hi bộ phim truyền hình có đề tài nhạy cảm như Quỳnh búp bê lên sóng, người ta ngay lập tức soi xét xem phim liệu có "đời" không, có đúng với như những gì đang xảy ra ở xã hội này không bởi dường như công việc của những cô gái này vốn từ trước đến nay vẫn luôn khiến người ngoài tò mò.
Ngoài cái vẻ xinh đẹp sành điệu thơm phức, ngoài cái công việc mà nhiều người nghĩ dễ kiếm tiền, thì đằng sau đó họ đã và đang trải qua những gì, phải đánh đổi, mất mát những gì và phải đối mặt với cái nhìn khinh thường, dè bỉu từ người khác như thế nào thì chỉ có ai trong cuộc mới thấu hết được.
Người ta từng nói đừng nghe "cave" kể chuyện, nghĩa là đừng tin những gì mà các cô gái đó kể lể về cuộc đời mình, về những gì phải chịu đựng, về nỗi nhục mà phải chường mặt ra chịu. Họ vì lười nên mới chọn cái nghề này. Đấy, người đời từ trước đến nay vẫn nghĩ như vậy và muôn đời họ không bao giờ nhận được cái gọi là sự cảm thông. Nghề nào cũng phải chịu khổ, không phải tự dưng lại có tiền. Nhưng cái nghề mà các cô gái này đang làm còn kèm theo là sự nhục nhã, là sự khinh bỉ và tai tiếng muôn đời không gột rửa được.
Chuyện trên phim được dựa trên một câu chuyện có thật, về một người phụ nữ vẫn đang sống ngoài kia, nhưng khi thành kịch bản, thì không phải chuyện gì, chi tiết nào cũng đưa hết lên phim được. Tuy nhiên, phim đã phần nào phản ánh được những góc khuất, những câu chuyện mà có lẽ nhiều người trong chúng ta khó có thể tưởng tượng được.
Điều gì khiến Lan (Thanh Hương) – một gái già hết đát vẫn phải sống chết bám trụ với cái nghề này mà chưa dứt ra được? Điều gì khiến Quỳnh (Phương Oanh) – một cô gái trẻ phải chấp nhận trở thành con rối để người khác điều khiển ở cái tuổi 17, bị cướp con, mất hết tất cả? Điều gì khiến My (Thu Quỳnh) – luôn lo sợ mất vị trí số 1 ở nhà hàng Thiên Thai, trở thành một con người ác độc, sẵn sàng chấp nhận làm mọi thứ để bảo vệ ngôi vị đó. Tất cả cũng chỉ vì tiền, mà tiền ở đây lại là để trả những món nợ.
Lan mang tiếng là "cave già" rồi nhưng vẫn chưa được ông chủ buông tha, bởi món nợ của cô vẫn còn đó. My có là vị trí số 1, có kiếm tiền nhiều đến đâu thì cũng chưa bao giờ đủ để trả nợ, còn Quỳnh thì chấp nhận vào nghề bởi món nợ từ trên trời rơi xuống khi bị bán vào đây. Lan từng nói với Quỳnh rằng có làm nhiều đến như thế nào, có kiếm được nhiều đến bao nhiêu thì không bao giờ, không bao giờ trả được hết số nợ đó bởi bọn chủ luôn luôn tìm ra cách để nâng số tiền đấy lên. Đồng nghĩa việc dù có khao khát mạnh mẽ được làm lại cuộc đời, được làm một công việc chân chính, đàng hoàng thì cũng không bao giờ có được cơ hội đó. Những món nợ chôn vùi tuổi xuân của những cô gái, vì như Lan còn phải gửi tiền về cho gia đình, em gái ăn học, bố chữa bệnh, Quỳnh phải nghe lời tiếp khách để được gặp con còn như My, nếu không làm công việc này nữa thì cũng chẳng biết đi đâu sống bằng gì vì bố mẹ đã từ mặt từ lâu.
Những cô gái cùng nghề với Quỳnh, Lan, My cũng cùng chung số phận với họ như vậy. Gia đình ở quê thì không ngờ rằng những khoản tiền mà con gái họ hàng tháng gửi về lại chứa đựng biết bao nhiêu nước mắt, tủi nhục và đau đớn đến thế. Chính mẹ Lan khi biết con gái làm nghề này còn chua chát nói rằng thật nhục nhã khi nghĩ đến việc sử dụng số tiền đó.
Khách hàng được coi là thượng đế, và trong cái ngành đặc biệt này, thì có lẽ được tôn hơn cả thượng đế. Xem Quỳnh búp bê, người ta cũng phải xót xa cho cái cảnh Quỳnh bơ phờ, đi không vững khi bước từ khách sạn ra. Cái đau đớn, ê chề, nhục nhã đến từ cả thân thể và tinh thần. Quỳnh đến tiếp khách nhưng không ngờ ông khách lại có thêm mấy vị khách không mời khác.
Và tất nhiên Quỳnh không thể không tiếp và cũng không còn đường lùi, biết bị lừa mà phải cắn răng chịu đựng. Cô biết lão khách này có sở thích bạo hành, mỗi lần đi khách là bị ông ta hành hạ không thương tiếc. Nhưng vì muốn gặp con mà Quỳnh đành phải chấp nhận nghe theo lời ông Cấn. Đến cả ông Cấn cũng "rùng mình" khi nhận được cuộc gọi từ những vị khách mà ông biết thừa là có những trò kinh tởm như thế nào.
Cái nghề mà họ cứ nghĩ là sướng đó là những đêm uống rượu đến bạc mặt, là những lần phải hứng chịu những trò tác oai tác quái từ những con người mà họ nghĩ có tiền thì có thể chà đạp lên người khác như vậy. Một công việc mà không có trong đó nổi một chút là sự tôn trọng, mà bị rẻ dúm như một món đồ chơi để tiêu khiển, để giải sầu mua vui.
Khán giả theo dõi phim chắc hẳn vẫn còn nhớ cảnh một cô gái làm cùng với Lan, Quỳnh và My bị hội bảo kê đánh đập dã man chỉ vì trót nhận đi khách ngoài. Khi đã là gái của nơi này, thì chắc chắn không bao giờ có chuyện được kiếm thêm tiền từ nơi khác. Muốn đi khách ngoài, thì phải để lại tiền hoa hồng cho ông chủ. Đó là khi Lan cũng bị đánh không thương tiếc vì tội để Quỳnh chạy trốn và phải gánh thêm một khoản nợ nữa khi đã sắp trả đủ để về quê. Là những lần bị đánh đập, hành hạ đến nhớ đời của Quỳnh khi mỗi lần cô trốn không thành công. Để những cô gái này nghe lời, không chống đối, không dám trốn chạy thì chỉ có cách duy nhất là làm họ sợ, mà chỉ có những trận đánh thừa sống thiếu chết mới khiến họ không dám phản kháng, không dám làm trái.
Chấp nhận làm cái nghề này, họ cũng phải đối mặt với sự khinh bỉ từ chính những người thân trong gia đình.
Chấp nhận làm cái nghề này, họ cũng phải đối mặt với sự khinh bỉ từ chính những người thân trong gia đình. Trong khi Lan phải kiếm tiền cật lực để gửi về quê lo cho em gái ăn học, thì khi biết chị mình làm cái nghề này, em gái Lan ngay lập tức quay ngoắt thái độ. "Thế cứ không có tiền là đi làm gái à?" – câu nói chua chát của em gái khiến Lan như chết đứng. My sói vốn cao ngạo, vốn mạnh mẽ là thế, bị quây đánh không hề chút sợ hãi mà khi nhận được cuộc gọi từ người nhà cuối cùng cũng phải rơi nước mắt, cay đắng nói rằng bố mẹ đã từ lâu không còn coi mình là con, là cả cuộc đời đã chịu đủ mọi nỗi đắng cay đau khổ nên có khổ thêm nữa cũng không thể chết được. Với Quỳnh những lần đi tiếp khách về bản thân cũng thấy quá ô uế mà không muốn gần con, không muốn cho con bú và cả nỗi lo sợ sau này khi con lớn lên, biết mẹ mình làm nghề gì thì sẽ ra sao.
Cùng chịu cảnh bị người đời khinh bỉ, coi thường; bị những người đàn ông coi là thú vui, món hàng, thì những cô gái trong Quỳnh búp bê phải cố dựa vào nhau để trụ vững. Có thể có những cạnh tranh, những ghen tị, những xô xát trong công việc hay cuộc sống thường nhật, nhưng những lúc yếu lòng, cô đơn và tủi hổ, họ lại tìm đến với nhau để có được sự đồng cảm bởi lúc đó gia đình dường như là điều gì đó quá xa xỉ.
Quỳnh nhờ có các cô gái cùng làm quan tâm, chăm sóc mà vượt qua được giai đoạn khủng hoảng và khó khăn nhất khi sinh con. Hay trong khi mọi người háo hức chuẩn bị về quê ăn Tết, Quỳnh một thân một mình, thì cô vẫn được mọi người quan tâm mua quà mua thức ăn. Và một thứ tình cảm mà khán giả cảm nhận được thực sự rất đáng trân trọng, đó là những gì mà Lan dành cho Quỳnh. Lan coi Quỳnh như em gái của mình, hết lòng chăm sóc, quan tâm cho cô. Nhờ có Lan mà Quỳnh mới vượt qua được những biến cố kinh khủng khi tuổi đời còn quá trẻ. Xem phim, khán giả thương Quỳnh bao nhiêu thì cũng thương Lan bấy nhiêu. Đó là tình cảm giữa Cảnh và Quỳnh, một tên bảo kê với vẻ ngoài lạnh lùng, với trái tim tưởng như sắt đá nhưng lại bất chấp cả tính mạng mình để bảo vệ cho người con gái mà anh trót đem lòng yêu thương. Những mối quan hệ tình cảm trong phim khiến khán giả cảm thấy phần nào nhẹ nhõm hơn giữa một loạt các chi tiết nặng nề, u ám của phim.
Có những người tự nguyện đến với công việc này, nhưng có những người bị hoàn cảnh xô đẩy, bởi họ không còn lựa chọn khác. Ai cũng bảo là còn nhiều những công việc khác cũng kiếm được tiền đấy, nhưng những cô gái kia họ sợ khổ, sợ phải lao động chân tay cực nhọc, mà đương nhiên công việc kia, được mặc đẹp, được chiều chuộng lại kiếm tiền dễ, chẳng tội gì mà không làm. Đó là suy nghĩ mà những người đứng ngoài phán xét, thế nhưng xem phim, phần nào khán giả sẽ thông cảm cho họ. Như Quỳnh, nhân vật chính của phim, cô chẳng có nổi một cơ hội để được chọn cho mình một cách sống khác, một công việc đàng hoàng khác.
Mỗi cô gái bước vào cái nghề này, con đường này thường có muôn vàn lý do khác nhau. Người vì muốn ăn chơi hưởng thụ, người vì hoàn cảnh gia đình túng thiếu, người thì bị nghe theo bạn bè dụ dỗ, cũng có người bị bắt buộc sa chân lỡ bước như Quỳnh, như Lan.
Trong tập phát sóng mới đây nhất, Quỳnh đã tiết lộ quá khứ đau buồn của mình, khi cô bị chính người cha dượng cưỡng hiếp trong khi mẹ lại không hề tin mình. Thậm chí, Quỳnh còn bị mẹ đuổi đánh không thương tiếc. Lan chịu cảnh bị cưỡng hiếp tập thể, mang theo nỗi nhục đến chết cũng không thể quên. Nhưng cái quá khứ làm gái còn đeo đuổi họ đến khi làm lại cuộc đời. Lan bẽ bàng khi ngay trong đám cưới của mình đã bị lộ những gì làm trong quá khứ. Gia đình xua đuổi, hàng xóm xung quanh khinh thường, người con gái ấy bỗng dưng như rơi xuống vực thẳm trong khi cứ ngỡ đã tìm được bến đỗ bình yên.
Không biết đến bao giờ, nỗi nhục đó mới gột rửa được, người đời mới chấp nhận họ được…