VTV.vn - Lần đầu tiên, kỳ thi THPT quy mô toàn quốc phải chia thành 2 đợt thi và nhiều điều thí sinh chưa từng phải làm khi tham gia kỳ thi trước đây đã trở thành quy định bắt buộc

QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN VÀ HỆ TRỌNG, KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT 2020 PHÂN THÀNH 2 ĐỢT


Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống trong năm 2020, trong đó bao gồm cả Giáo dục. Từ đầu năm, trong đợt giãn cách xã hội, học sinh, sinh viên cả nước đã tiến hành học trực tuyến để đảm bảo tiến độ chương trình. Đây có lẽ là trải nghiệm mới lạ và chưa từng được áp dụng dài hơi như thế, vì lý do bất khả kháng.

Ngay khi trở lại trường học sau giãn cách xã hội, các biện pháp phòng chống COVID-19 đã buộc các em học sinh, sinh viên và cả phụ huynh phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt… khi vào trường, lớp. Đó cũng là điều chưa từng có tiền lệ, nhất là ở phạm vị rộng trên toàn quốc mà Việt Nam đã áp dụng trong tháng 4 vừa qua.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất trong năm 2020 đối với ngành Giáo dục là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Có thời điểm, tưởng như kỳ thi đã khó có thể được tổ chức cho tới quyết định được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh "là việc hệ trọng và phương án tổ chức rất khó khăn". Theo đó, lần đầu tiên, vì lý do bất khả kháng, kỳ thi THPT phạm vi toàn quốc phải chia thành 2 đợt.

Việc tổ chức thi 2 đợt trở nên khó khăn về nhiều mặt trong bối cảnh học sinh bị ảnh hưởng tâm lý về ôn thi, đề thi, cách thức thi và tuyển sinh trong một mùa thi có quá nhiều điều "chưa thể nói trước".

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã hoàn thành mục tiêu kép trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Nhiều cuộc họp bàn diễn ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân các đối tượng thí sinh theo 4 nhóm: F0; F1; F2 và các thí sinh khác. Việc phân nhóm đối tượng dự thi khi đó nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh cũng như công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn đó.

Cụ thể, với nhóm đối tượng thí sinh F0 (phải điều trị trong bệnh viện và không có điều kiện dự thi), các em sẽ được xét đặc cách theo quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các trường đại học; nếu các trường có phương thức xét tuyển phù hợp, đảm bảo tối đa quyền lợi cho các học sinh; đồng thời đảm bảo quyền chủ động tuyển sinh cho các trường đại học.

Đối với nhóm đối tượng thí sinh F1 (phải cách ly tại các khu cách ly tập trung), Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương theo hướng tổ chức thi tại các điểm thi đặt ở trong khu cách ly hoặc khu vực phù hợp, lân cận khu cách ly tùy theo số lượng đối tượng thí sinh; đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh F1 có điều kiện dự thi.

Trường hợp nhóm đối tượng thí sinh F2 (tiếp xúc gần với F1), tùy theo số lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tổ chức thi tại phòng thi dự phòng của điểm thi. Nếu số lượng các học sinh đông thì tổ chức một điểm thi riêng và có phương án đưa đón các học sinh phù hợp.

Trường hợp còn lại, các thí sinh thi tại các điểm thi bình thường, tùy theo nguy cơ mức độ lây nhiễm của địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương đưa ra hướng dẫn giãn cách đảm bảo yêu cầu như: khử khuẩn, đeo khẩu trang, vệ sinh trường lớp…

Và kỳ thi tốt nghiệp THPT đáng nhớ nhất trong lịch sử cũng đã diễn ra tương đối suôn sẻ, an toàn và đạt được mục tiêu kép đề ra trong cả 2 đợt thi.

Đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 dành cho 97% thí sinh trên toàn quốc đủ điều kiện dự thi đã diễn ra trong 2 ngày 9-10/8.

Đợt 2 của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra vào ngày 3-4/9. Đợt 2 được tổ chức cho tất cả 26.014 thí sinh của 27 tỉnh/thành chưa thể dự thi đợt 1 vừa qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (chiếm 3% thí sinh cả nước). Các thí sinh sẽ dự thi tại 11 Hội đồng thi của các tỉnh/thành gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Quảng Trị, Thái Bình, Hòa Bình, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Hà Nội.

NĂM HỌC ĐẦY THỬ THÁCH VỚI HỌC SINH VÀ GIÁO VIÊN


Ngoài kỳ thi ‘vô tiền khoáng hậu’ đối với các học sinh lớp 12, học sinh các cấp trên toàn quốc cũng đã có một năm đáng nhớ khi những thói quen thay đổi và những điều lạ lẫm cũng dần trở nên quen thuộc.

Từ lớp 1 đến lớp 12, học sinh phải làm quen với việc học trực tuyến. Không chỉ các em học sinh, các bậc phụ huynh và thậm chí cả các thầy cô giáo cũng phải bắt kịp với công nghệ để thực hiện các bài giảng online, đảm bảo tiến độ và chất lượng trong năm học nhiều biến động vì COVID-19.

Bộ GD&ĐT cho hay, việc dạy và học trực tuyến nằm trong Công văn 4612 hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Tuy nhiên, việc dạy và học trực tuyến kéo dài do yếu tố khách quan đã khiến nhiều địa phương lúng túng, nhất là với những nơi chưa đáp ứng đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác này.

Học sinh, sinh viên đã quen với việc học trực tuyến.

Cũng do đại dịch COVID-19, học sinh, giáo viên, cán bộ giáo dục và thậm chí cả phụ huynh học sinh phải tuân thủ nghiêm ngặt các biên pháp phòng chống dịch bệnh toàn cầu này. Khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, nước súc họng, máy đo thân nhiệt… vốn chẳng mấy khi được sử dụng ở trường học thì nay đã trở thành bắt buộc khi tới trường, vào lớp. Không những thế, ở những giai đoạn cao điểm phòng chống COVID-19, nhiều trường còn sắp xếp chỗ ngồi học sinh so le, giãn cách tạo ra những quy định chưa từng có trong nhà trường.

Trong dịp khai giảng năm học mới 2020-2021, nhiều địa phương cũng chưa thể ấn định chính xác ngày khai hội do phải chờ theo dõi tình hình dịch COVID-19. Không những thế, việc dạy và học có thể gián đoạn bất cứ khi nào trong bối cảnh đại dịch chưa thể được kiểm soát hoàn toàn. Đầu tháng 12, nhiều trường ở thành phố Hồ Chí Minh cũng buộc phải thông báo cho học sinh, sinh viên tiếp tục học trực tuyến khi xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Năm 2020 khép lại với nhiều thử thách với thầy và trò tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tốt để ngành Giáo dục có thể áp dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ, triệt để và hiệu quả trong công tác giảng dạy, truyền thụ kiến thức. Trong năm 2021 tới đây, khi vaccine ngừa COVID-19 có thể chưa được đưa vào sử dụng rộng rãi và tình hình dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, việc dạy và học có thể sẽ tiếp tục tương tự như năm 2020. Tuy nhiên, với việc chương trình dạy và học được đảm bảo như trong năm học 2019-2020, thầy và trò cũng không còn bỡ ngỡ trước những thay đổi, nhiều người có thể kỳ vọng về một năm học về đích đúng hạn và đạt yêu cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước