Những thời khắc đánh dấu sự chuyển mình của đất nước lên tầm vóc mới, vị thể mới. Những thời khắc linh thiêng vun đắp thêm niềm tự hào về lịch sử đất nước trong mỗi người dân Việt. Thế nhưng, đó đây vẫn có những luận điệu chối bỏ, phủ nhận sự thật, tư tưởng xét lại lịch sử và vô tình hay cố ý lãng quên lịch sử dân tộc.
Phản bác những luận điệu xấu độc, bôi nhọ lịch sử dân tộc, lên án những thái độ tiêu cực, vô tâm đối với lịch sử đất nước trong chương trình Đối diện tháng 8 của Đài Truyền hình Việt Nam với chủ đề: Không được lãng quên.
Những ngày tháng 8, tháng 9 hàng năm, người dân Việt Nam lại tràn ngập với cảm xúc tự hào về những dấu mốc son trong lịch sử dân tộc. Đó là Cách mạng Tháng Tám 19/8 và Quốc khánh 2/9.
Đó là niềm tự hào và kiêu hãnh của một dân tộc đã làm nên những kỳ tích, những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, và đã trở thành niềm cảm hứng của nhiều dân tộc khác trên thế giới.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên bản đồ thế giới đã có tên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người dân Việt Nam từ vị thế nô lệ sống dưới ách đô hộ của thực dân và phong kiến đã trở thành những người dân có tự do, được tự quyết về vận mệnh của chính mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".
Lịch sử vẻ vang của một dân tộc anh hùng luôn luôn được ghi nhớ và biết ơn bởi bao thế hệ đã dâng hiến cả cuộc đời để đất nước có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Đại văn hào người Pháp Victor Hugo từng khẳng định: "Lịch sử là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ".
Như vậy, lịch sử không chỉ là những cái đã qua mà còn là người thầy dạy cho chúng ta hiểu hiện tại và giúp chúng ta dự báo cả tương lai. Có nhìn lại lịch sử Việt Nam, trân trọng từng thời khắc, dù là đau đớn hay hạnh phúc, từng người dân, hay cả dân tộc mới có thể có thêm hiểu biết, có thêm niềm tự hào, và sức mạnh để vượt qua thử thách hiện tại, hướng tới một tương lai còn tươi sáng hơn nữa.
Thành công của Cách mạng Tháng Tám không chỉ là kỳ tích vĩ đại có một không hai trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Đó là nguồn cổ vũ quý giá đối với các quốc gia - dân tộc đang mất độc lập tự do ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh.
Chỉ có 5.000 đảng viên, 20 triệu dân nhưng Đảng đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng. Điều đấy khẳng định uy tín của Đảng trong quảng đại quần chúng, là minh chứng giàu sức thuyết phục về đường lối, mục tiêu của Đảng đồng điệu với khát khao, nguyện vọng của nhân dân. Đó là giành lại độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Khát vọng ấy đã thành hiện thực 30 năm sau đó, vào trưa ngày 30/4/1975.
Tái thiết đất nước trong muôn vàn khó khăn bởi sự bao vây cấm vận và khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng nghiêm trọng. Thời bao cấp, hàng hoá khan hiếm thành ra cứ phải xếp hàng chỉ để được mua những thứ thiết yếu nhất.
Thế nhưng, từ sau Đại hội VI của Đảng, mọi thứ đã thay đổi. Hình ảnh dễ bắt gặp nhất là bà nội trợ xách làn đi chợ mà không còn lo phải xếp hàng. Tem phiếu và sổ gạo cũng tự dưng biến mất. Một lần nữa, Đảng ta đã khởi đầu một quá trình đổi mới.
Lịch sử hào hùng được viết nên bởi bản lĩnh và trí tuệ người Việt nhiều thế hệ. Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…".
Thông điệp khẳng định, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng trong suốt chặng đường hơn 90 năm qua là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Nói về lịch sử dân tộc Việt Nam, đó chính là thiên anh hùng ca về tinh thần quật khởi, ý chí quật cường bất khuất, xả thân, là tinh thần đoàn kết trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thiên tai, địch họa, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn thử thách, sóng gió để đi đến những thắng lợi vinh quang, xây dựng đất nước thịnh vượng.
Trong bài Diễn văn kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: "Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta đã chứng minh rằng, yêu nước và giữ nước, kiên quyết chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền và thống nhất đất nước là truyền thống cực kỳ quý báu của dân ta".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại buổi Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Tuy nhiên vẫn còn một số ít người lạc lõng, chối bỏ, phủ nhận sự thật lịch sử, thậm chí xuyên tạc, đòi xét lại lịch sử. Họ bôi nhọ lãnh tụ của đất nước Việt Nam mà cả dân tộc và thế giới đều tôn kính - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ phủ nhận công lao, xuyên tạc về cuộc đời của Bác, chỉ trích những quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong từng giai đoạn lịch sử, dù lịch sử đã chứng minh, Bác chính là người lựa chọn ra con đường cứu nước đúng đắn nhất, áp dụng một cách khéo léo nhất, phù hợp nhất chủ nghĩa Mác Lênin vào bối cảnh cụ thể của Việt Nam.
Hay như đối với 2 cuộc kháng chiến vĩ đại giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thế mà những đối tượng, chủ yếu là những người thuộc tổ chức phản động, lưu vong, mang tư tưởng hận thù với dân tộc, với chế độ lại rêu rao rằng, các cuộc kháng chiến ấy không mang lại gì, thậm chí làm mất đi cơ hội cho đất nước tiếp cận với sự phát triển, văn minh.
Thế nhưng nhìn lại lịch sử trăm năm về trước, câu hỏi đặt ra khai hóa gì mà lại vơ vét tài nguyên, thực hiện chính sách ngu dân. Văn minh gì lại được truyền bá bằng bom napan, chất độc da cam, ấp chiến lược. Chỉ có thể là bỏ qua lịch sử, quay lưng với hiện thực mới có thể có những phát ngôn sai trái, độc địa như thế.
Một đất nước thống nhất, non sông liền một dải, sau chặng đường với bao máu xương của hàng triệu người thuộc nhiều thế hệ. Thế nhưng trên mạng xã hội, vẫn có những luận điệu lạc lõng cho rằng đánh đuổi thực dân, Việt Nam đã "đánh đuổi nền văn minh của nhân loại"…
Nhưng lịch sử lại cho thấy điều ngược lại.
Theo luật thuộc địa của chính quyền Pháp lúc bấy giờ, người Pháp là giới chủ, còn lại là cu-li; Duy trì những nguyên tắc nhằm "bảo tồn bằng mọi cách uy tín của người da trắng trước bọn da vàng"; Thực hiện "chế độ lính tình nguyện" đẩy hàng chục vạn người dân Việt Nam trở thành người đóng "thuế máu" cho chúng.
Rượu và thuốc phiện được phép sử dụng hòng làm suy đồi xã hội để dễ bề cai trị. Danh tính quốc gia còn không được sử dụng và thậm chí, còn bị cấm gọi tên Việt Nam.
Còn cách đối xử tàn bạo của cái gọi là một nền văn minh với người dân Việt Nam bản địa thì có thể thấy trong tác phẩm "Việt Nam, bi thảm Đông Dương" do chính nhà báo viết phóng sự điều tra Louis Roubaud của báo Le Petit Parisien được in lần đầu bản Pháp ngữ năm 1931 tại Pháp. Thế nhưng ngay sau khi sách được giới thiệu trên tờ báo "Trung lập" cũng vào năm đó, sách này bị thực dân Pháp ở Đông Dương cấm lưu hành, tàng trữ, bởi nó gây bất lợi cho chính quyền thuộc địa.
Trích tác phẩm "Việt Nam, bi thảm Đông Dương" của nhà báo Louis Roubaud
Nếu coi sự đô hộ của thực dân là nền văn minh như các luận điệu xuyên tạc ca tụng thì lịch sử cũng đã cho thấy nền văn minh ấy cũng không hề đếm xỉa đến mạng sống của người dân Việt Nam. Nạn đói năm Ất Dậu 1945, tội ác của phát xít Nhật và thực dân Pháp tay sai, đã trở thành một thảm kịch đau lòng nhất của người Việt nửa đầu thế kỷ 20. Nạn đói kéo dài gần 6 tháng tại khắp 32 tỉnh Bắc Kỳ. Thái Bình, nơi chịu tác động nặng nề nhất đã có tới 280.000 người tử vong. Những vết tích về nạn đói năm 1945 hầu như không còn, duy chỉ còn cột mốc km số 3, gắn với chùm ảnh nổi tiếng vẫn còn tồn tại như một chứng tích của lịch sử.
Những hình ảnh về nạn đói năm Ất Dậu 1945
Ngày 30/4/1975, toàn dân Việt Nam mừng vui khi đất nước độc lập hoàn toàn, non sông thu về một mối.
48 năm sau, vẫn có một số ít người khư khư cái nhìn thiếu thiện cảm đối với ngày vui của dân tộc, đay đi đay lại một khái niệm tự nghĩ ra về một ngày quốc hận, tháng tư đen, trắng trợn lật ngược lịch sử, xuyên tạc ý nghĩa của ngày lễ trọng đại này, vu cáo rằng đây là kết quả của cuộc "nội chiến không cần thiết".
Họ đưa ra luận điệu sai lệch, đòi "định danh lại ngày 30/4 cho phù hợp"; xuyên tạc rằng đây một biến cố buồn; hay "nếu không có ngày 30/4 thì đất nước đã khác".
Bức ảnh 2 người lính ghi lại khoảnh khắc trong cuộc gặp gỡ giữa Chiến sĩ Quân Giải Phóng Nguyễn Huy Tạo và anh lính Sài Gòn Bùi Trọng Nghĩa, được tác giả Chu Chí Thành chụp lại tại vùng lửa Quảng Trị, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Bức ảnh mang tới nhiều thông điệp, nhưng rõ nhất, chính là khát vọng thống nhất và hòa hợp dân tộc.
Bức ảnh "Hai người lính" của tác giả Chu Chí Thành
Một luận điệu khác xuất hiện trên mạng xã hội, đó là bày tỏ sự tiếc nuối, gợi lại những hình ảnh, kỷ niệm trước năm 1975 cho rằng đó mới là văn minh, thịnh vượng. Phủ nhận toàn bộ những thành tựu của đất nước bằng những hạn chế, thiếu sót đơn lẻ trong quá trình phát triển, vu vạ rằng, đó là bởi sự lãnh đạo của Đảng.
Mỗi quốc gia có một bối cảnh lịch sử, điều kiện phát triển khác nhau. Việc lựa chọn chế độ chính trị, con đường phát triển thế nào là việc riêng của quốc gia ấy, không thể bị tác động bởi các quốc gia nào khác bên ngoài.
Tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn đảng, toàn dân đã xác định luôn kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội. Con đường mà Việt Nam lựa chọn đã được thế giới công nhận, tôn trọng. Sự thật là tới thời điểm hiện nay, có thể thấy các quốc gia, dù có chế độ chính trị khác biệt, tiềm lực kinh tế cao thấp khác nhau, nhưng đều tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt đối với Việt Nam.
Thế nhưng, trên mạng xã hội, lại có những tổ chức, cá nhân chẳng hề có uy tín lẫn tính chính danh, mà cũng không đại diện cho ai, nhưng rất giỏi thêm mắm, dặm muối, thổi phồng một vài hạn chế, thiếu sót; phừng phừng trình bày, rao giảng lý lẽ, chỉ trích Đảng, lớn tiếng chê bai xã hội chủ nghĩa là viển vông, là sai lầm, là lạc hậu. Và điều này cũng cần khẳng định luôn, đi lên con đường Chủ nghĩa xã hội đó là lựa chọn của người dân Việt Nam.
Đây là một trang mạng, chuyên đăng tải các bài viết phản động, chống lại sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cách đây không lâu, trang mạng này ghép nhặt thông tin một cách khiên cưỡng để bóp méo sự thật tình hình đất nước. Cho rằng Đảng Cộng sản dốc tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội để nắm giữ lợi quyền, độc quyền cai trị, phe nhóm và khiến đất nước cứ mãi lạc hậu.
Trên thực tế, tính ưu việt của chế độ, những thành tựu toàn diện sau gần 40 năm đổi mới… đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được xuất bản bằng 7 ngoại ngữ.
Bằng tầm cao lý luận và tổng kết thực tiễn sâu sắc về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, bằng sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng của Việt Nam, khi tiếp cận với những quan điểm mà Tổng Bí thư đưa ra, nhiều học giả quốc tế đã bày tỏ ấn tượng và cùng chung nhận định, việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là lựa chọn đúng đắn mang tính lịch sử của Đảng và dân tộc.
Đòi lật lại, xét lại lịch sử, đó là một trong những chiến lược chống phá Đảng và Nhà nước ta. Và để có thể trang bị cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tấm áo giáp vững chắc trước những ngón đòn thâm độc ấy, thì giáo dục lịch sử là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Có hiểu được, nhớ được lịch sử nước nhà thì mới nhìn thấu được những giọng điệu đổi trắng thay đen, biến có thành không, xuất hiện hàng ngày, hàng giờ trên không gian mạng ấy là nhằm mục đích gì. Nhìn lại quá khứ, trong những thời kỳ khó khăn, gian khổ, nước sôi lửa bỏng, lịch sử hào hùng đã luôn là chỗ dựa, là niềm tự hào để toàn dân tộc vươn lên.
Thế nhưng, ngay trong thời bình, ấm no, hạnh phúc, đáng buồn là đã có sự xao nhãng nhất định trong câu chuyện giáo dục lịch sử. Để dẫn đến kết quả là giới trẻ không nhớ về sử, hiểu sai lịch sử và thậm chí là không quan tâm đến lịch sử. Mà không có kiến thức lịch sử thì làm sao hiểu được dân tộc, đất nước mình, làm sao hình thành nên bản lĩnh, bản sắc. Một đất nước mà không có bản lĩnh, bản sắc thì hòa nhập sẽ trở thành hòa tan. Và cùng với tác động những thủ đoạn xuyên tạc lịch sử thâm độc thì nhiều hệ quả nguy hiểm có thể thấy rõ.
Liên tiếp từ 2016 – 2022, điểm thi Trung học phổ thông môn lịch sử luôn dẫn đầu trong các môn thi có điểm số thấp nhất.
Trong khi việc truyền thụ kiến thức lịch sử trong nhà trường chưa hấp dẫn, giới trẻ vẫn tìm tới lịch sử qua các kênh khác như phim ảnh, sách báo.
Lấy ví dụ như phim lịch sử. Đây là dòng phim không thể thiếu đối với bất kỳ nền điện ảnh nào. Những sự kiện lịch sử của Hoa Kỳ là nguồn đề tài không bao giờ cũ đối với các nhà làm phim Hollywood. Trung Quốc nổi tiếng với các phim lịch sử cả ở mảng điện ảnh và truyền hình. Hàn Quốc những năm gần đây cũng nỗ lực khai thác đề tài phim lịch sử, dã sử trên màn ảnh.
Phim lịch sử là dòng phim không thể thiếu đối với bất kỳ nền điện ảnh nào
Còn Việt Nam, trong hơn 6 thập kỷ qua, tất nhiên là tính cả thời gian bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, nhưng Việt Nam chỉ có hơn 20 bộ phim về lịch sử. Một con số ít đến ngỡ ngàng khi nói về thành tích của phim lịch sử ra rạp. Có phim thậm chí còn bị đánh giá là thảm họa.
Trong khi trước đó, chúng ta đã từng gây tiếng vang với thế giới với hàng loạt các tác phẩm Bao giờ cho đến tháng mười, Cánh đồng hoang, Em bé Hà Nội… Có một thực tế, đó là với các quốc gia thành công trong dòng phim lịch sử, thì đòi hỏi sự đầu tư của các hãng phim, thậm chí là một chiến lược từ phía Chính phủ.
Không thích học lịch sử, không được nghe, đọc, hay xem lịch sử. Hậu quả không chỉ dừng lại ở những điểm số.
Khi lịch sử chính thống chưa tiếp cận được người trẻ, thì đồng nghĩa với việc chúng ta đang vô tình tạo ra một khoảng trống cho những thông tin thiếu chính xác, sai sự thật lịch sử mặc nhiên tung hoành mỗi ngày trên mạng.
Những bài hát chế xuyên tạc lịch sử thành xu hướng trên mạng xã hội.
Bức tranh về giáo dục lịch sử tại Việt Nam cũng không phải hoàn toàn chỉ là màu xám. Đã có một số điểm tích cực được ghi nhận thời gian gần đây qua việc một số dự án của những người trẻ nhằm truyền tải kiến thức lịch sử đến cộng đồng đã nhận được sự ủng hộ.
Lịch sử thường thức – phục chế màu và âm thanh của những hình ảnh lịch sử đen trắng, mỗi clip thu hút hàng triệu lượt xem.
Vietnam Centre - phục dựng phục trang cổ Việt đi kèm với các hoạt động tuyên truyền trong và ngoài nước. Cuốn sách do nhóm xuất bản: Dệt nên triều đại đã được 1 số trường đại học nước ngoài đưa vào thư viện.
Hay Việt Sử Kiêu Hùng - dự án phim dã sử phi lợi nhuận tái hiện những nhân vật lịch sử, trận đánh của dân tộc.
Dù vậy, đa số những dự án như thế này thường có quy mô nhỏ, phổ biến trong một nhóm hay cộng đồng những người yêu lịch sử. Vẫn cần một chiến lược tổng thể, từ nhiều phía, nhất là những cơ quan có trách nhiệm, để lịch sử đến gần hơn với đông đảo người dân, nhất là những người trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!