VTV.vn - Không còn là dòm ngó, đại gia thương mai điện tử Amazon đã chính thức tuyên bố gia nhập thị trường Việt Nam.

Không còn là dòm ngó, đại gia thương mại điện tử Amazon đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam ngay từ tháng 3. Đây được xem là cơ hội để sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua hệ sinh thái của Amazon. Các mặt hàng "Made in Vietnam" nhờ đó có thể đến tay người tiêu dùng quốc tế một cách dễ dàng hơn. Nhưng cơ hội lớn luôn song hành với thách thức lớn.

Vì sao Amazon chọn Việt Nam sau Singapore ở Đông Nam Á?

Với quy mô dân số gần 100 triệu, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của thương mại điện tử. Theo tính toán của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam VECOM, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020.

Tờ CafeF cho hay, với thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam, một số lĩnh vực cụ thể cũng đang thể hiện các con số đáng trông đợi. Ví dụ, đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.

[Magazine] Amazon đổ bộ vào Việt Nam: Thị trường nóng, cơ hội lớn… - Ảnh 1.

Amazon không muốn bị qua mặt tại một thị trường đầy tiềm năng với số dân gần 100 triệu người như Việt Nam

Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết (afiliate marketing) có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%.

Trước Amazon, hàng loạt ông lớn thương mại điện tử đã nhìn thấy tiềm năng ở thị trường trăm triệu dân này. Điển hình là Alibaba của tỷ phú Jack Ma cũng đã thâm nhập vào Việt Nam với việc mua lại trang mua sắm trực tuyến Lazada.

Bên cạnh đó, trang thương mại điện tử Shopee, cũng nhận được khoản đầu tư 500 triệu USD từ Tencent, doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Á. Mới nhất, tháng 1 năm nay, JD.com cũng trở thành cổ đông lớn khi rót cả nghìn tỷ đồng vào Tiki.vn. Như vậy, cộng với với sự gia nhập chính thức của Amazon, 3 trong số 4 đại gia lớn nhất thế giới về thương mại điện tử đã có mặt tại Việt Nam, với những chiến lược giành thị phần khác nhau. Đây đều là những cơ hội để các DN Việt đưa hàng hóa của mình đến với đông đảo người dùng thông qua một hình thức mua sắm mới ngày càng được ưa chuộng.

Amazon sẽ làm gì ở Việt Nam?

Theo thông tin được các báo đăng tải, chiến lược cụ thể của Amazon tại Việt Nam sẽ sớm được ông Mr. Gijae Seong - Trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu tại Singapore chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2018) diễn ra vào ngày 14/3 tại Hà Nội và 16/3 tại TP HCM.

Trước khi chờ đợi những bật mí đến từ Amazon, hãy cùng tham khảo những chiến lược mà "gã khổng lồ" này áp dụng ở một số nước châu Á. Rất có thể một trong số này sẽ được "thử lửa" tại Việt Nam.

[Magazine] Amazon đổ bộ vào Việt Nam: Thị trường nóng, cơ hội lớn… - Ảnh 2.

Amazon sẽ làm gì ở Việt Nam là câu hỏi đang được rất nhiều người quan tâm (Ảnh minh họa - Nguồn: Factordaily)

Để thâm nhập vào các thị trường, một trong những ưu tiên hàng đầu của hãng thương mại điện tử Amazon đó là hợp tác và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương. Ví dụ như tại Ấn Độ, Amazon đã đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của thương mại điện tử và thuyết phục các nhà cung cấp nhỏ lẻ rằng, Amazon là một đối tác tin cậy có thể giúp họ mở rộng thị trường cho các sản phẩm của mình. Amazon còn cố gắng bắt tay với các chủ cửa hàng nhỏ lẻ, biến họ thành đối tác trong khâu giao nhận hàng hoá, qua đó, giảm bớt được những khó khăn trong việc chuyển hàng tại các vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, Amazon cũng chú trọng tới việc phát triển mạng lưới phân phối, giao nhận để đảm bảo hàng hoá luôn được vận chuyển tới khách hàng một cách nhanh nhất. Mới đây, khi tiến vào thị trường Singapore, Amazon đã mạnh tay đầu tư vào hệ thống kho bãi, xe tải. 

Còn trước đó, tại Ấn Độ - quốc gia có cơ sở hạ tầng khá hạn chế, Amazon đã chấp nhận chi 5 tỷ USD để xây dựng mạng lưới trung tâm phân phối riêng của mình, đồng thời triển khai những đội ngũ giao hàng bằng xe máy.  Nhờ đó, trong năm ngoái, dù vẫn phải chịu lỗ, thị phần của Amazon tại Ấn Độ đã tăng từ 12 lên 29%, đứng thứ 2 trong ngành bán lẻ tại thị trường này.  

[Magazine] Amazon đổ bộ vào Việt Nam: Thị trường nóng, cơ hội lớn… - Ảnh 3.

Amazon sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giống như những gì đã thực hiện tại Ấn Độ (Ảnh: Amazon)

Một chiến lược khác cũng được Amazon sử dụng chính là đầu tư vào các hãng thương mại điện tử địa phương. Các nỗ lực đáng chú ý mà Amazon tiến hành trong thời gian qua có thể kể đến việc bỏ ra 580 triệu USD mua lại Souq.com tại Dubai để mở đường tiến vào thị trường Trung Đông, hay nỗ lực thâu tóm Redmart bất thành, để phục vụ cho việc thâm nhập thị trường Đông Nam Á. Bằng cách này, Amazon có thể tận dụng được cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm sẵn có của các đối tác, qua đó tiết kiệm thời gian, công sức thâm nhập thị trường.

Doanh nghiệp Việt được gì khi những ông lớn như Amazon, Alibaba... đổ bộ?

Mới tham gia xuất khẩu hàng hóa qua trang Alibaba khoảng 1 năm nhưng Công ty TNHH Cơ khí Nam Sơn đã bắt đầu thu được những thành quả đầu tiên, đó là mở rộng thị trường, xuất khẩu sản phẩm sang thêm được 4 nước châu Á. Theo ông Đỗ Thanh Sơn, giám đốc công ty, để có thể bán hàng trên Alibaba, công ty phải bỏ ra chi phí khoảng 2.000 USD tương đương khoảng 45 triệu đồng một năm nhưng so với cái lợi thu về, ông cho là xứng đáng.

[Magazine] Amazon đổ bộ vào Việt Nam: Thị trường nóng, cơ hội lớn… - Ảnh 4.

Hiện 100.000 doanh nghiệp Việt đang bán hàng qua Alibaba (Ảnh: Bloomberg)

"Trước đó khách hàng chỉ tìm tới chúng tôi qua website. Nhưng khi tìm đến rồi họ tỏ ra chưa tin tưởng vì chưa thấy lộ trình tin cậy, sợ mình không trung thực, không tồn tại được lâu. Sau gần một năm quảng bá trên Alibaba, họ đã có niềm tin hơn", ông  Đỗ Thanh Sơn cho hay.

Trước khi Amazon thông báo đổ bộ vào thị trường Việt Nam, Công ty May 10, thông qua hệ sinh thái của đại gia thương mại điện tử này, thậm chí còn xuất khẩu được theo hình thức B2C (bán hàng cho người dùng cá nhân).

Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc công ty May 10 khẳng định, công ty coi đây là chiến lược dài hạn vừa đúng xu thế của câu chuyện bán lẻ hiện đại ngày nay vừa là câu chuyện cắt giảm chi phí doanh nghiệp. "Với khoản chi phí tiết kiệm được chúng tôi có thể làm thương hiệu một cách nhanh nhất và cũng là con đường ngắn nhất đến tay người dùng", ông Việt trả lời phỏng vấn của phóng viên VTV.

Ông Việt cho biết thêm, xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử có nhiều lợi thế như tăng hiệu quả tiếp cận, marketing đến khách hàng, giảm thời gian chuyển hàng. Các chuyên gia tính toán lợi nhuận có thể tăng gấp 3 lần khi xuất khẩu theo hình thức B2C trực tiếp tay người dùng.

Theo Bộ Công thương hiện có khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon. Trong khi con số mà Alibaba công bố ấn tượng hơn nhiều, khoảng 100.000 doanh nghiệp.

[Magazine] Amazon đổ bộ vào Việt Nam: Thị trường nóng, cơ hội lớn… - Ảnh 5.

Amazon sẽ phải đối đầu với hàng loạt các đối thủ khó chơi tại thị trường Việt Nam, trong đó nổi bật là Alibaba (Ảnh: Reuters)

Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Alibaba Việt Nam khẳng định những gì mà Alibaba làm ở Việt Nam mới chỉ là bước đầu.

"Mục tiêu trong tương lai mà chúng tôi hướng đến là khách hàng có thể thực sự thực hiện thương mại điện tử như một dịch vụ hoàn thiện. Nghĩa là họ chỉ cần ngồi một chỗ để tìm khách hàng. Chúng tôi giúp khách hàng đưa sản phẩm đến tay người dùng và nhận được tiền một cách an toàn. Giai đoạn hiện nay chúng tôi đang hợp tác với một số ngân hàng, một số công ty giao vận để kết nối và sử dụng hệ sinh thái của Alibaba", ông Thủy cho hay.

Vậy đâu là thách thức?

Cơ hội nhiều thường đi với thách thức lớn. Bên cạnh rất nhiều lợi ích khi xuất khẩu hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử hàng đầu như Amazon, hoạt động này cũng đặt ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam.

[Magazine] Amazon đổ bộ vào Việt Nam: Thị trường nóng, cơ hội lớn… - Ảnh 6.

Bán hàng qua Amazon để kiếm lời, không phải là một điều đơn giản (Ảnh: Amazon)

Phát biểu tại hội thảo "Xúc tiến bán hàng tới thị trường EU thông qua kênh Amazon" vào tháng 5 năm ngoái, ông André Aslund, chuyên gia thương mại điện tử và chiến lược marketing đến từ Vorwärts GmbH, CHLB Đức cho biết, một trong những thách thức của doanh nghiệp Việt khi bán hàng qua những trang thương mại điện tử lớn là phải làm thỏa mãn khách hàng về chất lượng và thiết kế sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến tiếp nhận phản hồi, hay dịch vụ hỗ trợ khách hàng hậu mãi.

"Khách hàng tại châu Âu nói riêng hay khách hàng quốc tế nói chung đòi hỏi một dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp, không chỉ là trả lời các thắc mắc sau khi sử dụng sản phẩm, mà còn phải có phương thức hoàn trả tiền một cách nhanh chóng khi khách hàng không hài lòng về sản phẩm. Vì thế, để bán được hàng, và muốn doanh số tăng, bạn bắt buộc phải chú trọng vào phản hồi của khách hàng và làm họ hài lòng", ông André Aslund, Giám đốc điều hành Vorwärts GmbH, CHLB Đức cho biết.

Vậy còn với các công ty thương mại điện tử trong nước thì sao? Trả lời phỏng vấn của báo điện tử Trí thức trẻ, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Giám đốc trung tâm người bán – Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ cho biết, công ty không xem ai là đối thủ vì thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn rất rộng lớn. Hiện tại, doanh số thương mại điện tử bán lẻ giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) của Việt Nam năm 2016 mới chỉ đạt 5 tỷ USD, chiếm trên 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa. Các doanh nghiệp thương mại điện tử phải cố gắng phát triển mạnh mẽ mới có thể đưa con số trên đạt cao hơn nữa.

[Magazine] Amazon đổ bộ vào Việt Nam: Thị trường nóng, cơ hội lớn… - Ảnh 7.

Amazon chính thức đổ bộ khiến thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã nóng, càng trở nên nóng hơn

Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki cũng không tỏ ra lo lắng về những đối thủ tầm cỡ thế giới trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Theo ông, chính sự xuất hiện của những đối thủ khổng lồ đã khiến các quỹ đầu tư lớn vào Việt Nam đầu tư và rót vốn cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước. Tiki cũng đang phát triển rất tốt trong thời điểm Alibaba mua lại Lazada.

Hiện tại chưa rõ chiến lược của Amazon với Việt Nam là gì nhưng rõ ràng, với sự góp mặt của ông lớn này, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang sôi động hơn bao giờ hết. Cho dù có thách thức nhưng rõ ràng, với nhiều triệu USD được đổ vào, thời gian khai phá với thị trường đầy tiềm năng này đang được rút lại rất ngắn. Đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước phát triển. 

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước