra chủ trương tổ chức Liên hoan truyền hình toàn quốc với mong muốn qua liên hoan này, những người làm truyền hình trong cả nước sẽ có dịp gặp gỡ, giao lưu và trao đổi chương trình, nâng cao trình độ nghiệp vụ. Liên hoan truyền hình tổ chức trước Tết bởi đây không chỉ là nơi để các đơn vị sản xuất sinh hoạt liên hoan mà còn trao đổi chương trình giữa các đài để về phát sóng dịp Tết.
"LHTHTQ tổ chức lần đầu tiên bắt đầu từ sáng kiến của Đài TH Huế và Đài TH TP. Hồ Chí Minh. Năm đó, hai Đài đã đề nghị lãnh đạo Đài THVN về việc tổ chức một ngày hội cho những người làm truyền hình" – ông Đình Thanh, nguyên Trưởng ban Thư ký biên tập, Đài THVN kể lại – "Các đơn vị thời ấy đều tỏ ra thích thú với ý tưởng tổ chức một liên hoan dành cho những người làm truyền hình, bởi mỗi đơn vị có một "đặc sản" khác nhau nên trong dịp này, có thể được cùng trao đổi. LHTH toàn quốc thời gian này thuộc Bộ Văn hóa và Thông tin Việt Nam chủ trì, thành lập BGK, BTC… Đài THVN có cử một đoàn tham gia kỳ liên hoan năm ấy".
Cho tới thời điểm này, sau nhiều năm nhà báo Đình Thanh cũng không còn nhớ chính xác bản thân đã tham gia bao nhiêu kỳ Liên hoan. Nhưng vẫn có những ký ức về lần đầu của LHTHTQ mà ông không thể quên. "Đoàn Đài Vinh sát giờ khai mạc mới có mặt, ào ào vào cổng bằng một chiếc xe tải loang lổ bùn đất với ngót chục người, vượt số đại biểu quy định. Giám đốc Nguyên bước xuống xe cười nói – Dân "quê choa" mà. Đại binh đi bằng đại xa, xin các vị đại xá", nhà báo Đình Thanh bồi hồi nhớ lại.
Liên hoan truyền hình toàn quốc lần đầu tiên diễn ra 5 ngày tại phòng họp 30m2, đơn sơ, gồm 8 đoàn đại biểu. Có 48 tác phẩm dự thi, với các thể loại tin, phim, phóng sự, phim tài liệu, ca nhạc, sân khấu. Số máy monitor của Đài Huế quá ít, BGK phải chia ra xem suốt đêm.
Nhà báo Lê Như Tâm - Nguyên Phó Giám đốc Đài Truyền hình Huế - cho biết, hồi đó, kinh phí của Đài rất hạn hẹp, có nhiều khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ. Được sự chấp nhận của lãnh đạo tỉnh và thành phố, Ban giám đốc Đài truyền hình Huế chủ trương vận động sự tham gia đóng góp của một số cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã và hệ thống chính trị địa phương.
Một số hình ảnh của các kỳ LHTHTQ tổ chức tại Huế.
"Vào những năm của thập kỷ 80, truyền hình mới mẻ, hấp dẫn, rất được ngưỡng mộ và nhận được sự quan tâm của cộng đồng nên vấn đề đưa ra được hưởng ứng nhiệt tình. Một số đơn vị sẵn sàng giúp đỡ Đài việc chăm lo, ăn ở, phương tiện đi lại tham quan cho các đoàn".
"Cảm nhận chung của những đại biểu tham dự kỳ liên hoan ấy là – Huế tuy còn nghèo nhưng tấm lòng mến khách của người Huế thật đáng trân trọng. Trước khi chia tay, xúc động động trước tấm lòng và ân tình của Huế, chị Đỗ Thanh Bình – nguyên Trưởng phòng biên tập Văn nghệ của Đài Truyền hình Quy Nhơn đã trình bày một bài thơ do chị sáng tác tặng Huế, đó là bài Huế tình yêu của tôi. Ít lâu sau, bài thơ này được chị Trương Tuyết Mai phổ nhạc và trở thành bài hát nhiều người yêu thích", nhà báo Lê Như Tâm kể lại trong cuốn kỷ yếu kỷ niệm 40 năm Đài THVN.
Vào những năm đầu thập niên 90, các kỳ Liên hoan truyền hình toàn quốc đều do Bộ Văn hóa và Thông tin Việt Nam thời ấy chủ trì. Bộ tổ chức 2 kỳ liên hoan trong một năm, trong đó vào mùa hè chỉ có các tác phẩm phóng sự, phim tài liệu với 1 BGK chấm thi. Nhà báo Đình Thanh cho hay, sau này khi xem xét các yếu tố tổ chức LHTHTQ, Đài THVN quyết định mỗi năm chỉ tổ chức một kỳ Liên hoan vào tháng 1 hoặc tháng 12, tùy thuộc vào lịch Tết Nguyên đán, mục đích là để trao đổi chương trình phụ vụ phát sóng dịp Tết.
"Ở mỗi kỳ liên hoan, các đơn vị lại mang tới những tác phẩm tốt nhất của mình nhưng số lượng ít. Thời gian đầu, LHTHTQ gặp nhiều khó khăn, bởi chưa có một phong trào thi đua. Là một kỳ Liên hoan nhưng chưa có sự phân công, đầu tư để có chiến lược tạo ra sản phẩm tham dự LHTHTQ. Nó chỉ mang tính tự phát, có tác phẩm hay thì mang tới liên hoan.
Sau này, những đơn vị tham gia đều có chủ trương rõ ràng khi sản xuất tác phẩm tham gia LHTH. Đặc biệt, khi giải thưởng tại LHTH ngày càng được đầu tư thì những người dự thi cũng có thêm cảm giác tự hào vì tác phẩm của mình được phát sóng trên những đài khác khắp cả nước. Với những đài truyền hình nhỏ, giải thưởng ở LHTHTQ khiến họ hạnh phúc lắm, nó là sự ghi nhận nên có tính khuyến khích những người làm truyền hình sáng tạo", nhà báo Đình Thanh bộc bạch.
Một số hình ảnh các kỳ LHTHTQ giai đoạn 2000 - 2010
Ban đầu, mục tiêu chính của LHTHTQ chủ yếu là mỗi năm những người làm truyền hình gặp nhau một lần để trao đổi kinh nghiệm và học tập lẫn nhau. Mục đích thứ 2 là gặp nhau trao đổi, chọn chương trình chuẩn bị phát sóng trong dịp Tết Nguyên đán. Qua mỗi năm, LHTHTQ lại mang những sắc thái khác nhau nhưng không khí nó đem đến cho những đại biểu về tham dự thì chưa từng thay đổi. Đó là niềm hân hoan.
Nhà báo Đỗ Văn Hồng đã có 10 năm gắn bó cùng LHTHTQ, từ kỳ Liên hoan thứ 20 tới 30. Với ông, màu ký ức về những năm tháng ấy vẫn vẹn nguyên. Ông bộc bạch đó là 10 năm Liên hoan truyền hình hào hứng nhất.
"Về đơn vị tham gia, 10 năm ấy có số lượng tham gia đông. Các thể loại cũng có điểm khác với hiện tại, gồm Chương trình thiếu nhi, Phóng sự ngắn, Phóng sự dài, Phim tài liệu, Chương trình khoa giáo, Chương trình ca nhạc, Phim truyện, Sân khấu. Những thể loại này được duy trì nhiều năm. Sau có thêm Giao lưu, đối thoại, tọa đàm", nhà báo Đỗ Văn Hồng chia sẻ.
"Thể loại phóng sự năm nào cũng có số lượng tác phẩm tham gia đông nhất vì tất cả các đơn vị sản xuất đều có thể tham gia. Thế mạnh đương nhiên thuộc về các Đài TH lớn nhưng nhiều đài nhỏ cũng giành HCV, bởi đó là nơi phát hiện ra các đề tài mới ở cơ sở, đi tới từng ngóc ngách ở địa phương" – nhà báo Đỗ Văn Hồng chia sẻ tiếp – "Các đơn vị hào hứng tham gia, bởi ở đó họ có thể chọn những sản phẩm có chất lượng nhất. Về nguyên tắc, những tác phẩm tham gia LHTHTQ thì các đài đều có quyền sử dụng nên sau mỗi kỳ Liên hoan, đài nào cũng hớn hở vì có chương trình phát sóng Tết rất phong phú".
"Ở mỗi kỳ Liên hoan, tôi vui và phẩn khởi khi chứng kiến sức thu hút của LHTHTQ đối với các đơn vị truyền hình. Các đơn vị cũng dành tình cảm nhiệt thành cho Đài Truyền hình Việt Nam", nhà báo Đỗ Văn Hồng tâm sự.
Trong nhiều năm qua, nhà báo Nguyễn Hà Nam - Trưởng ban Thư ký biên tập, Đài Truyền hình Việt Nam - đã trở thành gương mặt quen thuộc với các đồng nghiệp và khán giả tại mỗi kỳ Liên hoan truyền hình toàn quốc. Ở đó, khán giả thấy hình ảnh một nhà báo tận tâm, luôn theo sát từng khâu trong quá trình chuẩn bị và tổ chức ngày hội của những người làm truyền hình.
Nhà báo Nguyễn Hà Nam (ngoài cùng bên phải) và các đồng nghiệp.
Ít người biết rằng nhà báo Hà Nam đã có tới 30 năm gắn bó và đồng hành cùng với Liên hoan truyền hình toàn quốc, bắt đầu từ khi ông chỉ là một biên tập viên, đến với "sân chơi" này trong vai trò người đi dự thi. "Ngay từ năm đầu chuyển từ báo viết sang làm việc tại Đài truyền hình tỉnh Phú Yên, năm 1990 tôi đã được tham gia LHTH toàn quốc tại Cần Thơ với vai trò là một biên tập viên. Từ đó cho đến nay, hầu như năm nào tôi cũng tham gia LHTH toàn quốc cả với vai trò người đi dự thi và người tham gia tổ chức", nhà báo Hà Nam bộc bạch.
"Suốt 30 năm gắn bó với LHTHTQ, một khoảng thời gian không ngắn, nhưng mỗi lần đến với LH trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc bồi hồi, mong đợi" – nhà báo Hà Nam nói tiếp – "Lần đầu tiên tham gia LHTH toàn quốc với tôi là một kỷ niệm không thể quên. Đó là sự bỡ ngỡ, ngạc nhiên, háo hức khi được tiếp xúc với "làng truyền hình", được xem và trầm trồ trước những tác phẩm xuất sắc của đồng nghiệp trong cả nước. Ước mong rồi đến lúc nào đó mình cũng sẽ có được những tác phẩm như vậy nên trong thời gian diễn ra các kỳ Liên hoan tôi ngồi lì ở các phòng chiếu để xem hầu như tất cả các phim tài liệu, phóng sự dự thi. Có thể nói một cách chắc chắn là kinh nghiệm có được khi tham dự các kỳ LHTHTQ đã giúp cho tôi nâng cao đáng kể trình độ chuyên môn".
"Đến năm 1993, tại LHTHTQ tổ chức tại Hà Nội, tôi lần đầu tiên đạt được Huy chương vàng với tác phẩm Ma Tre làm giàu. Liên tiếp những năm sau đó, tôi cũng có được nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc, nhưng có lẽ tác phẩm đáng chú ý nhất là phóng sự khi cả xóm tập xe đạp".
30 năm là con số không nhỏ, thậm chí có người còn nói đó là nửa đời người, có lẽ vì vậy dễ dàng hiểu lý do vì sao nhà báo Nguyễn Hà Nam lại đong đầy cảm xúc mỗi khi đến kỳ liên hoan truyền hình toàn quốc.
"Theo tôi, LHTHTQ cho đến kỳ 40 này vẫn vẹn nguyên sức hấp dẫn đối với những người làm truyền hình cả nước. Được tham dự LHTHTQ - ngày hội nghề nghiệp lớn nhất trong năm của ngành - là niềm vinh dự đối với những người làm truyền hình. Giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng hiểu biết, quan hệ giữa các Đài là những điều không thể thay thế tại các kỳ LHTHTQ".
Trước mỗi kỳ Liên hoan, điều nhà báo Hà Nam lo lắng nhất là kỳ này có được nhiều tác phẩm dự thi tốt như kỳ trước không, thời tiết có thuận lợi cho các hoạt động của LH không, công tác tổ chức có chu đáo, vẹn toàn không. Nhưng sau nỗi lo là những điều thú vị. "Thú vị nhất qua mỗi lần tổ chức Liên hoan là những người tổ chức có thêm được kinh nghiệm để tự tin hơn, chuyên nghiệp hơn chuẩn bị cho kỳ Liên hoan tiếp theo; đó là sự gắn bó chặt chẽ hơn với Đài PTTH, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đăng cai", nhà báo Hà Nam khẳng định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!