Liên hoan phim Cannes 2019 chính thức diễn ra từ ngày 14/5 tại Pháp với sự tham gia của hàng loạt những ngôi sao nổi tiếng. Đây là một trong những Liên hoan phim uy tín nhất trên thế giới, được tổ chức thường niên vào tháng 5.
Nếu như những bộ phim tại Liên hoan phim Cannes vào năm 2018 là một lời cảnh tỉnh, gây sửng sốt về một thế giới đầy hỗn loạn, với chiến tranh và nghèo đói thì Cannes 2019 lại làm rõ thông điệp này một cách mạnh mẽ và rõ ràng hơn. Mặc dù Liên hoan phim mới chỉ đi qua một nửa chặng đương nhưng giới phê bình và khán giả đã tinh ý nhận ra những ý nghĩa nhân văn mà ban tổ chức Cannes gửi gắm. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, bất kể nhà làm phim đến từ đâu, những câu chuyện của họ đều mang bóng hình của những con người khốn cùng bị dồn tới bở vực.
Mở đầu cho Liên hoan phim năm nay chính là bộ phim của đạo diễn Jim Jarmusch mang tên The Dead Don’t Die. Ngay sau khi công bố tác phẩm mở màn, khán giả đã tỏ ra vô cùng bất ngờ. Rất hiếm khi một bộ phim thuộc thể loại hài/kinh dị có vinh dự mở đầu cho Liên hoan phim Cannes, nhưng The Dead Don’t Die đã làm được điều này. Đây rõ ràng không phải một quyết định nhất thời của ban tổ chức, ngược lại, quyết định này đã cho thấy một Cannes hoàn toàn khác biệt so với những năm trước đây.
Đoàn làm phim "The Dead Don't Die" tại thảm đỏ Liên hoan phim Cannes 2019. (Ảnh: Hollywood Reporter)
Với nội dung đơn giản, bộ phim lấy bối cảnh trong một thị trấn nhỏ và bình yên bỗng bị đảo lộn bởi hàng loạt zombie đội mồ sống dậy. Tuy nhiên, thực chất, đây lại là cách đạo diễn Jim Jarmusch giễu cợt một cách đầy ẩn ý đối với xã hội ngày nay.
Trong bộ phim, ngày tận thế không đột ngột xảy ra mà nó từ từ đến gần với thế giới. Đáng tiếc thay, trong khi con người hoàn toàn có thể ngăn chặn việc này thì họ lại quá bận tâm với những mối lo của riêng mình. Điều kì lạ chính là, những nhân vật trong The Dead Don’t Die ý thức được về mối hiểm hoa ấy, nhưng dường như họ đã quá mệt mỏi và đều đang chờ đợi một kết thúc xảy ra.
Nhìn lại bộ phim, chúng ta thấy hình ảnh của thế giới hiện nay với hàng loạt lời cảnh báo về hiện tượng nóng lên toàn cầu, về hiện tượng rác thải tràn ra biển… Chúng ta nhận thức được vấn đề nhưng dường như chưa hành động để bảo vệ chính Trái đất – ngôi nhà của loài người, giống như những nhân vật trong The Dead Don’t Die. Chỉ đến khi Trái đất thực sự diệt vong, loài người mới đứng lên, nhưng lúc này, liệu mọi chuyện đã quá muộn hay chưa?
Sau ngày đầu công chiếu với những tràng cười giòn giã xen lẫn suy tư đầy ẩn ý, Liên hoan phim Cannes tiếp tục với những tác phẩm điện ảnh mang nhiều tính suy ngẫm hơn khi mang lại câu chuyện của những con người yếu thế vùng lên chiến đấu để trở thành kẻ dẫn đầu.
Gây ấn tượng tại Liên hoan phim Cannes năm nay chính là bộ phim Les Misérables (Những người khốn khổ). Đây cũng là tác phẩm đầu tay của đạo diễn người Pháp Ladj Ly. Với tên gọi này, nhiều người lầm tưởng bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của nhà văn Victor Hugo, nhưng không, tác phẩm là một câu chuyện hoàn toàn khác. Điểm chung duy nhất có chăng chính là nỗi đau khổ và sự bất hạnh của tuyến nhân vật chính.
“Hãy nhớ lấy điều này, bạn của tôi ạ, không có thứ gì gọi là giống cây xấu hay người xấu, chỉ có người trồng trọt không tốt mà thôi”.
Những người khốn khổ - Victor Hugo
Kết thúc của bộ phim hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết: Khi cảnh sát đã không còn lấy được lòng tin của nhân dân, mọi thứ sẽ đều sụp đổ, không còn ai quan tâm đến người nắm quyền lãnh đạo nữa.
Bức màn mong manh giữa hòa bình và chiến tranh sẽ dần được vén lên khi con người không còn niềm tin vào nhau, đó là lúc biển lửa bắt đầu.
Hai đạo diễn Juliano Dornelles và Kleber Mendonça Filho cũng có ý tưởng tương tự cho bộ phim của mình mang tên Bacurau. Lấy bối cảnh một ngôi làng nhỏ bé tại Brazil, Barucau cho khán giả cảm giác như đang xem một tập phim đặc biệt của phim truyền hình dài tập Black Mirror, nơi mà mối nguy hiểm bí ẩn đe dọa toàn bộ cuộc sống của cư dân trong làng. Đó cũng là lúc người dân ngừng sợ hãi và đứng lên để bảo vệ chính mình.
Hình ảnh trong bộ phim "Bacurau".
Cũng lấy đề tài cuộc cách mạng của những kẻ khốn cùng, Atlantiques của nữ đạo diễn Mati Diop lại có kết cục thảm thương hơn.
Lấy bối cảnh ở vùng ngoại ô Dakar nằm dọc bở biển Đại Tây Dương, bộ phim theo chân những người công nhân phẫn nộ vì phải làm việc không lương trong nhiều tháng trời. Họ quyết định rời đi nhằm tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn, trong số đó có Souleiman - người tình của Ada.
Tuy nhiên, sau đó Ada đã đính hôn với một người đàn ông khác, bỏ mặc Souleiman, đó là lúc bi kịch bắt đầu. Ngay tại lễ cưới, một đám cháy kinh hoàng đã xảy ra khiến tất cả mọi người đều hoảng sợ. Tuy nhiên, Ada không hề hay biết rằng đây là kế hoạch của người tình cũ của mình.
Từ đầu đến cuối phim đều là liên tiếp những cuộc đấu tranh: ban đầu là cuộc đấu tranh thầm lặng của những người công nhân làm việc không lương, cho đến cuộc đấu tranh của Souleiman nhằm giành lại người con gái của mình. Bộ phim kết thúc với việc Ada kể về tương lai phía trước của cô ấy, nhưng chúng ta đều hiểu rằng, tương lai ấy chắc chắn còn là một cuộc đấu tranh lâu dài.
Đương nhiên, đây chỉ là một vài những cái tên nổi bật tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 72 trong số hàng loạt tác phẩm điện ảnh lấy đề tài này.
Có thể thấy, trong 2 năm trở lại đây, thông điệp mà các nhà làm phim gửi gắm đến khán giả đang ngày một rõ ràng hơn. Sự đấu tranh trong điện ảnh là có thật, và hiển nhiên, những nhà làm phim đóng vai trò rất lớn trong việc truyền bá những thông điệp ý nghĩa, nhân văn tới công chúng. Tại Cannes 2019, khán giả đã được chứng kiến rõ ràng nhất những ẩn ý sâu xa của các đạo diễn đến từ khắp nơi trên thế giới và hoàn toàn có thể trông đợi nhiều hơn vào các tác phẩm điện ảnh sau này.
Bài viết: Hà Linh
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!