ịt hóa thiên nga", "lột xác", ‘đập mặt xây lại"… là những từ mà người ta sử dụng khi nhắc đến Đức Phúc trong những ngày qua. Sau một thời gian im ắng, quán quân The Voice 2015 đã trở lại với ngoại hình long lanh tựa mỹ nam Hàn Quốc, khiến nhiều người không khỏi choáng ngợp. Nếu không nói đó là Đức Phúc, chắc hẳn sẽ chẳng mấy người có thể nhận ra chàng mập ngày nào với ngoại hình thô kệch nhưng lại sở hữu một giọng hát đầy cảm xúc…
Đức Phúc sinh năm 1996 tại Hà Nội, trong một gia đình không quá khá giả. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Đức Phúc đã bộc lộ niềm đam mê với âm nhạc. Tuy nhiên, chắc hẳn một điều rằng gia đình Đức Phúc và ngay cả chính cậu cũng không bao giờ tưởng tượng được, đó là một ngày, mình sẽ được đứng trên một sân khấu lớn, được sánh đôi bên các ca sĩ nổi tiếng, được cất tiếng hát của mình tới hàng triệu khán giả. Làm sao có thể tưởng tượng ra viễn cảnh này khi cậu chẳng thể có nổi một lần được trình diễn trên sân khấu ngôi trường cấp 3 nơi mình theo học. Ôm theo tình yêu và niềm đam mê âm nhạc lên giảng đường đại học, Đức Phúc chủ động tham gia vào câu lạc bộ âm nhạc của trường và có cơ hội hát trong nhiều chương trình. Tuy nhiên, sân khấu đó với một chàng trai nhiều hoài bão và ấp ủ như Đức Phúc là quá nhỏ. Sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ, cậu bé nhút nhát đã quyết định nộp đơn đăng ký thi tuyển The Voice 2016 – một trong những chương trình tìm kiếm tài năng ca hát "hot" nhất bất giờ. Đức Phúc chẳng thể ngờ khoảnh khắc cậu tham gia chương trình đã thay đổi cuộc đời cậu mãi mãi.
Thể hiện ca khúc I’m not the only one của nam ca sĩ Sam Smith tại vòng Giấu mặt The Voice 2015, Đức Phúc đã hoàn toàn chinh phục bộ tứ quyền lực bởi giọng ca nội lực và giàu cảm xúc. Vẻ ngoài có chút khờ khạo, ngây ngô cùng sự lúng túng trên sân khấu của Đức Phúc khiến cậu trở nên nổi bật hơn trong cuộc thi năm ấy, một cuộc thi vốn đã có rất nhiều giọng hát chuyên nghiệp và cá tính. Dưới sự dẫn dắt của HLV Mỹ Tâm, Đức Phúc dần trưởng thành qua từng vòng thi, trút bỏ dần sự nhút nhát, thiếu tự tin để chinh phục những sân khấu lớn hơn để rồi tỏa sáng khi giành ngôi vị cao nhất của cuộc thi.
Tuy nhiên, giống như quán quân của bất kỳ cuộc thi nào khác, Đức Phúc cũng gặp phải những ý kiến khen chê, những lời động viên và cả những lời chỉ trích. Có ý kiến cho rằng Đức Phúc đăng quang chỉ vì có lượng fan quá "khủng" của HLV Mỹ Tâm bầu chọn. Cũng có ý kiến thẳng thắn chê bai ngoại hình của chàng trai 18 tuổi và đặt câu hỏi liệu đây có phải là vẻ ngoài được đám đông chấp nhận? Và quả đúng như vậy, dù tài năng đến mấy, Đức Phúc cũng chẳng thể nổi hơn được sau đêm chung kết The Voice. Cho ra mắt một vài sản phẩm rồi cậu cũng lại lặn mất tăm giữa hằng hà sa số các giọng ca khác với gu âm nhạc đánh trúng thị hiếu cùng ngoại hình bắt mắt hơn. Dù vậy, khi được hỏi, Đức Phúc vẫn kiên quyết nói không với "dao kéo" bởi cậu muốn khán giả đến với mình vì giọng hát chứ không chỉ vì ngoại hình. Thế nhưng cũng chính bởi suy nghĩ này, Đức Phúc đã có một quãng thời gian dài lận đận, mất phương hướng. Đã có thời điểm, Đức Phúc ế show ròng rã suốt hai tháng trời, không nhận được bất cứ một lời mời đi diễn nào. Lúc này, Đức Phúc như thêm hiểu rằng thời đại "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" đã qua. Giờ đây, khi nước sơn không bắt mắt, chẳng ai quan tâm tới chất lượng gỗ ra sao cả. Và đó cũng là lúc Đức Phúc quyết định phải làm một cuộc cách mạng với ngoại hình của mình.
Bắt đầu bằng việc niềng răng, ăn kiêng, chăm chỉ tập luyện thể thao, quán quân The Voice 2015 khiến nhiều người không khỏi choáng váng khi giảm tới 14kg trong vòng 7 tháng. Ngoại hình mới mi nhon hơn khiến Đức Phúc tự tin hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, như vậy nào đã đủ với đám đông – những người luôn thích bới lông tìm vết, luôn chạy theo một quy chuẩn về cái đẹp? Đức Phúc một lần nữa trở thành tâm điểm của những lời chê bai, chỉ trích. Nhiều bình luận ác ý đã nói rằng sau khi giảm cân, trông cậu còn xấu hơn cả hồi còn mũm mĩm. Thậm chí, có những người đã thẳng thừng khuyên cậu nên "đập mặt xây lại" mới mong có thể khá hơn. Những lời cay đắng trên đã dồn chàng trai chỉ vừa mới 20 tuổi vào đường cùng của sự tuyệt vọng. Lối thoát nào đây khi đâu đâu cũng là những lời giày xéo về ngoại hình – thứ mình chẳng thể có lựa chọn khi được cha mẹ sinh ra?
Và rồi, Đức Phúc – người đã từng nói không với "dao kéo" đã quyết định lên bàn mổ với ước mơ "lột xác".
Sau một thời gian im ắng, Đức Phúc bỗng trở thành cái tên hot trên mạng xã hội với những hình ảnh mới đẹp đến khó tin. Còn đâu chiếc mũi tẹt, đôi môi dày thô kệch khi giờ đây, quán quân The Voice 2015 nay bỗng chốc "vịt hóa thiên nga" nhờ bàn tay tài hoa của các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Loạt ảnh "lột xác" của Đức Phúc nhận được hàng chục nghìn lượt like, chia sẻ và vô số bình luận của cư dân mạng. Ai cũng không giấu nổi sự ngỡ ngàng khi con vịt xấu xí năm nào nay một bước thành thiên nga. Ai cũng thầm tự hiểu rằng sự la ó, chê bai của đám đông đóng góp phần không nhỏ trong quyết định của chàng trai trẻ.
Từ những chỉ trích đến thậm tệ, đến mức khiến một chàng trai cảm thấy tủi hổ, chỉ muốn giấu mình trong căn phòng tối, nay Facebook của Đức Phúc nhận được "cơn mưa" lời khen từ công chúng – thứ vốn dĩ quá xa lạ với chàng trai này. Chắc hẳn, ai cũng phải thừa nhận rằng nếu Đức Phúc chỉ là một nam ca sĩ bất tài, không có được giọng hát trời phú, không có được sự chăm chỉ, nỗ lực và chí tiến thủ thì sẽ chẳng mấy ai để tâm để mà chúc phúc khi cậu thay đổi ngoại hình. Thế nhưng phải chăng, công chúng đang quá nhân văn với cái đẹp và nhẫn tâm với cái chưa đẹp theo ý họ? Đức Phúc liệu có được đón nhận như thế này nếu vẫn đứng trên sân khấu với vẻ chân phương, mộc mạc của mình khi xưa? Và tự khi nào, khán giả lại chỉ chăm chăm đi chê bai ngoại hình của ca sĩ – người từ trước đến nay chưa bao giờ là biểu trưng của cái đẹp?
Không phải đến khi chuyện Đức Phúc lột xác trở thành một con người hoàn toàn khác nhờ phẫu thuật thẩm mỹ mà chuyện chỉnh sửa dung nhan bằng dao kéo mới được mọi người quan tâm. Xã hội ngày càng phát triển, con người ta càng ngày hướng tới những thứ đẹp hơn, hoàn hảo hơn và cũng từ đó, có những tiêu chuẩn về cái đẹp đã dần thay đổi. Ngoài học vấn, tài năng, kiến thức, giờ ngoại hình cũng là một trong những yếu tố để đánh giá con người. Đã là nghệ sĩ như Đức Phúc thì ngoài tài năng, bạn còn phải đẹp, thậm chí là nghệ sĩ nữ thì còn phải rất đẹp. Bạn hát hay, diễn xuất giỏi đến như thế nào nữa, nếu như không đẹp, bạn sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Có thể nghệ sĩ, người ngoài sẽ có cái nhìn khắt khe và chính công việc của họ cũng chịu sự cạnh tranh, đào thải nhiều hơn nhưng cũng từ những đánh giá đó bạn nhận ra rằng, nếu muốn thành công, ngoại hình không còn là thứ yếu nữa. Khi làm việc, bạn sẽ thấy sự "phân hóa" đó rõ ràng hơn nữa. Nếu như bạn phải cố gắng 10 thì có những người họ chỉ cần cố gắng 1. Vì sao? Vì họ nhận được nhiều thiện cảm hơn từ phía người khác về ngoại hình. Hàng ngày, bạn đọc được hàng chục bài báo về những tấm gương thành công, trong số đó không ít người vừa đẹp vừa giỏi. Và rồi, từ đó cứ vô hình có một nỗi ám ảnh xuất hiện len lỏi vào trong tâm trí của mọi người, đó là sự ám ảnh về ngoại hình.
Một ví dụ điển hình cho việc coi trọng ngoại hình chính là đất nước Hàn Quốc. Bên cạnh thành công của nó khi ngành công nghiệp thẩm mỹ này thu về số tiền khổng lồ cho đất nước, kéo hàng nghìn du khách sang du lịch kết hợp chỉnh sửa nhan sắc thì những hệ lụy kéo theo ngay sau đó cũng không phải là nhỏ. Khi một đất nước mà gần như mọi người dân hướng theo một cái đẹp duy nhất, từ đó nảy sinh ra những con người na ná nhau nhau mà nếu nhìn thoáng qua, bạn chẳng thể phân biệt nổi. Những cuộc thi hoa hậu, các cô gái bước ra và ai cũng giống ai, chọn được một cô Hoa hậu nổi bật nhất về nhan sắc trong số đó, quả thật phải rất phục BGK. Sang Hàn Quốc, đi đâu bạn cũng thấy nhan nhản những tờ áp-phích quảng cáo với những hình ảnh "trước – sau" để thấy được sự thay đổi thần kì của phẫu thuật thẩm mỹ. Điều này đã đẩy chính những người không có điều kiện để thay đổi ngoại hình càng ngày sống khép kín, thu mình hơn.
Ở Việt Nam, sự việc chưa đến mức phải báo động nhưng nó cũng ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của người dân. Và đây cũng là đề tài luôn luôn hot để bàn luận. Dễ dàng nhận thấy "cuộc chiến" này chia thành hai bên. Một bên ủng hộ việc phẫu thuật thẩm mỹ, chẳng có gì đáng phải chê trách khi bạn muốn bản thân mình đẹp lên, tự tin hơn và gặt hái được nhiều thành công. Một bên cho rằng, chẳng có gì là tốt đẹp khi chính bản thân bạn lại đi "phủ nhận" và không "chấp nhận" chính mình. Cha mẹ đã tạo ra ta và hãy nghĩ rằng đó là một món quà vô giá.
Chúng ta không hề giống với bất kỳ ai khác, chúng ta có những điểm riêng để những người gặp ta, quen ta hoàn toàn có thể phân biệt được. Vậy, tại sao lại phải sửa đi để giống người khác? Chưa kể, đằng sau cái sự đẹp ấy là những biến chứng khó lường, là những cơn đau dai dẳng, âm ỉ và tất nhiên hậu quả của nó thì đã quá rõ ràng. Cũng dễ hiểu thôi vì cái gì nhân tạo ắt sẽ phải có "hạn sử dụng". Thậm chí, có những câu chuyện quá đau lòng và thương tâm từ chuyện phẫu thuật thẩm mỹ mà ra. Bạn hoàn toàn có thể khắc phục những điểm chưa đẹp của mình bằng học vấn, bằng nhân cách và quan trọng là thần thái. Bạn tự tin với những gì đang có thì chẳng có ai có thể phán xét được bạn. Thế nhưng, quyết định là tùy thuộc vào mỗi người, chịu đánh đổi, hi sinh hay hài lòng với những gì đã có là quyền lựa chọn của họ.
Đức Phúc có những lý lẽ riêng để tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn, sống tiếp với ước mơ, đam mê âm nhạc với một ngoại hình mới tự tin. Chúng ta khi đến tuổi trưởng thành đều biết cái gì nên làm, cái gì đúng cái gì sai. Không ai có thể sống thay cuộc sống của người khác và khi đã chọn lựa, bạn hãy quyết tâm theo đuổi đến cùng. Cái gì cũng có giới hạn của nó và nên biết giới hạn của mình cho phép mình nên dừng lại ở đâu, cái gì mù quáng, mê muội quá sẽ có hậu quả. Câu chuyện về chàng ca sĩ trẻ ngỡ như chỉ có trong cổ tích nhưng bạn biết rồi đấy, câu chuyện cổ tích nào cũng sẽ để lại một bài học nào đó. Quan trọng không phải là việc mình đang có cái gì mà là mình có hài lòng với những thứ đã có hay không?
Tham khảo từ nhiều nguồn trên internet
6/8/2017