VTV.vn - Xuân Thuỷ là nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam và để lại di sản báo chí to lớn.

Năm 1935, Xuân Thủy thoát ly quê hương, bước vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Đến Phúc Yên, ông làm cộng tác viên cho báo Trung Bắc Tân Văn, Hà thành ngọ báo và một số tờ báo khác. Để dễ bề hoạt động, Xuân Thủy mở hiệu thuốc bắc ở khu Đệ Nhất, nay là phố Trưng Trắc. Trước nhà có đôi câu đối Xuân hồi thảo mộc thiên hoa phát/ Thủy bất ba lan tứ hải bình - nghĩa là Xuân về, cây cỏ muôn hoa nở/ Nước không sóng, giữ biển bình yên. Bút danh Xuân Thủy chính là hai chữ đầu của hai vế đối.

Xuân Thủy là một cây bút đa tài, kết hợp nhuần nhuyễn giữa thơ và báo. Bài thơ Không giam được trí óc viết trong nhà tù Hoả Lò năm 1938:

Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh 2.

Đó là một tiếng hát bất tuyệt về tự do, thể hiện ý chí kiên cường, tinh thần lạc quan cách mạng, cổ vũ các đồng chí trong tù giữ vững chí khí chiến đấu.

Linh Quang cổ tự ở Phúc Yên là một trong những nơi Xuân Thủy tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho thanh niên, tập hợp đồng chí, thu thập tin tức, viết bài.

Nhiều thanh niên được Xuân Thủy giác ngộ thời ấy đã trở thành nòng cốt của phong trào, thành những đồng chí lãnh đạo kiên trung của Đảng bộ địa phương qua các thời kỳ. Ngày 1/1/1937, Godart dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Pháp đến Việt Nam, cả nước dấy lên phong trào "Đón Godart", thực chất là biểu tình đòi dân chủ. Xuân Thủy cử các đồng chí của mình đưa một đoàn người Phúc Yên tiến về Hà Nội. Nông dân Lê Văn Thân do tham gia đón Godart bị tuần phủ Phúc Yên đe dọa và dùng chiện đồng đánh vào tay. Xuân Thủy đã thảo cho Lê Văn Thân một lá đơn kiện, đưa cho người vợ và người em họ bí mật gửi đăng báo. Sau đó, nhiều tờ báo khác trong nước và cả ở Pháp đăng lại.

Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh 4.

Dưới sức ép của báo chí, lần đầu tiên Tòa án thực dân gọi một viên quan đầu tỉnh ra ngồi ghế bị cáo trước nguyên đơn là một nông dân. Đây là sự kiện có một không hai trong lịch sử cách mạng và lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam.

Năm 1944, Xuân Thủy làm Chủ nhiệm, chủ bút báo Cứu Quốc, đồng thời là cây bút chính với các bút danh Chu Lang, Tất Thắng, Ngô Tất Thắng... Trong những thời điểm then chốt, tính dự báo chính xác, tính chiến đấu mạnh mẽ của báo Cứu Quốc đã hô gọi, lôi cuốn quần chúng vào dòng thác cách mạng ào ạt, không sức gì ngăn nổi dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh.

Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh 5.

Số báo đầu tiên sau Cách mạng ra ngày 24/8/1945 có bài Lời chào cứu quốc của Xuân Thủy. Ngày nay đọc lại còn thấy rung động, muốn xông tới đứng dưới cờ tranh đấu:

Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh 6.

Năm 1941, Xuân Thủy bị giam ở nhà tù Sơn La lần thứ 2. Tại đây, ông và các đồng chí của mình xuất bản Suối Reo. Đây là tờ báo trong tù rất nổi tiếng, có tiếng vang khi Đảng chưa giành được chính quyền và có vị trí rất vẻ vang trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Có thể nói, thời kỳ làm chủ nhiệm, chủ bút báo Cứu Quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh, cũng là tiếng nói chính thống của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, là thời kỳ thể hiện rõ nhất tài năng làm báo của Xuân Thủy.

Trước Cách mạng tháng 8, địa điểm của báo Cứu quốc có ở nhiều nơi, ở đâu cũng được nhân dân không quản hiểm nguy che chở. Song Phượng là địa điểm cuối cùng của báo Cứu Quốc bí mật và cũng là nơi báo Cứu Quốc phát đi Lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa.

Sau 19/8/1945, đồng chí Xuân Thủy trưng thu ngôi nhà 114 Hàng Trống, trụ sở báo của Pháp làm trụ sở báo Cứu Quốc. Ngôi nhà này nay là 44 Lê Thái Tổ, trụ sở báo Hà Nội Mới.

Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh 9.

Trụ sở báo Hà Nội Mới.

Cứu Quốc số đầu sau Cách mạng thành công, ra ngày 24/8/1945, là tờ báo sớm nhất đưa danh sách thành viên Chính phủ Hồ Chí Minh, tin khởi nghĩa thắng lợi ở các địa phương, văn thơ chào mừng chế độ mới. Những ngày này, nhân dân Hà Nội đổ xô ra đường mua báo Cứu Quốc. Các trẻ bán báo bán hết xấp này đến xấp gác vẫn không đủ nhu cầu cho người Hà Nội, chưa kể các địa phương khác.

Tình hình chính trị vào cuối năm 1945 - đầu 1946 vô cùng phức tạp, vận nước ngàn cân treo sợi tóc. Xuân Thủy tuy phải giải quyết nhiều công việc cấp bách của chính quyền cách mạng, của Mặt trận và các công tác khác nhưng vẫn luôn bám trụ tòa soạn, dùng báo Cứu Quốc chiến đấu công khai chống Việt gian phản động và sự can thiệp của các thế lực thù địch.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự tổ chức tài ba của Xuân Thủy, báo Cứu Quốc được xuất bản đều đặn, không một ngày ngừng nghỉ và phát hành rộng rãi khắp cả nước. Cùng với báo Cứu Quốc Trung ương, ông có sáng kiến thành lập báo Cứu Quốc ở các khu và liên khu. Báo Cứu Quốc Trung ương sở dĩ ra đường liên tục vì Xuân Thủy đã luôn bố trí cơ sở dự phòng cho nhà in, hễ nơi chính bị đánh phá thì có nơi dự phòng để in báo được ngay.

Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh 10.

Cùng với tòa soạn báo Cứu Quốc, Xuân Thủy còn cho ra đời tạp chí Cứu Quốc, nhà xuất bản Cứu Quốc thành lập nhà in riêng, hệ thống phát hành ở khắp nơi. Ở báo Cứu Quốc, ông biết tập hợp quanh mình những đồng nghiệp, đồng chí thân thiết, hết lòng vì công việc, trong đó có Lê Viên, Nguyễn Văn Hải - hai người phụ trách toàn bộ phần hậu cần của báo Cứu Quốc. Ở các khu, liên khu có Như Phong, Nguyễn Ngọc Kha, Tô Hoài.

Năm 1950, chủ bút báo Độc Lập Nguyễn Thành Lê được điều sang làm chủ bút Cứu Quốc, để Xuân Thủy nhận thêm một số nhiệm vụ khác nữa. Xuân Thủy có ý thức và đã thành công trong việc tạo ra một tập thể báo Cứu Quốc gắn bó chặt chẽ với nhau thành một khối để vượt qua mọi thử thách, làm nên tờ báo số một trong kháng chiến.

Với tài năng tổ chức báo chí và đức độ của mình, Xuân Thủy đã thu hút được một đội ngũ cộng tác viên thường xuyên gồm nhiều nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch, nhà chính trị, nhạc sĩ, họa sĩ nổi tiếng như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Trần Văn Cẩn, Thép Mới và nhiều người tài khác. Trong đó, báo Cứu Quốc luôn có chất lượng cao, hấp dẫn bạn đọc.

Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh 11.

Báo Cứu Quốc có chất lượng tốt còn vì Xuân Thủy luôn luôn khuyến khích phát huy tài năng, sự sáng tạo của cán bộ, phóng viên, giao việc đúng khả năng, chú trọng bồi dưỡng phóng viên. Do đó, anh em phấn khởi cống hiến hết mình cho tờ báo, làm báo như phong cách Bác Hồ. Xuân Thủy từng tự mình và yêu cầu tổ chức cho anh em trong tòa soạn và quần chúng đọc bài trước khi đưa in nên báo viết ra vừa đúng chủ trương, vừa gần gũi, dễ hiểu, được đông đảo nhân dân yêu thích.

Báo Cứu Quốc được tin tưởng và có sức hấp dẫn còn nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ. Bác thường xuyên viết bài cho báo với hàng chục bút danh khác nhau. Bác còn phụ trách các chuyên mục như Chuyện gần xa và Thường thức chính trị.

Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh 13.

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Tháng 3/1977, Xuân Thủy chủ trì hợp nhất báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng. Ông đã đặt tên báo là Đại Đoàn Kết để khắc sâu lời dạy của Bác Hồ.

Báo Cứu quốc là tờ báo cách mạng duy nhất ra hàng ngày và có số lượng phát hành lớn nhất trong suốt thời kỳ Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp.

Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh 15.

Đồng chí Trường Chinh đánh giá về nhà báo Xuân Thủy.

Không chỉ có công với báo Cứu Quốc, Xuân Thủy còn là người có công đầu tiên thành lập Việt Nam Thông tấn xã và Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Để từ đó cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại và việc nước ta trở thành Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á được nhanh chóng vang lên trên khắp thế giới.

Tối 19/8/1945, UBND Cách mạng lâm thời Bắc Bộ, Xuân Thủy đã đề nghị ngay một việc vừa cấp bách, vừa chiến lược cho cuộc kiến tạo tương lai - thành lập Nha thông tin Bắc Bộ và Đài phát thanh Quốc gia. Ngày 22/8/1945 tại số 4 Đinh Lễ, Hà Nội, Xuân Thủy họp một số thanh niên trí thức và giao cho Trần Kim Xuyến phụ trách Việt Nam Thông tấn xã, Trần Lâm phụ trách Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Xuân Thủy đã trực tiếp mời nhà trí thức Nguyễn Tường Phượng - Chủ nhiệm Tạp chí Tri Tân đến trụ sở báo Cứu Quốc và nói:

Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh 17.

Ngày 27/12/1945, gần 100 nhà báo ở Hà Nội họp tại trụ sở Hội Văn hóa Cứu Quốc lập ra Đoàn Báo chí Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Tường Phượng - Chủ nhiệm Tạp chí Tri Tân được bầu làm Chủ tịch. Đây là tổ chức tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam.

Do kháng chiến, Đoàn Báo chí Việt Nam phân tán. Để kịp thời có một tổ chức báo chí phục vụ kháng chiến, Đoàn báo chí kháng chiến lâm thời ra đời, do ông Đặng Thai Mai làm Chủ tịch. Đến 1948, Đoàn báo chí kháng chiến được Bộ Nội vụ phê chuẩn điều lệ và cho phép hoạt động chính thức, do Xuân Thủy làm Chủ tịch. Ngày 21/4/1950, Xuân Thủy đứng ra triệu tập đại diện các cơ quan báo chí Trung ương đóng ở chiến khu Việt Bắc, thay mặt báo giới cả nước tổ chức Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam tại Hội trường báo Cứu Quốc. Đại hội đã bầu nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng.

Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh 18.

Đây là căn cứ lịch sử để chứng minh Xuân Thủy chính là người sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam. Tháng 7/1950, Đại hội của tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của OIJ. Nhà báo Xuân Thủy là nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia Đoàn Chủ tịch OIJ, được bầu làm Phó Chủ tịch tổ chức quốc tế các nhà báo năm 1957 và là nhà báo đầu tiên của Việt Nam được tặng thưởng phần thưởng cao quý của tổ chức này.

Nhà báo Xuân Thủy giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong hai nhiệm kỳ, từ năm 1950 - 1962. Khi nước nhà thống nhất, ngày mùng 7/7/1976, với cương vị Bí thư Trung ương Đảng, Xuân Thủy đã chủ trì hợp nhất Hội Nhà báo Việt Nam với Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam thành lập Hội Nhà báo Việt Nam như hiện nay.

Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh 19.

Năm 1949, với tư cách là Ủy viên thường trực Ban Thường vụ Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Đoàn Báo chí kháng chiến, Xuân Thủy đã tổ chức thành công trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ông đề nghị mời ông Đỗ Đức Dục, một nhà báo chuyên nghiệp làm Giám đốc. Tuy chỉ đào tạo được một lớp duy nhất nhưng trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Xuân Thủy phụ trách và là giảng viên đã đào tạo được nhiều người, sau này là nhà báo, văn nghệ sĩ và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, để lại những kinh nghiệm quý giá cho các trường đào tạo báo chí sau này.


Tháng 5/1968, đồng chí Xuân Thủy làm Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Nhà báo Nguyễn Thành Lê, cố vấn kiêm người phát ngôn của đoàn đàm phán Hội nghị Paris về Việt Nam đã viết trong cuốn sách Mặt trận Ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam do Bộ Ngoại giao chủ biên viết: 

Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh 21.

Xuân Thủy phụ trách hoàn toàn 3 trong 4 hình thức là: đấu tranh trong các phiên họp công khai; đấu tranh trong các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn, các nhà báo và đấu tranh vận động, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới rất thành công. Ông đã cho điều động những nhà báo học ngoại ngữ, giỏi nghiệp vụ làm nòng cốt thực hiện ba công việc trên. Cùng với Xuân Thủy còn có Nguyễn Minh Vỹ, Nguyễn Thành Lê, Lý Văn Sáu, Hồng Hà, Hà Đăng, ông Nguyễn Hữu Chỉnh, Hoàng Phong, Lê Bình, Xuân Oanh và nhiều nhà báo tài năng khác.

Hội nghị Paris có 248 phiên họp công khai. Tại đó, nhà ngoại giao, nhà báo Xuân Thủy bằng lý lẽ đanh thép, kết hợp thái độ lúc cứng rắn, lúc mềm dẻo đã luôn bảo vệ nguyên tắc lập trường chính nghĩa của ta, bẻ gãy mọi lập luận phi lý của đối phương, làm cho các nhà quan sát và ngay cả đối phương cũng nể phục.

Về hoạt động báo chí ngoài hội nghị, cả hai đoàn ta có gần 500 cuộc họp báo lớn, nhỏ và hàng trăm cuộc trả lời phỏng vấn. Xuân Thủy thường chủ trì các cuộc họp báo lớn và thông báo báo chí thứ Năm hàng tuần sau phiên họp công khai tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Paris. Ông trực tiếp trả lời phỏng vấn của các báo, các hãng thông tấn phương Tây, các nước xã hội chủ nghĩa và báo chí Mỹ. Những câu trả lời của ông rất sâu sắc nhưng rất dễ hiểu, lại dí dỏm.

Với nụ cười luôn trên môi với thái độ thẳng thắn, lịch lãm, ông đã thuyết phục giới báo chí thuộc mọi đối tượng. Cả hai đoàn đã có hàng nghìn cuộc tiếp xúc, vận động ủng hộ Việt Nam. Chủ trương của đoàn là các nhà báo được đi lại tự do để các nhà báo của ta tiếp xúc thật nhiều với nhà báo nước ngoài. Việc này còn quan trọng hơn cả việc viết báo và đưa tin. Các chuyên viên ngoại giao và các nhà báo của đoàn đã đi nhiều nơi trên đất Pháp, Tây Âu, một số nước xã hội chủ nghĩa, châu Phi, châu Á, có khi sang cả châu Mỹ dự các cuộc hội thảo, mít tinh của mọi tổ chức chính phủ, nhằm vận động ủng hộ Việt Nam.

Những năm tháng ấy, hình ảnh nụ cười Xuân Thủy luôn được phương Tây nhắc đến như không chỉ của con người Xuân Thủy mà còn là biểu tượng của sự tự tin, thân thiện, lạc quan Việt Nam.

Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh 23.

Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thuỷ trả lời phỏng vấn các nhà báo quốc tế, Paris, năm 1968. (Ảnh tư liệu - nguồn: qdnd.vn)

Những hoạt động báo chí và vận động dư luận này đã góp phần đáng kể tạo ra mặt trận đoàn kết nhân dân thế giới rộng lớn chưa từng có, một phong trào phản chiến rầm rộ ngay trong lòng nước Mỹ. Đây cũng chính là nguyên nhân không kém phần quan trọng đưa đến thành công của Hội nghị Paris về Việt Nam.

Đồng chí Xuân Thủy từng giữ nhiều trọng trách trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, trong các công tác ngoại giao, báo chí, trong phong trào bảo vệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị quốc tế. Ở cương vị nào, lĩnh vực công tác nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và để lại niềm tin yêu cho đồng chí, đồng bào.

Ông được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Những đồng chí cộng sự thân thiết, bà con quê hương Xuân Phương, con cháu ông và những người làm báo mãi ghi nhớ hình ảnh một con người đức độ, ấm áp, tình thương, bao giờ cũng hết lòng chăm lo cho việc chung, hết lòng chăm lo cho người khác.

Noi theo gương sáng của ông, bà Nguyễn Thị Mai Phương - vợ ông và các con ông đã nhường lại cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngôi biệt thự 36 Lý Thường Kiệt với khuôn viên hơn 2.000m2 giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội làm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đó là một cử chỉ cao cả một hình ảnh tươi sáng về nhân phẩm và giá trị làm người.

Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú, người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh 25.

Vợ Xuân Thuỷ và các con ông đã nhường lại cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngôi biệt thự 36 Lý Thường Kiệt với khuôn viên hơn 2.000m2 giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội làm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Tuy hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhưng có lẽ, báo chí là lĩnh vực ông say mê nhất và gắn bó suốt đời. Ở tuổi thanh niên, ông khởi động hoạt động cách mạng bằng nghề báo. Chiều 18/6/1985, trong cơn mưa tầm tã, trái tim ông đã đột ngột ngừng đập khiến ông gục xuống ngay trên bàn viết.

Nhiều dự định cao cả của ông chưa thực hiện được khi cuộc đời ông dừng lại ở tuổi 73, nhưng sự nghiệp làm báo của Xuân Thủy, con đường cách mạng cống hiến cho dân tộc theo Bác Hồ của Xuân Thủy, của lớp lớp cha anh thì còn cháy mãi cùng đất nước, sáng mãi, trong lịch sử báo chí Việt Nam!

(Ảnh cover - nguồn: btlsqsvn.org.vn)

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước