VTV.vn - Vaccine là nhân tố quan trọng trong những dự báo về GDP của ASEAN trong năm 2021.

Kinh tế Đông Nam Á 2021: Lạc quan thận trọng trong bóng tối COVID-19 

Vaccine là nhân tố quan trọng trong những dự báo về GDP của các nước Đông Nam Á trong năm 2021.

Các nền kinh tế Đông Nam Á năm nay đặt mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng trước đại dịch. Năm vừa qua, COVID-19 đã gây ra những đợt sụt giảm lịch sử, đẩy nhiều nước vào tình trạng tăng trưởng âm. Tuy nhiên, tờ Nikkei Asia nhận định, nhìn các dự báo ban đầu về khu vực cho thấy, nhiều kịch bản rủi ro vẫn tiếp tục rình rập.

Singapore: Phục hồi chữ U thay vì chữ V?

Thứ 2, Singapore duy trì dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 4% đến 6% cho năm 2021, không thay đổi so với ước tính vào tháng 11 năm ngoái. Quốc đảo sư tử đã có mức giảm GPD kỷ lục vào năm ngoái là 5,8%.

Kinh tế Đông Nam Á 2021: Lạc quan thận trọng trong bóng tối COVID-19 - Ảnh 1.

Quốc đảo Sư tử đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 4-6% trong năm 2021

Mức giảm GDP 5,8% trong năm 2020 là kết quả tăng trưởng kém nhất của Singapore kể từ khi độc lập vào năm 1965, thấp hơn cả mức giảm 2,2% hồi 1998, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. GDP Singapore đã giảm lần lượt 0,2%, 13,4% và 5,6% trong ba quý đầu năm 2020. Dù có cải thiện hơn, nhưng quý IV, GDP nước này vẫn giảm 3,8% so với một năm trước đó.

Singapore phần lớn đã kiểm soát được virus và đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn dân vào tháng 9 tới. Xuất khẩu điện tử tăng trong thời gian gần đây là một dấu hiệu tích cực khác mặc dù các hạn chế đi lại vẫn đang đè nặng lên nền kinh tế.

"Dù tín hiệu tích cực từ xuất khẩu ở các ngành chủ chốt bù đắp cho những tiêu cực, triển vọng từ nhu cầu của các thị trường bên ngoài phần lớn vẫn tương tự so với ba tháng trước", Chính phủ Singapore cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai.

Trả lời tờ Strait Times, Tiến sĩ Chua Hak Bin, Nhà phân tích tại Maybank Kim Eng, cho rằng, GDP của Singapore chỉ trở lại mức trước đại dịch vào đầu năm 2022.

Sự phục hồi vào năm 2021 sẽ diễn ra có điều kiện đối với các ngành dịch vụ, vốn vẫn còn chậm chạp, trong khi ngành sản xuất đã tăng mạnh vào năm 2020

Tiến sĩ Chua Hak Bin, Nhà phân tích tại Maybank Kim Eng

Triển vọng của kinh tế Singapore về nhiều mặt phản chiếu triển vọng của cả khu vực. Trong khi xuất khẩu hàng tiêu dùng là một điểm sáng, việc triển khai tiêm vaccine thành công là rất quan trọng để phục hồi kinh tế trong đó có du lịch - ngành cốt lõi của nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Kinh tế Đông Nam Á 2021: Lạc quan thận trọng trong bóng tối COVID-19 - Ảnh 3.

Dự báo tăng trưởng GDP của các quốc gia Đông Nam Á

Lạc quan thận trọng

Các nhà hoạch định chính sách và các nhà phân tích trong khu vực đều đưa ra những nhận định lạc quan xen lẫn sự thận trọng trước những rủi ro, cạm bẫy.

Một nền kinh tế lớn khác trong khu vực Đông Nam Á là Indonesia, được dự báo sẽ có mức tăng trưởng GDP từ 4,5-5,5% trong năm nay, sau khi giảm 2,1% vào năm 2020.

Vào tháng 1, quốc gia này đã bắt đầu một chiến dịch tiêm chủng lớn với mục tiêu tiêm chủng diện rộng cho 181 triệu người – chiếm 70% tổng dân số - vào tháng 3/2022. Việc tiêm vaccine diện rộng hứa hẹn thúc đẩy nhu cầu trong nước ở một quốc gia đã ghi nhận khoảng 1,2 triệu trường hợp nhiễm COVID-19, nhiều nhất trong khu vực.

Tổng thống Indonesia tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên. Tuy nhiên chiến dịch tiêm chủng ở Indonesia được đánh giá gặp nhiều khó khăn vì diện tích rộng lớn lại gồm nhiều đảo.

Tương tự, Philippines dự báo mức tăng trưởng từ 6,5% đến 7,5% trong năm nay, so với mức giảm 9,5% vào năm 2020, khi nền kinh tế mở cửa trở lại và việc  tiêm chủng diện rộng bắt đầu được thực hiện.

Tuy nhiên, các chiến dịch tiêm chủng cũng đặt ra những trở ngại về hậu cần đặc biệt là ở một quốc gia đảo rộng lớn như Indonesia. Tỷ lệ hiệu quả cũng có thể khác nhau tùy thuộc loại vaccine sử dụng. 

Ngân hàng United Overseas của Singapore lưu ý rằng tăng trưởng GDP năm 2021 của Indonesia có thể bị giới hạn ở mức 2% trong một kịch bản bi quan là hiệu quả của vaccine chỉ đạt mức 50% và tỷ lệ bao phủ của chiến dịch chỉ vào khoảng 35%.

COVID-19 khiến du lịch Thái Lan gặp hạn nặng. Nhiều  bãi biển không một bóng người. Ngay cả những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Bangkok cũng không vắng vẻ lạ thường (Ảnh: DW, Mediacorp) 

Thái Lan hôm thứ Hai đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 2,5% đến 3,5%, so với mức 3,5% đến 4,5% so với nhận định ban đầu vào tháng 11/2020. Sự tê liệt của du lịch toàn cầu gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với quốc gia này.

Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia, Thái Lan dự kiến ngành du lịch nước này dự kiến ​​sẽ phục hồi trong quý 4/2021. 

Ông Danucha Pichayanan, Tổng thư ký Văn phòng Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia cho hay sự phát triển nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc vào hiệu quả của vaccine, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng sự ổn định chính trị là yếu tố sống còn để thu hút đầu tư nước ngoài.

Tại Malaysia, quốc gia vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp, Ngân hàng Trung ương không tiết lộ dự báo tăng trưởng năm 2021. 

Tuần trước, nước này công bố GDP đã giảm 5,6% vào năm 2020. Đây là kết quả tồi tệ nhất với nền kinh tế Malaysia kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Kinh tế Đông Nam Á 2021: Lạc quan thận trọng trong bóng tối COVID-19 - Ảnh 7.

Ngân hàng trung ương Malaysia không công bố dự báo tăng trưởng 2021

"Bước sang năm 2021, tăng trưởng sẽ phục hồi  nhờ sự gia tăng của nhu cầu toàn cầu và việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế trong nước", Ngân hàng Trung ương Malaysia lưu ý vào thứ Năm tuần trước. 

Ngân hàng này cũng nhận định thêm: "Các rủi ro với tăng trưởng vẫn còn. Tốc độ và sức mạnh phục hồi tùy thuộc vào những diễn biến của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu và trong nước".


Nikkei Asia: Việt Nam có thể dẫn đầu về tăng trưởng trong khu vực

Nikkei nhận định: Dẫn đầu về tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á vào năm 2021 có thể là Việt Nam. Năm ngoái, Việc Nam đã có mức tăng trưởng dương 2,9% nhờ vào thành công trong việc ngăn chặn đại dịch với chỉ khoảng  2.100 ca mắc. 

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu mạnh mẽ đồ điện tử và các sản phẩm tiêu dùng khác cũng là nhân tố quan trọng khác cho sự thành công này. Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay.

"Để tránh thuế quan của Mỹ, các nhà nhập khẩu đã chuyển nhu cầu từ Trung Quốc sang các nhà cung cấp thay thế. Với diễn biến quan hệ Mỹ-Trung có khả năng vẫn căng thẳng trong những năm tới, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục", Gareth Leather, nhà kinh tế cao cấp về châu Á tại Capital Economics, viết trong một báo cáo gần đây.

Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) vừa đưa ra nhận định tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam dự kiến đạt 7% năm 2021 nhờ sự hồi phục của nhu cầu bên ngoài, giúp nền kinh tế trong nước có khả năng phục hồi và năng lực sản xuất tăng.

Dự báo về tốc độ tăng trưởng trong năm 2021, HSBC  cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi nhờ công nghệ, dòng vốn FDI và nhiều hiệp định thương mại được ký kết. 

Dù hạ mức dự báo tăng trưởng so với dự báo trước đó là 8,1%, HSBC vẫn tin tưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,6% trong năm 2021, chủ yếu do sự phục hồi của ngành du lịch vẫn bị kéo dài

Trong báo cáo "Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam", WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo.

Các phân tích và dự báo của WB được đưa ra dựa trên giả định rằng khủng hoảng COVID-19 sẽ dần được kiểm soát, đặc biệt khi vaccine COVID-19 chứng minh được tính hiệu quả.

Trước đại dịch, Đông Nam Á đã đạt mức tăng trưởng chung hàng năm khoảng 5% trong nhiều năm và là một trong những khu vực hoạt động tốt nhất thế giới. Khu vực này cũng trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, với dân số tương đối trẻ thúc đẩy nhu cầu và cung cấp nhiều lao động sản xuất. 

Những lợi thế đó vẫn còn nguyên giá trị, nhưng trước tiên khu vực này thoát khỏi "bóng tối" của COVID-19.

Thực hiện: Thùy An 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước