Chương trình Thay lời tri ân năm 2022 với chủ đề "Cây đời trăm năm" được truyền hình trực tiếp lúc 20h30 ngày 18/11 trên kênh VTV2. Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức, với sự tham dự của 400 nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho hơn 1,2 triệu nhà giáo trên cả nước.
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, chương trình như lời tri ân sâu sắc tới các nhà giáo đã và đang thầm lặng vượt khó, đã và đang cống hiến, đóng góp cho nền giáo dục và đào tạo nước nhà bằng tấm lòng cao cả và trí tuệ, sự sáng tạo của mình.
Chương trình đưa khán giả tới khắp mọi miền Tổ quốc từ Điện Biên, Yên Bái đến Hà Nội rồi tới Vĩnh Long... để gặp gỡ những thầy cô hết lòng vì tình yêu dành cho học trò cũng như cho sự nghiệp trồng người.
Là giáo viên ở thành phố Điện Biên Phủ nhưng hàng năm, cô Nguyễn Thị Hà, trường THPT Phan Đình Giót được nhà trường phân đến vùng sâu vùng xa của tỉnh Điện Biên để tuyển sinh. Đến và thấy nhiều học sinh rất khó khăn, nhiều mảnh đời éo le, cô Hà đã lên ý tưởng đỡ đầu các em. Đến nay, cô đã đỡ đầu được 26 em, em bé nhất 4 tuổi và em lớn nhất 18 tuổi.
Đôi chân không mỏi của cô Hà đi tới khắp vùng sâu vùng xa.
Chia sẻ về lý do đã thôi thúc thực hiện dự án "nuôi em", cô Hà cho biết, mặc dù Trường THPT Phan Đình Giót, nơi cô giáo Nguyễn Thị Hà công tác nằm trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, song có hơn 70% học sinh là người dân tộc thiểu số, các em đến từ vùng sâu, vùng xa trong tỉnh như: Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Chà... Đa số các em có hoàn cảnh khó khăn như con hộ nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc, mồ côi... Chứng kiến các hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời vô cùng éo le, cô nghĩ rằng nếu không có sự hỗ trợ thì cuộc đời của các em ấy sẽ rẽ sang ngã rẽ khác, không có tương lai.
Ví dụ như em Vàng Thị Si, nhà ở xã Tìa Dình huyện Điện Biên Đông, nhà em đông con, gia đình thuộc hộ nghèo, mặc dù mơ ước được đi học nhưng em đứng trước nguy cơ phải bỏ học. Với sự hỗ trợ của cô, Si đã được tiếp tục đến trường và hiện đang là học sinh lớp 11 trường THPT Phan Đình Giót.
Cô Hà và hai em Giàng A Say - Vàng Thị Si trong chương trình Thay lời tri ân.
Đảm nhận 4 vai - người vợ, người mẹ, cô giáo, cô nuôi, cô Nguyễn Thị Hà cũng gặp không ít rào cản. Với một nữ giáo viên, luôn bộn bề với công việc của nhà trường và gia đình, thì việc sắp sếp thời gian để có thể hoàn thành tốt cả công việc gia đình, nhà trường và xã hội rất khó. May mắn cô nhận được sự ủng hộ của chồng con, thậm chí cả họ hàng, hàng xóm, đồng nghiệp vào hành trình này.
Sau mỗi sự hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, cô Hà lại thấy lòng mình lại thấy thanh thản, an vui và hạnh phúc. Cô Hà được nhiều học sinh gọi với cái tên thân yêu là “Mẹ Hà” - đã nói lên tất cả những tình cảm của các em dành cho cô.
Là người dân tộc Kinh lên xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái công tác, qua 17 năm, cô giáo Đỗ Thùy Quyên (36 tuổi) đã trở thành người con của đồng bào Mông và như người mẹ của những đứa trẻ người Mông nơi đây.
Qua nhiều năm công tác, cô Quyên nhận ra nếu không thay đổi thì những đứa đứa trẻ nơi đây tương lai sẽ ra sao? Sẽ lại giống như cha mẹ của chúng, chấp nhận cuộc sống đói nghèo và lạc hậu? Câu hỏi đó đã thôi thúc cô phải làm điều gì đó cho mảnh đất Suối Giàng, cho những đứa trẻ người Mông.
Cô Thùy Quyên bắt đầu thay đổi bằng việc tham gia các khóa học dành cho giáo viên và tự nghiên cứu mày mò, ứng dụng công nghệ 4.0 để thiết kế các bài giảng điện tử để học sinh được tiếp cận với công nghệ thông tin trong thời đại số. Cô Quyên cũng là cô giáo duy nhất của tỉnh Yên Bái tự tạo ra các bài học của riêng mình trên phần mềm, giúp phụ huynh có thể đồng hành cùng con một cách dễ dàng và giúp các em yêu thích việc học thông qua các bài giảng điện tử. Đối với bà con người Mông, từ trước đến nay chưa có cô giáo nào làm được như vậy
Hiện đại kết hợp với truyền thống là những gì cô giáo Đỗ Thùy Quyên đang dạy cho những đứa trẻ người Mông nơi non cao Suối Giàng. Tự hào là quê hương của những cây chè Shan Tuyết hàng trăm năm tuổi nên ngay từ nhỏ những đứa trẻ ở Suối Giàng đã được cô Quyên dạy cách nhận biết và pha trà mời khách. Đôi bàn tay nhỏ tuy còn chút lóng ngóng nhưng lấp đầy trong trái tim bé nhỏ là niềm tự hào về đặc sản mang thương hiệu của quê hương.
Ngay từ nhỏ những đứa trẻ ở Suối Giàng đã được cô Quyên dạy cách nhận biết và pha trà mời khách
Với nhiều người hạnh phúc có thể là điều gì đó rất lớn lao, nhưng với cô giáo Đỗ Thùy Quyên, hạnh phúc chỉ đơn giản là nhìn thấy các con ăn no, ngủ say và vui đến trường.
Khi nhắc đến câu chuyện nhân tài đi ra nước ngoài học tập nghiên cứu khoa học, rất nhiều người đạt được những thành công lớn, được thế giới đánh gia cao, tuy nhiên không ít người đã lựa chọn ở lại, chúng ta vẫn thường gọi đó là "chảy máu chất xám", một điều khá đáng buồn. Nhưng chương trình Thay lời tri ân đã mang đến góc nhìn tích cực của những người giảng viên đại học đã có nhiều thành công ở nước ngoài nhưng luôn hướng về đất nước, một lòng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Vào năm 2010, PGS. TS. Hải Tùng đã nhận bằng Tiến sỹ về lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông tại Italy. Từ năm 2016 đến 2019, PGS. Hải Tùng được bầu là Chủ tịch Tổ chức Công nghệ định vị đa hệ thống châu Á – tổ chức về công nghệ định vị sử dụng vệ tinh lớn nhất châu Á và Châu Đại Dương.
Tháng 11/2020, PGS. Hải Tùng được Tổng thống Công hòa Italy trao tặng Huận chương Công trạng, tước hiệu Hiệp sỹ, vì những đóng góp của PGS trong nghiên cứu khoa học, cũng như phát triển hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực khoa học – công nghệ.
Cho đến nay anh đã có hơn 70 công trình khoa học bao gồm: các bài báo trên tạp chí khoa học, kỷ yếu hội nghị; các báo cáo mời; các bài giảng…
PGS TS. Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, ĐH Bách Khoa Hà Nội
Chia sẻ trong chương trình Thay lời tri ân, PGS TS. Tạ Hải Tùng cho biết: "Tôi học và làm việc gần 7 năm ở nước ngoài. Sau khi về nước công tác tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tôi có dịp đi công tác ở Pháp và biết được rất nhiều anh chị em người Việt đang công tác và làm việc ở vị trí rất quan trọng. Họ luôn đau đáu tìm các học bổng, dự án để tài trợ cho các sinh viên ra nước ngoài học để được tiếp cận với công nghệ, kiến thức mới. Không cần phải ở trong nước mới có thể cống hiến, rất nhiều người ở nước ngoài họ vẫn cống hiến.
Hiện nay, chúng ta đang thời kỳ dân số vàng, có nhiều bạn trẻ đang rất nhiệt huyết để nghiên cứu, cống hiến và sáng tạo. Những người Việt học ở nước ngoài về, có nhiều lợi thế so với các bạn học trong nước, hãy cùng nhau cống hiến phát triển đất nước chúng ta tốt đẹp hơn".
Bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nên khi sinh ra thầy giáo Chu Quang Đức rất nhỏ bé, không đi lại được và phải ngồi xe lăn. Nhờ sự yêu thương của gia đình và nghị lực vươn, thầy giáo Đức đã tốt nghiệp khoa Toán Tin, trường Đại học Sư phạm - Hà Nội 2.
Tốt nghiệp đại học sư phạm về công tác giảng dạy tại chính ngôi trường xưa từng theo học cấp ba - trường THPT Mê Linh, Hà Nội, trở thành đồng nghiệp của chính những thày cô đã từng dạy mình, nhưng chưa dừng lại tại đó, thầy Chu Quang Đức tiếp tục theo học và hoàn thành chương trình cao học khiến gia đình tự hào, đồng nghiệp, bạn bè cùng trang lứa và học trò nể phục.
Thành quả của thầy giáo Chu Quang Đức ngày hôm nay ngoài nỗ lực của bản thân, còn là sự yêu thương và hi sinh vô bờ bến của cha mẹ.
Thầy giáo nhỏ bé nhưng có võ, suốt 10 năm qua "đứng" trên bục giảng bằng xe lăn, thầy Chu Quang Đức đã "gieo mầm" cho nhiều lớp học trò về giá trị của việc học tập để trở thành người có ích.
Trong mỗi lớp học, mỗi em học sinh có một khả năng tiếp thu kiến thức khác nhau, một hoàn cảnh sống khác nhau và tính cách riêng. Nhiều em không thích học hay quậy phá, thầy không những không ghét mà còn tìm cách tiếp cận, trò chuyện với từng em, để hiểu những khúc mắc và tìm cách tháo gỡ. Từ đó, học trò yêu thầy, thầy giáo tận tâm với học trò khiến học trò thay đổi tâm tính, quyết tâm học hành để trở thành người có ích.
Thày dạy Tin học trên lớp nhưng nhờ có phương pháp giảng dạy và những cố gắng nỗ lực của thày đã truyền cảm hứng cho học trò hăng say với bài vở. Ngoài những học sinh đang theo học tại trường, hàng xóm, bạn bè, thậm chí cả học sinh cũ đã gửi con nhờ thầy kèm thêm môn Toán. Nhiều năm qua, lớp lớp những thế hệ học trò vẫn thường đến thăm hỏi thày tri ân thầy.
Cô Bùi Lê Xuân Trang là một giáo viên chủ nhiệm ở trường THPT Vĩnh Xuân, tỉnh Vĩnh Long, một người giáo viên đã dùng cả trái tim của mình để thấu hiểu học trò. Năm đó, lớp do cô chủ nhiệm có cô học trò được xem là "cá biệt". Sau khi trải qua biến cố khi gia đình ly tán, cô học trò Nguyễn Thái Quyên (cựu học sinh trường THPT Vĩnh Xuân, Vĩnh Long) tỏ ra ương ngạnh, biệt lập với các bạn trong lớp. Quyên còn thường xuyên đi học muộn, không chuẩn bị bài trước khi lên lớp và trở thành học sinh "cá biệt" của lớp.
Là cô giáo chủ nhiệm, cô Bùi Lê Xuân Trang đã quyết định đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh của Thái Quyên. Nữ giáo viên chủ nhiệm cũng khéo léo dùng hình ảnh về loài cây xương rồng để chia sẻ về hoàn cảnh của Thái Quyên đến các bạn học trong lớp. Bằng tình thương, tấm lòng nhân ái, cô Trang đã giúp cây xương rồng xù xì trút bỏ lớp gai của mình, để biết yêu thương, và đón nhận tình yêu thương từ những người xung quanh.
Cũng chính từ đó, Thái Quyên bắt đầu mở lòng, đón nhận sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và có những bứt phá lớn trong học tập.
Trong chương trình Thay lời tri ân, cô Trang vui mừng thông báo hiện tại Quyên đang là sinh viên năm 2 ngành quản lý nhà hàng, khách sạn trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam (cơ sở 2). Câu chuyện về Thái Quyên đã cho cô nhiều kinh nghiệm khi gắn bó với nghề dạy học. Theo cô Trang, để nắm bắt tâm lý học sinh ngoài việc lắng nghe các em trong các tiết dạy, giáo viên phải đồng hành cùng các em trong các hoạt động ngoại khoá, phong trào, cùng vui chơi với các em, giúp các em tin tưởng mình hơn để dễ dàng trải lòng trong những cuộc trò chuyện riêng.
Phát biểu tại chương trình Thay lời tri ân 2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, những tấm gương các nhà giáo được chương trình nói tới chắc chắn mới chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn những tấm gương cống hiến, những việc làm tốt của các thầy, các cô khắp mọi nẻo đường đất nước.
"Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin gửi tới toàn thể nhà giáo, các cựu giáo chức lời chúc mừng, lời cảm ơn. Chúc tất cả các cô, các thầy luôn mạnh khỏe, nhiệt huyết không bao giờ vơi cạn, luôn hạnh phúc với cuộc sống, hạnh phúc với nghề nghiệp và với học trò; luôn sống vinh quang cùng nghề nghiệp và tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp trồng người nhiều ý nghĩa.
Thay mặt cho ngành Giáo dục và cho các nhà giáo, tôi bày tỏ lời cảm ơn tới Đài Truyền hình Việt Nam, tới các nhà báo đã tổ chức và thực hiện chương trình Thay lời tri ân đầy ý nghĩa này." - Bộ trưởng bày tỏ.
Thay lời tri ân năm 2022 - Cây đời trăm năm
Chương trình "Thay lời tri ân năm 2022: Cây đời trăm năm" được phát lại vào 20h40 Chủ nhật (ngày 20/11/2022) trên kênh VTV1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!