Ẩn sau vẻ hiền hòa, yên bình của những vùng núi xa xôi tại Quảng Nam, những con suối đã và đang dần… "chết" mà không rõ có thể cứu chữa hay có ai thực sự muốn cứu chữa hay không.
Những con suối, từ bao đời nay, là đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho con người, là người bạn, là phương kế sinh nhai của biết bao thế hệ. Nhưng cũng chính vì sự bất chấp của một bộ phận nhỏ, suối đang chết dần chết mòn, hay nói cách khác, là bị "bức tử"…
Nhắc tới những Bắc Trà My hay Phước Sơn… là khiến ngay cả những người bản xứ ở Quảng Nam cảm thấy ngán ngẩm. Có thể họ không quá bận tâm về những "bí mật" ẩn dấu nơi đây, nhưng chắc một điều rằng: Họ từng được nghe hoặc biết về cung đường di chuyển từ huyện lên các xã vùng cao sẽ gian nan thế nào.
Từ trung tâm UBND huyện Phước Sơn đi lên xã Phước Thành là quãng đường dài chỉ khoảng 25.7km nhưng trải đầy đá hộc, bùn lầy… một bên là rừng, một bên là vực/suối… thử thách tay lái của bất cứ tài xế cự phách nào.
Và phải sau tới khoảng gần 2 giờ đồng hồ "bò" dưới trời mưa, nhóm phóng viên của Báo Điện tử VTV News, mới có thể đến được đây. Rồi, Phước Thành từ từ hiện ra, mang dáng dấp của một xã miền núi – với sự tĩnh lặng bao trùm. Nhưng ẩn dưới sự yên ắng có phần yên bình ấy, là một thực tại…
...
Trong vai một du khách tới với Phước Thành, phóng viên VTV News đã có dịp hỏi thăm một hộ dân ven đường về dòng suối chảy qua ngay phía sau nhà.
Người này cho biết, thi thoảng lại thấy nước suối đục, chuyển vàng, bốc mùi hôi nồng nặc.
"Chắc là ở trên, họ xả cái gì đó xuống, nên nước nó lại đổi màu. Mà giờ nhà tôi có nước máy rồi, thì dùng nước máy cho khỏe, chứ ai mà dám dùng nước suối" - Đó, là cách một người dân ở Phước Thành, tự "đề kháng" cho gia đình.
Bởi, ở một xã cũng thuộc diện "điểm nóng" về vấn nạn khai thác vàng như Phước Thành, nước suối đã không còn là nguồn tài nguyên đáng tin cẩn với nhiều người. Có thể, đó chỉ là cảm giác chủ quan của họ, nhưng cũng chưa ai chứng minh được rằng, suối đã được "chữa lành" sau ngần ấy năm oằn mình nhận xả thải từ các bãi vàng trên thượng nguồn…
Và cũng chỉ mới đây thôi, cuối tháng 7/2023 trên địa bàn này, tại mỏ vàng bãi Ruộng của Công ty TNHH Phước Minh, nằm cách trụ sở UBND xã Phước Thành chỉ 300m, đã ngang nhiên để nước màu trắng đục từ trong hồ thải của mỏ vàng, theo một đường ống xả thẳng ra con suối bên ngoài, đi qua cánh đồng lúa bậc thang và trung tâm xã Phước Thành.
Đáng lưu ý, mỏ vàng bãi Ruộng nằm ở đầu nguồn con suối, trước khi chảy về hạ du, nước thải còn chảy qua nhiều nhà dân, trường tiểu học, mẫu giáo, trạm y tế xã ở hai bên suối…
Và, tất nhiên, khi câu chuyện xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, cơ quan chức năng đã có những động thái vào cuộc.
Nhưng…
Nếu những động thái vào cuộc có đủ điều kiện để diễn ra một cách triệt để, chắc chắn sự bình yên đã trở về với nguồn nước - sinh nhai từ bao đời nay của bà con. Song khó, thật khó…
Như vụ việc kể trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo UBND xã Phước Thành và huyện Phước Sơn báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh, xử lý hoạt động khoáng sản tại mỏ vàng bãi Ruộng (Cần phải nói thêm rằng, trong quá khứ, Công ty TNHH Phước Minh đã không ít lần bị xử phạt vi phạm hành chính về vấn đề môi trường).
Trả lời phỏng vấn với Báo Điện tử VTV News, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành – ông Hồ Văn Trung cho biết sau khi vụ việc xảy ra, UBND xã đã tới làm việc với Công ty TNHH Phước Minh, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng khu mỏ, khắc phục việc chảy quặng xái cũ ra bên ngoài, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, ruộng lúa của người dân. Tuy nhiên, tại thời điểm trả lời phỏng vấn với VTV News, tức là đã hơn 2 tuần kể từ sau khi sự việc được các cơ quan báo chí phản ảnh, hiện trạng dòng suối vẫn chưa được cải thiện. Có thể thấy từ trên cao, màu nước từ con suối trước đó phải oằn mình nhận xả thải, vẫn trắng đục màu xi măng.
Chất trắng tiếp tục chảy nghẹt lòng suối ở mỏ vàng Bãi Ruộng, ngay sát sườn UBND xã Phước Thành (Video thực hiện ngày 4/8 - 1 ngày sau khi Huyện Phước Sơn có báo cáo về Kết quả kiểm tra, xác minh, xử lý hoạt động khoáng sản tại mỏ vàng Bãi Ruộng trên địa bàn).
Ông Hồ Văn Trung cũng có chia sẻ về những khó khăn trong công tác thanh kiểm tra xoay quanh vấn đề xả thải: Thật sự, xã không đủ lực lượng và thời gian để canh gác, nên việc ngăn chặn xả thải là không thể. Bên cạnh đó, cán bộ tài nguyên môi trường có chuyên môn để xác định xem nước có ô nhiễm không lại không thuộc xã.
Mà đó chỉ là bãi vàng ngay sát sườn UBND xã, ở những "thủ phủ vàng" Phước Sơn trong quá khứ như bãi khe Tăng, ông Hồ Văn Trung cũng không khẳng định được rằng ở bãi đó còn hiện tượng khai thác vàng rồi xả chất độc hại ra môi trường hay không. Chỉ biết rằng đường lên bãi khe Tăng là đường độc đạo, hiểm trở, thời gian di chuyển rất lâu nên dù đôi lúc cũng có đoàn công tác lên kiểm tra nhưng không phát hiện được gì"
Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Quang Trung – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cũng cho biết, Phước Thành là xã vùng sâu với đặc thù địa thế hiểm trở. Từ đó, nhiều khi thành lập đoàn kiểm tra cấp huyện lên xã, không phát hiện vi phạm nào. Ví dụ, khi xã báo cáo kết quả kiểm tra cho huyện về công tác khắc phục hậu quả hoàn tất, có thể lúc đó đã hoàn tất thật, nhưng sau đó…
Song, câu chuyện "đi tìm cái người đi trốn, người đi trốn cái người đi tìm" không chỉ xảy ra ở Phước Thành, Phước Sơn.
…
Cách đó không bao xa, thực trạng tương tự cũng đang xảy ra trên địa bàn xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My.
Trong quá khứ, con suối chảy qua địa bàn xã Trà Bui cũng từng là "nạn nhân" nhiều năm của nạn khai thác vàng trái phép ở khu vực bãi Cao. Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui – ông Hồ Văn Biên vui vẻ dẫn phóng viên đi xuống suối và chia sẻ "nước bây giờ đã trong vắt, không còn tình trạng xả xyanua (chất cực độc được các mỏ vàng sử dụng để đãi vàng – PV) như trước nữa, cá cũng có thể sống được, nhiều người dân còn quăng chài bắt cá bên suối, để tôi uống thử nước suối cho các anh xem". Song, sau khi cùng phóng viên lội suối khoảng 1km, về phía nguồn, nước lại bắt đầu vẩn đục. Ông Biên lý giải rằng: có thể, tàn dư của nhiều năm khai quặng vẫn còn!
Biên bản kết quả kiểm tra, truy quét bãi Cao, xã Trà Bui, tháng 4/2023.
Tất nhiên, nhận định của ông Biên có thể không sai. Gọi là "tàn dư" là bởi vì, theo biên bản ghi nhận việc chính quyền xã đi kiểm tra những mỏ vàng từng hoạt động lén lút phía thượng nguồn, chỉ phát hiện thấy một vài đối tượng nhưng không phát hiện được hành vi khai thác trái phép.
Chỉ biết rằng, nước suối cứ lúc trong, lúc đục mà thôi…
Chia sẻ của một người dân xã Trà Bui về thực trạng dòng suối.
Tại Quảng Nam, cơn lốc tìm vàng ở Phước Sơn và một số huyện miền núi khác đã diễn ra từ giữa thập niên 1990, kéo theo những hệ lụy đau lòng từ tham vọng muốn đổi đời của một bộ phận thanh niên thời bấy giờ. Năm 2020, khi loạt phóng sự "Vàng tặc" lên sóng Chuyển động 24, có thể thấy, tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn vô cùng nhức nhối tại vùng núi xa xôi xứ Quảng này…
Cho tới tận thời điểm hiện tại, khó có thể nói "vàng tặc" đã thật sự biến mất hay chưa, nhưng có thể chắc chắn rằng những hậu quả mà vấn nạn này để lại vẫn là rất nặng nề…
Sau bao vụ xả thải ra môi trường, đều là những khẳng định từ phía doanh nghiệp "không chứa thành phần gây hại nào cho con người và môi trường" hay đôi lúc là bào chữa "không có cơ quan nào đến xác minh, lấy mẫu nước tại suối để đi kiểm nghiệm tính độc hại"… Chẳng vậy mà câu chuyện về việc ngăn chặn vấn nạn "bức tử" những con suối còn tồn đọng nhiều bất cập, khó triệt để.
Nước suối từ xã Phước Thành chảy qua Phước Lộc có màu "lạ". (Video thực hiện cuối tháng 8/2023)
"Ai còn dùng nước suối nữa" là nhận định đầy tính chủ quan từ một người dân và chắc chắn nó không đại diện cho toàn bộ những cư dân nơi đây. Nhưng nghe thật đau lòng, vì nó phản ánh thực trạng rằng, họ đang dần mất niềm tin với cái tự nhiên - Không phải với sự vốn có thiên nhiên của nó, mà là vì chính đồng loại của mình khi khiến những dòng suối chết dần chết mòn.
Ai trả nợ cho những con suối? – Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời. Nếu không phải chúng ta, có thể sẽ là những thế hệ sau này.
Minh Nguyễn - Thanh Phong
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!