COVID-19 - nhắc tới cái tên thôi chúng ta cũng đã thấy ám ảnh. Căn bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra, hiện vẫn đang phủ bóng ma lên nhiều nơi trên thế giới, gây thiệt hại nặng nề cho nhiều, thậm chí là mọi nền kinh tế, làm xáo trộn hoàn toàn cuộc sống con người.
Ngay tại Việt Nam – quốc gia dẫn đầu thế giới về phòng chống COVID-19, những ảnh hưởng từ đại dịch toàn cầu này cũng là không hề nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều hộ kinh doanh đóng cửa, nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là đói ăn… Giữa bối cảnh ấy, với tinh thần tương thân tương ái "lá lành đùm lá rách", Chính phủ Việt Nam đã ban hành gói cứu trợ 62000 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ người dân. Đây là quyết định có ảnh hưởng tới khoảng 20 triệu người dân Việt Nam và tất nhiên, số đông trong đó – những người nghèo, những người gặp khó khăn vì COVID-19 đã đang mong chờ từng ngày để nhận được khoản hỗ trợ này.
Tuy nhiên, cũng lạ thay có những hộ "nghèo", "cận nghèo" dường như còn ước nó chưa từng tồn tại thì hơn.
Thông tin hàng nghìn hộ dân tại 1 huyện ở Thanh Hóa đồng loạt ký tên xin không nhận tiền hỗ trợ COVID-19 đã gây xôn xao dư luận thời gian qua. Và sau khi báo chí vào cuộc tìm hiểu, chúng ta mới rõ lý do vì sao, người ta lại từ chối nhận nó – thậm chí, đây còn không phải tâm lý của một số "hộ nghèo", "cận nghèo" ở 1 địa phương như Thanh Hóa mà còn xuất hiện ở nơi khác nữa.
Đúng là đang yên đang lành… thì tiền hỗ trợ COVID-19 tới!!!
Phong ba bão táp cũng không bằng ngữ pháp Việt Nam. Chắc hẳn sẽ có người thắc mắc "hộ nghèo", "cận nghèo" thì vì sao phải để trong ngoặc kép? – Nhóm thực hiện bài viết cũng xin khẳng định rằng đây hoàn toàn không phải "lỗi thằng đánh máy".
Hộ nghèo hay hộ cận nghèo, hiểu nôm na là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chật vật với cuộc sống hằng ngày. Nếu quý độc giả có suy nghĩ như vậy quả thật không sai - mà chắc những người trong hội đồng bình xét hộ nghèo, cận nghèo càng không thể nhầm được.
Thế nhưng, khái niệm này đã… không còn đúng ở một số nơi khi mà nhiều "hộ nghèo", "cận nghèo" song thực tế họ đang sống trong những ngôi nhà cao đẹp tiền tỷ, thậm chí có cả ô tô.
"Những người có tên trong hộ cận nghèo đa số toàn có anh em người thân trong hội đồng bình xét hết" – ông Hoàng Đức Nhận, người dân xã Yên Thọ, Yên Định, Thanh Hóa bức xúc chia sẻ - "Thôn trưởng thì có 2 người em con cô con cậu – cũng đưa vào hộ cận nghèo. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh có con – cũng đưa vào hộ cận nghèo. Chủ tịch Hội Người cao tuổi có bà con – cũng đưa vào hội cận nghèo…".
VÌ vậy sẽ không ngạc nhiên khi nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang trong làng, cũng mang danh… "hộ cận nghèo", kể cả đó là hộ kinh doanh, thu nhập ổn định, thậm chí là có cả ô tô.
"Đây là gia đình nhà tôi xin vô (vào danh sách hộ cận nghèo – PV) chứ không phải là gì… Trên mà cho cháu được thì tốt mà không cho thì thôi, đấy là tôi nói lý do chính đáng" – một người có họ hàng là hộ cận nghèo (và cũng có người nhà trong hội đồng bình xét) chia sẻ.
"Trên cho vô" – Trên ở đây không ai khác chính là… chồng bà – người có quyền được quyết ai là hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thôn. Quyền lực đó bỏ qua biểu quyết của cộng đồng dân cư và mặc dư luận có lên tiếng đi chăng nữa…
"Như cái đứa kia kìa, hắn đang bị gẫy lưng, nhà có 3 đứa con, nhà cấp 4 thôi thế mà đang trong danh sách hộ nghèo, người ta cắt luôn cho người khác. Những nhà có con đang đi học, người ta cũng cắt luôn…";
"Những nhà cô đơn, có liệt sỹ đây này, nhà nghèo, đúng cứ mưa là nước tràn ngập nhà, một thân một mình ông ấy đây này, thế mà có tên trong danh sách hộ nghèo đâu?"
"Bức xúc thì có bức xúc nhưng biết kêu với ai bây giờ? Tôi có ý kiến cũng chẳng ai giải quyết được. Tôi có lên xã hỏi thì xã trả lời thôn các ông thế nào chứ chúng tôi có biết gì? Rồi tôi lại lên Thương binh – Xã hội hỏi thì họ trả lời xã các ông thế nào chứ chúng tôi có biết gì? Thế thì tôi cũng bó tay chứ biết làm sao được nữa?" - một người dân không được hộ nghèo bức xúc.
Nhà có xiêu vẹo, người không có thu nhập, neo đơn, nhưng không có tiếng nói, thế là được coi đã thoát nghèo. Trong khi đó, những ngôi nhà khang trang, kiên cố mọc lên giữa xóm nghèo ấy, lại có trong danh sách "hộ cận nghèo". Từ đó, người dân ở đây kháo nhau về một khái niệm mới: Hộ cận nghèo là hộ cận… nhà nghèo.
Nhiều năm trước, ở Việt Nam, cách đo lường và đánh giá nghèo chủ yếu thông qua thu nhập. Đây chính là chuẩn nghèo đơn chiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc sử dụng tiêu chí thu nhập để đo lường cái nghèo là không đầy đủ. Vì vậy, từ năm 2015, Việt Nam đã áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Điều đó có nghĩa ngoài thu nhập, phải đo lường cả những mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Thế nhưng ở một số địa phương, chuẩn nghèo 1 chiều vẫn được áp dụng. Từ chỗ bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, hiện nay, nhiều địa phương chỉ cần 1 chiều.
Ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, một gia đình có 3 con nhỏ, chồng bị gãy lưng, nhà cửa tạm bợ mà đang cận nghèo lại bị cắt suất cho người khác, những nhà có con đi học cũng bị cắt luôn cho người khác.
Cả làng nháo nhác vì nghèo. Nhà có 2 con học đại học, chồng bệnh hiểm nghèo, một tay chèo chống tứ bề, thế nhưng chứng nhận hộ cận nghèo cũng không đến được với gia đình.
Theo bà Nguyễn Thị Bài, lý do không được xét vào hộ cận nghèo chỉ vì không… vay tiền. Phải vay tiền với số lượng lớn mới được ưu tiên vào hộ cận nghèo. Bởi, nghèo là để… giàu. Như trường hợp nhà ông Khánh được người dân trong xã biết đến là hộ cận nghèo có điều kiện. Bởi nhờ cận nghèo, ông mạnh dạn vay hẳn 300 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đủ tiền xây ngôi nhà trị giá hơn… 1 tỷ đồng.
Rồi từ việc tăng gần gấp đôi số lượng hộ cận nghèo xét về mặt phát triển kinh tế xã hội vốn không được khuyến khích nên nhiều địa phương cũng đã nghĩ ra cách để khắc phục tình trạng này.
Chiêu mới được áp dụng là sáp nhập nhiều hộ nghèo. Để tránh bị lộ khi có đoàn kiểm tra, xã đã ẩn luôn tên hộ bị ghép. Chính vì sáp nhập nên người được kẻ không, nhiều người nghèo vẫn chưa hết ngơ ngác vì sao mình bỗng... thoát nghèo.
Hộ khẩu hộ cận nghèo toàn... người dưng
Để về đích nông thôn mới, số lượng hộ nghèo và hộ cận nghèo chỉ được giới hạn. Nhưng vì ai cũng thích nghèo nên chính quyền địa phương đã sáng kiến gộp 2 hộ thành 1, những người không thân thích bỗng nhiên thành… người nhà.
Giấy quyết định hộ nghèo nhưng cái nghèo cũng phải chia làm đôi. Mặc nhiều người thắc mắc nhưng chính quyền địa phương vẫn không hề hay biết vì Chủ tịch UBND xã Thiệu Thành lý giải từ trước đến nay chưa thấy có hộ nào phản ứng, bản thân ông từ xã khác đến nên không nắm được cụ thể.
Cũng theo chủ tịch xã, danh sách hộ nghèo của địa phương là tối mật, phải lưu giữ kỹ lưỡng và duy nhất 1 người được phép mở nhưng người đó đã nghỉ việc hơn nửa tháng nay.
70 hộ nghèo ở xã Thiệu Thành bị sáp nhập với nhau để giảm còn 43 hộ, giúp địa phương đạt chỉ tiêu nông thôn mới sau 1 năm. Việc sáp nhập hộ nghèo kiểu này không chỉ tạo nên thành tích ảo mà còn tạo ra một bức màn che, ẩn giấu nhiều tiêu cực sau đó.
Nhà bà Bùi Thị Nguyên ở xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa chỉ có 3 nhân khẩu nhưng trong sổ hộ khẩu của gia đình lại "cõng" thêm 2 người con của Phó Bí thư xã. Sự việc tiếp diễn gần 10 năm nhưng đến giờ mới được lật mở.
Nếu nhà cán bộ muốn gửi con vào hộ nghèo, chỉ cần đánh tiếng với trưởng công an xã thì tên nguời cần gửi sẽ được viết thêm vào sổ hộ khẩu của hộ nghèo. Cái nghèo sẽ được hợp thức hóa.
Là người trực tiếp viết thêm tên con cán bộ vào sổ hộ nghèo của người khác nhưng lại không rõ sự tình, cũng dễ hiểu, bởi chính người trong cuộc cũng không hay dẫu con mình "đi lạc" vào hộ nghèo đã gần 10 năm.
Câu chuyện người thân "đi lạc" vào hộ nghèo không chỉ xuất hiện ở 1 xã, mà còn diễn ra ở nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, có xã còn có đến 3 cán bộ nòng cốt có người thân bị gửi vào hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Không biết cũng bởi nhà thì to, xe ô tô thì có thừa nên chẳng hà cớ gì bản thân những lãnh đạo phải nhọc công gửi người thân vào hộ nghèo. Vì mỗi khi tìm sổ hộ nghèo cũng phải trèo đến 3 tầng lầu mới tìm ra.
Có thể sẽ oan cho Thanh Hóa khi đây chỉ là địa phương đầu tiên hăm hở chạy theo thành tích để rồi những bất cập về bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo bắt đầu "lòi" ra. Nói cách khác, Thanh Hóa không phải là nơi duy nhất có những vấn đề nói trên. Cách địa phương này cả trăm km, ngay sát sườn Hà Nội, câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra.
Năm ngoái vẫn còn trong danh sách hộ nghèo, nhưng năm nay đã thoát nghèo, điều này khiến bà Nhứm bức xúc, dù điều kiện kinh tế không quá khó khăn.
"Con bò kia có phải của nhà mình không ạ? - Vâng, có 1 con bò cái đấy thôi – bà Nhứm xã Quý Hòa, Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình trả lời, rồi bà dẫn phóng viên đi tham quan căn nhà đã thoát nghèo của mình - "Tủ lạnh này có giá khoảng 4 triệu này, TV này có giá 4 triệu, còn quạt, 2 cái này có giá 500 nghìn thôi. Đấy, tất cả tài sản đáng giá như thế thôi, nhà bà chỉ có vậy thôi, chả có cái gì".
"Chưa xứng đáng thoát nghèo" – bà Nhứm cho biết thêm.
Nhưng chưa xứng đáng thoát nghèo không phải tâm lý của mình bà mà còn đúng với nhiều người khác trong xã.
Ông Bùi Văn Nhậng nói: "Năm ngoái tôi vẫn được hộ nghèo nhưng năm nay lại mất. Thực tế là càng nghèo thêm chứ không phải là giàu".
Bà Quách Thị Chiên chia sẻ: "Thoát hộ nghèo thì mừng cái gì, khổ chứ. Người ta giàu mà người ta cũng được, nhà mình nghèo mà lại không được cái gì".
Con trai bà Chiên, anh Hải, 25 tuổi, ý thức được rằng so với những nhà khác, nhà mình chưa đến nỗi nghèo, nhưng cũng có bức xúc khi gia đình bị cho ra khỏi danh sách hộ nghèo - "So với những nhà khác, sao nhà người ta giàu hơn mà lại được hộ nghèo, hộ cận nghèo còn nhà mình nghèo hơn thì không được?"
Để chứng minh cho bức xúc của mình, bà Chiên dẫn phóng viên tới một căn nhà lụp xụp và chỉ: "Đây này, nhà này thì thoát nghèo này"; "Còn kia cận nghèo đây này, lại được tiền COVID đây này" – bà chỉ sang một ngôi nhà sát vách ngôi nhà lụp xụp kể trên – chỉ khác là nó khang trang hơn, kiên cố hơn và nhìn từ ngoài vào thì quả thực nó… giàu hơn.
Hộ khá giả, có điều kiện, lại lọt vào danh sách hộ cận nghèo - Câu chuyện mới chỉ nghe thôi cũng đủ thấy hoang đường. Thế nhưng, điều này sẽ còn trở nên phi lý hơn nữa khi việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm vốn là một quy trình rất kín kẽ và phải được công khai, minh bạch.
Quy trình được tạo ra với một chuỗi liên kết công việc và trách nhiệm của các cán bộ từ cấp thôn, xã đến cấp huyện. Nhưng chỉ cần một công đoạn trong quy trình này vì bất kỳ lý do gì trở nên đứt gãy sẽ tạo ra ngay những kết quả sai lệch. Từ đây, rất nhiều "con voi" đã có thể chui lọt qua "lỗ kim".
Ở vùng đặc biệt khó khăn như xã Quý Hòa, nhiều hộ cận nghèo lại có những cơ ngơi hoành tráng hơn người như gia đình Bí thư chi bộ xã, Trưởng cựu chiến binh xóm, công an viên kèm phó phường xóm hay Bí thư chi bộ xóm.
Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra… Thực tế bất hợp lý này khiến nhiều người cảm thấy bất bình. Những lá đơn đề nghị yêu cầu UBND xã làm rõ sự việc cứ thế được gửi đi nhưng chưa cái nào có hồi đáp.
Mặc dù những người có trách nhiệm trong việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo ở xã đều khẳng định họ làm đúng quy trình nhưng nhiều người thân của họ đã hiện diện trong danh sách ấy.
"Bình xét hộ nghèo đối với xã Quý Hòa thì mọi thứ đã làm đúng trình tự, tất cả theo quy định của nhà nước. – ông Bùi Văn Dát, Chủ tịch UBND xã Quý Hòa, Lạc Sơn, Hòa Bình chia sẻ. Nhưng khi được phóng viên hỏi "Có xứng đáng vào danh sách hộ nghèo hay không" đối với một số trường hợp cụ thể là gia đình cán bộ tại địa phương, ông Bùi Văn Dát chỉ trả lời ngắn gọn: "Không xứng đáng".
Không ai muốn mình thực sự nghèo nhưng khi cái nghèo không còn là thước đo để đánh giá chất lượng cuộc sống mà trở thành danh xưng mang lại cho người nhận những lợi ích, người ta lại không còn sợ nghèo nữa.
Theo chính sách, hộ nghèo hay hộ cận nghèo luôn nhận được rất nhiều chế độ ưu đãi của Nhà nước. Điều này cũng phần nào lý giải được nguyên nhân, tại sao, nhiều người vẫn thích nghèo và nhiều cán bộ thôn xóm dù điều kiện vật chất dư giả vẫn muốn mình mang danh... nghèo.
Xã Quý Hòa thuộc vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn, với hơn 700 hộ nghèo và cận nghèo. 2,5 tỷ đồng là số tiền ngân sách đã được rót về địa phương để hỗ trợ bà con do dịch bệnh COVID-19.
Cũng từ đây, sự gian dối trong việc bình xét hộ nghèo mới dần sáng tỏ. Chính sách thay vì phải về với đúng đối tượng thì giờ ai cũng có thể luân phiên nhau thụ hưởng như một món hời. Chẳng thế mà cứ hễ năm nào đến phiên ai là người đấy liền cất ngay nhà mới.
Bà Bùi Thị Sự, Vợ trưởng thôn Rậm Kẻm, Hộ cận nghèo năm 2020 cho biết năm nay nhà bà làm nhà nên xin bình xét hộ cận nghèo từ tháng 10/2019 để được vay vốn Nhà nước làm nhàcho đỡ lãi suất. Mặc dù bà bảo không biết xin ai nhưng chính chồng bà, trưởng thôn Bùi Văn Thâm, lại có quyền đưa cả nhà vào danh sách hộ cận nghèo.
Chị Bùi Thị Linh, cán bộ phòng LĐ-TB&XH, cũng đã đưa 3 trường hợp không xứng đáng vào danh sách này. Trong đó 2 người là bố đẻ và anh rể. Người còn lại là đồng nghiệp làm cùng UBND xã, anh Bùi Văn Den. Trả lời phóng viên, cả anh Den và chị Linh đều nhận họ đã… sai và ân hận.
Những con người không nghèo về vật chất nhưng lại nghèo về ý thức, tự cho mình cái quyền tư lợi, trao cơ hội cho người không xứng đáng và khiến cho rất nhiều người xứng đáng khác đang mất cơ hội đáng ra phải thuộc về mình.
Sẵn sàng bỏ qua lòng tự trọng của bản thân dù biết mình không xứng đáng, trục lợi chính sách cũng từ đó mà ra. Việc cố tình làm sai chính sách của các cán bộ địa phương đã tạo nên dư luận xấu và những bất bình trong nhân dân. Nhưng chỉ sau khi những phóng sự được VTV phát sóng, những biện pháp xử lý mới được đưa ra.
Tại Hòa Bình, đã có những công chức, những trưởng thôn bị xử lý kỷ luật. Câu chuyện ở Thanh Hóa cũng không khác hơn khi vẫn là những biện pháp "tạm đình chỉ chức vụ", "dừng tái bổ nhiệm các cán bộ đưa người thân vào danh sách hộ cận nghèo"…
Điều đáng nói ở đây là Thanh Hóa và Hòa Bình - 2 địa phương không hề có liên kết nào về mặt địa lý, nhưng lại đều có những thủ đoạn tinh vi, phức tạp, dù đôi khi khác nhau về cách thức nhưng lại hướng tới một mục tiêu giống nhau, đó chính là trục lợi từ việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Nhìn rộng ra, không loại trừ khả năng vấn đề có thể còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác, khi mà tiếng nói công luận chưa thể chạm tới. Hy vọng rằng cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương sẽ nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ. Với tinh thần không giấu giếm trách nhiệm, sai đến đâu sửa đến đấy, mong rằng những chính sách nhân đạo từ chính phủ Việt Nam, sẽ tới được tay những hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng định nghĩa nguyên bản và trong sáng nhất của từ này.
Ngày 08/6/2020