Cuộc sống sẽ như thế nào nếu không có trẻ con? Sẽ vắng bóng những thơ ngây, những thanh âm trong trẻo, hay những đôi mắt hồn nhiên... Chừng ấy những thiếu vắng có lẽ vẫn là chưa đủ. Bởi cuộc sống sẽ chẳng còn là cuộc sống nếu như không có trẻ con. Và bởi chúng ta, mỗi người lớn đều từng là con trẻ.
Ai đó đã từng nói: "Nếu cuộc sống quá dễ dàng thì ta đã không chào đời bằng tiếng khóc". Vốn là biểu tượng của những đẹp đẽ, ngọt ngào, nguyên bản nhất của cuộc sống, thế nhưng có những đứa trẻ buộc phải lớn trước tuổi khi những sóng gió ập đến. Các em là những trẻ yếu thế nhưng mang trong mình những nghị lực phi thường. Các em chính là những tia nắng đầy hy vọng của "Vì một Việt Nam tất thắng".
Đất nước những ngày tháng 7, tháng 8 – Sức nóng của mùa hè nhân lên gấp bội với sức nóng của tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ở nơi tuyến đầu, những y bác sĩ, chiến sĩ… đang ngày đêm chiến đấu với kẻ thù vô hình - dịch bệnh COVID-19 với những biến thể với mức lây lan nhanh chóng. Thế nhưng, cũng trong những ngày đất nước gian khó ấy, ta còn thấy một sức mạnh cuộn trào, đó là nghĩa đồng bào, là tình yêu thương trỗi dậy hơn bao giờ hết.
Dịch bệnh Covid-19 đến là khi mỗi người phải làm quen với những xáo trộn, những điều vốn bất bình thường nay trở nên bình thường. Những đứa trẻ yếu thế cũng vậy, những em nhỏ mắc bệnh ung thư bị trì hoãn những đợt điều trị hóa chất do giãn cách, do cách ly… hay những đứa trẻ mồ côi lang thang ngoài đường mất đi kế sinh nhai, là hơn 2 nghìn trẻ em trên khắp đất nước Việt Nam phải chịu cảnh mồ côi vì đã vĩnh viễn mất đi bố mẹ…
Thế nhưng, vượt lên nghịch cảnh, lời tri ân đến những lực lượng tuyến đầu được cất lên từ những tâm hồn bé nhỏ, những trái tim sâu lắng của các em.
Trong tác phẩm văn học gửi đến cuộc thi, em Lù Thị Thu Thảo, 15 tuổi tại Lai Châu viết:
Lá thư ấy đã mang đến sự xúc động cho bác y bác sĩ, trong đó bác sĩ Đinh Xuân Thủy – Công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu nơi em Thảo điều trị chia sẻ: "Lá thư thật mộc mạc, đơn giản nhưng đầy tình cảm. Tôi không kiềm được nước mắt khi đọc và tự hứa phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để làm tốt công tác của mình".
Cùng với Thu Thảo, hàng trăm bức tranh nhiều màu sắc kèm theo những lời động viên của những chiến binh nhí được gửi đến với mong muốn tri ân lực lượng tuyến đầu.
Trong số hơn 2.300 tác phẩm gửi đến cuộc thi chính là hơn 2.300 câu chuyện và những thông điệp của trẻ yếu thế trên khắp đất nước Việt Nam được gửi gắm. Nhiều em nhỏ vẽ tranh khi vừa xong đợt hóa trị, cơ thể vẫn còn đau nhức. Số khác kẹt lại bệnh viện, vẽ tranh để vơi nỗi nhớ gia đình, trường lớp. Trong suy nghĩ của các em, các y bác sĩ chính là những siêu nhân, siêu anh hung mang sức mạnh phi thường.
Đến với cuộc thi Vì một Việt Nam tất thắng, Vũ Duy – Chàng trai đang chiến đấu với căn bệnh U não đã đặt tên bức tranh của mình là “Bác sĩ siêu nhân”.
Tâm hồn mỗi người là một bông hoa, hãy là đóa hướng dương đón nhận ánh nắng. Biết đến cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học Đặng Nguyễn Hoàng Anh – Một chiến binh đã vẽ bức tranh “Thiên thần áo trắng”. Thế nhưng không may, em đã qua đời ngay khi vừa gửi đi tác phẩm của mình. Tác phẩm của em đã được Ban tổ chức chắp bút để hoàn thiện.
Đại dịch có thể ngăn cản chúng ta di chuyển nhưng không thể nào ngăn được dòng chảy sáng tạo và sức mạnh tinh thần. Đến với cuộc thi, hơn 2.300 bức tranh, những tác phẩm văn học của các em nhỏ đã đại diện cho tiếng nói của trẻ em yếu thế trên khắp đất nước Việt Nam, trong đó có những trẻ em mồ côi tại nhiều trung tâm bảo trợ xã hội, làng trẻ SOS. Có những điều tưởng như bình thường nhưng lại là ước mơ, khao khát của các em. Như ước mơ tìm mẹ cho những người em của mình tại làng trẻ SOS của Phương Anh.
Phương Anh – một cô gái sinh ra và lớn lên tại làng trẻ em SOS Hải Phòng. Đầu tháng 10 vừa qua, em vinh dự được nhận học bổng trị giá 1 tỷ tại 1 trường Đại học Quốc tế tại Việt Nam. Đến với "Vì một Việt Nam tất thắng" em đã gửi bài viết: THƯ GỬI MẸ TƯƠNG LAI.
Trong thư, em viết:
Sự phát triển của một đất nước và sự đánh giá về một dân tộc nằm ở cách chăm sóc người già, trẻ em và những người yếu thế. Chúng ta có thể khác nhau về mục tiêu, vai trò trong xã hội, sự may mắn nhưng giống nhau ở cơ hội sống và sự giúp đỡ của đồng bào.
Chúng ta - Mỗi người lớn từng là con trẻ. Và mỗi chúng ta khi trưởng thành rồi lại học được nhiều điều từ con trẻ. Bởi vậy, vun đắp những ước mơ, chung tay thắp nên những tia nắng hy vọng cho các em – những đứa trẻ yếu thế chính là cách mỗi người xây đắp cho tương lai. Và bởi trẻ em luôn cần được nâng niu và yêu thương.
Hãy là đám mây, con đường, là tình yêu và lời ru… để mỗi đứa trẻ được lớn lên, trưởng thành trong tình yêu thương của 1 xã hội nhân văn và đầy lòng trắc ẩn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!