Olivier Oet là một nghệ nhân người Pháp đam mê gốm Raku. Ông đã chia sẻ, yêu thương và truyền nghề cho những học trò đặc biệt. Gắn bó với Huế và những học trò, người bạn đặc biệt - ông Olivier - đã coi nơi đây là ngôi nhà thứ hai, để trở về.
Trong hơn 10 năm qua, ông Olivier đã liên tục di chuyển giữa Pháp và Việt Nam để hỗ trợ một mái ấm dành cho trẻ em khuyết tật ở miền Trung Việt Nam. Ông đã dạy các em cách làm gốm Raku cũng như các nghề thủ công khác, giúp các em có được sự tự tin và một cái nhìn lạc quan về cuộc sống.
Chính những người bạn nhỏ này đã làm nên mối liên kết bền chặt giữa ông và Việt Nam.
Ông Olivier Oet sinh năm 1955, đến từ Paris, Pháp. Ông là một nghệ nhân gốm Raku và đã đi du lịch, làm việc ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng khi đến Huế, ông cảm thấy đây chính là ơi mình muốn gắn bó. Năm 2012, từ một người tình nguyện viên đến chăm sóc và chơi với các em nhỏ, ông đã trở thành người tài trợ, gây quỹ xây dựng và phát triển xưởng gốm đến ngày hôm nay.
Đều đặn mỗi năm ông bay về Việt Nam và dành trọn thời gian 2 - 3 tháng để dạy nghề cho các bạn học viên ở trung tâm. Ông Olivier Oet đã dạy nghề, góp phần tạo công việc, giúp đỡ cho nhiều người khuyết tật tự tin hoà nhâph cuộc sống. Năm 2015, ông đứng ra vận động bạn bè và người thân thành lập một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho trẻ khuyết tật.
Tổ chức này mang tên Ateliers Vincent Marie Oet (AVMO), hiện đang hỗ trợ trẻ em khuyết tật ở Việt Nam. Đặc biệt, ở Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho Người khuyết tật, trẻ em khó khăn Hy Vọng, TP. Huế.
HUẾ... TÔI ĐÃ ĐẾN VÀ ĐEM LÒNG YÊU NƠI NÀY...
Trong những năm tháng đầu tiên đến Huế, ông Olivier Oet đã tự bỏ tiền túi trong những năm đầu tiên xây dựng xưởng dạy làm gốm Raku. Trong cuộc trò chuyện tại Talk Vietnam, nói về lý do chọn dòng gốm này để dạy cho các em nhỏ. ông nói: "Bởi vì tôi đã gặp chị Nhật, kế toán ở Trung tâm Hy Vọng. Chị đã đến Paris 12 năm trước. Và sau đó, tôi vẫn giữ liên lạc với chị".
"Một người bạn đã mời tôi đến Việt Nam và dạy một số người Việt làm gốm" - ông Olivier nói - "Nhưng tôi nghĩ mình đâu có thể giúp ích được gì? Bản thân người Việt đã biết cách làm gốm rồi".
"Nên như anh thấy đó, tôi hơi ngại nhận lời mời này" - Olivier nói tiếp - "Nhưng rồi người bạn này tới thăm xưởng gốm của tôi tại Paris và chị ấy ấn tượng với cách chúng tôi chia sẻ. Không phải dạy nghề mà là chia sẻ kinh nghiệm làm gốm và nhìn nhận năng lực của từng người làm gốm".
"Sau đó, tôi nhận lời đến Việt Nam và hỏi: "Vậy tôi có thể làm gì?". Tôi nói với vợ: "Hãy đến Việt Nam!" và rồi chúng tôi đã đến đây!".
"Sau đó, chúng tôi đến Huế và đã đem lòng yêu nơi này. Nhưng đặc biệt hơn cả là tôi yêu Trung tâm Hy Vọng. Trung tâm Hy Vọng đã kéo tôi quay trở lại nhiều lần, đến cả hôm nay".
"Tính ra cũng đã 11 năm rồi" - ông Olivier nói tiếp về những ngày đầu tiên của mình ở Huế - "Sau đó, tôi làm việc với chị Nhật và bà Hồng - giám đốc và người sáng lập Trung tâm Hy Vọng. Bà Hồng đã đón nhận tôi và chia sẻ ý tưởng phát triển du lịch bền vững thông qua gốm, nghệ thuật và Raku. Tôi rất hoà hứng về ý tưởng đó và đến bây giờ vẫn vậy".
Theo lời ông Olivier, ngay sau khi ý tưởng được hình thành, ông và mọi người đã bắt tay ngay vào việc xây dựng. Tuy nhiên, vướng mắc là không có không gian.
"Vì vậy, chúng tôi đã bắt tay vào xây dựng xưởng gốm".
'HÃY BIẾN NHỮNG BÔNG HOA THÀNH NHỮNG MÓN QUÀ DÀNH CHO TRUNG TÂM HY VỌNG'
'Tôi đã làm nghệ thuật từ khi còn trẻ vì bố tôi là nghệ sĩ dương cầm và mẹ tôi là nghệ sĩ violin. Vậy nên thế giới của tôi vẫn luôn xoay quanh nghệ thuật. Tôi theo học tại trường Đại học Mỹ thuật Paris. Bố mẹ tôi đã mở một trung tâm ở Paris dành cho người khuyết tật và ở đó, tôi mở một xưởng gốm'.
Olivier Oet.
Cũng trong cuộc trò chuyện tại Talk Vietnam, ông Olivier đã nhắc về em trai ông - người mắc hội chứng Down và qua đời vào năm 2012. Ông nói rằng vào thời điểm đó, ông và những người trong nhà mình đề nghị những người đến viếng không mang hoa.
"Chúng tôi đã đề nghị các vị khách quyên tiền thay vì viếng hoa. Nhờ đó mà chúng tôi đã có một chút tiền" - ông Olivier nói - "Bố tôi cũng qua đời ngay năm sau đó. Và gia đình tôi lại thực hiện điều tương tự".
"Và rồi tôi đã quyên góp được đủ tiền để bắt đầu xây dựng một số cơ sở vật chất cần thiết ở Trung tâm Hy Vọng. Và đó là câu chuyện khởi đầu".
"Câu chuyện của Trung tâm Hy Vọng khiến tôi rất cảm động. Tôi có thể thấy họ cần giúp đỡ ở những mảng nào, như về tiền bạc hay ý tưởng phát triển bền vững. Điều này rất quan trọng. Năm 2015, tôi quyết định rằng bản thân không thể tiếp tục chỉ sử dụng vốn cá nhân. Tôi phải giới thiệu với bạn bè của tôi về Trung tâm Hy Vọng và những ý tưởng để có thể hỗ trợ Trung tâm được lâu dài".
"Vì vậy, tôi và 4 người bạn đã lập ra tổ chức AVMO ở Paris, đặt theo tên em trai quá cố của tôi - Atelier Vincent Marie Oet. Đội ngũ của tôi từ đó tới nay vẫn chịu trách nhiệm gây quỹ cho Trung tâm Hy Vọng".
'Tôi đã làm việc với người khuyết tật trong khoảng 34, 35 năm qua'.
Olivier Oet.
Ông Olivier không chỉ dạy những người khuyết tật làm gốm Raku mà ông còn dạy họ nhiều nghề khác nữa. Nói về điều này, Olivier cho biết: "Tôi đã dõi theo họ trong nhiều năm. Phải nói là năng lực làm việc của họ rất tốt. Họ may đồng phục cho các cơ quan hành chính, các trường học... Điều này rất tuyệt vời và họ thấy rất tự hào. Chúng tôi cũng rất tự hào về họ vì họ đang làm rất tốt".
"Rất nhiều bạn nhỏ từ các trường học khác nhau đã đến trung tâm này. Đã từng có đoàn học sinh từ các trường quốc tế ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến đây để làm gốm trong một ngày hoặc nửa ngày. Ngoài gốm Raku, chúng tôi còn có chương trình dạy cách đan lát đồ bằng tre".
"Các nhân viên ở trung tâm sẽ dạy khách đến thăm bao gồm cả các khách nhí cách làm giỏ tre. Ngoài ra còn có bện dây điện. Nguyên liệu dùng để đan tre và bện dây điện đều từ vật liệu tái chế".
"Chúng tôi cần thu hút nhiều khách ghé thăm hơn nữa và tìm hiểu về những hoạt động của chúng tôi ở đây. Chúng tôi mang lại rất nhiều niềm vui cho những người đến thăm. Các đoàn doanh nghiệp Pháp hay đoàn Feel Free Vietnam luôn rời đi với nụ cười hạnh phúc".
'Chương trình bắt đầu như một dòng chảy với những niềm vui nhỏ rồi dần tràn ngập niềm hạnh phúc theo thời gian'.
Olivier Oet.
'Olivier Oet đã giúp đỡ, chắp cánh ước mơ để niềm hạnh phúc được lan tỏa'.
Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho Người khuyết tật, trẻ em khó khăn Hy Vọng được thành lập vào năm 1999 nhằm giúp đỡ người bị khuyết tật và những người có số phận kém may mắn trong cuộc sống. Từ năm 1999 đến nay, Trung tâm đã đào tạo 50 khoá học cho hơn 1600 học viên với các nghề chính là thủ công mỹ nghệ, may mặc và dệt. Đặc biệt, đến năm 2012, ông Olivier bắt đầu đồng hành dạy nghề gốm để giúp các học viên có têm cơ hội nghề nghiệp và một tương lai tốt đẹp hơn.
Anh Nguyễn Văn Hậu - Trợ giảng Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho Người khuyết tật, trẻ em khó khăn Hy Vọng. TP Huế - nói về ông: "Mình rất yêu quý ông Olivier vì ông đã dạy nghề gốm lại cho mình. Ông cũng rất thân thiện và tận tâm".
"Em rất hạnh phúc được tới đây học vẽ. Vẽ là niềm đam mê của em" - Em Hoàng Linh Như , học viên lowps Mỹ thuật tại chùa Long Thọ, TP. Huế nói - "Ông Olivier đã tạo điều kiện cho em học vẽ. Ông là người rất vui vẻ. Các bạn và em đều yêu quý ông".
"Cả ban điều hành cũng như nhân viên, học viên đều xem ông là một người thầy, một người anh cả của Trung tâm Hy Vọng" - bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho Người khuyết tật, trẻ em khó khăn Hy Vọng, TP. Huế nói.
Để theo dõi tiếp câu chuyện của ông Olivier Oet với Trung tâm Hy Vọng cũng như tình yêu của ông dành cho nghệ thuật gốm và Huế, các bạn theo dõi tiếp trong video dưới đây:
Talk Vietnam: Olivier Oet - nghệ sỹ gốm gắn bó với Huế
___
Người thực hiện: Tiêu Trang Ngọc Bảo (Theo Talk Vietnam)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!