Vào những năm 80, một nửa trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam bị suy dinh dưỡng. Nhiều năm liền, Việt Nam luôn đứng top đầu thế giới về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ. Vấn đề trên cho thấy sự cấp thiết và tầm quan trọng của các chương trình phát triển mọi mặt cho trẻ. Trong gần hai thập kỷ (1999-2018) tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam đã cải thiện tích cực. Song những thay đổi ấy liệu đã đủ?
Suy dinh dưỡng (SDD) là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết so với nhu cầu sinh lý của trẻ.
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Lê Danh Tuyên cho biết, thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn.
Tại Việt Nam tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Trẻ bị suy dinh dưỡng cao chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên - những vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cơ sở hạ tầng kém, hệ thống y tế hạn chế, trình độ giáo dục thấp dẫn đến kinh tế chậm phát triển.
Cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì sẽ có 1 trẻ bị SDD thấp còi. Cùng xuất phát điểm, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm mạnh qua các năm, nhưng thể thấp còi thì chưa thấy cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi ở mức cao dẫn đến hệ lụy là chiều cao của người Việt luôn nằm trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới.
Có lẽ nguyên nhân là do nhận thức sai lệch của nhiều người cho rằng suy dinh dưỡng là nhẹ cân, chứ không bao gồm việc thấp còi. Cũng có nhiều quan niệm rằng con cái cao là do gen bố mẹ. Đây là những quan điểm sai lầm vì nhiều nghiên cứu cho thấy chiều cao chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: dinh dưỡng (32%), di truyền (23%), thể lực (20%), môi trường, ánh nắng, tình hình bệnh tật, giấc ngủ… Một nguyên nhân khác của vấn đề trẻ thấp còi chưa cải thiện là do chiều cao cần nhiều nỗ lực cả về thời gian và nguồn lực. Nhật Bản đã mất 40 năm để đưa chiều cao trung bình người dân lên 10cm, trong đó bao gồm rất nhiều biện pháp như cải thiện gen, chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, luyện tập thể thao, chăm sóc sức khỏe tinh thần…
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ, Việt Nam đã và đang thực hiện các dự án nhằm giảm thiểu tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng.
Chặng đường gần 20 năm trên các nẻo đường lớn nhỏ của các xã, huyện khó khăn, những cuộc vận động, tuyên truyền về hậu quả của suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ được phát động rộng rãi; từng hộp sữa bổ sung vi khoáng chất được trao tận tay tới các gia đình, bố mẹ cũng đã được trang bị kiến thức chăm sóc con cái đúng cách.
Tại Làng Trẻ em SOS Vinh, Sở Y tế tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động Dự án "Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi" trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Dự án Aris aid được thực hiện tại các huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua Đề án nâng cao hiệu quả phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi.
Sở Y tế tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Dự án Plan tổ chức Hội thảo giới thiệu Dự án "Dự phòng suy dinh dưỡng thấp còi dựa vào cộng đồng" tại 4 huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Mèo Vạc và Yên Minh.
Nhờ có những bước chân không ngừng nghỉ của Chính phủ và người dân, cùng sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài nước. Qua chặng đường hai thập kỷ, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam có chiều hướng giảm bền vững và được cải thiện đáng kể.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm mạnh, bữa ăn của người dân được bảo đảm hơn về số lượng và chất lượng. Việt Nam đã hoàn thành sớm hơn dự định Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em.
Từ năm 1999 đến năm 2018, tỷ lệ trẻ nhẹ cân đã giảm hơn một nửa.
Đáng chú ý là tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi tại Việt Nam năm 2020 chiếm 19,7% (thấp hơn khu vực Đông Nam Á 10,4%) được xếp vào mức trung bình theo phân loại của WHO.
Đối với nước ta, các bệnh suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, mà còn là vấn đề lớn khi suy dinh dưỡng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tử vong cao ở trẻ em. Vì vậy giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng là giải pháp mang đến sự phát triển ổn định và lâu dài cho bất kì quốc gia nào.
Dù vẫn chưa thật sự thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng, song nhìn vào những con số từ năm 1999 đến năm 2018, chúng ta đều thấy được những chuyển biến tích cực. Điều này cho thấy sự hiệu quả của các chương trình, chính sách, hành động mà Chính phủ và các tổ chức đã thực hiện. Đây có thể nói là một bước đệm vững chắc để Việt Nam tiếp tục vững bước trên con đường chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ, phát triển thế hệ mầm non tương lai của đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!