VTV.vn - 2017 được coi là năm bùng nổ của phim truyền hình Việt và để có được sự ghi nhận từ khán giả sau những lần quay lưng là cả một một sự nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ.

được coi là một năm bùng nổ của phim truyền hình Việt trên các kênh sóng của VTV và để có được sự ghi nhận và tin tưởng từ khán giả sau những lần quay lưng là cả một sự nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ.

Phim Việt: Qua rồi cái thời cứ nhắc đến là những cái lắc đầu ngao ngán - Ảnh 2.

Có một thời khắp các kênh sóng trên tivi tràn ngập những bộ phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan... và đó cũng là khoảng thời gian phim Việt thực sự bị lép vế so với các tác phẩm của nước bạn. Khi phim nước người ta có kịch bản hấp dẫn, gần gũi, dàn diễn viên trẻ đẹp, ngoại hình long lanh, những tình tiết hiện đại, nắm bắt kịp thời tâm lý của khán giả thì phim Việt vẫn cứ mãi mang một hình ảnh đơn điệu, nhàm chán và cũ kỹ. 

Nhắc đến những bộ phim trong nước là những cái bĩu môi chê bai, là những cái cười nhếch mép và những câu than thở "biết bao giờ phim nước mình mới bằng phim nước khác". Cứ thế một thời gian dài, màn ảnh Việt gần như bị chiếm sóng bởi những bộ phim truyền hình nước ngoài. Dù rất muốn ủng hộ phim nước nhà nhưng các kênh truyền hình vẫn phải bắt buộc đi theo xu thế và chiều lòng khán giả. Chẳng nói quá khi phim truyền hình Việt lúc ấy thực sự đã bị lãng quên.

Để nói về nguyên nhân thì tất dĩ có rất nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan, trong đó kinh phí là một trong những vấn đề thường được đem ra trước tiên và đó cũng chính là cái cớ để khán giả thông cảm cho nhà sản xuất. Không có tiền đầu tư thì dĩ nhiên sẽ không có được những bối cảnh "hoành tráng", không có được những thước phim với những góc quay chuẩn điện ảnh hay đơn giản là sự khác biệt kinh phí thể hiện rõ rệt ở cả những bộ phục trang. Kinh phí ít là một phần, sự hạn chế của phim Việt còn ở phần kịch bản. Những kịch bản phim được viết ra chỉ để cho đủ số lượng với số phim được giao nên không có sự chăm chút, nghiên cứu tìm tòi sáng tạo, thành ra khi lên phim trở thành hời hợt, mang đến cảm giác là làm cho có hay làm cho xong.

Chính vì những điều này mà phim Việt đã khiến khán giả dần mất đi hứng thú với phim Việt và tất nhiên khi có những sự lựa chọn tốt hơn thì họ sẽ nghiêng về phía đấy. Thế nhưng gần đây, sự lựa chọn này đã hoàn toàn khác.

Phim Việt: Qua rồi cái thời cứ nhắc đến là những cái lắc đầu ngao ngán - Ảnh 4.

Ba năm trở lại đây, phim truyền hình Việt phải dùng đến từ "lột xác" để nói về sự thay đổi của mình. Khán giả khó có thể ngờ rằng chỉ trong một thời gian ngắn như vậy, phim truyền hình Việt đã có sự tiến bộ đến khó tin. Đầu tiên là phần kịch bản được chăm chút vô cùng kỹ lưỡng, có sự đầu tư hẳn hoi. Có những bộ phim mà phần kịch bản có đến 2,3 biên kịch cùng viết và cùng chỉnh sửa. 

Sẽ nhiều khán giả không khỏi giật mình nếu biết rằng ngay từ năm 2010, Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đã lên ý tưởng và chuẩn bị cho bộ phim Tình khúc Bạch Dương. Để vượt qua một loạt những thách thức về điều kiện sản xuất và đặc biệt là yêu cầu cao về mặt chất lượng kịch bản, phải đến tận năm 2017 bộ phim mới được tiến hành bấm máy. Nhiều chuyến khảo sát thực tế, không biết bao cuộc họp bàn kịch bản, thậm chí viết đi viết lại của nhóm biên kịch gồm cả những người viết chuyên nghiệp và những lưu học sinh đã từng học tập tại Liên Xô trong thập niên 80, kịch bản Tình khúc Bạch Dương hoàn chỉnh mới ra đời. 

Như vậy, phải mất đến 7 năm Tình khúc Bạch Dương mới hoàn chỉnh được phần kịch bản. Bên cạnh đó, phần kịch bản chuyển thể từ các bộ phim nước ngoài cũng là một làn gió mới, thổi vào các bộ phim Việt sự mới mẻ và hấp dẫn hơn rất nhiều. Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng là hai ví dụ điển hình nhất để cho thấy sự thành công của việc làm này. Tuy nhiên, để có một kịch bản phù hợp với khán giả Việt thì tất nhiên cần đến sự khéo léo trong việc thêm bớt làm sao hợp lý nhất.

Ngoài phần kịch bản, thì một bộ phim muốn thu hút người xem thì phần nhìn phải... đẹp. Và muốn có những thước phim đẹp, những góc quay ấn tượng thì cần có sự đầu tư về kỹ thuật. Để giải quyết được khó khăn này thì sự hợp tác với các đài truyền hình nước ngoài trong việc sản xuất là cách tốt nhất để rút ngắn khoảng cách này. Tuổi thanh xuân, Khúc hát Mặt trời là hai trong số bộ phim hợp tác với đài truyền hình nước ngoài. 

Ngoài ra, để có những bối cảnh đẹp thì việc sản xuất phim ở nước ngoài cũng đã thoả mãn được phần nhìn rất nhiều. Những thành công của các bộ phim trên đã cho thấy một điều rằng nếu thực sự muốn làm bộ phim hay, có tâm, có sự đầu tư, chăm chút, có những nỗ lực cố gắng thì chắc chắn để có một sản phẩm tương đương với những nước trong khu vực là điều không hề khó. Chúng ta đã làm được, đã tạo ra những sản phẩm hay dành cho khán giả và những lời khen chính là động lực để tiếp tục tạo ra những món ăn tinh thần thật ngon, thật bắt mắt dành cho khán giả.

 
Chu Anh
Duy Nguyễn
14/2/2017

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước