Dù không có thông tin về nơi mình sẽ đặt chân tới nhưng anh Phạm Thế Nhân - một thuyền trưởng giỏi, tiêu biểu nhiều năm của vùng biển Quảng Bình - nghe theo lời rủ rê, đã cùng 16 ngư dân khác quyết định tìm đến miền đất mới qua con đường vượt biên trái phép bằng đường biển.
17 người vượt biên trái phép bằng đường biển sang Úc bị bắt, Chính phủ Úc trao trả về Việt Nam. Trong đó có 3 người bị truy tố với tội danh tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài...
17 người đều vay mượn tiền để thực hiện chuyến đi. Họ đóng góp từ 100 – 150 triệu đồng để mua tàu cá làm phương tiện di chuyển. Chuyến đi được bắt đầu từ cảng Đà Nẵng, vượt qua Thái Bình Dương và dự định sẽ cập bến tại Queensland - Australia. Hải trình này kéo dài 1 tháng lênh đênh trên biển.
Nhưng 17 con người này không biết rằng, phía chính phủ Australia đã và vẫn luôn có chiến dịch bảo vệ nghiêm ngặt chủ quyền biên giới. Những người có trách nhiệm thường xuyên tuần tra gắt gao các vùng ven biển. Chiếc tàu chở anh Phạm Thế Nhân cùng 16 người khác đã bị phát hiện và bắt giữ. Những người vượt biên sang Australia bất hợp pháp đã bị đưa trả về Việt Nam.
Anh Thế Nhân cũng là chủ nhân con tàu. Nhưng con tàu ấy - tài sản duy nhất, lớn nhất của gia đình được anh dùng để thế chấp vay ngân hàng - giờ đã bị chính quyền phía Australia tiêu hủy. Chuyến đi bất thành khiến cuộc sống của gia đình anh sau đó gặp nhiều khó khăn. Thế Nhân phải đối diện với món nợ khổng lồ.
TỪ LÀM ĂN THẤT BÁT ĐẾN... LÀM LIỀU
Nhớ lại nguồn cơn dẫn đến quyết định của mình năm ấy, anh Phạm Thế Nhân cho biết: "Năm 2016 có vụ Formosa, bọn em làm ăn thất bát, làm cá mà không có ai mua. Mình không đủ trả tiền cho nhân công, nợ nần chồng chất. Đến năm 2018 thì thua lỗ quá nhiều, anh em, bạn bè rủ rê nên làm liều".
Anh Nguyễn Trung Kiên, một người sống cùng xã Bảo Ninh (tỉnh Quảng Bình) với anh Nhân cũng cho biết thêm về thời điểm khó khăn của bạn mình: "Lúc đó hắn khó khăn quá. Gặp em, em như là cái phao để ôm cứu sống đó. Em phân tích với hắn là: Nếu chú bán thì mua tàu, rồi chú cùng đi luôn để làm ăn. Chứ ôm cái tàu đó mà đau não. Đắt rẻ gì không biết cứ bán đi rồi có cơ hội làm ăn".
Vậy là anh Nhân quyết định làm liều, gom tiền với những người khác để thực hiện chuyến vượt biển đến Úc.
'Một người bỏ ra 150 triệu (khoảng 6000 USD). 17 người đi chung sang Úc vì nghe nói bên Úc lương cao'.
Anh Phạm Thế Nhân.
(Ảnh tái hiện, chụp màn hình)
'Mình quyết đi thì liều ba bảy cũng liều rồi đó'.
'Mình không biết thời tiết ra răng, không biết hoàn cảnh xô đẩy như thế nào'...
'MUỐI XÁT LÒNG AI NẤY RÁT...'
Hình ảnh về chiếc thuyền vượt biên của anh Nhân và 16 người khác xuất hiện trên tất cả các trang tin tức vào thời điểm đó. (Ảnh tư liệu)
Việc vượt biên không thành không phải áp lực lớn nhất hay nỗi sợ hãi, khủng hoảng nhất với anh Nhân mà chính là khoảng thời gian anh được đưa trở lại địa phương sau đó. Lúc này, anh Nhân không chỉ phải đối mặt với dư luận, với hàng xóm láng giềng mà còn với... ngân hàng.
"Cả tháng trời, thông tin hình ảnh tàu em, báo chí đưa suốt. Ngân hàng hối thúc suốt, áp lực lắm" - anh Nhân nói - "Hồi trước còn cái tàu còn cái thế chấp. Sau khi bán rồi thì mình còn cái gì để bán đâu".
Nhưng áp lực của anh Nhân không chỉ là chuyện phải đối mặt với ngân hàng. Đó là áp lực lớn nhưng nỗi buồn lớn hơn cả với anh Nhân có lẽ chính là việc, quyết định của anh đã liên lụy đến những người thân trong gia đình.
"Ba thì làm Hội đồng, chú thì Đảng viên, dượng cũng Đảng viên. Đáng ra năm ngoái ông được bằng khen của Bộ đó chứ, mà..." - anh Nhân bỏ lửng câu nói.
'Đi mô thì họ cứ hỏi thế chuẩn bị đi tù chưa, nhà họ lấy chưa, không biết sao mà trả lời cho nên buồn buồn ở nhà vậy đó'.
"Con cái dại..." - ông Phạm Đém, bố của anh Nhân, vừa nói vừa cho xem những bằng khen thưởng mà ông nhận được trong cuộc đời mình - "Ba thì có công tác như thế mà con cái thì vướng vào lao lý, giờ để vào tù...".
Ông nói việc con trai làm khiến ông không biết trả lời sao khi được hỏi đến.
"Họp hành bữa nay người ta còn đưa ra chi bộ để nói nữa. Bị cắt chức cắt quyền thì thôi còn chi nữa".
"Một con ngựa bỏ ăn thì cả đoàn bỏ cỏ. Buồn bã vậy đó!".
Ông Phạm Đém, bố của anh Phạm Thế Nhân.
"Muối xát lòng ai nấy rát. Thiên hạ họ ngó họ chê. Chỉ có mình, máu nhỏ thịt thâm, buồn bã chuyện của hắn" - ông Đém nói tiếp - "Lỡ mà có bị án thì phải lo mấy đứa cháu chỗ ăn học rồi trưởng thành. Nên mọi người phải tập trung lại mà bàn".
"Sợ là sợ cái án đó".
"Lâm vào cảnh tù tội thì đổ sông đổ biển. Đi ra xã hội thì mất tiếng mất tăm" - mẹ anh Nhân nói thêm - "Nghĩ đi nghĩ lại cũng buồn, không có điều kiện mà mần ăn, không có cơ sở mà mần. Hắn cũng tần tảo nuôi con, nuôi vợ. Hắn 3 đứa con, giờ mà đi tù thì cũng tội".
"Xảy ra như thế thì cũng nén lòng chứ trách mắng gì con được. Đi biển vậy, đưa cái xác được về là mừng rồi".
'TIỀN MẤT, TẬT MANG LẠI CÒN CẢNH TÙ TỘI NỮA...'
Sau khi trở về, anh Nhân cũng như gia đình mình không nghĩ khung hình phạt dành cho việc vượt biên lại nặng như vậy. Theo khung thì thời gian sẽ nằm trong khoảng từ 7 đến 15 năm. Rồi việc Nhân khai trong quá trình điều tra cũng khiến anh vướng phải vấn đề.
"Điểm yếu của hắn là hắn khai ra là hắn biết đường đi. Người chuyên đi khai thác sao đỏ ở bên Úc đó. Hai thằng kia chưa vạch đường mà chú đã vạch đường".
"Mình cứ khai mình đi biển mình quen biết chớ mình biết mô".
"Thật thà hóa thằng dại chứ khôn thì đã khác. Trời sinh rứa".
"Do vất vả, cực khổ cả"...
"Thuê luật sư mà giỏi thì nhiều tiền"...
....
Con thuyền nhỏ vợ chồng anh Nhân kiếm sống sau chuyến vượt biên không thành. (Ảnh chụp màn hình)
Vợ anh Nhân, chị Nguyễn Thị Vui, nghĩ đến cảnh chồng tù tội và một mình nuôi các con nhỏ khiến chị không thể ngừng khóc. Chị Vui nói trong nước mắt: "Giờ đi về tiền mất tật mang, lại còn cảnh tù tội nữa. Đi tù mười mấy hai chục năm thì chờ sao nổi. Không sống nổi mà chờ chồng".
"Đi rồi thì con ai nuôi" - chị Vui nói tiếp trong nức nở.
'Bán đi một quả thận mà có tiền nuôi con, mà chữa bệnh cho con, chứ đau ốm 2, 3 đứa... cũng không có chi trong nhà mà thế chấp, có gì đáng giá mà bán nữa?!'.
Càng nghĩ càng buồn, càng lo lắng, chị Vui khóc nhiều hơn khi nghĩ đến tương lai tối tăm sắp đến: "Làm cha làm mẹ còn nước còn tát, mần được gì thì mần. Cũng cố nghĩ lắm đó, bán gì được thì bán".
Nghe vợ khóc sụt sùi, anh Nhân nói: "Mình cải tạo tốt thì được ân xá rồi nhanh về rồi làm lại từ đầu chớ biết răng. Chứ mẹ mi vầy con cái ai lo?".
"Em cứ hay nghĩ quẩn, con 4 tuổi biết nương tựa ai?" - anh Nhân nói nhỏ với vợ, an ủi vợ nhưng lòng anh cũng rối lắm.
Đối mặt với án tù, với nợ nần, anh Nhân phải bán nhà, bán đất để trả nợ. Anh nói: "Mấy dì cho mình mượn sổ đỏ, giờ dì đòi lại, buộc phải bán cái nhà đi trả lại sổ đỏ cho mấy dì".
"Em gom 2 mảnh vào bán. May mà có người mua. Họ không mua em cũng cực lắm".
'Người ta đi Úc về xây nhà. Mình đi Úc về đập phá nhà, bán nhà'.
Anh Phạm Thế Nhân.
"Buồn lắm".
VTV đặc biệt: Chuyện thế nhân - Tập 1
___
Người thực hiện: Tiêu Trang Ngọc Bảo (Theo PTL "Chuyện Thế Nhân")
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!