Ngày xửa, ngày xưa, cái thời mà dường như vẫn còn chưa xa lắm, trẻ con chờ mãi chờ mãi mới đến dịp Trung Thu với một niềm háo hức vô cùng. Trung thu đến là được làm đèn cù, đèn ông sao, được nếm miếng bánh nướng bánh dẻo ngon đến nhớ đời và cùng nhau chơi đùa dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Ở cái thời thiếu thốn ấy, trẻ con mới thấy những món đồ chơi đó, những món ăn đó quý giá và đáng nhớ như thế nào. Và cũng chính trong sự thiếu thốn ấy, niềm vui như được nhân lên gấp bội phần. Cái sự háo hức, chờ đợi được phá cỗ, được vui chơi cùng nhau có lẽ chẳng bao giờ trẻ con thời nay được trải qua như bố mẹ chúng đã từng.
Trung thu bây giờ so với Trung thu ngày xưa có lẽ đã khác ở mọi thứ, từ vị của những chiếc bánh, từ những món đồ chơi và cả cách trông Trăng phá cỗ. Trung thu bây giờ là Trung thu của một cuộc sống không chỉ là sự đủ đầy, mà đôi khi là thừa thãi về cả vật chất và tinh thần. Cái sự đủ đầy ấy khiến cho Trung thu ngày nay ít nhiều không còn quá ý nghĩa đối với trẻ con. Đồ chơi bây giờ thích là được mua, bánh kẹo ngon thích là được ăn. Cái sự thèm thuồng giờ không còn nữa. Trẻ con bây giờ còn nhiều thú vui khác, Trung thu đơn giản chỉ là một trong số những dịp để trẻ con được đi chơi, được bố mẹ mua quà. Có chăng Trung thu bây giờ chỉ khác biệt ở chỗ là dịp để lũ trẻ ngày nay được thấy lại những món đồ chơi truyền thống, là cả bầu trời mơ ước của bố mẹ mình ngày xưa. Đến phố Hàng Mã, Lương Văn Can những dịp Trung thu bây giờ, phải tìm đỏ mắt mới thấy được những món đồ chơi thủ công, nằm nép mình bên cạnh hàng tá loại đồ chơi lấp lánh đèn, nhạc chạy bằng pin hấp dẫn khác.
Trẻ con bây giờ sao có được niềm vui khi gom những hạt bưởi xuyên vào chiếc dây thép nhỏ rồi chờ đến đêm Trung thu để đốt, hạnh phúc vỡ òa khi thấy những tia lửa cháy sáng lên; làm sao thấy được cái ánh sáng lung linh, diệu kỳ từ những chiếc đèn kéo quân, đèn cá chép, đèn lồng được làm từ tre, nứa vô cùng đơn giản khi giờ khắp nơi là những ánh đèn điện sáng choang; làm sao có được niềm vui khi chơi các trò chơi dân gian như đuổi mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, múa lân múa sư, hát các bài đồng dao khi thay thế vào đó là những chiếc điện thoại, máy tính bảng; và cũng không thể cảm nhận được vị ngon của miếng bánh nướng bánh dẻo hình con lợn con cá, của mâm ngũ quả cùng chú chó lông xù được làm từ tép bưởi giữa hàng trăm món ăn ngon khác. Những tiếng trống bồi, trống múa lân, múa sư rộn ràng từng hồi giờ đây cũng bị lẫn vào phố đông xe cộ với tiếng còi xe inh ỏi. Trẻ con cũng chẳng được thoải mái chạy theo các đám rước đèn, đám múa lân nữa. Nhớ lại, tất cả đều đơn giản thôi nhưng lại sao lại ấn tượng mãi đến bây giờ. Rồi lại cảm giác tiếc nuối khi không khí xưa đầm ấm mà giản dị của ngày xưa ấy sẽ chẳng bao giờ có lại được nữa.
Không biết có bao giờ những em bé ngày nay hỏi bố mẹ về việc vì sao Tết Trung thu của trẻ con mà người ta lại bày la liệt, bán những hộp bánh đắt tiền. Chẳng biết tự bao giờ, những hộp bánh Trung thu đó lại trở thành thứ quà tặng để người lớn trao qua biếu lại cho nhau. Trung thu bỗng trở thành một ngày lễ quan trọng để người ta "phú quý sinh lễ nghĩa", là cái cớ để biếu xén, tặng quà kèm theo những mục đích khác. Nhiều hộp bánh Trung thu có mức giá khiến người ta giật mình. Giá trị chiếc bánh có lẽ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong đó, còn đâu thì cái mã ngoài mới quan trọng. Rồi thì bây giờ. bánh Trung thu được sáng tạo với đủ loại hình thù, với những loại nhân khác nhau, không còn đơn thuần là bánh nướng, bánh dẻo hình con cá con lợn nhân thập cẩm hay đậu xanh như ngày xưa nữa. Những thứ vị bánh mới dường như làm ra để hấp dẫn người lớn, chiều lòng họ nhiều hơn là cho trẻ con. Nhiều vị là thế nhưng bánh Trung thu giờ chắc nịnh mãi lũ trẻ cũng chẳng buồn ăn. Những hộp bánh sang trọng kia trở nên xa lạ với những đứa trẻ con, thứ bánh đáng ra phải vô cùng gần gũi và mang lại niềm vui cho chính lũ nhỏ
Rồi cái cách trông Trăng, phá cỗ cũng khác xưa quá. Đêm Trung thu ngày nay, trẻ con lại đi theo người lớn đến hàng quán để ăn uống tụ tập hay mướt mải mồ hôi trong những trung tâm thương mại sáng choang và rộng lớn. Còn đâu nữa những đêm Trung Thu được mang đúng nghĩa là phá cỗ, khi ông bà cha mẹ tất bật chuẩn bị bày biện mâm cỗ Trung Thu để cả gia đình có dịp quây quần bên nhau, hàn huyên trò chuyện giữa cả một khoảng sân rộng. Trí tưởng tượng của các em nhỏ được bố mẹ, ông bà đưa lên tít tận trời cao qua những câu chuyện cổ tích về chị Hằng, chú Cuội. Giờ có được một khoảng sân nhỏ để bày tiệc phá cỗ là quý giá lắm, khi bốn bề xung quanh là những tòa cao ốc chen chúc nhau, ngột ngạt bí bách. Ngày xưa, ngước lên là được thấy ông Trăng đêm Rằm tròn đầy, sáng rực cả một khoảng trời. Còn giờ tìm mãi, ngó mãi, khó khăn lắm mới được ngắm nhìn ông Trăng thật thỏa thích.
Trung thu khác xưa nhiều như vậy nhưng không phải người lớn hoàn toàn thờ ơ, vô tâm với điều đó. Đã có rất nhiều hoạt động, ý tưởng để níu kéo lại một Trung thu truyền thống cho trẻ con bây giờ. Có những ông bố bà mẹ thay vì chiều con với những thứ đồ chơi nhập ngoại lại hướng con về những món đồ chơi truyền thống; nhiều nơi đã cố gắng phục dựng lại một đêm Rằm phá cỗ đúng như ngày xưa; kéo trẻ con tìm lại những trò chơi dân gian, háo hức khi được tận tay làm những món đồ chơi thủ công; được cùng bố mẹ trở về tuổi thơ. Đó thực sự là một món quà ý nghĩa dành cho con.
Nhưng cuối cùng thì chúng ta vẫn phải chấp nhận, hoàn cảnh thay đổi, con người cũng từ đó cũng đổi thay theo, những niềm vui mỗi thời cũng chẳng còn giống nhau nữa. Và rồi khi thời gian qua đi nhanh như một cái chớp mắt, đôi khi giật mình nhìn lại, những đứa trẻ con giờ đã thành người lớn lại thèm có được một đêm Trung thu đúng nghĩa, nhưng dù có hoài niệm thêm bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng chẳng thể nào khiến mọi thứ quay trở lại được như ngày xưa.