VTV.vn - Bằng cách này hay cách khác, nhiều cô gái trẻ tự tìm lý do cực đoan nhất để khỏa lấp sai lầm của bản thân: hủy bỏ đứa trẻ được tựu hình trong lòng mình.
Câu chuyện về những đứa trẻ bị từ chối - Ảnh 1.

Ngày 19/11 vừa qua, chị N. (29 tuổi, ở thôn Long Bình, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đến cơ sở cũng là nhà của bà Vũ Thị Lâm (62 tuổi, ở KP2, phường Thanh Sơn, TP Phan Rang-Tháp Chàm) để phá thai với giá 3,5 triệu đồng. Để phá bỏ thai nhi, bà Lâm đã đặt thuốc Benzo vào âm đạo và cho chị N. ngậm hai viên thuốc Benzo. Trong quá trình phá thai, chị N. bị sốc, mất máu nhiều, thấy vậy bà Lâm liền gọi xe đưa chị N. đến BV đa khoa tỉnh Ninh Thuận cấp cứu nhưng đến 3 giờ sáng 20/11, chị N. tử vong.

Cách đây không lâu, một người mẹ trẻ - sinh viên - đẩy đứa con mới đẻ của mình từ tầng 31 chung cư ở Hà Nội xuống đất gây sững sờ dư luận. Vụ việc đang được điều tra nhưng sự thật đớn đau là đứa trẻ ấy đã bị tước đoạt mạng sống.

Không thể hiểu nổi và cũng không thể biện minh cho hành động của cô gái trong vụ việc trên. Dù là mẹ, cô cũng không có quyền giết đi một sinh linh vô tội. Đáng tiếc, câu chuyện đau lòng trên không phải là cá biệt trong xã hội hiện nay. Bằng cách này hay cách khác, nhiều cô gái trẻ tự tìm lý do cực đoan nhất để khỏa lấp sai lầm của bản thân: hủy bỏ đứa trẻ được tựu hình trong lòng mình.

Những câu chuyện đau lòng thế này hàng ngày chúng ta đều có thể bắt gặp. Thực tế này khiến nhiều người tự hỏi: Tại sao phụ nữ từ bỏ đứa con của họ, bất chấp cả sự nguy hiểm đến tính mạng chính bản thân? Chưa kể, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận những thai nhi với nhịp tim rõ ràng có thể nghe thấy được là những hình hài của sự sống. Bên cạnh đó, hằng ngày chúng ta đều nghe thông tin có trẻ sơ sinh bị bỏ rơi khắp nơi: trong thùng rác, khu công nhân, nhà chùa, bệnh viện (đôi khi chỉ ngay mới khi được sinh ra)...

Câu chuyện về những đứa trẻ bị từ chối - Ảnh 2.
Câu chuyện về những đứa trẻ bị từ chối - Ảnh 3.
Câu chuyện về những đứa trẻ bị từ chối - Ảnh 4.

Những đứa trẻ bị từ chối – tên gọi chung cho những em bé kém may mắn bị tước đi quyền được sống ngay trong bụng mẹ, và cả những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi sau khi được sinh ra, thậm chí ngay lúc lọt lòng.  Không phải cho đến tận bây giờ, người ta mới hay nhắc đến những ca phá thai hay những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. 

Trong lịch sử, đã từng ghi nhận đây có lúc đã là một vấn nạn toàn cầu. Chúng ta biết rằng đối với những đứa trẻ sinh ra ngoài ý muốn, người Hy Lạp và La Mã đã chọn cách cho người thân, hoặc đôi khi bỏ mặc chúng làm nô lệ. Trong thế kỷ 18 tại Toulouse, Pháp, 1/4 số trẻ sinh ra trong thành phố được biết đến là bị bỏ rơi, và ở Paris từ năm 1750 đến năm 1789, trẻ em bị bỏ rơi đã tăng gần một phần ba tổng số trẻ được sinh ra - và đó chỉ  là những  số liệu chúng ta biết được một cách tương đối. 

Các nhà sử học đã ghi nhận rằng xu hướng này trở nên cực đoan vào cuối thế kỷ 19 rằng một "cuộc khủng hoảng từ bỏ" đã thách thức giới chức châu Âu. Một số những đứa trẻ này có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn đôi chút, xong một tỷ lệ lớn trong số các bé là trẻ sơ sinh. Ngược lại, chỉ có khoảng 50 trẻ sơ sinh được cho là bị bỏ rơi ở Anh mỗi năm, trong khi ước tính về số lượng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại Hoa Kỳ từ năm 1999 đến 2015 là vào khoảng 4.400 bé.

"Mồ côi" từng trở thành một hiện tượng của xã hội châu Âu thế kỷ 19; những hình tượng "trẻ mồ côi" đã xuất hiện trong văn học và nghệ thuật, được coi là một nguồn lao động tiềm năng, và còn được xem là một cách đảm bảo một sự giáo dục tốt hơn khỏi cha mẹ "vô đạo đức".

Khi nước Mỹ bắt đầu đầu tư nhiều hơn cho các chương trình phúc lợi công cộng cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong những năm đầu thế kỷ 20, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị bỏ rơi bắt đầu giảm.

Câu chuyện về những đứa trẻ bị từ chối - Ảnh 5.

Tại Việt Nam thì sao. Chúng ta đã bước qua nhiều cuộc chiến tranh, với giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc nghèo. Hình tượng những người mẹ như chị Dậu phải bán con, hay hình ảnh những đứa bé đi ở đợ trong thời kỳ phong kiến không còn xa lạ. Sự bất bình đẳng giới đến mực cực đoan trong thời kỳ cũ đặt lên vai người phụ nữ những áp lực nặng nề - trong đó có việc sinh con và nuôi con.

Ngày nay, xã hội đã phát triển, điều kiện và nhận thức của người dân đã tốt hơn trước xong hiện trạng này vẫn đang đối mặt với thách thức mới.

Câu chuyện về những đứa trẻ bị từ chối - Ảnh 6.

Những khó khăn trong cuộc sống như: nghèo khó, vấn đề về sức khỏe; mang thai ngoài hôn nhân; sự kỳ thị từ quan điểm bất bình đẳng giới trong gia đình… được cho là những nguyên nhân khiến nhiều bậc cha mẹ từ bỏ quyền nuôi con.

Những đối tượng phụ nữ có nguy cơ cao bỏ rơi con chủ yếu là các bà mẹ ở tuổi vị thành niên, sinh viên mang thai ngoài ý muốn; công nhân trẻ ở các khu công nghiệp, phụ nữ có bệnh mãn tính, bà mẹ đơn thân có hoàn cảnh nghèo túng…

Câu chuyện về những đứa trẻ bị từ chối - Ảnh 7.

Ngoài ra,  cũng theo GS.TS Hoài Đức có những cháu đang là học sinh, khi phát hiện mang thai đã tự mua thuốc kích thích chuyển dạ theo hướng dẫn trên mạng để phá. Thấy máu chảy, lại cứ nghĩ đó là thai đang ra, nhưng thực tế bị băng huyết ồ ạt, rất nguy hiểm.

Theo bản Điều tra Quốc gia về "Vị thành niên và thanh niên Việt Nam" cho thấy, có tới 36% số thanh, thiếu niên ở nhóm tuổi từ 14 - 17 đã quan hệ tình dục. Cá biệt, có những em từ 10 - 12 tuổi cũng đã biết quan hệ tình dục và điều đáng nói quan hệ hoàn toàn tự nguyện. 

Cũng theo nghiên cứu này, có 8,4% số phụ nữ ở độ tuổi từ 15 - 24 cho biết đã ít nhất một lần nạo phá thai. Tiếp tục dẫn thống kê của Bệnh viện Phụ sản Trung ương về tỉ lệ nạo, phá thai mới thấy số trẻ "dại dột" gia tăng đáng kể. Tại Trung tâm Tư vấn sức sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình (BV Phụ sản Trung ương), hằng ngày phải tiếp nhận vài trường hợp các em gái tuổi vị thành niên tới xin "giải quyết". Đáng báo động hơn, nhiều em ở độ tuổi 13 - 18 khi đến bác sĩ khám thì đã có thai lớn trên 12 tuần tuổi, khiến việc xử lý gặp nguy hiểm cho tính mạng.

Câu chuyện về những đứa trẻ bị từ chối - Ảnh 8.
Câu chuyện về những đứa trẻ bị từ chối - Ảnh 9.

Nguyệt – 28 tuổi. Là mẹ đơn thân với một cậu con trai 6 tuổi. Cô có một cửa hàng kinh doanh nhỏ. Cách đây 1 năm, Nguyệt nhận nuôi thêm một bé trai khi mẹ của bé quyết định bỏ rơi bé tại một phòng khám thai chui. 

Ngoài công việc hàng ngày tại cơ sở kinh doanh của mình, Nguyệt được biết đến là một tình nguyện viên "cứu thai nhi" tại Hà Nội. Nhóm của Nguyệt có hai người, cùng với Dung, một bà mẹ đơn thân hàng xóm.

Trong thực tế, những cơ sở phá thai chui còn tồn tại quá nhiều. Làm thế nào để nhóm của Nguyệt có thể tiếp cận và cứu được cái em bé bị chối bỏ. Nguyệt cho biết có những phòng khám , nhóm của cô có thể tiếp cận được, họ đồng lòng, sẵn sàng giúp cứu các thai từ 27 tuần trở lên.  

"Tuy nhiên cũng có những phòng khám sẵn sàng dù đổi cả chục triệu xin cứu, họ đều từ chối thẳng thừng vì sợ rắc rối. Và cố tình làm đủ mọi thủ thuật khiến đứa bé chết từ trong bụng bằng cách đặt thuốc, hoặc bấm ối sớm cho ngạt. Có bé thoát được, họ siêu âm còn tim thai là y rằng khi bé sẽ bị áp dụng những mọi cách để tước đi quyền được sống mong manh. Đó là hình thức quá man rợ. Mà chắc chắn bệnh nhân sẽ ko thể biết được con mình bị tước đoạt quyền sống một cách như vậy. Các mẹ ý ung dung nghĩ: Đau một lần rồi thôi. Người ta cho con mình ra đi thanh thản... Nhưng thực tế thì không phải vậy".



Câu chuyện về những đứa trẻ bị từ chối - Ảnh 10.

Nhưng thực tế thì không phải như vậy. Có những lúc nhóm của Nguyệt cứu được 2,3 bé một ngày. Trong căn nhà nhỏ, lúc nào cũng đầy ắp tiếng khóc con trẻ. Tuy vất vả, mỗi lúc cứu được một em bé bị bỏ rơi, trao cho bé quyền được tiếp tục sống, những mệt mỏi đều như tan biến đối với hai người mẹ trẻ này. 

Những đứa trẻ sau khi may mắn được cứu sống, lại là những nỗ lực tiếp theo là tìm cách liên lạc được với những người mẹ bỏ con, cho họ biết con họ còn sống, thuyết phục họ cho bé được về với mái ấm gia đình. Nhưng thường cũng hiếm khi những người mẹ đã quyết định bỏ đi giọt máu của mình đồng ý nhận lại đứa bé. Họ có trăm nghìn lý do để từ chối nhận lại con.

"Mong muốn của bọn mình, là đã cứu được các bé, thì cũng mong cho các bé  có được một mái ấm với đầy đủ yêu thương" – Từ tâm huyết đó, Nguyệt và Dung – lại tất bật tìm kiếm những mái ấm mới cho những đứa trẻ. " May mắn, thông tin về những việc làm của mình đều được chia sẻ trên mạng xã hội, từ đây, những tấm lòng thiện nguyện cũng chung tay giúp đỡ chia sẻ về vật chất cũng như tinh thần đối với việc cứu các con. Các bậc cha mẹ hiếm muộn, cũng từ đó biết và liên hệ để xin được nhận nuôi các bé. Nhìn những đứa trẻ được sống thêm lần nữa, lại được yêu thương trong một mái ấm đủ đầy bọn mình cũng thấy hạnh phúc lắm".

Thực trạng những phòng khám, những cơ sở phá thai chui đã dấy lên những hồi chuông cảnh báo từ lâu. Đã có những vào cuộc của chính quyền xong chưa bao giờ vấn nạn này được dẹp bỏ triệt để. Chi phí cho một ca phá thai từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng tuỳ vào độ lớn của thai nhi nên khiến các cơ sở phá thai chui bất chấp tiến hành công việc này vì lợi nhuận.

"Vậy nên, thật sự mình mong những bạn trót lỡ mang bầu hãy liên hệ với mình . Hoặc bạn nào bị gia đình ép phá vào những tháng cuối, thì cũng xin các bạn hãy liên lạc sớm nhất có thể để tìm ra phương án cấp cứu kịp thời nhất để cứu các bé" – Nguyệt bày tỏ.

Những nhóm thiện nguyện như nhóm của Nguyệt gần đây xuất hiện khá nhiều. Đa phần họ hoạt động nhỏ lẻ và không có sự hỗ trợ cũng như hướng dẫn về hành lang pháp lý nên hiệu quả chỉ dừng mức độ không cao. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích việc nhận trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi tuy nhiên để giải quyết vấn nạn một cách triệt để cần những biện pháp sâu xa hơn.

Câu chuyện về những đứa trẻ bị từ chối - Ảnh 11.

Giá như những thai nhi, những đứa trẻ kém may mắn bị bỏ rơi kia được cất lên tiếng nói.  Thì có thể, câu nói ấy sẽ thức tỉnh nhiều bậc cha mẹ đã hoặc từng có ý định từ chối giọt máu của mình:  " Mẹ ơi, con đau lắm.."

Câu chuyện về những đứa trẻ bị từ chối - Ảnh 12.

Ngọc Linh
Minh Thu
25/12/2018
X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước