VTV.vn - "Nếu tôi có một đóng góp lớn cho thời trang thì đó là tôi đã giúp mang lại một số khả năng tiếp cận với nó" - NTK Kenzo Takada.

Theo người phát ngôn của Kenzo Takada, nhà thiết kế và người sáng lập thương hiệu Kenzo, đã qua đời hôm Chủ nhật (4/10, giờ địa phương) do biến chứng từ coronavirus. Ông qua đời tại một bệnh viện ở Paris. Người này cũng cho biết thêm rằng Kenzo đã bị ốm trong vài tuần trước đó. Sự ra đi của Kenzo vào thời điểm này thật sự đã để lại sự đau buồn và tiếc thương cho những người hâm mộ thương hiệu Kenzo nói chung và cá nhân ông trùm ngành thời trang người Nhật Bản nói riêng.

"THỜI TRANG GIỐNG NHƯ ĂN UỐNG..."

Kenzo - Cái tên của tự do, phóng khoáng và hào hoa - Ảnh 1.

Những hoa văn màu sắc là một trong những điểm nổi bật trong thiết kế của Kenzo. Đây cũng là tính Nhật Bản ông muốn khẳng định trong thương hiệu thời trang của mình. (Ảnh: Viva)

Kenzo Takada học tại trường Cao đẳng Thời trang Bunka ở Tokyo. Năm 1960, ông giành được giải thưởng Soen, giải thưởng do tạp chí thời trang danh tiếng của Nhật Bản Soen trao tặng, và bắt đầu sự nghiệp thiết kế quần áo trẻ em gái cho cửa hàng bách hóa Sanai. Tuy nhiên, cuộc đời của ông đã thay đổi khi - để chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo năm 1964, khu chung cư của ông bị chính quyền phá bỏ và ông được bồi thường 10 tháng tiền nhà.

Kenzo đã dùng tiền để đến Pháp bằng thuyền, đi qua Singapore, Bombay và Tây Ban Nha, trước khi hạ cánh xuống thủ đô của Pháp - nơi Kenzo trẻ tuổi đã thuê một phòng gần Place de Clichy với giá 9 franc một ngày.

Ông bắt đầu bán các bản phác thảo cho các nhà thiết kế như Louis Feraud, và đến năm 1970 thì có thể mở cửa hàng đầu tiên do ông tự cải tạo tại Galerie Vivienne. Lấy cảm hứng từ Henri Rousseau, Kenzo đã vẽ những bức tường với những bông hoa dại và gọi cửa hàng, nơi ông tổ chức buổi trình diễn đầu tiên của mình, với cái tên "Jungle Jap" - một cái tên gây nhiều tranh cãi. Năm sau đó, tác phẩm của Kenzo được xuất hiện trên trang bìa của Elle.

"Khi bạn thiết kế quần áo để mọi người mặc, bạn thực sự phải suy nghĩ thực tế" - Kenzo Takada.


Mặc dù, ban đầu, Kenzo chỉ định ở lại Paris 6 tháng, nhưng cuối cùng ông đã sống ở đó 56 năm và công việc của ông đã mở ra cánh cửa không chỉ cho các nhà thiết kế Nhật Bản có ảnh hưởng lớn sau ông - như Yohji Yamamoto và Rei Kawakubo, mà còn tạo ra một loại hình thẩm mỹ kết hợp mới vượt qua biên giới, màu sắc và văn hóa, chấp nhận sự đa dạng và ảnh hưởng đến một thế hệ. Ông trở thành nhà thiết kế nổi bật đầu tiên người Nhật Bản ở Paris. Kenzo tạo dấu ấn với một phong cách hào hoa, phóng khoáng - ngay cả trong bối cảnh của thời trang Pháp.

Thế giới màu sắc của Kenzo Takada. (Ảnh: Viva)

Những điều Kenzo làm ngay từ buổi đầu đã rất khác. Nhiều người vẫn còn nhớ rất rõ buổi diễn thời trang đầu tiên ông trình làng nước Pháp.

"Buổi trình diễn thời trang đầu tiên của ông ấy thật đáng nhớ" - ông Gabet nói - "Nhẹ nhàng và vui tươi, các người mẫu nhảy múa và đi lại nhiều hơn là trình diễn quần áo, khác xa với tầm nhìn thứ bậc của thời trang cao cấp Pháp".

Được biết đến với sự vui vẻ, Kenzo - người không thích bị gọi là "nhà thiết kế Nhật Bản" vì trước tiên ông tự coi mình là "nhà thiết kế thời trang" - đã tổ chức các buổi biểu diễn trong một lều xiếc và tự mình cưỡi voi.

Kenzo - Cái tên của tự do, phóng khoáng và hào hoa - Ảnh 4.

(Ảnh: Fashion E-Servicis)

"Khi tôi mở cửa hàng của mình, tôi nghĩ rằng tôi không có ích gì khi làm những gì các nhà thiết kế người Pháp đang làm, bởi vì tôi không thể làm điều đó" - Kenzo nói với The South China Morning Post trong cuộc phỏng vấn vào năm 2019 - "Vì vậy, tôi đã làm những việc của riêng mình. Để trở nên khác biệt, tôi đã sử dụng vải kimono và các ảnh hưởng khác".

Được biết đến với nụ cười rạng rỡ và tinh thần vui vẻ - một trong những câu nói nổi tiếng của Kenzo là "thời trang giống như ăn uống, bạn không nên chọn cùng một thực đơn".

"NHỮNG NGƯỜI GHÉT NHAU CÓ 1 ĐIỂM CHUNG: HỌ YÊU KENZO!"

"Thời trang không dành cho số ít - nó dành cho tất cả mọi người" - Kenzo đã nói như vậy trong cuộc phỏng vấn của ông với The New York Times năm 1972 - "Thời trang không nên quá nghiêm trọng".

Kenzo - Cái tên của tự do, phóng khoáng và hào hoa - Ảnh 5.

(Ảnh: @kenzotakada_official)

Với lối suy nghĩ nhẹ nhàng này cùng tài năng và sự sáng tạo, Kenzo nhận được nhiều sự yêu mến của mọi người trong ngành công nghiệp thời trang thế giới - nơi sự cạnh tranh rất khốc liệt.

"Kenzo Takada là một nhân vật rất đặc biệt trong thế giới thời trang Paris" - Olivier Gabet, giám đốc Musée des Arts Décoratifs, chi nhánh nghệ thuật ứng dụng của Louvre nói - "Những người không thích hoặc ghét nhau trong lĩnh vực này lại đồng ý với nhau về một điểm - họ yêu ông ấy".

"Ông ấy là một người sùng bái những người trẻ tuổi và có trái tim trẻ" - Gene Pressman, cựu đồng giám đốc điều hành của Barneys, nói về Kenzo.

Kenzo - Cái tên của tự do, phóng khoáng và hào hoa - Ảnh 6.

(Ảnh: Anothermag)

Kenzo giới thiệu dòng quần áo nam vào năm 1983, dòng quần jean vào năm 1986 và nước hoa vào năm 1988, nhưng đến năm 1993, Kenzo gặp khó khăn sau khi người bạn đời của ông qua đời và đối tác kinh doanh của ông bị đột quỵ. Khi ấy, Kenzo quyết định bán công ty của mình cho LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton, tập đoàn thời trang của Pháp, với giá khoảng 80 triệu USD. Mặc dù ban đầu ông vẫn tiếp tục giữ vai trò là nhà thiết kế nhưng tới năm 1999, Kenzo quyết định rời bỏ thời trang. Lý do chính khiến ông rời bỏ công việc từng là đam mê cả đời của mình là vì tốc độ ngày càng điên cuồng và nhu cầu thương mại của nó.

Ông nói với tờ The South China Morning Post: "Mọi thứ đã thay đổi, từ cách chúng ta may quần áo đến cách thông tin lan truyền và số lượng các mùa có trong năm".

"Thời trang ngày nay mang tính dân chủ cao, điều này thật tuyệt, nhưng nó cũng khiến ngành công nghiệp này cạnh tranh gay gắt" - Kenzo Takada.

KENZO - THỜI TRANG VÀ SỰ GẮN KẾT VĨNH CỬU

Kenzo - Cái tên của tự do, phóng khoáng và hào hoa - Ảnh 8.

(Ảnh: New Break)

Kenzo Takada bán doanh nghiệp của mình cho Tập đoàn LVMH vào năm 1993 với giá 80 triệu đô la, sau đó nghỉ hưu. Ông dự định sẽ cho mình "một kỳ nghỉ bất tận" -  như ông nói, nhưng ý định của ông đã không thành. Trong hai thập kỷ kể từ khi đưa ra quyết định đó, người đàn ông 80 tuổi này đã quay trở lại thiết kế nước hoa, đồ nội thất và đồ dùng cá nhân. 

"Tôi phải có một lối thoát sáng tạo" - Kenzo nói - "Tôi phác thảo, tôi vẽ. Tôi đã cố gắng chơi piano. Ít nhất, tôi đã thử một vài lần… "

Trước đó, khi nói về hành trình đến với thời trang, NTK đến từ Nhật Bản đã chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ thực sự hy vọng làm việc trong lĩnh vực thời trang ở Paris bởi vì tôi luôn được bảo rằng một người Nhật sẽ không thể làm được như vậy. Vào thời điểm đó, Nhật Bản có hình ảnh giống như Trung Quốc đã có 10 năm trước - và đó không phải là một hình ảnh tốt. Có cảm giác rằng không ai từ Nhật Bản có thể đủ năng lực trong lĩnh vực này". 

Kenzo - Cái tên của tự do, phóng khoáng và hào hoa - Ảnh 9.

Kenzo và những ngày tháng đầu với thời trang.

"Đó thực sự là một giấc mơ đối với tôi khi đến Pháp" - Kenzo nói tiếp - "Có Nouvelle Vague và Paris trong tất cả các bộ phim tôi đã xem. Đã 60 năm trước nhưng tôi vẫn nhớ mình đã đến ga tàu điện ngầm Gare du Nord và nghĩ: "Chúa ơi, tôi đã mắc sai lầm lớn ở đây!". Mọi thứ thật tối tăm và bẩn thỉu. Chỉ khi tôi được nhìn thấy Nhà thờ Đức Bà được chiếu sáng, tôi mới thay đổi quyết định".

"Khi bắt đầu, tôi không có nhiều tiền, vì vậy tôi đã trộn các loại hàng dệt cổ điển giá cả phải chăng từ Nhật Bản với những món đồ tôi tìm thấy ở các chợ trời ở Paris. Dù sao thì tôi cũng không có người liên hệ phù hợp để nhận bất cứ thứ gì khác, nhưng cuối cùng nó vẫn có tác động lớn. Tôi nghĩ đó là bởi vì tôi đang tìm kiếm một loại bản sắc nào đó như một người ngoài cuộc, vì vậy tôi muốn mang một cái gì đó rất Nhật Bản vào đó, và điều đó có nghĩa là hàng dệt may với nhiều màu sắc và hoa văn". 

"Điều đó đã giúp tôi xác định một phong cách cho riêng mình".

Kenzo - Cái tên của tự do, phóng khoáng và hào hoa - Ảnh 10.

Kenzo trên sàn diễn thời trang năm 1982 với BST Thu Đông. (Ảnh: Gamma-Rapho via Getty Images)

"Nếu tôi có một đóng góp lớn cho thời trang thì điều đó đã giúp mang lại một số khả năng tiếp cận cho nó. Những gì tôi đã làm không hẳn là cơ bản nhưng cũng không phải là thời trang cao cấp, và đây là thời điểm mà thời trang Pháp hoàn toàn là về thời trang cao cấp. Nó tạo ra một thị trường mới theo một cách nào đó". 

"Vào thời điểm đó, bạn không nhận ra rằng những gì bạn đang làm có thể là mới theo một cách nào đó, bởi vì mọi thứ đang diễn ra quá nhanh. Tôi tự cho mình là người rất may mắn vì đó chính xác là thời điểm thích hợp cho những gì tôi đã làm".

"Tôi thích vẽ phác thảo. Cảm giác tuyệt vời nhất là khi tôi nhìn thấy ai đó trên phố mặc một một trang phục được bắt đầu là bản phác thảo của tôi" - Kenzo Takada.

Kenzo - Cái tên của tự do, phóng khoáng và hào hoa - Ảnh 13.

(Ảnh: Guy Marineau/Starface/Headpress//Redux)

Trong những năm tháng cuối đời, Kenzo bắt đầu làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật trang trí, đồ gia dụng và một số thiết kế sân khấu và nhà hát opera. Tuy nhiên, hoạt động của ông không mang tính liên tục. Kenzo đã được phong làm hiệp sĩ của Legion of Honor vào năm 2016 và vào tháng 1 năm nay, ông đã ra mắt thương hiệu phong cách sống K3.

"Với nét vẽ thiên tài, anh ấy đã tưởng tượng ra một câu chuyện mới đầy màu sắc và nghệ thuật kết hợp giữa Đông và Tây - quê hương Nhật Bản và cuộc sống của anh ấy ở Paris" - Giám đốc điều hành K3 Jonathan Bouchet Manheim cho biết - "Anh ấy hào phóng và luôn biết cách chăm sóc những người gần gũi với mình. Anh ấy có niềm đam mê với cuộc sống".

Ông Baptista viết trên Instagram trước tin Kenzo qua đời: "Năng lượng tuyệt vời, lòng tốt, tài năng và nụ cười của ông ấy rất dễ lây lan. Tinh thần nhân hậu của anh ấy sẽ sống mãi".

Thị trưởng Paris, Anne Hidalgo, sau khi nghe tin Kenzo qua đời đã chia sẻ rằng bà cảm thấy một "nỗi buồn vô hạn" khi biết tin này.

___

Lược dịch và tổng hợp: N.A

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước