"BẪY" mở đầu bởi những vụ mất tích, những lời kêu cứu trùng hợp nhau đến không ngờ. Là chàng trai ngoài 20 tuổi đã mất tích cả tháng trời, nói dối với mọi người là đi Nha Trang nhưng thực chất là sang Campuchia để kiếm tiền; là người bố người mẹ bất ngờ nhận được thông tin phải lấy tiền chuộc đứa con út khi đã mất liên lạc suốt hơn 3 tháng; là người em kêu cứu với anh trai trong tuyệt vọng chỉ vì trót dại đi tin người ta. Đa số những nạn nhân mất tích đều là những thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 25. Họ không có hộ chiếu, không biết ngoại ngữ và chưa từng bước chân ra khỏi quê nhà. Thế nên ngay cả với người nhà, họ cũng không thể hiểu nổi vì sao con cái, anh em mình lại có thể đi xa đến như vậy, đi bằng cách nào, đi với ai.
Những nạn nhân ở các tỉnh thành trên cả nước được người môi giới hứa hẹn đặt vé máy bay vào TP Hồ Chí Minh, sang nước ngoài làm việc và được bao ăn bao ở tiện nghi. Công việc nhẹ nhàng, không cần trình độ, không đòi hỏi nhiều và chỉ cần gõ máy tính ở văn phòng. Tuy nhiên, khi sang đến nơi, những nạn nhân mới biết mình đã bị lừa. Công việc của họ là trở thành những người đi lừa đảo trên mạng, tìm khách để mắc vào những cái bẫy đã được giăng sẵn trong thế giới ảo. Nhiệm vụ của những người làm công việc lừa đảo là lôi kéo người tham gia ở quốc gia mình thực hiện các công việc được thiết kế sẵn trên các ứng dụng và trang web như like dạo trên mạng xã hội, cờ bạc trực tuyến, dịch vụ cho vay, nợ game xổ số, sàn chứng khoán ảo, chốt đơn ảo. Đường dây lừa đảo này được phân thành năm cấp, cao nhất là đối tượng cầm đầu, cấp thấp nhất nhưng cũng đông nhất là những người trực tiếp tiếp cận khách hàng hay được gọi là bộ phận "giết khách".
Công việc chính của những lao động mới được tuyển dụng chỉ là sao chép những câu trả lời đã được soạn sẵn. Nhưng trước khi trò chuyện với những người được gọi là khách hàng, họ phải thuộc những bài học vỡ lòng, phải thăm dò để biết khách có tiềm năng hay không, không được vội vàng mà phải phá vỡ được rào cản của hai người xa lạ. Khi chưa tạo được niềm tin thì đừng mong lấy được tiền từ trong túi của họ. Những người này buộc phải để khách hàng có suy nghĩ rằng làm càng nhiều sẽ càng lãi nhiều. Và sau khi khách hàng hoàn thành, đến lần thứ ba chúng ta thực hiện đơn "giết". Những khoản tiền nạp vào được giới thiệu là những khoản đầu tư nhỏ nhưng có thể thu về lãi lớn từ 20, thậm chí là 50 % so với vốn.
Những người mất tiền rơi vào khủng hoảng nhưng những người này thực tế cũng chỉ là nạn nhân của nạn nhân. Những người khi đi lừa đảo người khác bản thân họ cũng bị ép buộc phải làm những công việc đó. Họ áy náy, day dứt bởi biết đó là công việc trái đạo đức, khi phải đi lừa nhiều người đến mức họ phải gánh nợ. Nhưng lợi nhuận khổng lồ từ những phi vụ làm ăn bất chính khiến những kẻ lừa đảo điên cuồng tìm con mồi để làm tay sai và làm nạn nhân của chúng. Những người lao động Việt Nam sang đây trở thành cỗ máy kiếm tiền, là tay sai nhưng đa phần lại không được trả lương mà còn bị bắt ép và quản thúc để làm những công việc trái đạo đức và vi phạm pháp luật.
Không nạn nhân nào biết chính xác kẻ cầm đầu là ai, bởi tất cả đều là công ty ma. Các công ty ma thường có chủ là tội phạm ở các nước. Chúng sẽ trốn khỏi quốc gia của mình và rồi thành lập công ty ma ở nước khác. Những tổ chức lừa đảo này di chuyển liên tục.
Trở thành những cỗ máy kiếm tiền, họ bị vắt kiệt sức lao động. Ở "địa ngục" đó không chấp nhận sự phản kháng và không có chỗ cho lỗi lầm. Những khu nhà cho người lao động ở được sắp xếp các chốt bảo vệ xung quanh, có súng giám sát gắt gao, những hàng rào tường chăng chằng chịt dây thép gai, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Để tiện quản lý, lao động quốc gia nào sẽ ở riêng một tòa nhà đấy. Trước khi vào làm, tất cả đều bị tịch thu toàn bộ điện thoại. Bất cứ thông tin, hình ảnh nào bị lọt ra đều phải trả một cái giá rất đắt. Khi phạm lỗi, tất cả đều nhận chung một hình phạt.
Bị nhốt, bị đánh đập, bị tra tấn, ngược đãi về mặt thể xác, tinh thần và còn bị bóc lột cả về vật chất, vi phạm nhẹ phạt 10.000 USD, nặng thì gấp thế 10 lần. Các nạn nhân bị kiểm soát gắt gao bởi hàng loạt các quy định chỉ có phạt mà không có thưởng. Các công ty còn in chi tiết hình phạt để nhân viên mang về phòng đọc và ghi nhớ.
Không "giết" được khách là bị đánh, không có tiền chuộc về là bị tra tấn và khi không còn giá trị để lợi dụng, họ trở thành món hàng để buôn qua bán lại. Lần một, lần hai rồi lần ba, mỗi lần bán là mỗi lần tăng giá trị sinh lời cho người chủ và cũng là tăng giá trị lệ thuộc của nạn nhân. Người phải sinh ra tiền và thậm chí là rất nhiều tiền. Họ sợ hãi khi trở thành món hàng và nhiều nạn nhân đã tìm cách lẩn trốn khi hay tin mình bị bán. Bắt đầu ở chỗ mới nhưng mọi thứ vẫn cũ, vẫn công việc lừa đảo trên mạng, vẫn những lời dọa dẫm đòn roi, vẫn tương lai mịt mờ, cơ hội trở về ngày càng ngắn và ngày về còn rất xa.
Khi các nạn nhân không còn giá trị, cái đích đến cuối cùng mà bọn chủ nhắm đến đó là gia đình. Những món tiền chuộc được đưa ra, đủ mọi loại giá với người thân ở nhà. Có gia đình vét hết tài sản, bán hết đất đai để có đủ tiền chuộc con, nhưng có những nhà bây giờ không bán được cái gì, cũng không còn một thứ gì để mà bán nữa. Khi không thể đáp ứng yêu cầu về tiền, mọi thông tin về người thân cũng mất hút theo. Những tên môi giới chỉ quan tâm từ đầu đến cuối là có đủ tiền hay không, tiền được chuẩn bị như thế nào và tiền thật hay là tiền giả. Khi nhận đủ tiền thì chúng mới trả người như một món hàng.
Đối diện với nỗi sợ lớn nhất, con người bắt buộc phải đưa ra lựa chọn sinh tử, thử một lần, đánh đổi một lần để mình được về với gia đình. Có những nạn nhân may mắn trốn thoát, trở về lành lặn với gia đình nhưng cũng có những thanh niên mới chỉ ngoài hai mươi, mang theo biết bao yêu thương, kỳ vọng, hoài bão của cha mẹ giờ khi trở về chỉ còn là hũ tro lạnh lẽo, di vật chẳng còn gì ngoài vài tờ tiền ngoại tệ. Hành trình trốn chạy vẫn chưa kết thúc, ngày mai liệu có đến với những người còn ở lại?
Các nạn nhân bị cuốn vào các mạng lưới lừa đảo trực tuyến. Bọn tội phạm buôn người có tổ chức và chúng luôn tìm kiếm điểm yếu của nạn nhân bị tấn công. Suy thoái kinh tế đã thực sự tạo điều kiện cho bọn lừa đảo qua mạng và buôn bán người phát triển. Chắc chắn nếu pháp luật không thực sự mạnh mẽ để truy đuổi loại tội phạm này thì chúng sẽ không bao giờ biến mất. Khi con người giảm dần về giá trị cũng là lúc những món hàng được bán trao tay, quay vòng đến khi trở về vạch xuất phát sẽ trở thành thứ không ai cần. Bán cho người nhà là lựa chọn cuối cùng bởi nó kết thúc sự giao dịch.
Tính đến cuối tháng 9/2022, hơn 1.000 công dân Việt Nam đã được giải cứu, hàng nghìn công dân khác được hỗ trợ thủ tục liên quan. So với năm 2021, số nạn nhân được bảo hộ đã tăng hơn 500% trong thời gian vừa qua. Bộ Nội vụ Campuchia cũng đã mở chiến dịch rà soát người nước ngoài trên toàn quốc. Tháng 9/2022, Bộ trưởng các nước Asean cũng đã cùng nhau thông qua Tuyên bố chung trong Hội nghị về tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 16. Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác liên ngành trong việc giải quyết những thách thức bắt nguồn từ đại dịch COVID-19 và những mối đe dọa mới xuất hiện từ đại dịch.
Song song với các hành động nhằm trấn áp tội phạm buôn bán người, chiến dịch First Light 2022 - Chiến dịch trên toàn thế giới chống lại lừa đảo trên mạng xã hội đã tiếp tục được phát huy với sự tham gia của 76 quốc gia ở mọi châu lục, đã có 1.770 địa điểm bị đột kích trên toàn thế giới, khoảng 3.000 nghi phạm được xác định, khoảng 2.000 nhà điều hành, kẻ lừa đảo và rửa tiền bị bắt, khoảng 4.000 tài khoản ngân hàng bị đóng băng, thu giữ hàng triệu USD bất hợp pháp.
Bộ phim khép lại với những hình ảnh vẫn còn ám ảnh người xem. Và trên thực tế, những cuộc gọi, tin nhắn, những lời mời hấp dẫn về một công việc nhẹ nhàng lương cao, về tương lai kiếm tiền dễ dàng vẫn đầy rẫy ngoài kia. Bộ phim là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, đừng để một ai bị sa vào những cái bẫy chết người như vậy thêm một lần nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!