Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Quan trọng là vậy, thế nên trên mặt trận này đang có những diễn biến phức tạp. Những năm qua, trong môi trường văn học nghệ thuật trong nước đã xuất hiện những người viết các tác phẩm văn chương, báo chí mà trong đó sử dụng những câu từ đánh tráo khái niệm, kích động, với mục đích mưa dầm thấm lâu nhằm chia rẽ người dân với đất nước.
Văn chương, báo chí là nơi tác giả có thể thể hiện cái tôi, nhưng vai trò của văn học phải hướng đến chân - thiện - mỹ; báo chí là giám sát và phản biện xã hội, còn những tác phẩm tạo ra những bức tranh u tối về đất nước, gây nên tâm trạng hoang mang, dao động thì rõ ràng không thể được đón nhận.
Nếu không ngăn chặn, những sản phẩm văn hóa ấy có thể ngấm dần, lan tỏa trong tư tưởng, nhận thức người đọc, người xem theo chiều hướng tiêu cực. Đó là chưa kể tới những người bị tác động bởi những tư tưởng xấu từ nước ngoài, quay lại sử dụng khả năng văn chương của mình để tiến hành những mưu đồ thâm độc đối với đất nước, với chế độ. Đó là điều không thể xem nhẹ.
Là cộng tác viên, phóng viên, của nhiều tờ báo, đài truyền hình từ năm 2000, nhưng Phạm Thị Đoan Trang đã bỏ việc, câu kết với các phần tử chống đối, phản động, sử dụng chiêu trò "phản biện xã hội" qua báo chí để xuyên tạc những sự kiện chính trị – xã hội của đất nước, các vấn đề được xã hội quan tâm.
Đối tượng này cũng là tác giả của 10 cuốn sách mà hầu hết trong đó xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, đả phá, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hướng dẫn "kỹ năng", cách thức đối phó với cơ quan An ninh, với chính quyền.
Phạm Thị Đoan Trang bị tuyên phạt 9 năm tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước. Trong bản tự khai, Phạm Thị Đoan Trang cũng đã thừa nhận hoạt động nhằm lật đổ chế độ.
Phạm Thị Đoan Trang là tác giả của nhiều cuốn sách xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, đả phá, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Tương tự là đối tượng Phạm Chí Dũng. Vốn không phải nhà báo nhưng đối tượng này đã thành lập cái gọi là "Hội Nhà báo độc lập Việt Nam", lôi kéo, kết nạp các thành viên, viết, đăng tải hàng nghìn tin, bài tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, bôi nhọ uy tín của Đảng, chống Nhà nước Việt Nam. Tháng 1/2021, Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù.
Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động đã có các hoạt động lôi kéo các nghệ sĩ, nhà báo, vào các hoạt động chính trị và sáng tác bất lợi cho an ninh quốc gia và chế độ. Thu thập những bài viết, tác phẩm có quan điểm nghệ thuật lệch lạc, bị phê phán mạnh mẽ trong nước để đưa ra đăng tải, phát hành ở bên ngoài trên các tạp chí, nhà xuất bản của các tổ chức phản động người Việt lưu vong. Lợi dụng lĩnh vực văn học, nghệ thuật để chống phá, đây được coi là một trong những công cụ phục vụ chiến lược "diễn biến hòa bình", tấn công trực tiếp vào hệ tư tưởng.
Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và ghi nhận những ý kiến phản biện trên tinh thần đóng góp vì cái chung, vì những điều tốt đẹp hơn cho đất nước. Nhưng đối với những người lợi dụng tự do ngôn luận, lợi dụng sự tôn trọng sáng tạo nghệ thuật để đi quá giới hạn, bóp méo, xuyên tạc hiện thực thậm chí là vi phạm pháp luật thì đó là điều không thể chấp nhận được.
Hiện nay với sự xuất hiện của các nền tảng xã hội, nhiều mối lo ngại hơn đã xuất hiện trong lĩnh vực văn hóa. Trên các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam, nơi mà hàng chục triệu người ở đủ mọi lứa tuổi, thành phần, mắt nhìn, tay lướt trên máy tính, điện thoại thông minh bất kể đêm ngày, đang xuất hiện những thứ rác, những sản phẩm văn hóa cực kỳ độc hại.
Từ nhảy múa khoe thân đến quảng cáo cờ bạc, phim có nội dung người lớn. Từ miệt thị người khác, kích động vùng miền đến tung hô những giá trị đi ngược lại với xã hội, thậm chí phản văn hóa, phi giáo dục.
Thậm chí, có cả những nội dung khuyến khích con người làm những điều kỳ quặc, trái với lẽ thường, gây nguy hiểm đến tính mạng. Sáng tạo nội dung, khẳng định cá tính không phải là điều bị cấm đoán, thế nhưng để thể hiện mình mà làm ảnh hưởng đến người khác thì không thể được. Nếu dễ dãi, tặc lưỡi cho qua, những cái xấu, cái tiêu cực dần trở thành một nếp nghĩ, một thứ bình thường trong đời sống. Nếu nhiều thứ bất thường, tiêu cực được bình thường hóa như thế, sự đi xuống của văn hóa, đạo đức xã hội là không tránh khỏi.
Cần phải thẳng thắn nhận diện những sản phẩm văn hóa độc hại đang len lỏi rất nhanh, ăn sâu, bén rễ vào đời sống tinh thần của xã hội. Đừng chỉ nhìn nhận đây là những sản phẩm văn hóa nhảm nhí, vô bổ, vì nguy hiểm hơn nó sẽ góp phần tạo ra một thế hệ suy nghĩ lệch lạc, phiến diện, hoặc hạ thấp thị hiếu.
Những thử thách đang trở nên phổ biến trên mạng xã hội. Những hành động mà để thực hiện, người ta phải bỏ qua rất nhiều: ý thức vệ sinh, phân biệt sạch – bẩn, sự tự trọng, cho đến những quyền cơ bản là được làm một con người.
Nhằm kiếm tiền từ những suy nghĩ, kỹ năng, ý tưởng trên mạng xã hội, một số người trẻ sáng tạo nội dung, đã làm đủ mọi cách để thu hút lượt xem, lượt chia sẻ của người xem, kể cả tạo ra những nội dung xấu xí, quái gở.
Đáng lo ngại là trong số các nền tảng mạng xã hội thông dụng tại Việt Nam, có một điểm chung là việc sử dụng thuật toán phân phối để tạo nên các nội dung xu hướng. Điều này cho phép những nội dung, xu hướng độc hại phát tán đến giới trẻ rất nhanh chóng và trên một diện rộng.
Những hiện tượng sai lệch, phản văn hóa giờ lại được công khai lên tiếng trên các MXH. Xuất hiện những cô gái lên mạng dạy cách kiếm tiền bằng việc hẹn hò, nói rằng mình không hợp đi làm nhưng ở dưới không thiếu những lời bình luận ủng hộ. Cụm từ sugarbaby, hàm ý nói về những cô gái được trả tiền để bao nuôi thậm chí còn được sáng tác thành sản phẩm âm nhạc.
Nhiều ca khúc cổ xúy lối sống trọng vật chất, coi thường việc học tập – đều thu hút cả triệu view và được tung hô
Và còn những ca khúc cổ xúy lối sống trọng vật chất, coi thường việc học tập – đều thu hút cả triệu view và được tung hô. Những sự méo mó, lệch chuẩn giờ lại được tô hồng qua lăng kính nghệ thuật, và trở nên cuốn hút với một bộ phận người trẻ.
Càng làm những hành động phản văn hóa, càng dễ kiếm tiền, càng thành công, càng được tung hô. Ranh giới tốt – xấu , đúng – sai bị lu mờ trên không gian MXH. Điều này đặc biệt nguy hiểm với giới trẻ, bởi vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển về nhận thức nên chưa đủ bản lĩnh để phân định đúng – sai.
Vi phạm pháp luật, ôn ào đời tư, tham gia những quảng cáo thổi phồng, sai sự thật, những phát ngôn bốp chát, mang tính xúc phạm khán giả là hành vi của một số nghệ sĩ, "idol" mạng xã hội.
Ca sĩ, diễn viên, người mẫu được coi là biểu tượng, là hình mẫu lý tưởng mà nhiều bạn thanh thiếu niên hàng ngày khao khát. Những hành vi ứng xử của họ luôn thu hút sự quan tâm của hàng triệu người. Nhưng chắc chắn không phải là những hành vi theo kiểu này.
Ngoài các nghệ sĩ ít nhiều có hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, thì hiện nay trên các nền tảng MXH, những người có nhiều người theo dõi, thích sẽ được đặt tên là idol – thần tượng. MXH tạo cơ hội để ai cũng có thể trở thành nhà sáng tạo nội dung, ai cũng có thể trở nên nổi tiếng và thành KOL (Key opinion leader) - người dẫn dắt dư luận chủ chốt hay còn gọi là "người có sức ảnh hưởng".
Bản thân những người làm ở các công ty truyền thông, quản lý một số lượng lớn những người làm nội dung số cũng thừa nhận đang có một bộ phận KOL chọn con đường trở nên nổi tiếng bằng cách tạo ra những nội dung độc hại.
Giang hồ mạng là một hiện tượng trên mạng xã hội thời gian qua. Các đối tượng này thường có lý lịch phức tạp; có người từng có nhiều tiền án, tiền sự, được biết đến bởi các hành vi ngông cuồng, bạo lực nhưng liên tục rao giảng đạo đức. Những video, clip bạo lực hay những buổi phát trực tiếp của các đối tượng này có đến vài trăm nghìn lượt theo dõi, yêu thích và bình luận.
Hiện tượng Ngô Bá Khá (Khá bảnh), dù đã bị kết án 10 năm tù, nhưng vẫn được nhiều em nhỏ nhắc đến. Đây là một thần tượng lệch chuẩn, có thể ảnh hưởng lâu dài đến cả một thế hệ.
Ngô Bá Khá (Khá bảnh) - thần tượng lệch chuẩn, có thể ảnh hưởng lâu dài đến cả một thế hệ
Ai cũng có một thần tượng để noi theo và học hỏi. Thần tượng có hai góc độ để tiếp cận. Nghĩa chính trực, nó là hình mẫu mà ở đó xã hội mong đợi.
Tuy nhiên, khi ngày nay, thần tượng có thể tạo ra từ những thuật toán tìm kiếm sự chú ý, thì những thần tượng có thể chỉ là người kích hoạt đúng góc tối ẩn sâu trong mỗi người: như sự hung hăng, thói bạo lực, sự chà đạp lên người khác để nổi tiếng.
Một không gian mạng bát nháo, hỗn loạn và tiêu cực sẽ góp phần nuôi dưỡng những tư tưởng lệch lạc. Thế nhưng bàn về vấn đề bảo vệ, giữ gìn, định hướng cho sự phát triển của văn hóa thì không gian mạng mới là một khía cạnh.
Một lĩnh vực khác cũng rất cần nhắc đến, đó là phim ảnh. Nhìn thị trường phim tại Việt Nam, kể cả phim chiếu rạp và phim chiếu qua các nền tảng xuyên biên giới thì phim nước ngoài vẫn ở địa vị thống trị. Điều này bắt nguồn từ một thực tế hiển nhiên, đó là hệ thống phân phối phần lớn thuộc về các nhà phân phối nước ngoài. Thêm vào đó, trừ một số bộ phim ăn khách mà chất lượng nghệ thuật còn nhiều điều phải bàn thì hầu hết phim Việt không đủ sức hấp dẫn khán giả, khó mang lại giá trị thương mại.
Hơn 80% số phòng chiếu Việt Nam nằm trong tay các nhà phân phối nước ngoài. Cùng với đó, phim nhập khẩu chiếm 80% lượng phim chiếu rạp
Và hệ quả là trong khi những giá trị Việt phai nhạt dần thì khán giả, người xem trong nước được thoải mái vẫy vùng cùng những bộ phim tràn ngập tinh thần, văn hóa, tư tưởng nước ngoài. Trong những bộ phim đó, tốt cũng có, xấu cũng có, không phù hợp với suy nghĩ, lối sống người Việt Nam cũng có, vô hình chung các giá trị của dân tộc trở thành cổ hủ, lạc hậu. Đó là chưa kể những bộ phim cài cắm hay vô tình có những chi tiết sai sót, xuyên tạc về lịch sử, thậm chí là xâm phạm chủ quyền quốc gia.
Phim ảnh là một lĩnh vực nghệ thuật vừa giúp con người thụ hưởng các giá trị, vừa góp phần điều chỉnh tư duy, hành vi của con người. Do đó, việc thiếu vắng tầm nhìn, định hướng trong quản lý lĩnh vực phim ảnh có thể dẫn đến những hệ quả lớn và nghiêm trọng hơn rất nhiều đối với văn hóa, tư tưởng so với thiệt hại về khía cạnh kinh tế.
Rạp Mê Linh tại Hà Nội, một trong những rạp chiếu phim lớn nhất thành phố đã phải dừng hoạt động từ khoảng 10 năm trước, chỉ còn sót lại cái tên nhắc nhớ về thời vàng son. Rạp Kim Đồng tạm dừng chiếu từ gần 3 năm nay chưa hẹn ngày mở cửa trở lại. Còn rạp Dân chủ, nay đã trở thành siêu thị điện máy.
Thay thế vào đó là hệ thống rạp mới, hiện đại hơn, hoành tráng hơn nhiều. Cả nước có hơn 1000 phòng chiếu. Chỉ có điều hơn 80% số phòng chiếu này nằm trong tay các nhà phân phối nước ngoài. Cùng với đó, phim nhập khẩu chiếm 80% lượng phim chiếu rạp hàng năm. Một tỷ lệ ngược hoàn toàn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Luật điện ảnh mới và nghị định hướng dẫn có hiệu lực từ đầu năm nay quy định: tỷ lệ chiếu phim Việt trong các rạp phải đạt ít nhất 15%, rồi ưu tiên giờ vàng cho phim Việt…Nhưng giờ đây, tỷ lệ chiếu phim không còn quan trọng bằng câu hỏi: có bao nhiêu phim Việt hay có thể ra rạp và chinh phục khán giả? Nhiều phim trăm tỷ lại không phải đỉnh cao nghệ thuật, nhiều bộ phim nghệ thuật lại không bán được vé.
Hãng Phim truyện Việt Nam rơi vào cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội"
Dọc theo cuộc kháng chiến chống Mỹ, hàng trăm bộ phim điện ảnh đã góp phần nâng đỡ tinh thần của cả dân tộc. Nơi sinh ra những bộ phim ấy - Hãng Phim truyện Việt Nam - cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh nước nhà lại rơi vào cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội" trong cơ chế thị trường. Tình cảnh thoi thóp của hãng phim đặt ra một câu hỏi lớn: Ai sẽ chịu trách nhiệm sản xuất ra những tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật, định hướng nhân văn?
Trong khi đó, hệ thống nền tảng phim trực tuyến cũng chứng kiến sự thống trị của các hãng nước ngoài. Doanh thu của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, WeTV, Apple TV, Iflix gấp đôi tổng doanh thu của 22 doanh nghiệp nội. Không ít nội dung xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền đã được phát hiện trên các ứng dụng này. Đầu năm nay, Nghị định 71 yêu cầu nền tảng này phải có giấy phép khi hoạt động tại lãnh thổ Việt Nam. Nhưng đến nay chưa có bất cứ đơn vị nào hoàn tất các thủ tục pháp lý theo đúng quy định.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xóa nhòa những ranh giới địa lý, khiến cho sự giao lưu của con người về mọi mặt, trong đó có văn hóa trở nên nhanh hơn, dễ dàng hơn rất nhiều. Thế nhưng, chính điều này cũng khiến cho việc quản lý, bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống không theo kịp.
Dù đây là khó khăn chung của nhiều quốc gia trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, nhưng với thực tế hiện nay, và với vị trí rất quan trọng của văn hóa, sẽ cần những giải pháp chấn chỉnh kịp thời và phải hiệu quả chứ không thể xuề xòa, bắt cóc bỏ đĩa được nữa. Bởi nếu cứ để tình trạng này kéo dài trong 5 năm, 10 năm hay lâu hơn, thì hệ quả sẽ là rất lớn đối với đất nước và cả các thế hệ tương lai.
Trong thời đại 4.0 hiện nay, công nghệ thông tin đã mang lại những giá trị to lớn, khiến cuộc sống con người tiện lợi hơn, thoải mái hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Thế nhưng, ở nước ta, xét riêng khía cạnh văn hóa, lại có những thách thức không nhỏ. Đó là nguy cơ thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình - một thủ đoạn phi quân sự, chú trọng chiến tranh tâm lý, đặc biệt nhấn mạnh sức mạnh của tư tưởng - ý thức hệ.
Trong chiến lược diễn biến hòa bình, để tấn công vào hệ tư tưởng phương Tây tổng kết rằng, "một đài phát thanh cũng có thể bình định xong một đất nước", "một đô-la chi cho tuyên truyền có tác dụng ngang với 5 đô-la chi cho quốc phòng. Và trong những thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến và phải không ngừng đấu tranh với những thủ đoạn này trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì nguy hiểm hơn, diễn ra dưới một hình thức mềm mại hơn, đó là sự xâm lăng văn hóa, truyền bá những giá trị ngoại lai, nhằm làm biến chất bản sắc văn hóa dân tộc, hòa tan những giá trị bản địa.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cảnh báo, các quốc gia đang sống trong một thế giới phẳng và những "biên giới" đang dần bị xóa nhòa. Nhưng biên giới, lãnh thổ văn hóa của mỗi quốc gia phải được bảo vệ và được xác lập rõ ràng. Nếu lãnh thổ văn hóa bị xóa nhòa thì nền độc lập của bất cứ quốc gia nào cũng bị đe dọa.
Chiến tranh lùi xa nhưng âm mưu, thủ đoạn sử dụng chiến tranh tâm lý vẫn không thay đổi. Điểm khác, đó là hình thức thể hiện, và phương thức phát tán giờ đây đã phát triển lên một tầm mức mới và tinh vi hơn nhiều.
Trên không gian mạng, những nội dung văn hóa có thể tác động xấu đến nhận thức, tư tưởng, lối sống của người đọc, người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ cũng đang len lỏi mà thiếu đi sự kiểm soát.
Nguy cơ diễn biến hòa bình, xâm lăng văn hóa vẫn đang hiển hiện. Để chống "xâm lăng văn hóa", nhiều giải pháp cần được tiến hành, trong đó có việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tăng cường giáo dục, nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm cho mọi công dân. Đặc biệt, việc nâng cao trách nhiệm xã hội của những văn nghệ sĩ - những người có ảnh hưởng trong dẫn dắt dư luận …. sẽ liều thuốc hiệu quả trong tăng cường miễn dịch.
Văn hóa, thứ sức mạnh nâng đỡ tinh thần và tâm hồn người Việt đi qua những thăng trầm của lịch sử.
Và bản sắc văn hóa ấy tiếp tục được bảo tồn và phát huy khi nhiều nghệ sĩ trẻ đã mạnh dạn khai thác, biến tấu những chất liệu dân gian tạo ra những tác phẩm gây được tiếng vang. Đó là "Chiếc khăn piêu" mang âm hưởng Tây Bắc phối khí theo phong cách jazz.
Nhiều nghệ sĩ trẻ mạnh dạn khai thác, biến tấu những chất liệu dân gian tạo ra những tác phẩm gây được tiếng vang
Hình tượng Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, rồi cô Tấm, nàng Mị, Thúy Kiều đi vào âm nhạc đương đại. Hay sự kết hợp giữa xẩm rap và nhạc điện tử…
Đặc biệt hơn, nhạc cụ trên sân khấu chèo và hát văn đã xuất hiện trong dàn nhạc giao hưởng. Những tín hiệu đáng mừng trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn để bản sắc văn hóa Việt thấm sâu hơn với giới trẻ.
Muốn có sức mạnh thì dân tộc phải có nền tảng văn hóa của mình. Trong thời đại 4.0 hiện nay, việc củng cố nền tảng văn hóa lại càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh một thế giới kết nối.
Nhìn rộng ra thế giới, đây không phải là một nhiệm vụ đối với riêng Việt Nam. Ngay cả các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc thì với tiềm lực về kinh tế lớn đến như vậy, việc phát huy văn hóa bản địa, bảo vệ văn hóa trước các tác động tiêu cực cũng không hề lơ là.
Có thể kể đến phiên điều trần kéo dài 5 tiếng mới đây của Quốc hội Mỹ đối với CEO TikTok – một nền tảng mạng xã hội chia sẻ video ngắn hay các biện pháp phong sát trong showbiz Trung Quốc không ngoại trừ một ai, nhằm ngăn ngừa nghệ sĩ vi phạm pháp luật và thiếu đạo đức xuất hiện trước công chúng.
CEO TikTok Shou Chew trả lời các câu hỏi tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 23-3. Ảnh: News Week
Đáng chú ý, tại phiên điều trần, CEO của TikTok cho biết con của ông không dùng ứng dụng này là vì ở Singapore không có nền tảng TikTok dành riêng cho trẻ dưới 13 tuổi.
Còn tại Anh, cơ quan quản lý dữ liệu nước này mới đây phạt TikTok 12,7 triệu bảng Anh vì để hơn 1,4 triệu trẻ em dưới 13 tuổi ở nước này sử dụng TikTok mà không có sự đồng ý của người lớn.
Trước đó, Australia, New Zealand, châu Âu, và cả các nước châu Á gồm Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh cũng cấm một phần hoặc hoàn toàn nền tảng này.
Sự quyết liệt của nhiều quốc gia trong bảo vệ nền tảng văn hóa không chỉ ở việc siết chặt quản lý các nền tảng công nghệ chia sẻ nội dung tiêu cực… mà gần đây kể các những người có tầm ảnh hưởng đến công chúng, nếu có những hành vi bê bối, lệch chuẩn, ảnh hưởng đến môi trường phát triển văn hóa cũng đã phải trả giá.
Tại Trung Quốc, "Phong sát" trở thành nỗi khiếp sợ của những nghệ sĩ vi phạm pháp luật hay có hành xử gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Hàng loạt các ngôi sao Trung Quốc bị "phong sát"
Vì bê bối trốn thuế, Phạm Băng Băng mất vị thế "nữ hoàng giải trí", bị phạt gần 130 triệu USD (khoảng 3 nghìn tỷ đồng), và không thể hoạt động tích cực trong làng giải trí suốt 5 năm qua.
Ngôi sao trẻ Trịnh Sảng bị phạt 46 triệu USD vì trốn thuế, bị cấm sóng vĩnh viễn, xóa sổ các tài khoản cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội tại Trung Quốc.
Hàng loạt các ngôi sao khác như Ngô Diệc Phàm, Triệu Vy, sau bê bối về đời sống cũng đã bị "phong sát", đều bị cấm xuất hiện, hoặc hình ảnh, tác phẩm đều bị gỡ khỏi các nền tảng truyền thông.
Danh tiếng không còn, sự nghiệp kết thúc, công chứng quay lưng… với những nghệ sĩ không giữ mình.
Bên cạnh dọn dẹp lại một môi trường văn hóa, việc ươm mầm, phát triển cho một không gian văn hóa với bản sắc riêng, có giá trị tích cực còn mang lại những lợi ích khác.
Tại Hàn Quốc, cách đây hơn 30 năm, Cục công nghiệp văn hóa đã được thành lập để phục vụ cho nhu cầu toàn cầu hóa các nội dung về Hallyu hay làn sóng Hàn Quốc.
Chỉ một ban nhạc Hàn Quốc đóng góp bằng 20 nhà máy. Điều này cho thấy sự đầu tư cho văn hóa, hoạt động giải trí nếu được thực hiện bài bản, chiến lược, sẽ có thể đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.
Đây là những kinh nghiệm và Việt Nam cần nghiên cứu để bảo vệ, phát huy vai trò của văn hóa - một lĩnh vực giờ đã được xác định là mang tầm quan trọng ngang với kinh tế, chính trị, xã hội.
Bên cạnh các hoạt động đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng phản động, thù địch lợi dụng, tấn công trên lĩnh vực văn hóa của các cơ quan an ninh, hệ thống báo chí thì đang có những động thái hết sức quyết liệt nhằm siết chặt quản lý dịch vụ, nền tảng xuyên biên giới.
Mới đây nhất, cũng chính Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông qua Quyết định 512, trong đó quy định từ tháng 10 năm nay, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.
Quan sát trên báo chí và mạng xã hội, quy định này đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ rất mạnh mẽ từ khán giả và ngay trong giới hoạt động nghệ thuật. Một thế giới kết nối, hòa nhập đang tạo ra những thay đổi rất lớn đối với mọi quốc gia. Thế nhưng trong những điều mà một quốc gia không được phép đánh mất, đó là bản sắc văn hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!