VTV.vn - Những năm gần đây, mua hàng trực tuyến đang dần phổ biến trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Đâu là yếu tố giúp mua sắm online bùng nổ như vậy?
Bùng nổ mua sắm trực tuyến thời COVID-19 - Ảnh 1.
Bùng nổ mua sắm trực tuyến thời COVID-19 - Ảnh 2.

Đại dịch COVID-19 khiến cho nhiều hoạt động của con người gần như bị đóng băng. Tuy vậy, giãn cách xã hội và việc thường xuyên phải ở nhà lại mở ra cơ hội mới cho các hoạt động trực tuyến phát triển. Theo kết quả khảo sát do Facebook và Bain & Company hợp tác thực hiện, trong năm 2021, 5 hoạt động trên không gian trực tuyến được người tiêu dùng Việt dành nhiều thời gian nhất chính là mạng xã hội, nhắn tin, xem video, thương mại điện tử và gửi email.

Bùng nổ mua sắm trực tuyến thời COVID-19 - Ảnh 3.

Theo đó, tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020 (theo Sách trắng Thương mại điện tử năm 2021). Do tình hình dịch bệnh, người dân không được đi ra ngoài, mua sắm online dường như là "cứu cánh" giúp người tiêu dùng đáp ứng những nhu cầu của bản thân.

Bắt kịp được xu hướng đó, hàng loạt các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng giao/ bán đồ ăn online không ngừng cải tiến và xây dựng các chương trình khuyến mãi thu hút người tiêu dùng. Ngoài việc tạo ra những ngày siêu sale hàng tháng để kích thích mua sắm, việc kết hợp với các ứng dụng thanh toán điện tử, các ngân hàng số cũng là một cách hữu hiệu để người tiêu dùng thuận tiện hơn trong việc thanh toán sản phẩm và gia tăng các ưu đãi khi mua hàng trực tuyến.

Bùng nổ mua sắm trực tuyến thời COVID-19 - Ảnh 4.

Từ khảo sát khoảng 16.700 người tiêu dùng kỹ thuật số và nhân sự cấp C tại 6 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có 3.579 người đến từ Việt Nam của Facebook và Bain & Company, cho thấy chỉ riêng tại Việt Nam, cứ 7 trong số 10 người tiêu dùng đều được tiếp cận kỹ thuật số. Báo cáo này cũng dự kiến Việt Nam sẽ có 53 triệu người tiêu dùng số vào cuối năm 2021. Số danh mục hàng hóa được người mua sắm trực tuyến Việt Nam mua trong năm nay đã tăng 50% so với năm 2020, trong khi số lượng cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam cũng tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ đó tổng doanh số bán lẻ trực tuyến trên toàn quốc tăng gấp 1,5 lần.

Để có được những con số ấn tượng như vậy, những doanh nghiệp tại Việt Nam đã có những cách tiếp cận và xây dựng kênh thương mại điện tử của mình như thế nào?

Bùng nổ mua sắm trực tuyến thời COVID-19 - Ảnh 5.

Đầu tiên, không thể không kể đến xu hướng phát triển nổi bật của hình thức mua sắm trực tuyến: Affiliate Marketing - bán hàng qua các kênh được review trên mạng xã hội. Như hiện nay, các nhãn hàng sẽ mời KOLs, người nổi tiếng review, gắn đường link về nhãn hàng hoặc sản phẩm trên mỗi bài đăng của họ trên mạng xã hội. Khách hàng tiềm năng sẽ là fan của người nổi tiếng, hoặc những người quan tâm đến giới giải trí. Hình thức này không giới hạn người review sản phẩm, chỉ cần khách hàng sử dụng và hài lòng với sản phẩm, họ cũng có thể đăng review sản phẩm trên trang cá nhân của họ ở các nền tảng mạng xã hội khác nhau.

Bên cạnh đó, hình thức Livestream bán hàng trên các nền tảng số cũng khá phổ biến, hình thức này đang dần thu hút đối tượng công chúng trong độ tuổi 30 - 50, chủ yếu là các bà nội trợ. Theo ông Phạm Ngọc Duy Liêm (Công ty cổ phần công nghệ GoStream), dự kiến mỗi ngày bình quân tại Việt Nam đang có khoảng từ 70-80 nghìn (phiên) livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội trong đó chủ yếu là Facebook. Ngoài ra còn thêm khoảng 2.000 - 3.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee live, Tiki Live, Lazada…

Như vậy, tổng cộng tính bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream, với sự tham gia của hơn 50 nghìn nhà bán hàng. Với tiềm năng phát triển hiện tại, Livestream có thể sẽ là một hình thức thay thế việc mua hàng trực tiếp đáng tin cậy đối với người tiêu dùng.

Thời điểm dịch bệnh, nhiều bạn trẻ không có cơ hội tìm kiếm việc làm offline đã nảy ra những ý tưởng kinh doanh online độc đáo, mới lạ. Là một thế hệ được tiếp xúc với công nghệ thông tin từ sớm, các bạn trẻ có rất nhiều cách khác nhau để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của mình đến với đối tượng tiêu dùng mục tiêu. Từ việc kết hợp chạy quảng cáo trên các mạng xã hội Instagram, Facebook bằng những thông điệp chất lượng, hình ảnh sinh động, bắt mắt cùng với sản xuất các video ngắn gọn trên nền tảng TikTok, những mô hình kinh doanh nhỏ lẻ này đang dần có chỗ đứng và tạo ra thu nhập cho những bạn trẻ tài năng trong thời gian giãn cách.

Mai Ngọc, một cô gái gen Z đang tập tành kinh doanh chia sẻ: "Thực lòng mà nói thì mình cảm thấy không quá khó khăn khi bắt đầu bán hàng online. Những năm gần đây Shopee đã trở nên quá quen thuộc và tiện lợi, người người nhà nhà đều dùng Shopee để mua và bán nên có thể tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng mà không cần tốn công quảng cáo quá nhiều. Nhưng với mình, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm, đóng gói và khâu chăm sóc khách hàng. Vì khi làm tốt khâu này, khách hàng sẽ đánh giá 5 sao, giúp shop tăng khả năng xuất hiện trên trang chủ Shopee và đầu trang tìm kiếm, đồng thời tạo sự tin tưởng cho các khách hàng mua sau".

Cuối cùng không thể không kể đến những cái bắt tay giữa các sàn thương mại điện tử với với ứng dụng thanh toán trực tuyến. 

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 4/2021 cả nước có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Trong 4 tháng đầu năm 2021, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR Code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. So với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng; 31,2% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng; 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh QR Code tăng tương ứng 95,7% về số lượng; 181,5% về giá trị. 

Việc kết hợp này không chỉ tạo ra sự thuận tiện đối với người tiêu dùng mà còn kích thích mua hàng qua các mã giảm giá kết hợp của hai ứng dụng, tạo tiền đề phát triển cho cả thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến

Bùng nổ mua sắm trực tuyến thời COVID-19 - Ảnh 6.
Bùng nổ mua sắm trực tuyến thời COVID-19 - Ảnh 7.

Mua hàng online có thể đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, đồng thời đảm bảo yếu tố an toàn, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh. Khách hàng vẫn mua được món hàng mình ưng ý mà không phải di chuyển đến nhiều địa điểm mua sắm. Đối với những người không thích ra ngoài thì cách thức mua hàng online này như một phao cứu sinh giúp họ tự mua được đồ dùng cho bản thân mà không cần ra ngoài.

Không chỉ vậy, khi mọi người ở trong nhà một thời gian lâu dài có thể bị stress, mua sắm cũng là một cách thức giúp giảm đi những áp lực và cải thiện tâm trạng hiệu quả hơn. Mua sắm trực tuyến không phải là một phương pháp tạm thời để đối phó với dịch bệnh mà có thể trở thành xu hướng khi các sàn thương mại điện tử kết hợp với các doanh nghiệp đem đến nhiều cải thiện vượt trội, mang đến trải nghiệm mua sắm hiện đại và thông minh hơn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích của việc mua hàng online vẫn còn nhiều nhiều rủi ro đặt ra cho cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp kinh doanh.

Bùng nổ mua sắm trực tuyến thời COVID-19 - Ảnh 8.

Người tiêu dùng dễ chi tiêu vượt quá mức cho phép, họ có thể thường xuyên mua những hàng hóa không cần thiết vì những mặt hàng đó khá rẻ và hợp mắt. Tuy nhiên "tích tiểu thành đại", nếu cứ mua những đơn hàng nhỏ như vậy, khi cộng lại người tiêu dùng có thể phải chi trả một số tiền lớn.

Ở một số sàn thương mại điện tử sẽ có những voucher freeship, giảm giá, hoàn xu, để kích thích người tiêu dùng mua hàng. Các đợt sale phổ biến hàng tháng như 11/11, 12/12, thường nhận về một lượng đơn đặt hàng khổng lồ do khách hàng "săn" được các mã giảm giá cho sản phẩm mà mình muốn.

Không chỉ vậy, người tiêu dùng còn có thể gặp phải trường hợp mua hàng không như quảng cáo. Đã có khách hàng đặt mua Iphone nhưng lại nhận được cục gạch hoặc hộp bút chì màu. Ngoài ra, một số trường hợp hàng hóa giao chậm, đóng gói không cẩn thận, khi người tiêu dùng nhận được thì hàng đã bị bể, vỡ, hỏng hóc không thể dùng được. Với một số đơn hàng, tuy khách hàng đã thực hiện thanh toán nhưng vẫn không nhận được hàng. Với những trường hợp như vậy, khách hàng đều nhanh chóng phản hồi lại với tài khoản của cửa hàng nhưng thường chỉ nhận được những câu trả lời vô trách nhiệm, thậm chí là bị chặn tài khoản.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng nên cẩn thận với việc bị lộ các thông tin cá nhân, vì giao dịch trên các thiết bị số nên có khả năng bị đánh cắp thông tin. Có nhiều khách hàng nhận được những cuộc gọi từ số lạ, hoặc tin nhắn rác dù không hề cho ai số điện thoại của mình. Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của bản thân khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng cần lên danh sách cụ thể trước khi mua sắm để đảm bảo chi tiêu, tránh tình trạng món nào cũng "chốt đơn".

Để tránh những rủi ro không đáng có, người tiêu dùng cần lựa chọn những trang thương mại điện tử uy tín, có đăng ký với Bộ Công Thương, có chính sách đảm bảo cho quyền lợi khách hàng rõ ràng.

Trong trường hợp mua hàng trên mạng xã hội, phải lựa chọn những tài khoản uy tín, có lượt tương tác và phản hồi từ các khách hàng trước về chất lượng sản phẩm. Khi nhận hàng, khách hàng nên quay lại quá trình "bóc" hàng để làm bằng chứng nếu cần khiếu nại, nhất là đối với những đơn hàng giá trị cao.

Bùng nổ mua sắm trực tuyến thời COVID-19 - Ảnh 9.

Bạn Vân Anh, Quảng Ninh chia sẻ về trải nghiệm mua sắm của mình: "Đã có rất nhiều lần em săn được mã giảm giá thành công và đặt được món đồ mà mình yêu thích nhưng đến khi nhận về thì hàng không giống ảnh, liên hệ shop để đổi trả thì không nhận được phản hồi. Em thấy việc mua hàng online khá may rủi và mỗi người cần phải có sự cân nhắc cần thiết trước khi quyết định đặt mua một món hàng nào đó".

Đối với các doanh nghiệp hoặc người bán hàng, họ có thể gặp phải tình trạng bị khách bom hàng, bị đối thủ cạnh tranh chơi xấu, hoặc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị vận chuyển trong thời điểm dịch bệnh. Đồng thời, với các bạn trẻ kinh doanh vừa và nhỏ, còn phải thích ứng với những quy định của các sàn thương mại điện tử và không tránh khỏi tình trạng lỗ hoặc không có doanh thu.

Trong bối cảnh dịch bệnh, có thể thấy rõ một số lượng lớn người tiêu dùng Việt tiếp cận kỹ thuật số và thực hiện mua sắm online với nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau. Mua hàng trực tuyến vẫn sẽ là xu hướng với những tiện ích về cả tinh thần lẫn thể chất, người tiêu dùng và doanh nghiệp cần cân nhắc lựa chọn thông tin để có thể đảm bảo được quyền lợi của bản thân và có những trải nghiệm mua sắm an toàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước