Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lê Ngọc Quang - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam - nhấn mạnh, phóng sự điều tra trên truyền hình là thể loại hấp dẫn và đòi hỏi các phóng viên phải có kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm thực tiễn lâu năm và thành thạo các kỹ năng nghiệp vụ trong quá trình tác nghiệp: “Khác với tin tức trên nội dung số trong thời đại thông tin phát triển như vũ bão, phóng sự điều tra truyền hình có tiêu chí, đặc thù riêng và luôn được công chúng dành sự quan tâm đặc biệt, góp phần quan trọng tạo nên vị thế và uy tín cho các cơ quan báo chí. Trong chương trình hội thảo này, các tham luận đến từ các phóng viên chuyên sâu về mảng đề tài điều tra của Đài THVN và nhiều cơ quan báo chí chắc chắn sẽ là những kinh nghiệm quý để hoàn thiện và chuẩn hóa các kỹ năng nghiệp vụ, quy trình và nguyên tắc tác nghiệp”.
Chủ đề của hội thảo được thể hiện qua các bài tham luận với những góc độ tiếp cận khác nhau. Từ những khó khăn đặt ra trong quá trình tác nghiệp, kinh nghiệm, kỹ năng của các phóng viên để xử lý các tình huống, đến những quy tắc liên quan đến đạo đức báo chí trong thực hiện phóng sự điều tra. Những câu chuyện được chia sẻ không chỉ là thực tế tác nghiệp của các phóng viên truyền hình ở trong nước mà còn của các phóng viên nước ngoài. Sự đa dạng trong góc độ tiếp cận tại hội thảo đã mang lại một cái nhìn vừa bao quát nhưng cũng vừa cụ thể về phóng sự điều tra trên truyền hình, mang đến rất nhiều bài học kinh nghiệm đồng thời truyền cảm hứng cho các phóng viên trẻ dấn thân với nghề báo.
Kênh Truyền hình NHK thực hiện phóng sự điều tra như thế nào?
Liên Liên là cái tên không hề xa lại với khán giả truyền hình với nhiều câu chuyện điều tra mạo hiểm như: hoạt động bảo kê tại chợ Long Biên, thâm nhập điểm đen pha chế xăng dầu trái phép, đường dây mua bán văn bằng đại học giả, tín dụng đen, chênh lệch giá thuốc bảo hiểm, loạt bài về nhũng nhiễu thủ tục hành chính người dân… Các tác phẩm của chị có sức ảnh hưởng và lan tỏa lớn. Tác phẩm của phóng viên Liên Liên cũng đã đạt giải Vàng tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc lần thứ 38.
Mở đầu tham luận của mình với chủ đề "Có nên nhập vai khi làm phóng sự điều tra?", phóng viên Liên Liên - Ban Thời sự, Đài THVN nhập vai người vi phạm giao thông và đưa "mãi lộ" cho cảnh sát giao thông. Nữ tác giả phóng sự điều tra vụ "bảo kê" chợ Long Biên đặt ra vấn đề liệu rằng hành động như vậy của nhà báo có nên làm hay không?
Theo PV Liên Liên, phóng viên rất dễ trở thành đồng phạm, thậm chí vi phạm pháp luật khi nhập vai trực tiếp. Ngoài ra, người phóng viên có thể vi phạm đạo đức nghề báo khi thúc đẩy ý chủ quan và dễ là người tác động, thúc đẩy, gài bẫy.
Nữ phóng viên Ban Thời sự chia sẻ: "Chúng ta thường đặt câu hỏi để đạt mong muốn kết quả ban đầu như kiểu gài bẫy vậy. Nếu chúng ta là phóng viên đặt ra tình huống ấy thì không còn khách quan nữa. Nhiều người hỏi rằng, không nhập vai trực tiếp thì làm cách nào để có thể ghi hình?".
Phóng viên Liên Liên cho biết, có 3 thể loại điều tra gồm điều tra dữ liệu, nhập vai và mật phục. Trong đó, điều tra dữ liệu đòi hỏi phóng viên phải có kinh nghiệm và không được xảy ra sai sót. Vì vậy, chị thường áp dụng điều tra mật phục, nhất là các đề tài đặc biệt.
Nói về cách thức thực hiện việc ghi hình, phóng viên Ban Thời sự chia sẻ: "Chúng ta làm sao khi quay phải đảm bảo yếu tố pháp lý, đạo đức nghề nghiệp. Sử dụng trang thiết bị là vấn đề kỹ thuật còn quan trọng là kỹ năng. Phóng viên có rất nhiều cách để ghi lại hành vi ấy. Ví dụ bối cảnh ấy có góc quay không, trong phòng kín làm thế nào quay được. Nếu chúng ta có nguồn tin người dân phản ánh thì sử dụng máy móc để chứng kiến từ xa, theo dõi diễn biến câu chuyện nhằm thu lại bằng chứng tốt nhất. Đây là cách để phóng viên trẻ áp dụng và đòi hỏi cần quan sát rất kỹ. Nếu điều tra không kỹ chúng ta rất dễ mắc sai sót".
Phóng viên Liên Liên đưa ra khái niệm về điều tra mật phục bằng cách nhập vai gián tiếp nhằm đảm bảo tính khách quan: "Khi điều tra mật phục, chúng ta phải ở một vai để làm sao tác nghiệp thuận lợi hơn. Ví dụ khi tôi đóng vai tiểu thương ở chợ để theo dõi đối tượng bảo kê hoạt động như nào, tôi không bỏ tiền để khơi gợi lòng tham của đối tượng bởi có thể mình đưa tiền họ nhận nhưng sau thì họ sẽ chối".
"Hiện nay có nhiều trang thiết bị có thể quay và quan sát từ xa. Bất đắc dĩ, điều tra nhập vai vẫn có thể sử dụng, nhưng rất hạn chế. Nếu phải tham gia hình thức này phải đảm bảo nguyên tắc. Thứ nhất là không cố tình gợi ý, cài bẫy, đưa tiền. Thứ 2, bằng chứng phải từ đối tượng điều tra chủ động thực hiện và nói ra" - nữ phóng viên Ban Thời sự chia sẻ.
Về câu hỏi "Có nên che mặt nhân vật trong các phóng sự điều tra hay không?", phóng viên Liên Liên chia sẻ: "Chúng ta cần xác định đối tượng điều tra là những ai. Ví dụ khi điều tra tình trạng bảo kê xe khách, những người bán hàng nước chứng kiến từ đầu đến cuối. Khi chúng ta xin phép ghi hình thì họ dễ ngại va chạm. Do thể loại báo hình ghi hình rất khó nên chúng ta có thể lấy hình xong mới xin phép. Nếu không đồng ý thì không được phép sử dụng hình ảnh. Đấy là đạo đức nghề báo".
"Nếu hình ảnh lên sóng ảnh hưởng đến họ thì cần phải che mặt. Ngoài ra, cần xem vi phạm ở mức độ nào. Giả dụ như tình trạng mua bán dâm, chúng ta xác định người mua, người bán về mặt đạo đức thì có nên đưa mặt họ lên hay không?" - phóng viên Liên Liên nhận định.
“Phóng sự điều tra là điều tra những thế lực, liên minh thế lực muốn che giấu. Đây là sự khác biệt với báo chí khác. Với phóng sự điều tra, nhà báo và nơi công bố tài liệu phải chịu trách nhiệm. Không nói đến việc nhà báo cố tình trục lợi thì đa số lỗi phóng viên, nhà báo là lỗi nghiệp vụ” - Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM cho biết.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển lấy ví dụ trong một vụ cháy, một nhà báo bị công an sử dụng vũ lực để đưa ra khỏi hiện trường. Lãnh đạo tờ báo lên tiếng nói công an có thể che giấu nguyên nhân vụ cháy. Lãnh đạo Công an TP.HCM cho biết công an hoàn toàn có quyền dùng vũ lực để bảo vệ hiện trường và nạn nhân đầu tiên của vụ cháy có thể là nhà báo. Vì vậy, việc nhà báo vào hiện trường vụ cháy có thể gây nguy hiểm nhà báo, đồng thời khiến hiện trường có thể bị xáo trộn.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển cũng chia sẻ thêm về điều tra trên hồ sơ và nhấn mạnh những tố cáo hồ sơ phải qua thẩm định mới điều tra. Ở thời điểm này, số hồ sơ gấp 3 lần bình thường. Việc nhà báo đi điều tra có thể gây ảnh hưởng uy tín chính trị của đối tượng khi điều tra. Trách nhiệm xã hội của nhà báo phải thể hiện ngay từ khi thu thập tài liệu, thông tin.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển cũng thẳng thắn nói về kinh nghiệm bản thân: "Khi điều tra phải khách quan. Chúng tôi từng ra tòa và thua kiện dù chúng tôi là tờ phản biện về pháp luật số 1 do phóng viên không kiềm chế cảm xúc và dùng từ miệt thị người khác mà không có chứng cớ. Trong thời gian công tác báo Pháp luật TP.HCM, bản thân tôi cũng nhiều lần bị kiện".
Đảm bảo pháp luật - Yếu tố quan trọng trong thực hiện phóng sự điều tra
Một trong những vấn đề được bàn luận sôi nổi tại hội thảo lần này là "điểm dừng" trong phóng sự điều tra.
Phóng viên Liên Liên chia sẻ về chủ đề này: "Chúng ta cần phải biết mục đích của mình là gì, cần hiểu khán giả sẽ biết điều gì từ phóng sự và phóng sự sẽ mang điều gì cho xã hội. Nếu chúng ta vi phạm pháp luật thì chúng ta phải dừng. Nếu tác phẩm cần thời gian thì phải xác định hiệu quả tới đâu, nên hay không nên làm tiếp. Ví dụ nếu điều tra về người giáo viên bạo hành thì luôn tạo ra phản ứng 2 chiều. Xã hội sẽ đặt câu hỏi tại sao phóng viên nhìn thấy lại thờ ơ. Do vậy, chúng ta cần có cách để vừa thu được bằng chứng, vừa đảm bảo an toàn. Cần phải tỉnh táo và biết khi nào cần can thiệp".
Nhà báo Lê Ngọc Quang cũng nhận định rằng "điểm dừng" trong phóng sự điều tra là để phóng viên có "đường lùi": "Mục đích cuối cùng của nhà báo làm điều tra là đi đến cùng của sự thật để làm sáng tỏ. Khi đi đến cùng của sự việc thì chúng ta phải thu thập thông tin, bằng chứng xác thực, tuân thủ các quy định của pháp luật, cơ sở pháp lý chặt chẽ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Điểm dừng ở đây, theo tôi, thứ nhất, khi làm điều tra, chúng ta phải có một điểm dừng đúng lúc để chúng ta có đường lùi. Thông tin có đầy đủ, xác thật nhưng nếu chúng ta đưa hết lên thì sẽ chứa đựng yếu tố rủi ro. Cần giữ lại thông tin để có những lúc kiện tụng thì còn đường lùi".
“Chúng ta cũng không có quyền phán xét và nói thay, làm thay cho các cơ quan chức năng. Nhiều nhà báo điều tra gần như thay mặt cơ quan chức năng “phán” chính quyền, tòa án cần phải làm gì. Tôi nghĩ tuyệt đối chúng ta phải tránh vì đó không phải là công việc chúng ta” - nhà báo Lê Ngọc Quang - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề pháp lý trong điều tra, nhà báo Nguyễn Đức Hiển chia sẻ thêm: "Quyền nhân thân và hình ảnh đã quy định rõ và có văn bản hướng dẫn. Nhà báo không phải cử nhân luật nhưng nên tìm hiểu. Đâu là điểm dừng là bản lĩnh của nhà báo".
"Tại sao chúng ta phải giấu một phần tư liệu? Chúng ta phải xem xét tư liệu ấy có ảnh hưởng điều tra hay không, nhỡ phần không công bố gây thiệt hại cho xã hội hay không. Nếu người lãnh đạo quản lý báo chí không làm tốt sẽ ảnh hưởng đến anh em. Thậm chí phần gác lại có thể trở thành phong bì cho lãnh đạo cho báo chí. Việc giữ lại tư liệu phải có sự thỏa thuận giữa các bên. Phần tư liệu cần có thời hạn để cơ quan chức năng làm việc rồi sau đó sẽ tiếp tục nhả ra khi sức đề kháng của đối tượng yếu đi, chúng ta có độ lùi về thời gian. Chúng ta giữ lại để bảo vệ mình chứ không phải giữ lại mất đi loạt bài của mình" - nhà báo Nguyễn Đức Hiển khẳng định.
Sau khi lắng nghe các tham luận cũng như phần hỏi đáp của hội thảo về phóng sự điều tra, nhà báo Tạ Bích Loan, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Đài THVN chia sẻ: "Hội thảo này là một trong hai điểm nhấn của LHTHTQ lần này. Khi tốc độ thông tin càng nhanh, vị thế của những người truyền hình chính là thể loại như thế này. Ở thể loại này, chúng ta thể hiện sức mạnh của tính chuyên nghiệp. Đây là nơi công chúng đặt lòng tin về chúng ta. Người xem cần phóng sự điều tra làm kỹ, sâu, tử tế ở sự công phu, trách nhiệm xã hội, tuân thủ nguyên tắc pháp luật. Phóng sự điều tra là nơi truyền hình không bị mất vị thế và chịu thua trong cuộc cạnh tranh với mạng xã hội và là thể loại báo chí cốt lõi tiếp tục duy trì".
"Những người điều tra thường có thời gian làm nghề lâu năm, cần 10 năm kinh nghiệm bản lĩnh để làm tốt. Tôi xin chúc mừng các diễn giả đã có bài tham luận tâm đắc và truyền cảm hứng để chúng ta tự hào về nghề báo - một nghề rất nhiều thách thức nhưng vẻ vang và là sự trông đợi của xã hội" - nhà báo Tạ Bích Loan nhấn mạnh.
Hội thảo "Phóng sự điều tra trên truyền hình" tại LHTHTQ lần thứ 39 thực sự là diễn đàn để các phóng viên, nhà báo chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình thực hiện phóng sự điều tra - một trong những thể loại hấp dẫn và luôn được đánh giá cao trong báo chí. Hy vọng, những bài học kinh nghiệm được chia sẻ tại buổi hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện các phóng sự điều tra trên truyền hình chất lượng, giàu tính nhân văn và có sức ảnh hưởng tới xã hội.