Cuối tuần qua, sau khi một phóng sự của phóng viên Anh Phương cùng ê-kíp VTV tại khu vực Trung Đông phát sóng trong bản tin Thời sự 19h ngày 10/3, đã ngay lập tức nhận được nhiều phản hồi của khán giả. Trong đó, một khán giả tên Tân Hoa Nam Trung viết: "Hôm qua, trên chương trình thời sự 19h, phóng viên Anh Phương đứng tường thuật chỗ giao tranh có súng đạn giữa người Israel và người Palestine. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm tôi được thấy cảnh phóng viên truyền hình Việt Nam có mặt tại chiến trường".
"Tôi rất cảm phục những con người như vậy, những người dám lao vào khó khăn nguy hiểm để thực hiện nhiệm vụ. Đề nghị Anh Phương cho biết lúc đó anh cảm thấy thế nào? Áo anh mặc lúc đó tôi thấy là áo quân đội, vậy đây có phải là áo giáp không và người quay phim có mặc như thế không?".
"Chúc các anh luôn hoàn thành nhiệm vụ và giữ an toàn. Cảm ơn các anh!".
Phóng sự cận cảnh đụng độ tại khu vực Bờ Tây do các phóng viên thường trú của VTV tại Trung Đông thực hiện.
Câu hỏi này cũng trở thành một phần lý do để VTV News trò chuyện với Anh Phương. Đây là cuộc trò chuyện thứ 2 với Anh Phương sau gần một năm kể từ thời điểm anh chính thức đi thường trú tại khu vực Trung Đông. Anh Phương là phóng viên đầu tiên của VTV thường trú ở khu vực này.
"Trước hết, xin khẳng định một điều là không bao giờ có việc chúng tôi tác nghiệp khi không đảm bảo được mức độ an toàn nhất định cho bản thân. VTV News hãy chuyển lời tới khán giả là xin mọi người đừng quá lo lắng cho chúng tôi" – Anh Phương nói, mở đầu cuộc trò chuyện.
"Có một nguyên tắc bất di bất dịch, không chỉ với chúng tôi mà với cả bất cứ phóng viên nào, khi tác nghiệp tại những điểm nóng, đó là không có tin tức nào quan trọng hơn mạng sống. Các phóng viên phản ánh tin tức chứ đừng biến mình thành tin tức" – Anh Phương nói tiếp.
Nói về bối cảnh thực hiện ghi hình cho phóng sự được khán giả nhắc đến, Anh Phương cho biết: "Tại mảnh đất của người Palestine và Israel, đụng độ và xung đột đã trở thành một phần quá quen thuộc trong cuộc sống, đến mức ở những tình huống đụng độ hỗn độn như vậy nay cũng đã hình thành nên những quy tắc. Phóng viên được cả 2 phía xác định không phải là mục tiêu".
Quay phim Phùng Sơn - một trong những phóng viên thường trú của VTV tại khu vực trung đông - ghi hình cho một phóng sự.
"Chỗ chúng tôi đứng trong cuộc đụng độ vừa rồi là chỗ đã được các phóng viên chọn lựa. Một vị trí tạm có thể nói là an toàn nhất lúc đó, bởi sẽ được cả 2 phía chừa ra. Lẽ dĩ nhiên bất trắc thì không ai nói trước được điều gì" – Anh Phương tiếp tục – "Bên cạnh chúng tôi còn có những phóng viên của các báo đài khác".
"Thực sự thì các phóng viên của Đài phát thanh và truyền hình Palestine PBC lúc đó có cho chúng tôi biết trước đây cũng đã có những phóng viên của họ bị thiệt mạng khi đưa tin về các cuộc đụng độ như vậy".
"Vậy điều đó không khiến anh e ngại sao?" – Tôi hỏi Anh Phương.
"Thực tế thì bản thân tôi khi vừa dẫn vẫn phải vừa mở hết các giác quan xem mọi thứ có đang diễn ra như các nhà báo đã lường trước hay không" – Anh Phương trả lời.
Sau đó anh ngừng lại và nói tiếp: "Có một tình huống đáng nhớ, đó là khi binh lính Israel quyết định tiến hành một đòn quyết định để dẹp cuộc xung đột này, họ đã đưa các xe phóng lựu tới và tiến hành phóng lựu đạn hơi cay hàng loạt. Lúc đó mọi người nhanh chóng tìm cách di chuyển đi nhưng quay phim Phùng Sơn thì là một trong những người cuối cùng rời khỏi hiện trường. Việc này khá nguy hiểm nhưng phải thông cảm với quay phim vì đôi khi họ bị cuốn đi theo những thước phim".
"Nhưng về nhà anh em chúng tôi cũng phải nhắc nhở nhau lần sau phải cẩn trọng hơn. Nói tóm lại trong bất cứ tình huống nào thì sự an toàn của chính mình và đồng nghiệp vẫn phải được đặt lên đầu" – Anh Phương kết lại phần trả lời của mình dành cho khán giả - "Chúng tôi hy vọng những thước phim của mình có thể phần nào giúp khán giả Việt Nam cảm nhận rõ hơn về những gì mà người dân của mảnh đất này đang chịu đựng".
CHÚNG TÔI ĐÃ ĐƯỢC GẶP RẤT NHIỀU CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG
Ngay sau chia sẻ trên, Anh Phương nói thêm: "Nhưng quả thật trong chuyến đi lần này, chúng tôi gặp rất nhiều những câu chuyện cảm động. Với những nỗi đau của những người Palestine, vì sự thù hận, bất đồng giữa 2 dân tộc mà họ đã không thể có một cuộc sống bình yên. Và đó là câu chuyện của những tù nhân chính trị Palestine – những người đã bị giam giữ nhiều năm nay. Nhưng với mong muốn tột bậc là duy trì nòi giống, họ đã lén gửi tinh trùng của mình về cho vợ để thụ thai".
"Giờ đây, đã có những em bé được ra đời trong bối cảnh đó và chúng chưa hề một lần được gặp cha mình".
"Hay những câu chuyện của những số phận chịu cảnh ly tán tại dải Gaza" – Anh Phương nói tiếp – "Những câu chuyện này phần nào tương tự như cảnh ly tán của người dân 2 miền Triều Tiên".
Rồi Anh Phương nói với vẻ sôi nổi: "Mộ câu chuyện thú vị khác mà chúng tôi tìm được ở đây là về những người Palestine đặt tên con mình là Giáp – theo tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
"Tôi cảm nhận được là 2 tiếng Việt Nam đã được không ít người dân tại mảnh đất này nhắc đến với sự trân trọng. Với người Palestine, đó là nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh mà họ vẫn đang tiếp tục tiến hành. Còn với người Israel, đó là cảm nhận về một đất nước đang có tốc độ phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu kinh tế và là điểm đến của không ít nguyên thủ các cường quốc trong thời gian gần đây".
CÓ MỘT TRUNG ĐÔNG BẤT ỔN, NGHI KỴ VÀ THÙ HẬN NHƯNG VẪN CÓ NHỮNG GIÂY PHÚT BÌNH YÊN
Chia sẻ với phóng viên VTV News sau gần một năm thường trú tại Trung Đông, Anh Phương nói: "Các bạn xem truyền hình, theo dõi tin tức thời sự thì thấy một năm qua có nhiều biến động ở Trung Đông. Nhưng với bản thân tôi thì cuộc sống không có gì đáng nói cả nhưng tới đây và sống ở đây mình phát hiện xã hội Trung Đông ẩn chứa rất nhiều điều thú vị và cả những sự phức tạp nữa".
"Thường trú là một ưu tiên trong chiến lược phát triển của VTV, nên nếu nói cái gì mình thấy được thì trước tiên tôi thấy được tự hào" - Phóng viên Anh Phương.
"Tôi đã từng làm mảng Thời sự quốc tế hơn 6 năm nhưng quả thực có những điều trực tiếp sang đây, cảm nhận và tìm hiểu mình mới vỡ ra nhiều điều".
"Tại Trung Đông, chúng tôi đóng văn phòng tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất) nhưng một năm qua, chúng tôi cũng có cơ hội được đến và cảm nhận một số vùng đất khác tại Trung Đông, Bắc Phi như Iran, Ai Cập hay mới đây là Bờ Tây hay Jerusalem" – Anh Phương nói tiếp – "Có hai ấn tượng, một là khả năng vượt qua những bất ổn, căng thẳng của người dân để hướng đến một cuộc sống bình yên".
"Đúng. Có một Trung Đông còn nhiều bất ổn, nghi kỵ và thù hận nhưng nếu đến đây, trực tiếp cảm nhận sẽ thấy ở đó người ta vẫn tìm ra những phút bình yên".
"Cảm nhận thứ 2 đó là 2 tiếng Việt Nam thường tạo ra những ấn tượng và thiện cảm tại khu vực này - khu vực vốn nhiều nghi kỵ - nhưng khi biết chúng tôi là các phóng viên của Việt Nam thì hầu như đều được chào đón. Nhiều người nhắc tới Việt Nam với sự cảm phục về lịch sử, nhiều người khác lại nhìn Việt Nam như một đối tác nhiều tiềm năng… Đó thực sự là một thuận lợi để chúng tôi tác nghiệp tại mảnh đất rất nhiều những mâu thuẫn như Trung Đông".