Hai tiếng "đồng bào" luôn chiếm vị trí đặc biệt trong trái tim của Bác Hồ - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của mỗi người dân Việt Nam. Hai tiếng "đồng bào" gần gũi mà lớn lao, chính là mã văn hóa đặc biệt biểu hiện tư tưởng đoàn kết của Người, là sức mạnh để cả dân tộc ta chung lòng, chung sức đấu tranh giành độc lập và bây giờ là chung tay xây dựng đất nước vững mạnh.
Hôm nay, ngày 19/5 là sinh nhật của Bác. Người đã cống hiến cả cuộc đời vì độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân. Ngày sinh của Người cũng ghi dấu nhiều sự kiện đặc biệt trong lịch sử, như một minh chứng cho sự đồng hành của vị Bác trong khát vọng hòa bình của cả đất nước.
Ngày 18/5/1946, trang nhất tờ báo Cứu Quốc đã chính thức thông báo ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: ngày 19/5/1890. Trong bối cảnh nước nhà mới dành được độc lập, việc kỷ niệm ngày sinh của Bác mang ý nghĩa biểu thị khối đại đoàn kết toàn dân. Tại Bắc Bộ phủ, các đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ và hơn 50 đại biểu Nam Bộ đã đến chúc mừng sinh nhật Bác.
Năm 1954, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 64 của Bác diễn ra trong bối cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng sau 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ và hy sinh. Ngày 19/5 năm ấy, Bác đã mở tiệc khao quân, ngợi ca chiến thắng của toàn quân, toàn dân.
Ngày 19/5/1959, đoàn công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559) được thành lập, với nhiệm vụ mở tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ấy, cứ vào ngày 19/5, Bác lại đi thăm hỏi các địa phương, tiếp xúc với người dân để tránh những nghi lễ cầu kì, tốn kém, tránh sự chúc thọ làm phiền tới mọi người.
Vào những ngày gần kề sinh nhật lần thứ 75, vào năm 1965, tại phòng làm việc ở nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch, vào lúc 9h, Bác Hồ đã đặt nét bút viết những dòng đầu tiên của tài liệu "Tuyệt đối bí mật". Đây được xem là Bản Di chúc của Người.
Ngày 19/5/1969, 9h sáng của ngày sinh nhật lần thứ 79, Bác lại ngồi vào bàn làm việc, xem và chỉnh sửa, bổ sung bản Di chúc.
Ngày 19/5/1941, một dấu mốc lịch đánh dấu sự trở về sau 30 năm bôn ba, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng ở Khuổi Nậm, Pác Pó, Cao Bằng.
Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, những lời hiệu triệu đã được cất lên, đánh thức tinh thần dân tộc của toàn dân. Và hai tiếng đồng bào thiêng liêng với tinh thần đoàn kết to lớn đã thổi bùng ngọn lửa ý chí, giương cao ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh.
Quốc dân đồng bào luôn là ý niệm trong tim của vị lãnh tụ với muôn vàn yêu thương nhưng cũng đầy đau đáu cho đến những ngày tháng cuối cùng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt".
Bác thường xuyên viết thư thăm hỏi đồng bào, thường xuyên tới thăm nói chuyện và dành tặng những món quà dù là giản đơn nhưng đầy ý nghĩa. Những cảm xúc đó được những người từng gặp Bác gìn giữ trọn vẹn trong trái tim để những ngày này họ có cơ hội được kể chuyện, được chia sẻ cho những thế hệ tiếp nối.
Những ngày này, ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, không khí như ngày hội. Ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam rộn ràng với những khúc ca về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chương trình dân ca "Bác Hồ với Tây Nguyên, Tây Nguyên với Bác Hồ" được đồng bào chuẩn bị từ cả vài tháng trước. Cùng với đó là cảm xúc khi nhớ về Người.
Với bà Hoa Nie Sơr - người con của dân tộc Ê Đê, những câu chuyện được nghe mẹ kể về Bác Hồ in đậm trong tim để gửi gắm trong từng lời hát, bài ca.
Cách đó không xa là không khí của ngôi làng người Thái. Chào đón những vị khách, những bạn nhỏ từ xa tới, những điệu múa sạp, điệu múa kết đoàn được biểu diễn như cách để giáo dục các bạn nhỏ yêu hơn văn hóa và lịch sử nước nhà.
Dù là từng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh như bà Lò Thị Tóm hay chỉ nghe qua những lời kể như bà Niê Sơr thì nhớ đến Bác là cảm xúc của những người con đất Việt luôn thật dạt dào bởi Bác luôn trong trái tim đồng bào.
Đoàn kết dân tộc, tất cả đồng bào đều là anh em ruột thịt, làm cho miền núi tiến dần kịp miền xuôi. Chính từ tư tưởng ấy, năm 1959, Bác Hồ đã kêu gọi lớp thanh niên miền xuôi thực hiện cuộc vận động đưa ánh sáng của Đảng đến với đồng bào miền núi. Nghe theo lời Người, 860 giáo viên đã tình nguyện viết đơn lên đường đi giảng dạy, công tác tại các tỉnh Tây Bắc của Tổ quốc.
Đã lâu rồi, thầy Nguyễn Văn Bôn mới có dịp kể về hành trình lên vùng cao dạy học của mình. Là một trong số những người giáo viên đầu tiên lên vùng cao dạy học vào năm 1959, vượt qua những khó khăn ở nơi rừng thiêng, nước độc, thầy giáo Bôn đã đưa ra sáng kiến xây nhà lưu trú cho học sinh, nuôi học sinh tại nhà dân để các em tập trung học tập. Nhờ đó, thầy trở thành Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành giáo dục, góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số.
Câu chuyện của thầy Bôn và hơn 800 giáo viên đầu tiên đi gieo chữ nơi vùng cao đã trở thành tấm gương sáng, là động lực cho lớp giáo viên trẻ hôm nay tiếp tục dâng trọn sức trẻ, tuổi thanh xuân cho miền núi, đem ánh sáng văn hóa của Đảng đến với đồng bào, giúp cho miền núi tiến dần kịp miền xuôi như lời căn dặn của Bác.
Theo dọc lịch sử từng dấu mốc thời gian, trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, ta mới càng thấm thía tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn song hành và là kim chỉ nam cho nhiều thế hệ người Việt. Từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến hải đảo xa xôi, từ người già đến lớp trẻ luôn ghi nhớ từng lời dạy của Người, để lập nên nhiều kì tích cho đất nước đẹp giàu.
Trong căn nhà của bà Hồ Kan Lịch - nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của dân tộc Pa Kô, có 1 gian phòng đặc biệt - nơi trang trọng và đầy lòng tôn kính, tự hào: phòng thờ Bác Hồ.
Trong chiến trường chống Mỹ ác liệt, nữ du kích Hồ Kan Lịch đã dũng cảm tham gia 49 trận chiến, bắn rơi máy bay Mỹ chỉ bằng khẩu súng trường, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm quân địch. Chính sự dũng cảm ấy đã giúp bà vinh dự 7 lần được gặp Bác Hồ, được ăn cơm và chuyện trò cùng Bác.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, những người con của đồng bào Pa Kô anh hùng đã đổi tên mình thành họ Hồ.
Trở về từ những năm tháng chiến tranh, mặc dù tuổi đã cao, thế nhưng ông Nguyễn Thương - một cựu chiến binh vẫn mong muốn được góp sức cho quê hương. 8 năm qua, ông đã âm thầm làm sạch đường phố Hội An.
Không chỉ trong chiến tranh mới có anh hùng, theo lời Bác dạy, giữa thời bình, những con người giản dị cũng hóa "người hùng" của đất nước.
SEA Games 32 vừa kết thúc, Đoàn Thể thao Việt Nam đã dành 136 Huy chương Vàng, đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Đặc biệt, Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia Việt Nam đã 4 lần liên tiếp vô địch SEA Games.
Những lời dạy của Bác vẫn vang mãi trong trái tim người dân Việt Nam để mỗi người không ngừng thi đua bởi "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất".
Yêu nước là thi đua, yêu nước là phấn đấu, yêu nước là làm tốt nhất phần việc của mình và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đó chính là hình ảnh của một Việt Nam hiện tại với những dấu mốc mới đáng tự hào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!