VTV.vn - Những người anh hùng nơi tuyến đầu chống dịch bệnh, thiên tai cùng tinh thần đoàn kết dân tộc đã làm nên một Việt Nam phi thường trong năm 2020.
Thiên tai, dịch bệnh không thể cản bước lòng tự hào Việt Nam! - Ảnh 1.
Thiên tai, dịch bệnh không thể cản bước lòng tự hào Việt Nam! - Ảnh 2.

ăm 2020 – năm dịch bệnh COVID-19 bao phủ toàn cầu. Con virus SARS-CoV-2 không chừa bất kỳ nơi nào trên Trái Đất, thậm chí là cả châu Nam Cực. Tính đến hết ngày 31/12/2020, hơn 82 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, 1,8 triệu người đã vĩnh viễn ra đi và những con số này chưa thể dừng lại một sớm một chiều trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

Thế nhưng, khi hàng tỷ người đang quay cuồng với dịch bệnh thì gần 100 triệu người Việt Nam vẫn có cảm giác được sống bình yên và an toàn.

Chúng ta từng không ít lần "toát mồ hôi" trước virus corona song đều thoát hiểm ngoạn mục. Dù nguy cơ vẫn còn đó nhưng chúng ta không thể không tự hào khi đất nước Việt Nam kiên cường vẫn đang đứng vững với việc kiểm soát thành công được dịch COVID-19. Và công lớn trong chiến tích ấy phải kể đến tuyến đầu chống dịch.

Hình ảnh những y bác sĩ kiệt sức, phải truyền nước tại Đà Nẵng được ca sĩ Quang Hào chia sẻ đã gây xúc động mạnh đối với dư luận

Theo một thống kê chưa đầy đủ, hàng trăm nghìn bác sĩ và điều dưỡng đã được điều động tham gia chống dịch COVID-19, trong đó có cả những người đã về hưu cũng xung phong "ra trận". Từ sáng sớm tới đêm khuya, công việc của các y, bác sĩ… luôn không ngưng nghỉ. Trong khi cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 chưa biết bao giờ kết thúc, họ là những anh hùng thầm lặng, hy sinh không chỉ thời gian, công sức, thậm chí là cả tính mạng để đem lại cho bệnh nhân cơ hội sống.

Chúng ta càng cảm động khi chứng kiến hình ảnh những y bác sĩ kiệt sức, phải truyền nước khi dịch bệnh "càn quét" Đà Nẵng đợt tháng 7 và 8 vừa qua.

Và rồi bức ảnh y bác sĩ được chụp từ phía sau đang sải bước gấp gáp và đầy quyết tâm tại hành lang một bệnh viện kèm những dòng chú thích: "Những anh hùng áo trắng chống dịch COVID-19!".

Thiên tai, dịch bệnh không thể cản bước lòng tự hào Việt Nam! - Ảnh 5.

Đó chính là hình ảnh đội ngũ các y bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai từng chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 đặt chân đến Đà Nẵng để chung tay chiến đấu với dịch bệnh. Những khoảnh khắc ấy đã lay động trái tim hàng triệu người.

"Việt Nam, chúng tôi yêu bạn. Gửi đến tất cả bác sĩ, y tá, quân nhân, cảnh sát và tình nguyện viên, cảm ơn các bạn vì sự hy sinh to lớn để bảo vệ chúng tôi" cũng là lời chia sẻ của rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Thiên tai, dịch bệnh không thể cản bước lòng tự hào Việt Nam! - Ảnh 6.
Thiên tai, dịch bệnh không thể cản bước lòng tự hào Việt Nam! - Ảnh 7.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi các tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax ngừa COVID-19. Ảnh: TTXVN

Sau đợt bùng phát dịch hồi tháng 3/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã gửi lời cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ các bệnh viện đã, đang điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 với tất cả trí tuệ, sức lực.

Phó Thủ tướng khẳng định chỗ dựa lớn nhất, vững chắc nhất của những "chiến sĩ áo trắng" trên tuyến đầu chống dịch là sự đồng sức, đồng lòng cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.

Bên cạnh phòng dịch và điều trị bệnh hiệu quả, ngành y tế cũng "chạy đua với thời gian" trong nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine COVID-19. Ngay trong tháng 12/2020, Việt Nam chính thức thử nghiệm vaccine Nano Covax ngừa COVID-19 trên người và trở thành một trong số ít những quốc gia được WHO công nhận trong hệ thống quản lý phát triển vaccine quốc gia NRA.

Thiên tai, dịch bệnh không thể cản bước lòng tự hào Việt Nam! - Ảnh 8.

Việt Nam đã chính thức thử nghiệm vaccine Nano Covax

Đến thời điểm hiện tại, đại diện Bộ Y tế, Học viện Quân y cho biết các chỉ số của các tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm cho thấy vaccine an toàn với người, hứa hẹn trở thành công cụ phòng chống dịch hữu hiệu trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh thế giới vừa xuất hiện biến chủng mới.

Ở cuộc chiến phòng dịch từ bên ngoài, chúng ta cũng không thể không nhắc đến những người chiến sĩ tại nơi biên cương ngày đêm canh giữ bình yên Tổ quốc, "vì nhân dân quên mình" trên mặt trận phòng chống đại dịch COVID-19.

Các doanh trại, các trường quân sự biến thành nơi cách ly tập trung. Tại nhiều nơi, các chiến sĩ phải ngủ võng, nhường giường, nhường doanh trại để làm nơi cách ly tập trung.

Và trong một năm mà khúc ruột miền Trung hứng chịu đợt thiên tai lịch sử, "bão chồng bão, lũ chồng lũ", vai trò của người lính với tinh thần Bộ đội cụ Hồ càng được thể hiện hơn bao giờ hết.

"Trong và sau lũ 10-15 ngày, có anh chưa được về nhà bởi nhiệm vụ chưa xong. Bộ đội cụ Hồ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, anh em chúng tôi lúc nào cũng ghi nhớ câu khẩu hiệu để thực hiện nhiệm vụ" – đó là chia sẻ đầy xúc động của Đại úy Phạm Bá Trường, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Gác lại việc riêng cá nhân, gia đình, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã hành quân vào vùng tâm lũ miền Trung đúng thời điểm người dân đang gặp vô vàn khó khăn, vất vả sau trận lũ lịch sử.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 dầm mình trong mưa lũ để giúp đỡ Nhân dân. (Ảnh: Quân khu 4)

Trên những chiếc xuồng cứu hộ của quân đội, trong những ngày nước dâng cao, có những thai phụ đã được các chiến sĩ đưa đi sinh giữa dòng nước lũ. Nhiều em nhỏ chào đời được đặt tên ở nhà là Lụt, nhắc nhớ những ngày không thể quên, những sự giúp đỡ không thể quên.

Giữa dòng lũ, mắc kẹt trong hàng trăm nghìn ngôi nhà bị ngập sâu, lực lượng cứu hộ, cứu trợ căng mình, chạy đua với thời gian, ngày đêm tỏa vào các thôn xóm để hỗ trợ bà con. Khi nguy hiểm, lúc gian khó như là thiên tai bão lũ, dòng người chạy ra, tìm nơi an toàn thì các cán bộ, chiến sĩ quân đội lại tiến vào trong, ngược gió, bão cứu giúp người dân.

Trước khi mưa bão ập đến, những người lính này có mặt trước tiên để giúp người dân sơ tán để nơi an toàn và trong những thảm họa, họ lại có mặt giữa lúc nguy nan. Ngay khi khắc phục hậu quả, họ vẫn có mặt. Có những người chiến sĩ, trong đó có cả những sỹ quan cao cấp đã ngã xuống trên đường làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, dù thiên tai hay dịch bệnh, nơi nào khó khăn đều có dấu chân người lính. Đó không chỉ vì mệnh lệnh từ cấp trên mà còn vì mệnh lệnh từ trái tim, thắp sáng thêm hình ảnh cao đẹp Bộ đội cụ Hồ trong lòng nhân dân.

Thiên tai, dịch bệnh không thể cản bước lòng tự hào Việt Nam! - Ảnh 10.
Thiên tai, dịch bệnh không thể cản bước lòng tự hào Việt Nam! - Ảnh 11.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (thứ 2 từ phải qua) thị sát tình hình mưa lũ và chỉ đạo công tác cứu hộ, giúp đỡ người dân tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Quân khu 4)


Thiên tai, dịch bệnh không thể cản bước lòng tự hào Việt Nam! - Ảnh 12.

Sẽ là uổng phí công sức của những người anh hùng nếu như không có tinh thần đoàn kết của toàn dân - cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong khó khăn, sức mạnh to lớn đáng tự hào ấy càng được khẳng định.

Ở các cuộc chiến chống xâm lược, ông cha ta sẵn sàng vượt qua mọi nghịch cảnh, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần để đánh tan kẻ thù, giành lại hòa bình thống nhất đất nước. Thời bình, sức mạnh đại đoàn kết giúp dân tộc Việt Nam cùng nhau vượt qua mọi chướng ngại vật.

Thiên tai, dịch bệnh không thể cản bước lòng tự hào Việt Nam! - Ảnh 13.
Thiên tai, dịch bệnh không thể cản bước lòng tự hào Việt Nam! - Ảnh 14.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (Ảnh: TTXVN)

Ngay từ khi dịch COVID-19 đe dọa nước ta hồi đầu năm 2020, Chính phủ đã xác định chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân. Ngày 31/3 – khi nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng lên cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó khuyến khích người dân nên ở nhà và bảo đảm giãn cách xã hội.

Thời điểm ấy, người dân đã đồng lòng thực hiện để phòng dịch. Đường phố vắng lặng, những hàng quán đóng cửa đã trở thành hình ảnh quen thuộc lúc đó.

Nhưng với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, ở các thành phố lớn, người dân đã đồng lòng thực hiện theo chủ trương nhà nào ở yên nhà đấy, hạn chế đi lại đến mức tối đa. Nhịp sống đô thị dường như chậm rãi hơn bình thường nhưng những dịch vụ thiết yếu vẫn diễn ra.

Rõ ràng việc giãn cách xã hội ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế của nhiều gia đình doanh nghiệp. Song tất cả đều sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ những người yếu thế hơn, đúng với tinh thần "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" cũng như sẵn sàng quyên góp khi đất nước cần. Qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương, hơn 2.200 tỷ đồng tiền và hiện vật đã được tiếp nhận để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Đặc biệt, Việt Nam có những cây ATM gạo thấm đẫm tình người không thể tìm thấy ở nơi nào trên thế giới. Ít ai biết rằng, người phát minh ra máy ATM rút tiền là người gốc Việt. Và nay tại mảnh đất hình chữ S cũng có cả loại cây ATM khác cung cấp gạo miễn phí, giúp đỡ người dân nghèo có đủ cơm no, đủ sức khỏe để có nghị lực vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thiên tai, dịch bệnh không thể cản bước lòng tự hào Việt Nam! - Ảnh 15.

Những cây ATM gạo thấm đẫm tình người không thể tìm thấy ở nơi nào trên thế giới

Với tinh thần "Không để ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với gói an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này không chỉ góp phần chia sẻ bớt khó khăn với những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà còn thể hiện sự quan tâm, chăm lo đời sống nhân dân của Đảng, Nhà nước ta.

Cũng chưa có quốc gia nào căng mình bảo hộ công dân trong dịch như Việt Nam. Hàng vạn người con Việt Nam từ tâm dịch COVID-19 của thế giới trở về quê hương là các học sinh, sinh viên nhưng cũng có cả người cao tuổi và trẻ sơ sinh.

Một điều tra quốc tế hồi tháng 3 tại 45 quốc gia đã cho thấy, chỉ số niềm tin của nhân dân Việt Nam vào chính phủ cao nhất thế giới. Lãnh đạo nhiều quốc gia và truyền thông thế giới đã ghi nhận những kết quả tích cực, dành những lời lẽ ca ngợi nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thiên tai, dịch bệnh không thể cản bước lòng tự hào Việt Nam! - Ảnh 16.

Các chuyên gia và quan chức Tổ chức Y tế Thế giới cũng nhận định rằng thành công của Việt Nam là sự chủ động và nhất quán trong suốt quá trình chống dịch. Bạn bè quốc tế đã và đang thấy một Việt Nam quả cảm và trên hết là sống có nghĩa có tình.

Tình nghĩa của một dân tộc đoàn kết càng được thể hiện khi người dân cả nước cùng hướng về miền Trung trong đợt lũ kỷ lục vừa qua. Hầu như ai cũng muốn góp một chút ít vật chất của bản thân để gửi cho những người dân đang trong cảnh màn trời chiếu nước.

Giữa thiên tai, mỗi người có những cách đóng góp khác nhau, tùy khả năng, thế mạnh của mình. Những chuyến xe chở áo phao, nước uống, lương khô… và cả tấm lòng của người dân từ nhiều vùng miền cả nước cứ thế lăn bánh theo chân nhau tiến về miền Trung. Nghĩa đồng bào trong những lúc hoạn nạn này thực sự đáng quý biết bao!

Trong thiên tai, dịch bệnh, đất nước ta còn phải đối mặt với những luận điệu xuyên tạc, những thông tin sai trái. Bằng nhiều chiêu trò, những thế lực xấu tìm mọi cách phủ nhận, xuyên tạc những thành công quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc chiến chống đại dịch. Chúng còn lợi dụng câu chuyện "từ thiện" gây chia rẽ người dân với chính quyền.

Thế nhưng những luận điệu xuyên tạc, gây chia rẽ đó rồi sẽ tan biến trước sự kiên cường, đồng sức, đồng lòng của dân tộc Việt Nam. Càng trong khó khăn, chúng ta càng đoàn kết lại, càng có sức mạnh để cùng nhau vươn lên.

Lịch sử đã và đang chứng minh tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc là niềm tự hào, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đó cũng là sức mạnh giúp gần 100 triệu người Việt Nam tự tin vượt qua mọi thử thách trong năm 2020, hướng tới những thành công mới trong năm 2021 và tương lai xa hơn nữa.

Thiên tai, dịch bệnh không thể cản bước lòng tự hào Việt Nam! - Ảnh 17.
Thiên tai, dịch bệnh không thể cản bước lòng tự hào Việt Nam! - Ảnh 18.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn quan trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ảnh: TTXVN)

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước