VTV.vn - Từ bỏ công việc kiến trúc với mức lương cao, Hảo về "làm thợ mộc", sản xuất đồ chơi tái chế thân thiện với môi trường và đang từng chút tận hưởng niềm vui với nghề này...

Thời gian qua, De L'archi đã và đang trở thành cái tên quen thuộc trong cộng đồng của những người yêu thích đồ thủ công. Những đồ chơi trẻ em ngộ nghĩnh, thân thiện với môi trường, được gia công từ nguyên liệu chính là gỗ vụn của De L'archi nhận được sự ủng hộ của nhiều người.

Cô thợ mộc Nguyễn Thị Hảo: Sáng tạo là sự sẻ chia - Ảnh 1.

"Sáng tạo - Thiên nhiên - Trẻ nhỏ" - đó là 3 từ ngắn ngọn nhưng đầy đủ nhất để nói  về lý tưởng của Nguyễn Thị Hảo - người sáng lập De L'archi.

De L'archi tiếng Pháp có nghĩa là người làm nghề kiến trúc sư. "Tôi đặt tên này vì với tôi De L'archi chính là cuộc sống, là sự sáng tạo giá trị từ góc nhìn kiến trúc kết hợp với những mảnh gỗ vụn thừa" - chị Hảo chia sẻ.

Cô thợ mộc Nguyễn Thị Hảo: Sáng tạo là sự sẻ chia - Ảnh 2.

Trước khi gắn bó với nghề mộc, Hảo từng có năm năm công tác trong lĩnh vực kiến trúc. Hảo nhanh chóng trở thành quản lý cho một công ty xây dựng có tiếng. Thời điểm mới ra trường vài năm, lương tháng cả nghìn USD như Hảo là khoảng thu nhập không hề nhỏ so với bạn bè cùng trang lứa.

Nhưng, gác lại công việc mang đến thu nhập ổn định, Hảo bật ý tưởng sản xuất đồ gỗ tái chế với mong muốn tạo công ăn việc làm cho những người thân có việc làm đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Hảo chia sẻ: "Khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đợt 1, em trai tôi vốn là HLV cá nhân cho một phòng tập gym, em gái tôi là giáo viên mầm non, cũng đều phải nghỉ dịch, ở nhà. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc để mình làm điều đó để không lãng phí thời gian và vẫn tạo ra giá trị kinh tế".

Sau 1 năm gắn bó với công việc sáng tạo đồ chơi trẻ em, tính đến thời điển hiện tại, mỗi tháng xưởng của Hảo sản xuất ra khoảng 15.000 sản phẩm, đã có các đơn đặt hàng đi Mỹ, Anh, Pháp... De L'archi cũng cung cấp giáo cụ cho khoảng 20 trường học cố định và các trường bán cố định (vào dịp tổ chức sự kiện).

Hiện tại, cả xưởng có trên dưới chục nhân công, với tiến độ 20-30 đơn đặt hàng mỗi ngày. Ở các khâu đòi hỏi khả năng thẩm mỹ cao như tô, vẽ nghệ thuật, Hảo nhận sinh viên chuyên ngành mỹ thuật về làm bán thời gian.

Xuất phát từ tình yêu môi trường, Hảo lập một trang fanpage riêng để chia sẻ với những tâm hồn đồng điệu. Hảo cho biết: "Để lan tỏa lối sống xanh rất dễ, nó đến từ mỗi cá nhân và mạng xã hội là 1 công cụ vô cùng hữu ích...".

Nhưng thành quả không xuất hiện dễ dàng. Nó là một quá trình vận động và câu chuyện của Hảo cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thời điểm Hảo quyết định nộp đơn xin nghỉ việc ở công ty xây dựng, cô biết chặng đường mới đầy thử thách chính thức bắt đầu. Lãnh đạo cơ quan động viên cô ở lại, nhưng cô gái nhỏ bé có những quyết tâm riêng. Vừa thu xếp công việc tại công ty cũ, Hảo vừa tìm lối đi cho mình.

Cô thợ mộc Nguyễn Thị Hảo: Sáng tạo là sự sẻ chia - Ảnh 4.

Là người ưa quan sát và thích mày mò sáng tạo nghệ thuật, Hảo nhận thấy, ở các xưởng mỹ nghệ có nhiều gỗ vụn, thừa. Vứt đi thì phí nên được người dân tận dụng để làm chất đốt. Cô xin về nhà những thứ tưởng chừng bỏ đi.

Lúc rảnh rỗi, cô lại ngồi cắt, đục, mài rồi tô vẽ. Cứ thế, những con cá, con cua gỗ đầu tiên được "chào đời" với dáng vẻ đáng yêu đến lạ. Là một người mẹ trẻ, Hảo nghĩ ngay đến việc làm đồ chơi cho cô con gái 3 tuổi: "Tôi sử dụng dụng màu Acrylic đã được kiểm định an toàn để tô lên gỗ. Con được chơi những loài động vật màu sắc, bé thích lắm". Giống với bất cứ người phụ nữ nào trên thế giới này, niềm hạnh phúc của Hảo là nụ cười của con.

Khác biệt với những món đồ được sản xuất công nghiệp hàng loạt trên thị trường, đồ chơi được Hảo làm thủ công nên không có cái nào giống hệt cái nào. Gây ấn tượng bởi thuộc tính an toàn, độ bền cao và rất thân thiện với môi trường, một số trường mầm non cũng liên hệ với Hảo để đặt hàng về làm giáo cụ. Lâu dần, đồ chơi tái chế của Hảo được ưa chuộng bởi phụ huynh - học sinh và các trường mẫu giáo tại Hà Nội.

Cô thợ mộc Nguyễn Thị Hảo: Sáng tạo là sự sẻ chia - Ảnh 5.

Là người con gái thứ 3 trong gia đình thuần nông, ba chị em Hảo lớn lên với tuổi thơ vất vả, thiếu thốn đủ điều. Cô kể lại biến cố lớn trong cuộc đời xảy ra khi cô bắt đầu vào lớp 10, bố Hảo nhập viện vì tai biến. Ba chị em người học cấp 3, người mới vào đại học nên mọi việc đều đổ dồn lên đôi vai gầy của người mẹ. Thương bố mẹ, Hảo quyết tâm học hành. Thời điểm ấy, Hảo hiểu chỉ có học vấn mới giúp cô thay đổi cuộc sống khó khăn này. Năm 2010, Hảo thi vào trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và trúng tuyển.

Nhưng không lâu sau đó, mẹ Hảo được chẩn đoán mắc bệnh tim. Hảo nghẹn ngào: "Mỗi lần đưa người nhà nhập viện là tim lại thót đau". Hảo nhớ lại những ngày chạy con xe Chaly về quê đưa mẹ đi khám tim, tối về hành lang bệnh viện ngủ trông bố. Bữa cơm của mấy chị em quen thuộc với món rau muống luộc chấm muối vừng. Khó khăn là vậy nhưng cả nhà thương nhau, niềm tin luôn được thắp sáng trên hành trình lớn khôn của chị em Hảo.

Cô thợ mộc Nguyễn Thị Hảo: Sáng tạo là sự sẻ chia - Ảnh 6.

Suốt 4 năm đại học, bên cạnh việc duy trì thành tích học tập tốt ở trường, Hảo còn phụ giúp gia đình bằng việc đi làm thêm. Chưa có công việc nào mà Hảo chưa thử qua: bán sim dạo, làm bưng bê ở quán phở, dạy gia sư... Mặc dù quỹ thời gian eo hẹp, nhưng cô biết sắp xếp và không để việc làm thêm ảnh hưởng đến học hành. Kết quả là kỳ nào cô cũng được học bổng.

Năm thứ 3 đại học, Hảo xin vào làm nhân viên tại cửa hàng bán đồ lưu niệm trên phố cổ. Không chỉ có được môi trường rèn luyện ngoại ngữ, Hảo còn gặp gỡ bè bạn ngoại quốc. "Tôi dùng tiếng Pháp để giúp các bạn tìm nhà, hỗ trợ văn hóa. Các bạn ấy vui lắm, ngày về nước, có bạn tặng tôi voucher học tiếng Pháp, có bạn tặng luôn cả chiếc xe đạp mới". Có lẽ, cô gái 21 tuổi nhiệt tình, hào sảng năm ấy cũng không thể ngờ rằng, một ngày nào đó trong tương lai, chính những người bạn cũ lại giúp cô giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế.

Cô thợ mộc Nguyễn Thị Hảo: Sáng tạo là sự sẻ chia - Ảnh 7.

Hảo cho rằng khó khăn là phép thử cho sức bền và lòng can đảm. Hảo bình tĩnh đối diện. Sau tất cả những nốt thăng trầm, Hảo thấy mình trưởng thành hơn. Ra trường, Hảo tìm được cho mình một công việc tốt. Kết hợp kiến thức chuyên môn và kỹ năng sống tích lũy từ thời sinh viên, cô nhận được sự yêu mến từ đồng nghiệp. Nhiều năm liền, cô nhận bằng khen "Nhân viên xuất sắc" của lãnh đạo cơ quan. 

Hảo nhớ lại: "Thời điểm tôi từ bỏ mức lương nghìn USD về làm mộc, ai cũng bảo tôi điên. Nhưng tôi điên trong ý thức. Tôi muốn nối nghiệp bố, cái nghề mà bố đã kiếm từng đồng nuôi 4 chị em ăn học, cái nghề mà bố dành cả đời theo đuổi để rồi bỏ dở lưng chừng vì bệnh tật, cái nghề mà tôi đã có những kí ức đẹp của mình với bố - nơi có mùn cưa bã bào".

Cô thợ mộc Nguyễn Thị Hảo: Sáng tạo là sự sẻ chia - Ảnh 8.

Trở lại với nghề mộc, Hảo vận dụng tư duy của một người học chuyên ngành Quy hoạch đô thị, một ngành học yêu cầu tính kĩ thuật, khoa học và cả mỹ thuật trong quá trình học vào cách làm đồ chơi.

Khi có ý tưởng về một sản phẩm là Hảo có thể hình dung ra ngay được cấu tạo của nó rồi vẽ phác bằng tay, thậm chí còn cho lên phần mềm máy tính để vẽ tỉ lệ cho chính xác sau đó mới cắt máy. Hảo chú trọng đến cách làm đồ chơi sao cho thông minh, khoa học, đơn giản nhưng tích hợp nhiều công năng trong cùng một sản phẩm, rồi đến việc vẽ, phối màu ra làm sao cho bắt mắt, hài hòa nhưng thu hút.

"Những điều này đều là quá trình tích lũy được từ những ngày còn đi học, chỉ là mình ứng dụng nó khác đi, theo cách riêng của mình, thay vì làm đẹp cho những ngôi nhà, những khu đô thị thì giờ mình làm đẹp cho những sản phẩm đồ chơi" - Hảo vui vẻ nói.

Về phần bố Hảo, mấy năm nay, nhờ điều trị tích cực, sức khỏe ông tốt hơn. Ông phụ con cái xẻ gỗ, cắt thô. Sự giúp sức đắc lực của bố giúp Hảo có thêm động lực trên con đường cô đã chọn: "Mỗi tháng tôi trích một phần doanh thu để "trả công" cho bố. Có tiền để mua đồng quà tấm bánh cho con cháu, bố tôi vui vẻ chứ không còn mặc cảm như trước". Nghề mộc giờ đây đã giúp ông quên đi nỗi đau của bệnh tật.

Bản thân Hảo cũng cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày khi được làm việc mình thích, lao động bằng sức khỏe - trí óc và cả trái tim. Cái nghề khoan cắt, đục đẽo tưởng chừng khô khan nhưng đầy thú vị và có triển vọng ra phết!

Thế nhưng, không đắm chìm trong những thành công bước đầu đã gặt hái được, Hảo chia sẻ rằng mình đang học hỏi các phương thức, cách làm bài bản, chuyên nghiệp hơn để có thể đáp ứng các thị trường khó tính nước ngoài. Tuy nhiên, Hảo còn hướng đến tiêu chí không lạm dụng máy móc quá nhiều, chỉ sử dụng trong khâu sơ chế ban đầu, còn các bước hoàn thiện vẫn handmade để thổi hồn cho sản phẩm theo cách đặc biệt riêng. Bên cạnh đó, cô còn cố gắng học hỏi để vận hành bộ máy sản xuất cũng như bán hàng để có thể nhân rộng quy mô hơn hiện tại, mang đến hiệu quả về kinh tế và thời gian.

Một năm khởi nghiệp với nhiều thăng trầm, điều Hảo tự hào nhất là cách cô đặt cái tâm khi làm việc. Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh thì mẩu gỗ thừa phải trải qua 6-7 công đoạn. Công đoạn khó nhất là tạo hình, Chỉ cần sai sót nhỏ có thể khiến sản phẩm mất đi giá trị thẩm mỹ của nó. Vậy nên, dù là sản phẩm có kích thước to hay nhỏ, độ khó cao hay thấp, hai tiêu chí tỉ mỉ - an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. "Làm đồ chơi cũng là góp một phần nho nhỏ vào thế giới trẻ thơ. Tôi mong rằng những sản phẩm mà tôi làm ra sẽ tô điểm cho thế giới ấy. Trong thế giới ấy lúc nào cũng vui tươi và rộn rã tiếng cười".

Cô thợ mộc Nguyễn Thị Hảo: Sáng tạo là sự sẻ chia - Ảnh 10.

Tính đến thời điểm hiện tại, xưởng của Hảo là một trong những nơi tiên phong trong việc sản xuất đồ chơi tái chế an toàn cho trẻ nhỏ tại Hà Nội. Khi được hỏi về việc có sợ bị sao chép ý tưởng không, Hảo vui vẻ đáp: "Với tôi sáng tạo là sự sẻ chia, biết đâu những người đi sau lại có thể tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo hơn dựa trên nền tảng của mình thì sao. Nếu hành động của tôi giúp nhiều người  hướng về tự nhiên thì nó còn có ý nghĩa hơn rất nhiều lần so với việc tôi chỉ giữ cho riêng mình".

Chia sẻ bí quyết thổi hồn vào từng tác phẩm, Hảo nói luôn giữ cho mình một thói quen đó là xem phim hoạt hình. Nhân vật trong phim ngộ nghĩnh, đáng yêu, đằng sau mỗi bộ phim là những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Hảo nhận ra để bước vào thế giới trẻ thơ cũng cần có một trái tim chân thành, sinh động như thế đấy.

Hảo gửi gắm tới những người phụ nữ một thông điệp sâu sắc: phụ nữ không nhất thiết là chân yếu tay mềm, thêu thùa may vá, nội trợ nấu cơm… mà hoàn toàn có thể làm được những việc tưởng chừng chỉ dành cho cánh mày râu. Chỉ cần có đủ đam mê, dành thời gian và tình yêu cho nó thì ắt có ngày đơm hoa.

Hảo là minh chứng cho ý chí của những người phụ nữ thời đại mới: Dám nghĩ, dám làm, dám đối diện với thử thách để tạo nên những điều nhỏ bé nhưng giàu ý nghĩa.

Phạm Thị Bích Ngọc
8/4/2021

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước