Găng tay, ủng cao su và bao tải thu gom là những vật dụng không thể thiếu của nhóm tình nguyện Cá chép trong sáng nay. Tập hợp những bạn trẻ, nhóm có chung mục tiêu là vận động người dân "thả cá, không thả túi nilon" vào mỗi dịp Tết ông Công, ông Táo.
Thời tiết Hà Nội hôm nay trở lạnh nhưng không hề khiến các bạn nản lòng. Tại điểm cầu Long Biên, nhóm Cá chép đã bố trí 4 địa điểm hỗ trợ việc thả cá chép hay vứt tro hóa vàng, bát hương một cách văn minh, với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên.
Không để người dân bối rối, những tình nguyện viên trẻ tuổi nhanh nhẹn đỡ lấy những túi đựng cá, hướng dẫn người dân ra thành cầu và dùng xô ròng xuống gần mặt nước thả cá. Nhờ thế, hình ảnh quăng túi từ trên cao, hất nước từ thành cầu cũng ít đi. Những chú cá chép cũng không còn cảnh bị rơi từ trên độ cao hàng chục mét và chết trước khi kịp làm nhiệm vụ "đưa Táo quân chầu trời".
Em Phạm Trung Dũng, hiện đang là sinh viên Đại học, đã có 2 năm tham gia tình nguyện trong nhóm Cá chép. Em cho biết mong muốn của nhóm là vận động được người dân ý thức hơn với môi trường mà vẫn đảm bảo truyền thống của người Việt. Dù thế, không phải ai cũng sẵn sàng hợp tác.
"Có người hưởng ứng, có người thuyết phục mãi vẫn không vẫn cứ tự mình thả túi nilon và bát tro xuống sông. Em gặp nhiều trường hợp như thế rồi ạ." – Trung Dũng chia sẻ với nhóm phóng viên VTV. "Nếu thuyết phục mà họ không đồng ý để tình nguyện viên giúp, bọn em chỉ có cách là cố gắng xin lấy lại túi nilon thôi. Dù sao cũng đỡ hơn là để rác thải nhựa ra môi trường."
Có mặt ở hồ Tây từ rất sớm, sư thầy Thích Tịnh Giác (trụ trì chùa Phúc Sơn, Gia Lâm, Hà Nội) cùng nhóm từ thiện Thiện Tâm An đã hướng dẫn từng người dân đến thả cá chép về ý nghĩa tâm linh của phong tục này, vừa nhắc nhở mọi người không gây ô nhiễm môi trường.
"Phải giữ cho nước trong xanh thì cá mới sống được chứ. Mọi người mong muốn phóng sinh nhưng lại thả cả chung với tro và túi thì cá không thể sống được." – sư thầy giải thích.
Ngoài việc hướng dẫn, các tình nguyện viên trong nhóm của thầy cũng thu gom, phân loại những chiếc túi nilon đựng cá của người dân. Chỉ trong một buổi sáng, nhóm đã thu gom được hơn một chục kilogram túi nilon các loại.
"Thế này là ít hơn mọi năm đấy. Tôi mừng là mọi người đã ý thức hơn khi chủ động đưa túi nilon cho chúng tôi khi thả cá xong chứ không vứt bừa bãi." – một nữ tình nguyện viên của nhóm từ thiện Thiện Tâm An hồ hởi chia sẻ.
Thầy Thích Tịnh Giác chia sẻ thêm: "Chúng tôi sẽ làm sạch và sử dụng lại những chiếc túi này trong chùa hoặc đưa cho các tiểu thương ở chợ. Nhưng chúng tôi luôn mong được thấy nhiều người dân dùng những vật dụng khác để thả cá như xô, chậu. Như vậy sẽ thân thiện với môi trường hơn nữa!".
Để quán triệt tinh thần "không túi nilon" không ít người đã sáng tạo ra đủ cách mang cá tới nơi thả. Từ cặp lồng, xô nhựa, hộp đựng cho đến cả chậu nhôm. "Năm nay tôi thấy sự khởi sắc trong thói quen của người dân. Bớt một túi nilon đựng cá là bớt một chiếc túi bị đưa ra sử dụng." – sư thầy Thích Tịnh Giác nói.