VTV.vn - Đằng sau những con tàu cao tốc đi xa bờ đến những vùng đảo xa là bóng dáng những doanh nhân nhiều năm bám biển, hiểu và làm cho những chuyến tàu ra đảo trở nên êm đềm hơn…
Doanh nhân tàu cao tốc với khát vọng vươn tới Trường Sa - Ảnh 1.
Doanh nhân tàu cao tốc với khát vọng vươn tới Trường Sa - Ảnh 2.

"Tên tôi là Hải, Song Hải, tôi không biết là có định mệnh gì không nhưng cái tên của mình khiến tôi thấy mình yêu biển nhiều hơn những người khác".

Bắt đầu câu chuyện về hành trình tiến ra biển của mình từ cái tên, ông Hải kể bản thân đã gắn bó với những con tàu từ rất sớm. Khi còn là học sinh cấp 2, ba ông - một người lính hải quân, thường đưa ông đến bến Bạch Đằng để làm quen với những con tàu và kể nhiều về chúng. "Tôi cảm thấy nó rất thú vị, khi mà chúng ta không nói lên lời thì những ký hiệu trên mỗi con tàu nó nói lên tất cả. Ai cũng có mơ ước viễn du và từ đó tôi đã yêu biển".

Yêu biển và mơ ước viễn du, nhưng vì nhiều lý do khi vào đại học, ông Hải chọn chuyên ngành động cơ tại Đại học Bách Khoa TP.HCM. Sau đó khi ra trường, với trình độ chuyên môn của mình, ông bắt đầu làm việc cho những hãng tàu hàng đầu thế giới, được tiếp xúc với những con tàu lớn hiện đại. Mơ ước viễn du khi đó sống lại một lẫn nữa. "Khi đi trên những con tàu ra biển, biển đẹp lắm! Tôi mong muốn mang biển về với mọi người, tôi mong muốn bạn bè, người thân phải thấy được những hình ảnh đó, nó tạo cho tôi cảm xúc mãnh liệt và một sự thôi thúc mang những công nghệ đóng tàu mới hiện đại về".

Doanh nhân tàu cao tốc với khát vọng vươn tới Trường Sa - Ảnh 4.

Và cơ hội tới, đầu những năm 2000, khi những tàu cánh ngầm hết hạn, ông Hải cùng bạn bè góp vốn bắt đầu làm những con tàu cao tốc, từng bước vươn khơi nối đảo gần đến đảo xa. Ông nói, "có lẽ tôi may mắn hơn bạn bè khi cũng mon men đi được đến ước mơ của mình, từ một giấc mơ cuối cùng mình cũng đưa nó thành hiện thực, tôi rất cảm ơn bạn bè, đối tác, cơ quan chức năng ngành hàng hải, các cơ quan cảng vụ đã hỗ trợ cho tôi".

Nhớ lại bối cảnh lúc đó, ông nói khi bắt đầu bước vào lĩnh vực máy móc thiết bị tàu biển, cũng là lúc Mỹ bắt đầu bỏ cấm vận đối với Việt Nam, các hãng lớn của các công ty của Hoa Kỳ, Châu Âu họ quay lại, tìm tới những đối tác có năng lực. "Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ là một trung tâm bảo hành sửa chữa cho họ thôi, khi tôi làm tốt công việc, đi đúng luật có được những cơ sở vật chất, được đào tạo đàng hoàng thì cơ hội tới đã mang tới sự phát triển".

Doanh nhân tàu cao tốc với khát vọng vươn tới Trường Sa - Ảnh 5.

Nói về lĩnh vực hoạt động của mình, ông Hải không ngần ngại nhận định đây thực sự là một ngành hẹp, cung cấp động cơ và hệ thống động lực, thiết bị hàng hàng cho tàu biển, như tàu biển tàu tuần tra, tàu phà, tàu cao tốc đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, đối tượng khách hàng không nhiều, sự cạnh tranh trên thế giới rất gắt gao do đó đòi hỏi bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải chọn lọc, cẩn thận, kỹ lưỡng, trang bị phần mềm, công xưởng làm sao có thể có phương tiện điều khiển, giám định từ xa, … "Từ chỗ đó, chúng tôi phải cố gắng đáp ứng tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật tốt nhất, sẵn sàng làm việc ngày đêm khi nào đối tác yêu cầu là có thể đáp ứng ngay được. Trong lĩnh vực này chúng tôi rất tự hào vì công việc đã chọn chúng tôi và chúng tôi cũng chọn công việc này".

Doanh nhân tàu cao tốc với khát vọng vươn tới Trường Sa - Ảnh 6.

Luôn nhận định công việc giống như cái duyên và tình yêu biển tạo men cảm hứng lớn trong hoạt động kinh doanh của mình, ông Trần Song Hải nói rằng điều ông tự hào nhất trong những ngành liên quan đến biển đó là sự chân tình gần gũi trên những chuyến tàu. Cho dù là hai con tàu xa lạ nhưng gặp nhau vẫn đánh tín hiệu, chào nhau, ‘tôi là như thế, thế anh là tàu nào, rất hồn nhiên và vui vẻ’!

Tuy nhiên, chính vì gắn bó với biển nhiều năm trên những con tàu cao tốc, chở nhiều đoàn khách ra vào trên các vùng biển mà ông cũng luôn trăn trở, biển đảo của chúng ta còn nhiều thách thức, sóng to gió lớn, người dân đi biển trên những con tàu tròng trành giá của một vé tàu chỉ bằng 30% giá của thế giới. Thế nên các doanh nghiệp phải vật lộn với khó khăn làm sao sản xuất ra những con tàu giá hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. "Khi chúng ta đi tàu mà hành khách nhăn nhó, say sóng, không thoải mái, thì cũng là lúc chúng ta cảm thấy nó đau, thôi thúc chúng ta mong muốn có những con tàu lớn hơn, an toàn hơn".

Doanh nhân tàu cao tốc với khát vọng vươn tới Trường Sa - Ảnh 8.

Ông Hải cho rằng nền kinh tế du lịch biển của chúng ta rất tiềm năng. Trên vùng biển của ta đã có nhiều loại tàu như tàu quân sự, tàu chấp pháp, tàu dân quân,… nhưng chúng ta vẫn thiếu một phương tiện rất dân sự đó là tàu khách. "Chúng ta có thể đưa khách ra tới Trường Sa, Hoàng Sa để ngắm biển đảo của chúng ta. Chúng ta nên có cái quyết liệt đó, và doanh nghiệp phải dám làm chứ không chỉ ngư dân. Tôi còn có thể làm được chừng nào tôi cũng sẽ mong muốn có cơ hội lại đầu tư tiếp tục để mời tất cả mọi người cùng tiến ra biển".

Doanh nhân tàu cao tốc với khát vọng vươn tới Trường Sa - Ảnh 9.

Nói về lĩnh vực của mình, ngoài xây dựng và phát triển những đội tàu cao tốc chất lượng, phục vụ mọi người ra biển, ông Hải cũng cho rằng cần có thêm nhiều ý tưởng để chúng ta tiến ra biển, làm giàu trên biển. "Nếu chúng ta chen chúc nhau trên bờ đất đai hạ tầng đắt đỏ, nên chăng chúng ta nhìn cái nhìn thoáng hơn, dùng biển để có hạ tầng. Đây là điều đáng để nghiên cứu, đưa ra những chính sách quy định có lợi cho toàn dân và tìm ra những doanh nghiệp có năng lực để phát triển kinh tế biển của chúng ta", ông Song Hải say sưa chia sẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước