***

Thời gian gần đây, NSND Lê Khanh như con thoi, chạy đi chạy lại giữa Đài truyền hình Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ. Không chỉ bận rộn trên phim trường khi tiếp tục quay phần 2 bộ phim mới Mẹ ơi, bố đâu rồi?, chị và các nghệ sĩ nhà hát Tuổi trẻ còn bận lịch tập với đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama để dàn dựng vở kịch Nga - Cậu Vanya của A.P.Chekhov.

“Thời điểm bài viết này lên cũng là lúc chị cùng với các đồng nghiệp đang thăng hoa trên sân khấu khi vở kịch được công diễn lần lượt tại 3 thành phố Hà Nội, Hạ Long và Hải Phòng”.

Lịch hẹn với chị vì thế mà cũng bị thay đổi mấy lần. Đón NSND Lê Khanh khi trời đã chập tối, chị tươi cười khoe hôm nay chắc được về sớm vì như hôm trước còn giảng dạy sinh viên đến 23h bởi “các em sung quá”. 10 năm mới quay trở lại màn ảnh nhỏ, đó cũng là cái cớ để chúng tôi mời chị cùng ngồi lại, chia sẻ về khoảng thời gian vắng bóng và cũng là dịp để chị được tự sự nhiều hơn với khán giả. Khi bắt đầu câu chuyện, NSND Lê Khanh đã nói về sự trở lại của mình, nhưng trong đó phần lớn là nhắc đến sân khấu, điều mà khiến ánh mắt của chị lúc nào cũng lấp lánh niềm vui và sự tự hào.

NSND Lê Khanh chia sẻ thực ra không có lý do đặc biệt nào khiến chị quyết định trở lại với màn ảnh nhỏ. Đơn giản vì đó là cơ duyên, khi đến ngày đến tháng đến năm thì sẽ đến. Chị đến với điện ảnh đầu tiên dù truyền thống của gia đình là nghệ thuật sân khấu. Chị nhớ lại việc cộng tác với truyền hình từ khi còn rất nhỏ, vào năm 8 tuổi. Ngày đó chị tham gia những bộ phim truyền hình đầu tiên tại trường quay ở 58 Quán Sứ, Hà Nội. NSND Lê Khanh thấy tiếc vì không thể giữ được tư liệu. Khi đó, phim vừa quay vừa dựng, chưa có công nghệ băng để ghi hình lại.

Nghĩ lại thì chị cảm thấy mình có duyên với dấu mốc 10 năm một. Sau điện ảnh và truyền hình, chị mới đến với sân khấu vào năm 15 tuổi. Kể từ khi vào nhà hát Tuổi trẻ năm 1978, 10 năm sau chị mới quay trở lại phim trường. Trong 10 năm đó, chị dành thời gian và công sức để định hình phong cách sân khấu. Rồi thời gian qua đi, chị cứ mải miết với ánh đèn sân khấu để 10 năm nữa mới trở lại với Mẹ ơi, bố đâu rồi?.

Thời gian đã quá lâu rồi khiến chị cảm thấy lo lắng và hồi hộp nhiều. Trong những năm qua, chị cũng nhận được nhiều lời mời quay lại với điện ảnh nhưng thời gian ít ỏi quá. Thậm chí, có những năm chị đã nhận 3 phim nhưng cuối cùng đành phải xin lỗi vì vướng các chương trình nghệ thuật của nhà hát Tuổi trẻ. Đến bây giờ, chị mới có thời gian thực hiện được ước mơ được trở lại chiến trường xưa.

Lê Khanh cũng chia sẻ chị buộc phải lựa chọn giữa sân khấu và điện ảnh vì lý do duy nhất là thời gian. Gia đình chị là một gia đình làm nghệ thuật nhiều đời cho nên quan điểm của bố mẹ là không được phép từ chối bất cứ lời mời nào. Vì mỗi lời mời là một món quà quý, một sự may mắn. Thế nên, bố mẹ chị có một quan điểm nếu như các con từ chối làm nghệ thuật, từ chối một cơ hội may mắn làm nên một tác phẩm có ý nghĩa trong cuộc sống thì đó là có lỗi với đạo làm nghề. Chị buộc phải chọn lựa khi quỹ thời gian và điều kiện của mình không cho phép. Khi có con, chị chỉ có thể chọn lựa một. Bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật thì chị còn một tác phẩm khác là gia đình. Chị bảo mình không thể nào tham lam có tất cả mọi thứ cùng một lúc. Đời sống nghệ sĩ thì di chuyển nhiều quá, luôn luôn trong đời sống rất động. Cho nên khi có con chị buộc phải lựa chọn sân khấu và thầm hứa với bản thân khi có nhiều thời gian hơn thì sẽ quay trở lại với điện ảnh

Lê Khanh kể cũng có nhiều lần chị nhớ quá và cũng vì vai diễn hay quá, điển hình như là phim Người Hà Nội thì chị mới nhận lời. Khi đó chị vừa sinh con gái đầu lòng được 6 tháng. Chị cũng vừa quay trở lại sân khấu với tác phẩm rất lớn là vở kịch Vũ Như Tô của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Cùng trong thời gian đấy chị nhận lời mời đóng phim Người Hà Nội, hình thành từ tiểu thuyết Phố của nhà văn Chu Lai. Chị đấu tranh tư tưởng nhiều lắm, nếu như không làm thì tiếc cả một đời. Đoàn làm phim hứa hẹn với chị sẽ cho người đưa đi đón về, đảm bảo thời gian chăm con đồng thời không ảnh hưởng gì đến sân khấu. Cuối cùng chị cũng có một bộ phim thành công sau bao nhiêu nỗ lực, hi sinh, cố gắng của không chỉ bản thân mà còn của chồng, gia đình và ê-kíp làm phim. Họ đã giúp đỡ chị hoàn thành trách nhiệm của người mẹ có con nhỏ, đồng hành với chị và cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật khiến khán giả thực sự hài lòng.

Chị bảo nhhiều khi đi làm trên đường, từ xa nhìn thấy những chiếc đèn và máy quay ngoài phố, khi phát hiện có một đoàn làm phim thì chị không dám nhìn, đành phải đi qua một đường khác. Đôi khi phải kiềm chế nỗi nhớ, đam mê lại.

Nhưng bù lại bên sân khấu cũng cho chị biết bao nhiêu điều kỳ điệu. Cho nên chị lại được lấp đầy khoảng trống của cái sự nhớ nhung và bên cạnh đó còn có một gia đình rất hạnh phúc.

Lê Khanh tự nhận mình là người rất nhát, không tự tin được như mọi người nghĩ. Có lẽ nhiều khán giả không thể tin được và cũng không thể tưởng tượng được, chị hiếm khi dám xem lại những hình ảnh của mình trong phim. Lý do là vì những gì lên phim rồi thì khi công chiếu, phát sóng không bao giờ sửa lại được nữa. Vậy nên, ở lần trở lại này, chị càng căng thẳng hơn. Chị lo nhất là bị lẫn lộn tính chất về thể loại và không muốn đóng phim nhưng lại bị bảo là như diễn kịch hay diễn kịch lại như đóng phim. Chị lúc nào cũng nhắc mình phải cân bằng. Đối với bộ phim Mẹ ơi, bố đâu rồi?, Lê Khanh thừa nhận phim có sự hấp dẫn, kịch tính nên ranh giới giữa thể loại nghệ thuật và điện ảnh không đáng là bao. Khi phim được phát sóng, chị thú nhận cũng chưa dám xem. Thấy đồng nghiệp cứ diễn xong là xem lại cảnh đã diễn, NSND Lê Khanh lại thấy họ can đảm quá. Chị bảo nghệ sĩ không bao giờ thoải mái và bằng lòng với những gì mình đã làm, nên nếu xem lại thì sẽ bị mất tinh thần ngay. Nếu không biết thì vẫn có thể bay bổng, vô tư diễn, còn đâu sẽ có đạo diễn và quay phim nhắc. Nghĩ lại ngày phim Người Hà Nội được chiếu, phải một năm rưỡi sau, chị mới rón rén xem lại khi đã tin tưởng rằng đó là một bộ phim hay. Cho đến giờ mỗi khi xem lại, chị càng thấy hay hơn bởi vì thời gian qua đi, giá trị để lại vẫn còn nguyên vẹn.

Khi được hỏi về những cảnh quay khiến chị nhớ nhất trong Mẹ ơi, bố đâu rồi?, Lê Khanh đã chọn cảnh quay đầu tiên, cảnh quay đóng với mẹ - NSƯT Lê Mai và cảnh quay đóng máy kết thúc bộ phim. Trong đó, cảnh quay với mẹ - NSƯT Lê Mai là mong ước của chị trong suốt nhiều năm. NSND Lê Khanh còn nhớ lại từng được diễn cùng bố - NSND Trần Tiến vào năm 8 tuổi. Chị đóng vai cháu và bố thì đóng vai ông ngoại. Với NSƯT Lê Mai, chị mới chỉ được diễn với mẹ trong một vở kịch Ấn Độ. Lê Khanh chỉ ước một lần được đóng với bố mẹ trong phim truyền hình, như chị cả Lê Vân đóng với bố trong hai bộ phim Tự thú trước bình minh và Thằng Bờm. Và may mắn trong Mẹ ơi, bố đâu rồi? có một tập chị được đóng cùng mẹ. Hai mẹ con cũng chỉ vừa mới quay xong. NSƯT Lê Mai đóng vai bà ngoại. Với Lê Khanh, đó là cảnh khiến chị vô cùng xúc động.

Mẹ ơi, bố đâu rồi? là bộ phim truyền hình đánh dấu sự trở lại của NSND Lê Khanh. Khán giả thấy bất ngờ vì tác phẩm chị chọn lựa cho thời điểm đặc biệt này lại là một bộ phim hài. Nhiều người nhớ lại hình như chưa xem Lê Khanh diễn hài bao giờ. Thế nhưng, chị bảo đó chỉ là trên điện ảnh, trên truyền hình, còn sân khấu thì chị tự tin với cái duyên hài của mình.

NSND Lê Khanh nhớ lại năm 1999, lúc đó sân khấu bắt đầu thiếu thốn, hiếm hoi về mặt kịch bản thì các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ quyết định dàn dựng một chương trình hài. Đó chính là chùm hài kịch Đời Cười. Vai diễn hài đầu tiên của NSND Lê Khanh là trong vở hài kịch ngắn Chỉ tại cái tai. Chị đóng vai bà già 85 tuổi bị điếc và mới lấy chồng. Nữ NSND bật cười khi nhớ lại nhân vật mình diễn vào ngày đó. Lê Khanh cũng ví vở hài kịch ngắn Chỉ tại cái tai như là một giọt nước làm đầy ly, giúp danh hiệu NSND đến gần hơn với sự nghiệp sân khấu của chị so với mọi người.

Chùm hài kịch Đời Cười trở thành hiện tượng của sân khấu ngày đó, ảnh hưởng cũng được lan toả khắp nơi, đến với điện ảnh và truyền hình. NSND Lê Khanh kể lại ở sân khấu, chị được đóng nhiều vai hài có tính cách và xuất thân trong xã hội khác nhau, muôn màu muôn vẻ. Đó chính là sức hấp dẫn của sân khấu. Thế nhưng, chị lại quyết định không đi theo hài nhiều, bởi lẽ, chị sợ mình không đủ bản lĩnh và tài năng để quay trở lại dòng sân khấu chính thống. Chị tự nhận mình là người tham lam, muốn thử sức mình ở tất cả các thể loại bi, hài, chính kịch. Mấy chục năm lăn lộn trên sân khấu, chị có nhiều cơ hội trải nghiệm đủ loại vai, từ những vai đào thơ, đào lẳng, vai phản diện. NSND Lê Khanh cũng thừa nhận, ở bên điện ảnh, vai bà Vân trong Mẹ ơi, bố đâu rồi? là vai diễn có tính chất hài hước đầu tiên của chị. Thế nên, nhiều người chưa xem chị diễn trên sân khấu thì sẽ nghĩ chị không có khả năng đóng hài.

NSND Lê Khanh kể lại có lần mấy chị em bạn bè gặp gỡ nhau, trong vô vàn những câu chuyện của phụ nữ, họ nói về hạnh phúc. Có chị chia sẻ rằng cuộc sống mà để mình thốt lên được câu “Tôi hạnh phúc” thì khó lắm. Mấy chị em khác cũng gật đầu đồng ý, rằng không bao giờ nói được câu đấy. Lúc đó, chị chỉ im lặng lắng nghe nhưng bản thân chị biết, mình nói được câu đó, thậm chí là “tôi rất hạnh phúc”.

NSND Lê Khanh cảm thấy mình rất may mắn khi được sinh ra trong một gia đình cực kỳ yêu và tôn sùng nghệ thuật. Chính vì vậy, trong sự nghiệp của mỗi thành viên của gia đình không bao giờ có sự cản trở mà chỉ chắp cánh cho nhau thăng hoa. Chị kể ngày còn trẻ, chị cứ lo không hiểu lấy chồng rồi sẽ ra sao và thú thực đó cũng là lý do khiến chị lấy chồng chậm hơn so với tất cả bạn bè. Đến lúc nghĩ việc sinh con cũng vậy. Lúc nào trong đầu chị cũng luôn luôn lo rằng một ngày nào đấy có ai đó, vì một lý do nào đó rất chính đáng làm giảm đi ước mơ làm nghệ thuật của mình. Nhưng may mắn chị gặp được anh, cũng là bố của các con chị bây giờ. Nhắc đến đạo diễn Phạm Việt Thanh, ánh mắt NSND Lê Khanh đầy ắp sự hạnh phúc.

Chị kể anh luôn nhận trách nhiệm làm thay chị tất cả những công việc của người mẹ, để chị có thể thênh thang bước trên con đường sáng tạo nghệ thuật một cách bình yên. Nhờ có anh, chị yên tâm tuyệt đối với hậu phương ở nhà và thoả sức tưởng tượng không có giới hạn với lâu đài nghệ thuật, với thánh đường sân khấu. Vốn dĩ, cuộc sống của chị luôn luôn động như thế và may mắn là sau khi lấy chồng cũng vậy. Nghề diễn buộc chị phải đi xa, đến khắp mọi miền của Tổ Quốc, rồi lưu diễn ở nước ngoài nhưng dù ở đâu chị cũng cảm thấy bình an như ở nhà mình. Để có được sự an tâm đó, chị phải chắc chắn đằng sau mình có một người, đó là người chồng, người bố không chỉ chăm lo cho các con mà còn rất trách nhiệm với ông bà ngoại, thay cả vai trò người mẹ của chị ở nhà. Không chỉ thế, anh còn là người chắp cánh cho vợ và hai vợ chồng đã cùng hợp tác với nhau rất nhiều bộ phim, đồng hành với nhau trên khắp mọi nẻo đường. Chị coi chồng là một người bạn, một người anh. Điều quan trọng hơn chị cười bảo, mỗi khi ức chế hay cáu giận điều gì thì anh chính là nơi để chị trút hết bực tức.

NSND Lê Khanh chia sẻ nhân vật người bố trong Mẹ ơi, bố đâu rồi? có nhiều nét giống với anh Thanh. Đó là một người đàn ông xù xì, gai góc, trực tính, thậm chí đôi khi rất phũ, gây sốc nhưng lại lãng mạn, đặc biệt là với gia đình rất trách nhiệm. Chị luôn luôn nói với NS Hoàng Sơn là nhìn thấy anh Thanh ở trong nhân vật này. Anh Thanh và các con, cùng với gia đình lớn chính là những người chị tin tưởng nhất. Họ cũng là những người khán giả đầu tiên để chị tin tưởng cho xem tác phẩm của mình.

Nói về chuyện làm sao cân bằng được giữa việc đảm nhận vai trò lãnh đạo, rồi hoạt động nghệ thuật và chăm sóc gia đình, chị cười bảo đôi khi chị cũng tự hỏi và xong cũng tự phong mình là anh hùng. Thậm chí, chị còn phải thốt lên: “Trời ơi sao mình lại vượt qua được. Nhưng khi nghĩ đến khán giả đang chờ đợi mình, chị lại xúc động vô cùng. Cũng chính vì sự xúc động này đã giúp chị vượt qua được biết bao nhiêu gian khó. Chị bảo đời nghệ sĩ vất vả lắm, hết trách nhiệm gánh vác gia đình, đạo làm con, rồi làm sao giữ cho gia đình tồn tại yên ấm, không xáo trộn và bình an là điều không phải dễ dàng. Sau đó, làm sao giữ được sự nhiệt huyết, đam mê, liên tục không ngừng nghỉ sáng tạo nên những hình tượng nhân vật trên cả sân khấu lẫn trong điện ảnh thì càng khó nữa. Nhiều lúc NSND Lê Khanh thừa nhận mình tham quá, lúc nào cũng muốn tròn trịa, đôi khi chồng chị còn bảo “em nhớ em chỉ có hai bàn tay, không thể nào ôm đồm tất cả”. Nhưng cuối cùng chị vẫn thu xếp được. Nghĩ lại, NSND Lê Khanh bảo có lẽ chị làm được điều đó một phần bởi luôn biết giới hạn của mình. Chị đã phải hi sinh nhiều thứ, trong đó có cả điện ảnh như đã chị đã chia sẻ ở trên. Có như thế chị mới giữ được sức khoẻ, thời gian và gia đình.

Chị cũng bảo ngoài cha mẹ và chồng thì mình phải cảm ơn các con. Các con chị luôn luôn cảm thấy thiếu mẹ. Nếu không có tất cả mọi người thì chị không thể nào làm tròn nhiệm vụ của mình và luôn cảm thấy áy náy. Chị bảo thấy hạnh phúc bao nhiêu thì lại càng áy náy bấy nhiêu. Vì biết không có ngôn từ nào có thể cảm ơn cho hết nên NSND Lê Khanh mong mọi người đành chấp nhận cho chị một lần nữa gửi lời cảm ơn đến tất cả.

Ngày hôm nay trở lại, chị cảm thấy hài lòng vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị bảo sứ mệnh của chị với sân khấu như thế là đầy đặn.

Bài viết: Chu Anh

Thiết kế: Minh Thu, Duy Nguyễn

04/12/2018