Món quà đặc biệt mà dàn "cá mập" mang đến Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên không chỉ là hơn 116 tỷ đồng đầu tư mà còn là những bài học kinh doanh vô giá dành cho các start-up.
--------------------------------------------
gay từ khi lên sóng, Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ đã trở thành chương trình nhận được sự quan tâm nhiều nhất của cộng đồng khởi nghiệp nói riêng và khán giả truyền hình nói chung. "Làn gió mới giữa 'ma trận' show truyền hình" hay "Nơi hội tụ những nhà đầu tư lớn"... là một trong những cách gọi khác nhau mà người ta dành cho Shark Tank Việt Nam - chương trình truyền hình thực tế nhằm kết nối các start-up sáng tạo và đầy tham vọng với các nhà đầu tư mạo hiểm (sharks).
Trong mùa đầu tiên tại Việt Nam đã có 500 start-up nộp đơn đăng ký tham gia Shark Tank và chỉ có 48 start-up lọt vào vòng thương thuyết với các sharks. Các start-up đến từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ cho đến thực phẩm, nông nghiệp, dịch vụ… Trong đó, chiếm phần lớn là các start-up lĩnh vực công nghệ với 15 doanh nghiệp.
Những phần thương thuyết kịch tính ở Shark Tank Việt Nam.
Hơn 116 tỷ đồng được dàn cá mập "khủng" rót cho các start-up
Bắt đầu lên sóng VTV3 từ tháng 11/2017 sau 16 tập, Shark Tank Việt Nam đã có 22 start-up nhận được cam kết đầu tư trong số 48 start-up đến gọi vốn. Tổng số tiền mà 4 "cá mập" chủ chốt và các "cá mập" khách mời đầu tư cho 22 thương vụ thành công của mùa 1 là hơn 116 tỷ đồng.
Bảng giá trị đầu tư trong Shark Tank Việt Nam mùa 1 (đơn vị: tỷ đồng).
Trong đó, Shark Nguyễn Xuân Phú dẫn đầu về tổng số tiền đầu tư trong mùa đầu tiên với 28 tỷ 805 triệu đồng, tiếp đến là Shark Thái Vân Linh với 26 tỷ 800 triệu đồng và thứ ba là Shark Trần Anh Vương với 26 tỷ 180 triệu đồng. "Cá mập" khá kén ăn Phạm Thanh Hưng cũng xuống tay tới 7 tỷ 300 triệu đồng.
Riêng ba "cá mập" khách mời (guest shark) Nguyễn Ngọc Thủy, Lê Đăng Khoa và Trương Lý Hoàng Phi, dù chỉ xuất hiện trong vài tập nhưng cũng đầu tư rất ấn tượng với số tiền lần lượt là: 19 tỷ 180 triệu đồng, 4 tỷ 600 triệu đồng và 4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thương vụ nhận được cam kết đầu tư nhiều nhất trong Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên là 23 tỷ đồng của Shark Thái Vân Linh cho start-up công nghệ G-Call. Đứng nhì là thương vụ đầu tư của Shark Nguyễn Ngọc Thủy cho start-up Soya Garden với 15 tỷ đồng. Đúng thứ 3 là thương vụ đầu tư 11 tỷ đồng dành cho chuỗi rửa xe 5s của Shark Nguyễn Xuân Phú và 11 tỷ đồng cho start-up Power Ring từ Shark Trần Anh Vương.
22 thương vụ thành công trong Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên.
Về phía các start-up, ấn tượng nhất trong Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên có lẽ là hai anh chàng Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng đến từ Gcalls với cú gọi vốn thần kỳ 23 tỷ đồng. Đến Shark Tank với "mộng" chinh phục thị trường khu vực, Gcalls nhanh chóng chinh phục Shark Thái Vân Linh. Không chỉ không ngần ngại xuống tay 23 tỷ đồng, Shark Linh còn muốn gây dựng start-up này thành một "đại gia" công nghệ mới tại Đông Nam Á.
Một start-up khác cũng nhận được 15 tỷ đồng từ nhà đầu tư khách mời Nguyễn Ngọc Thủy là cặp chị em Thu Thủy - Anh Tuấn với sản phẩm Soya Garden. Với tham vọng xây dựng một chuỗi cửa hàng có thể thay thế toàn bộ sữa đậu nành trong các sản phẩm có dùng đến sữa động vật của hai nhà sáng lập, mô hình kinh doanh các sản phẩm từ đậu nành chuẩn hữu cơ này sẽ được tiếp cận tập khách hàng hiện có và tận dụng kinh nghiệm làm chuỗi của ông chủ Egroup.
Gương mặt start-up gây bất ngờ nhất tại Shark Tank Việt Nam mùa một chắc hẳn là bộ đôi sáng lập của Power Rings: MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên và HLV thể hình Huy Võ. Cặp đôi "thể thao" đã nhận được cái kết đầy viên mãn với lời đề nghị hợp tác vô cùng hấp dẫn từ Shark Trần Anh Vương, 11 tỷ đồng với thỏa thuận không nắm bất cứ cổ phiếu nào của start-up này. Thay vào đó, cứ một chiếc dây bán ra, nhà đầu tư này sẽ lấy 5 USD. Tới khi nào nhận đủ 500.000 USD thì sẽ lấy tiếp trên mỗi chiếc bán ra 1 USD.
Nguyễn Minh Thảo - Founder kiêm CEO Umbala Việt Nam gây ấn tượng với các nhà đầu tư bằng phong cách nói như đọc rap. Ấn tượng với đội ngũ giỏi cùng chất "điên", có khả năng làm được gì đó hay ho của Founder Minh Thảo, Shark Vương và Thủy liền "bắt tay" đầu tư với số tiền 260.000 USD đổi 15% cổ phần, kèm theo điều kiện được rót thêm 260.000 USD ở vòng gọi vốn sau với giảm thấp hơn 25% giá chốt với nhà đầu tư mới.
Không chỉ các start-up kể trên, dù nhận được đầu tư hay không, 48 start-up đến gọi vốn đều để lại những ấn tượng riêng, câu chuyện riêng về khởi nghiệp.
Những bài học kinh doanh vô giá...
Là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên về đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam, Shark Tank cung cấp nhiều kiến thức và cách tiếp cận thực tế qua các thương vụ đầu tư. Những bài học này có thể giúp các start-up có sự chuẩn bị tốt nhất trong quá trình gọi vốn cả trong chương trình lẫn bên ngoài.
Start-up khi tham gia Shark Tank Việt Nam dù thắng hay thua đều không bao giờ ra về tay trắng, nếu không may mắn được đầu tư, họ vẫn có cơ hội để hàng triệu khán giả và nhà đầu tư ngoài chương trình Shark Tank biết đến. Còn với những start-up thành công, sự giúp đỡ từ các "cá mập" có thể hỗ trợ họ bơi xa ra ngoài đại dương bao la.
Những bài học kinh doanh vô giá của các sharks dành cho start-up
1 - "Biết người, biết ta"
"Tồn tại hay không tồn tội chính là bạn phải thay đổi".
Shark Nguyễn Xuân Phú
Sai lầm lớn nhất mà các start-up Việt được thường mắc phải tại Shark Tank đó là về định giá công ty. Hơn 2/3 start-up đến Shark Tank kêu gọi vốn đều định giá công ty ở mức "trên trời". Yêu cầu một số tiền và việc nói về lý do có thể giúp bạn đạt được con số này là hoàn toàn khác nhau. Do đó, các start-up cần phải biết rõ con số của mình như lòng bàn tay.
Tại sao lại yêu cầu một con số nhất định và dự định làm những gì với nó, họ phải nắm rất chắc điều này. Vì vậy, tính toán là điều rất quan trọng.
2 - "Tiền không phải là tất cả"
Một số start-up tham gia Shark Tank Việt Nam thương thuyết bị thất bại, song họ có thể tận dụng những lời khuyên của các sharks để khắc phục điểm yếu, đồng thời xây dựng một doanh nghiệp vững mạnh hơn.
"Hãy cứ ngã, đớn đau và mất mát thì đời sẽ dạy bạn tinh khôn"
Shark Phạm Thanh Hưng
Ngay cả khi shark từ chối rót vốn, start-up vẫn không ra về tay trắng bởi những sáng kiến shark đưa ra chính là chiếc chìa khóa định hướng phát triển cho doanh nghiệp. Đây còn là cơ hội vàng để giới thiệu sản phẩm của start-up, đặc biệt với lượng người xem rất lớn trên sóng truyền hình và trên nhiều kênh truyền thông khác.
3 - Trình bày vấn đề
Bài thuyết trình sản phẩm ấn tượng đóng góp một phần quan trọng trong các câu chuyện thành công. Nó giúp thu hút sự chú ý của các sharks và giúp họ có thêm đầu mối để đặt câu hỏi cho công ty, điều này sẽ khuyến khích các start-up nói nhiều hơn về sản phẩm của mình.
4 - Cấu trúc công ty và nhu cầu thị trường
"Nếu không có khởi nghiệp thì sẽ không có khởi nghiệp thành công".
Shark Trần Anh Vương
Hầu hết các sản phẩm hoặc dịch vụ đều đang tìm kiếm giải pháp cho cùng một vấn đề. Các shark sẽ sẵn sàng rót tiền vào một giải pháp hay một sản phẩm khi nó có khả năng giải quyết một vấn đề hoặc tự tạo ra một thị trường mới.
5 - Quy tắc 10 giây
Khi giao dịch với các sharks, 10 giây đầu tiên sẽ quyết định xem trường hợp của bạn thành hay bại. Một doanh nhân phải có khả năng trình bày rõ ràng về doanh nghiệp của họ với số liệu chính xác trong khoảng 10 giây.
Các sharks không có nhiều thời gian để lắng nghe những câu chuyện, nó có thể dành ở phần cao trào, nhưng 10 giây đầu tiên quyết định rất nhiều điều.
Tuy nhiên, những con số đầu tư ấn tượng hay những bài học kinh doanh nói trên vẫn chưa đủ để nói hết về thành công của Shark Tank ngay trong mùa đầu tiên lên sóng tại Việt Nam. Không chỉ mang lại một làn gió mới giữa "ma trận" các chương trình truyền hình, Shark Tank còn thổi một tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm cho cộng đồng, tạo ra niềm cảm hứng rất lớn cho cộng đồng khởi nghiệp và toàn xã hội.
Trải qua hơn 3 tháng lên sóng, mùa đầu tiên của Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ đã khép lại trong sự nuối tiếc của nhiều người xem. Tuy nhiên, những điều thú vị vẫn còn ở phía trước. Cuộc hội ngộ của Shark Tank với khán giả truyền hình sẽ sớm diễn ra vì chương trình đã bắt đầu nhận hồ sơ ứng tuyển cho mùa 2. Chắc chắn, ngoài số tiền đầu tư có khả năng lập kỷ lục mới, chương trình vẫn sẽ tiếp tục mang đến những phút giây vừa kịch tính, vừa giải trí nhưng đi kèm với đó là những bài học thật về thương trường đầy "thiên biến vạn hóa" của nền kinh tế hội nhập và năng động.
Đinh Hương