Các kỳ liên hoan trước
Các kỳ liên hoan trước
Giám đốc TFS: 4 tác phẩm giành giải Vàng đều có sự tham gia của đội ngũ trẻ
Các giải thưởng của Hãng phim truyền hình TP.Hồ Chí Minh thuộc 3 thể loại Chương trình Sân khấu (1 giải), Phim tài liệu (2 giải) và Phim truyện truyền hình (1 giải).
Năm nay, Hãng phim Truyền hình TP.Hồ Chí Minh (TFS) có 4 tác phẩm tham gia dự thi thể loại Phim tài liệu, trong đó có 1 phim dài tập (Ra biển lớn) và 3 bộ phim tài liệu 1 tập (Không hối tiếc, Trở về từ trăm năm, Chuyện từ một bức ảnh). Đây là những phim tài liệu được đơn vị đánh giá có chất lượng tốt. Đến với LHTHTQ lần thứ 40, các tác phẩm này cũng được BGK đánh giá cao. Đặc biệt, hai phim Ra biển lớn và Không hối tiếc đã nhận được cúp Vàng ở Liên hoan năm nay.
Bên cạnh đó, Hãng phim Truyền hình TP.Hồ Chí Minh còn nhận giải Vàng ở thể loại Phim truyện truyền hình (Kẻ sát nhân cô độc) và thể loại Chương trình Sân khấu (vở cải lương Án tử).
Chia sẻ sau khi nhận giải, NSƯT Lý Quang Trung - Giám đốc Hãng phim Truyền hình TP.HCM cho hay: "Cảm xúc của các thành viên trong ê-kíp sản xuất những tác phẩm tham gia LHTHTQ năm nay rất vui khi tác phẩm của mình được BGK đánh giá tốt. Tại mỗi kỳ Liên hoan, thông qua các tác phẩm tham gia, các tác giả thuộc TFS đã có cơ hội học hỏi và rút nhiều kinh nghiệm để làm phim. Chính vì vậy, mọi người rất vui. Giải thưởng này như sự động viên, khích lệ các cán bộ thuộc Hãng phim tiếp tục có những tác phẩm tốt hơn".
Năm nay, trong bối cảnh công tác sản xuất chương trình chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thiên tai bão lũ, tiến độ thực hiện nhiều chương trình của các đơn vị cũng gặp khó khăn. Nói về điều này, ông Lý Quang Trung cho biết, các ê-kíp làm phim của TFS đã rất nỗ lực để hoàn thành tác phẩm.
"Dịch COVID-19 và bão lũ ảnh hưởng nhiều tới tiến độ thực hiện, không thể đi xa, mọi người cũng vất vả để đeo bám nhân vật, tổ chức thực hiện phim khó khăn hơn, chẳng hạn như phim Ra biển lớn phải huy động nhiều người tham gia nhưng do sản xuất đúng thời điểm giãn cách xã hội nên số lượng người tham gia làm việc bị ảnh hưởng. Khi thực tế tiếp xúc ghi hình nhân vật cho phim cũng nhiều khi bị nhân vật từ chối do sợ lây dịch bệnh".
Theo ông Lý Quang Trung, một điều nổi bật trong các tác phẩm của TFS năm nay là có sự tham của nhiều bạn trẻ. Chính các tác giả đã tạo ra sự đổi mới trong đề tài và cách thể hiện tác phẩm.
"Họ đã mạnh dạn đưa ra một số các thủ pháp để thể hiện phim. Như Ra biển lớn dùng thủ pháp tái hiện, dựng lại bối cảnh và có MC dẫn dắt xâu chuỗi nhân vật phim, kết hợp hình thức thể hiện mang tính hiện đại, vừa có truyền hình thực tế nên khiến người xem cảm giác thoải mái" - ông Lý Quang Trung nói tiếp - "Với phim truyền hình Kẻ sát nhân cô độc, đây cũng là bộ phim dài tập đầu tay của anh ấy. Đề tài phim khai thác mới lạ, về tâm lý tội phạm và bộ phim đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả".
Giải thưởng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 40 được các thành viên trong ê-kíp làm phim Kẻ sát nhân cô độc nhận định là "một niềm vui nhân đôi". "Thực tình khi được Hãng phim chọn đi dự thi tại LHTHTQ năm nay cũng là một điều bất ngờ và vui lắm. Được BGK báo ra Hà Nội nhận ra, cả ê-kíp vui nguyên một ngày. Mọi người nhắn tin cho nhau vì rất bất ngờ" - đạo diễn Trần Đức Long bộc bạch - "Khi làm bộ phim này, chúng tôi băn khoăn không biết khán giả có đón nhận kiểu đề tài mà bộ phim đề cập hay không, nhưng cuối cùng nó đã được quan tâm rất nhiều. Điều đó làm ê-kíp rất vui. Và với giải thưởng này, ê-kíp sản xuất đã có niềm vui nhân đôi".
"Tôi từng nhận giải nhiều lần ở LHTHTQ nhưng ở vai trò quay phim. Đây là lần đầu tiên tôi cầm chiếc cúp này trong vị trí một đạo diễn. Kẻ sát nhân cô độc cũng là bộ phim dài tập đầu tay của tôi. Đó là một cảm giác rất khác".
Điểm mạnh của bộ phim Kẻ sát nhân cô độc là đề tài khá lạ so với vệt phim truyền hình hiện nay. Khai thác sâu tâm lí tội phạm, đây không chỉ là phim hình sự điều tra phá đơn thuần, mà đó là những màn đấu trí khá căng thẳng, vận dụng cách phác họa chân dung tội phạm bằng tâm lí để phục vụ điều tra.
“Tôi và biên kịch mua ý tưởng của một nhà báo sau đó về lên kịch bản cho phim. Chúng tôi xác định không đủ sức để làm về những vụ đại án nên lựa chọn hướng đi là làm phim về những vấn đề sát với cuộc sống hiện tại, đó chính là các căn bệnh tâm lý" - đạo diễn Trần Đức Long nói tiếp - "Nhiều người cho rằng phim truyền hình dành nhiều cho nhóm đối tượng khán giả nội trợ, phải dễ xem, dù đang bận việc không xem vẫn hiểu được phim. Nhưng phim của chúng tôi có nhiều ngôn ngữ điện ảnh. Nếu chỉ bỏ 1 – 2 đoạn thì khó hiểu nội dung tiếp theo. Vì thế càng vui hơn khi phim được khán giả đón nhận".
Hôm nay (17/12), bộ phim Kẻ sát nhân cô độc sẽ chính thức lên sóng tập cuối cùng. Đạo diễn Trần Đức Long bật mí Kẻ sát nhân cô độc sẽ có phần 2, tiếp tục đi sâu hơn nữa vào đề tài tâm lý tội phạm vì anh cho rằng phần 1 mới chỉ chạm nhẹ vào mảng đề này.