Mỗi chú voi đều mang những vết thương gắn với một câu chuyện riêng, nhưng cũng chứng minh cho nỗ lực của đội ngũ làm công tác bảo tồn.

Còn nhớ có thời gian trước đây, mỗi khi đến Đắk Lắk, người ta nghĩ đến loại hình du lịch cưỡi voi ở Bản Đôn như một trải nghiệm đặc biệt nhất định phải thử. Những chú voi gầy guộc, phờ phạc nhưng vẫn phải chở 2 – 3 người khách trên lưng, thậm chí có lúc đến 5 - 6 người vào các ngày lễ, tết để mang về thu nhập cho chủ của chúng và điểm du lịch. Ngày hôm nay, một số voi vẫn tham gia làm du lịch, nhưng đã được cư xử một cách tử tế, thân thiện hơn, đặc biệt, chúng được trả lại cuộc sống tự do trong ngôi nhà thiên nhiên hoang dã. Tuy vậy, còn gần 20 cá thể voi khác vẫn chưa được giải cứu khỏi việc phục vụ thú vui và lợi ích của con người.

Ngắm voi trong rừng tự nhiên - Du lịch nhân đạo để bảo tồn loài voi - Ảnh 1.

Năm 2018, Tổ chức Ðộng vật châu Á (Animals Asia) hỗ trợ kinh phí, chuyên gia kỹ thuật và phối hợp Vườn quốc gia Yok Đôn chấm dứt hoạt động cưỡi voi và triển khai mô hình trải nghiệm du lịch sinh thái thân thiện với voi, nhằm bảo tồn đàn voi nhà tại Ðắk Lắk. Sau mỗi năm miệt mài kêu gọi, tuyên truyền, vận động các hộ dân thả voi về rừng thực hiện du lịch thân thiện với voi, vẫn mang lại giá trị, thu nhập kinh tế từ voi nhưng đảm bảo phúc lợi cho chúng, đến nay đã có tổng cộng 9 cá thể voi được sống tự do trong diện tích 115.545 ha rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Yok Đôn. 

 Ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ VQG Yok Đôn chia sẻ: “Trước đây voi bị sử dụng để cho du khách cưỡi, bắt pha trò mua vui cho khách hoặc phục vụ sản xuất nông nghiệp nên rất gầy gò, sức khỏe giảm sút. Hình ảnh loài động vật to lớn nhóm 1B nguy cấp bị bóc lột sức lao động trông rất phản cảm, đáng thương. Chỉ sau hơn một năm được thả về tự nhiên, không bị xiềng xích và áp bức, voi đã khỏe mạnh, vận động nhanh nhẹn, mập mạp hơn. Lá cây, vỏ cây và rễ cây cũng là những loại thuốc giúp chúng tự chữa bệnh theo bản năng tự nhiên của loài voi, đặc biệt là bệnh đường ruột. Đôi khi, voi biết được tình yêu thương của con người nên còn đùa giỡn, pha trò, e thẹn làm dáng với du khách.”

Ngắm voi trong rừng tự nhiên - Du lịch nhân đạo để bảo tồn loài voi - Ảnh 2.

Mỗi ngày, Vườn chỉ đón tối đa 4 tour, mỗi tour tối đa 6 du khách để giảm thiểu tiếng ồn và sự phiền toái, áp lực cho voi. Du khách cũng phải tuân thủ theo hướng dẫn, giữ im lặng và ngắm voi ở khoảng cách ít nhất 30m chứ không được sờ, chạm hay làm những hành động kích động đến voi. Thông qua trải nghiệm 3 giờ đồng hồ theo chân voi, du khách sẽ biết thêm về những hoạt động thường ngày của chúng, cùng rất nhiều thú vị khác như mỗi ngày một con voi ăn 10% thức ăn so với trọng lượng cơ thể, tương đương 400 – 500kg thức ăn cho một chú voi nặng 4 – 5 tấn; hay câu chuyện về sự chung thủy của voi trong tình yêu đôi lứa, sự nhạy bén trong thiên nhiên của loài voi, tính cách và nguồn gốc, lý lịch của từng cá thể voi.

Ngắm voi trong rừng tự nhiên - Du lịch nhân đạo để bảo tồn loài voi - Ảnh 3.

Tại Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk, hiện có 3 cá thể voi đang được nuôi dưỡng và chăm sóc trong khu vực rộng 10.000 ha. Mỗi chú voi đều mang những vết thương gắn với một câu chuyện riêng, nhưng cũng chứng minh cho nỗ lực của đội ngũ làm công tác bảo tồn. 

Bác sĩ thú y Cao Xuân Ninh đã làm việc ở đây tròn 10 năm. Nhớ những ngày đầu mới ra trường, chập những xin việc vào trung tâm khi ấy mới thành lập, anh thường xuyên đi khắp các buôn làng để cứu chữa cho voi nhà, khi thì bị đứt đuôi, lúc có khối u phải mổ,… Rồi đến những năm 2015 – 2016, anh bắt đầu đi cứu hộ những con voi rừng bị dính bẫy, bị tai nạn. Cứ thế đến nay, người đàn ông quê Quảng Bình tâm niệm “công việc ở Đắk Lắk như một cái duyên, có lẽ mình sinh ra để cứu chữa cho động vật.” 

Hàng ngày, anh Ninh trực tiếp điều trị vết thương cho chú voi tên Jun. Jun vào đây từ 2015 do bị dính bẫy bị thương ở chân và vòi. Đã hơn 10 năm nay, Jun mang chiếc vòi có lỗ, chân ngày nào cũng phải ngâm thuốc. Vì xót xa, anh còn không muốn nó lớn hơn nữa bởi cơ thể sẽ đè nặng vào chiếc chân bị đau…

Ngắm voi trong rừng tự nhiên - Du lịch nhân đạo để bảo tồn loài voi - Ảnh 4.

Khoảnh khắc xúc động nhất trong hành trình làm nghề của anh Ninh là khi cứu hộ chú voi tên Gold. “Nó bị rơi xuống hố, kêu la nguyên một đêm đến khản cả tiếng, khát khô, miệng đầy bùn chỉ còn vòi ở trên mặt đất để thở. Lúc đó là mùa khô, chúng mình phải đi cả chục cây số để kiếm được can nước 20 lít cho nó uống. Cứu sống được nó, mình cảm thấy rất hạnh phúc, cứ tưởng tượng mình đang chết đói, chết khát mà có người cứu mình lên. Nuôi nó tới bây giờ 8 năm rồi. Mình không quên được ngày 28/3/2016 đó.” – Anh Ninh cười. 

Dù khi mới cứu hộ được, các cán bộ ở Trung tâm đã cố gắng đưa Gold về rừng trong 21 ngày liên tiếp, nhưng không đàn nào nhận. Vậy là những người đàn ông phải tự mầy mò cách nuôi voi con, từ việc lấy nước gạo cho nó uống, pha sữa, đến việc tập cho voi biết dùng vòi,... Ngày qua ngày, tháng qua tháng, sau 8 năm được nuôi dưỡng, chú voi con trẻ nhất Bản Đôn đã tăng từ 80kg lên 1,4 tấn. Gold là trường hợp đầu tiên mà con người nuôi thành công một chú voi con hoang dã ở Việt Nam.

Ngắm voi trong rừng tự nhiên - Du lịch nhân đạo để bảo tồn loài voi - Ảnh 5.
Ngắm voi trong rừng tự nhiên - Du lịch nhân đạo để bảo tồn loài voi - Ảnh 6.

Năm 2016, dự án khuyến khích voi nhà sinh sản được tỉnh Đắk Lắk triển khai. Kết quả sau gần 3 năm thực hiện với sự giúp đỡ của các chuyên gia về voi đến từ Tổ chức Động vật châu Á, Tổ chức Chăm sóc voi quốc tế, Tổ chức Phúc lợi động vật hoang dã, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, Vườn thú North Carolina (Mỹ), Vườn thú Rotterdam (Hà Lan) và Trung tâm Bảo tồn voi Thái Lan… đã xác định được 8 cá thể voi cái hiện nay còn khả năng sinh sản. Qua quá trình bắt cặp giao phối tự nhiên, bước đầu đã có 3 voi mang thai, nhưng đến lúc sinh thì voi con bị chết ngạt trong đường sinh dục, do voi mẹ lớn tuổi và mới sinh sản lần đầu. 

Anh Nguyễn Đại Bàng, Trưởng phòng Bảo tồn voi chia sẻ: “Các chuyên gia hàng đầu quốc tế về voi đã theo rất sát sao, nhưng vấn đề do voi của mình thôi. Độ tuổi sinh sản tốt nhất của voi là 15 – 28 tuổi, nhưng những voi cái ở Đắk Lắk đã gần 40 tuổi mới sinh lần đầu. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện. Vì bước đầu đã mang thai tốt, nên hi vọng lần 2 việc sẽ khả quan hơn.”

Ngắm voi trong rừng tự nhiên - Du lịch nhân đạo để bảo tồn loài voi - Ảnh 7.

Với tình yêu động vật hoang dã, ông Ryan Hockley, Cố vấn phúc lợi động vật của Tổ chức Động vật Châu Á đã có 35 năm kinh nghiệm làm việc với voi, và ông cũng đang có hành trình hơn 3 năm xa quê hương nước Anh để thực hiện công việc ý nghĩa tại Việt Nam. Ông giúp bảo đảm sức khỏe và phúc lợi cho voi ở Yok Đôn nói riêng và trên cả nước nói chung. 

“Bất cứ cá thể voi nào ở Việt Nam gặp vấn đề về sức khỏe, tôi sẵn lòng thăm khám và tư vấn hướng điều trị cho chúng. Tôi thấy mô hình du hình du lịch thân thiện ở VQG Yok Đôn đang hoạt động rất tốt và mạnh mẽ. Voi thực sự được tự do sống trong rừng. Tôi không tìm thấy bất cứ mô hình nào ở Đông Nam Á mà tốt hơn ở đây.” – Ông Ryan Hockley bày tỏ sự hạnh phúc của mình khi được gắn bó với những chú voi ở Việt Nam.

Ngắm voi trong rừng tự nhiên - Du lịch nhân đạo để bảo tồn loài voi - Ảnh 8.

Trong khoảng 30 năm trở lại đây, số lượng voi Tây Nguyên nói riêng và voi ở Việt Nam nói chung suy giảm nhanh. Nếu không quyết liệu cấm hoạt động cưỡi voi để đưa voi về với tự nhiên thì voi Tây Nguyên sẽ có nguy cơ tuyệt chủng và cả nguy cơ bị quên lãng.

Ngắm voi trong rừng tự nhiên - Du lịch nhân đạo để bảo tồn loài voi - Ảnh 9.

“Vốn dĩ hàng năm voi hoang dã đi theo con đường của chúng, nhưng con người phá rừng làm rẫy vô tội vạ, thì buộc voi phải đi qua rẫy của người dân. Như vậy bảo voi phá người là không đúng. Môi trường sống bị thu hẹp, càng ngày càng có ít voi xuất hiện. Chúng tôi phải thành lập các tổ giám sát ở các địa phương để tuyên truyền, phòng tránh xung đột giữa voi và người.” - Anh Nguyễn Đại Bàng, Trưởng phòng Bảo tồn voi bộc bạch thêm. 

Trong khu rừng lấp lánh nắng mặt trời của Vườn quốc gia Yok Đôn, từng cặp voi được tự do đi lại, ăn loài cây chúng thích, uống nước và tắm mát bên suối mà không phải chịu bất cứ tác động nào của con người. Những khoảnh khắc ấy khiến mọi du khách đều cảm thấy xúc động. Hiện nay, còn gần 20 cá thể voi chưa được về rừng mà vẫn đang phải phục vụ du lịch cưỡi voi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là huyện Lắk. Cách đây vài năm, một chú voi nhà tên Y Mâm đã từng tấn công 2 người chủ do bị bỏ đói, bọc lột quá mức. Đây là lời cảnh tỉnh để du khách dừng việc cưỡi voi và người dân cần đưa voi về tự nhiên để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Dẫu voi đã được nhiều hộ dân coi như thành viên trong gia đình, hay voi gắn liền với các lễ hội truyền thống của buôn làng từ bao đời nay, nhưng voi cũng xứng đáng được sống hạnh phúc trong ngôi nhà thiên nhiên của mình.

Ngắm voi trong rừng tự nhiên - Du lịch nhân đạo để bảo tồn loài voi - Ảnh 10.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước