VTV.vn - Cơn ác mộng ập đến Huawei theo cách quá nhanh và quá nguy hiểm. Tương lai cũng như sự tồn tại của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang là một dấu hỏi lớn.

Ngày 19/5 (giờ Mỹ), tuân theo sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donal Trump, Google tuyên bố ngưng cấp phép sử dụng nền tảng di động Android của mình cho Huawei. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các dịch vụ độc quyền của Google như Youtube, Gmail, Google Maps… cũng như kho ứng dụng Google Play sẽ không thể được sử dụng trên thiết bị của Huawei sau này. 

Huawei từng tuyên bố tham vọng vươn lên ngôi số 1 thị trường smartphone toàn cầu vào cuối năm 2020. Vì vậy, quyết định từ phía Washington được coi như một đòn đánh mạnh vào kế hoạch của hãng sản xuất điện thoại đứng thứ hai thế giới này.

Giọt nước tràn ly

Nhiều ý kiến cho rằng lệnh cấm từ Mỹ đã mở màn cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, những căng thẳng này đã âm ỉ suốt một thời gian dài. 

Bất chấp những nỗ lực thâm nhập thị trường, những tên tuổi lớn từ Mỹ như Facebook hay Twitter đều chịu cảnh lép vế trước các ứng dụng nội địa. Giờ đây, đại bộ phận người Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, không hề quan tâm Facebook, Google hay Twitter là gì. Thay vào đó, họ thoải mái với việc tìm kiếm bằng Baidu thay vì Google, lướt Weibo thay vì Facebook hay Twitter, và nhắn tin bằng Wechat thay vì Facebook Messenger…

Bởi vậy, lệnh cấm Huawei cũng có thể xem như một lời đáp trả từ Tổng thống Trump, rằng Mỹ cũng có thể làm tương tự với doanh nghiệp Trung Quốc.

Làn sóng tẩy chay Huawei: Cơn ác mộng bất ngờ và tương lai nào cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ở thị trường quốc tế - Ảnh 1.

Lệnh cấm từ Tổng thống Trump đã đẩy Huawei vào một tương lai đầy bất định (Ảnh: Businessleader)

Tất nhiên, sự vắng bóng của các ứng dụng phổ biến toàn cầu có thể không phải là một vấn đề lớn tại thị trường Trung Quốc, khi người dân đã quen với việc sử dụng những ứng dụng tương tự được phát triển bởi chính Trung Quốc dưới sự quản lý của chính phủ. Nhưng Huawei không chỉ chơi trên sân nhà. Doanh số của Huawei ở thị trường quốc tế - vốn chiếm đến một nửa doanh số điện thoại của Huawei năm 2018 – đặc biệt là thị trường châu Âu, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Có thể nói, sau gáo nước lạnh từ Mỹ này, giấc mơ dẫn đầu thị trường smartphone thế giới của Huawei sẽ phải tạm lùi lại thêm một thời gian nữa.

Ngư ông đắc lợi

Kẻ khóc người cười là tình cảnh thường thấy mỗi khi có căng thẳng xảy ra. Trong khi Huawei vẫn loay hoay trước những động thái bất ngờ từ phía các doanh nghiệp Mỹ, thì các đối thủ của hãng đã có những tác động trái chiều. Nhất là khi tình cảnh bó buộc hiện tại của Huawei làm không ít cái tên khấp khởi mừng thầm khi có thể giảm bớt đi một "dấu răng" lớn trên "miếng bánh" vốn dĩ cũng không còn mấy phần.

Làn sóng tẩy chay Huawei: Cơn ác mộng bất ngờ và tương lai nào cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ở thị trường quốc tế - Ảnh 2.

Vị trí nhà sản xuất smartphone số 2 thế giới của Huawei đang trở nên lung lay dữ dội

Apple có lẽ là dở khóc dở cười nhất. Vì ngay khi đối thủ lao đao, ông lớn này lại chịu cảnh tai bay vạ gió ngay tại thị trường Trung Quốc. Trong làn sóng giận dữ vì bị tẩy chay, người dùng tại thị trường màu mỡ này đã chứng minh họ cũng có thể chơi một đòn đau bằng việc tẩy chay chính doanh nghiệp con cưng của Mỹ.

"Kịch bản tệ nhất của những cuộc đấu ăn miếng trả miếng kiểu này sẽ ảnh hưởng tới bất kỳ công ty nào bán nhiều sản phẩm tại Trung Quốc, đặc biệt là các công ty công nghệ. Nhưng nếu họ thực sự muốn trả đũa, đó phải là một công ty Mỹ rất nổi tiếng, thậm chí mang tính biểu tượng", ông Tim Bajarin,  chuyên gia phân tích của Creative Strategies nhận định.

Trên mạng xã hội Weibo, một người dùng cho hay: "Nếu Mỹ cấm Huawei thì chúng ta sẽ không sử dụng Apple. Chúng ta cũng không mua bất cứ điện thoại nào dùng chip của Qualcomm luôn".

Một người khác bày tỏ bức xúc: "Tôi đã quyết định sắm thêm một sản phẩm của Huawei thay vì Apple Watch như kế hoạch ban đầu. Huawei đã bị Mỹ chèn ép quá rồi!"

Thực tế, những làn sóng bắt nguồn từ lòng tự tôn dân tộc như trên không phải bây giờ mới có.  Ngược lại thời gian một chút về cuối năm ngoái, bài học đắt giá về vụ thương hiệu thời trang Dolce & Gabbana có động thái xúc phạm tới tinh thần tự tôn của Trung Quốc vẫn còn chưa ráo mực và có lẽ đã khiến các doanh nghiệp nước ngoài cũng phần nào hiểu được tính chất của thị trường này.

"Nếu Mỹ cấm Huawei thì chúng ta sẽ không sử dụng Apple. Chúng ta cũng không mua bất cứ điện thoại nào dùng chip của Qualcomm luôn"

Nếu Huawei có thể bị các doanh nghiệp Mỹ "chia tay", thì quốc gia tỷ dân này cũng sẵn sàng nói không với các sản phẩm từ Mỹ như một cách để thể hiện tình yêu nước. 20% lợi nhuận của Apple đang đến từ thị trường Trung Quốc, và giờ đây nếu không cẩn thận, con số này sẽ có thể rơi về 0 nếu căng thẳng tiếp diễn.

Doanh thu giảm chỉ là "một cơn cảm" đối với Apple, nhưng về lâu về dài, đây sẽ là vấn đề lớn về sản sản xuất. Xét trong danh sách nhà cung ứng của Apple, có gần 400 cái tên đang hoạt động tại Trung Quốc. Trong đó, có những nhà cung ứng chủ lực khó lòng ngừng hợp tác, chẳng hạn dây chuyền làm vỏ máy Jabil, công ty sản xuất bộ cảm ứng lực Nidec.

Đến đây thì có lẽ Samsung chính là ngư ông đắc nhiều lợi nhất, khi mà dù căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở mức độ nào, thì cả 2 đối thủ của hãng là Apple và Huawei đều chịu thương tích. Đây là cơ hội cho Samsung bảo vệ ngôi vương đang bị Huawei nhóm ngó, nhất là khi hãng đang ở thế không bị cấm ở Mỹ, vẫn có thể sống sót tại Trung Quốc, đã có mặt ở Ấn Độ, và cũng chẳng bị áp thuế nhập khẩu cao.

"Kế hoạch B" ấp ủ từ lâu

Phản ứng trước những động thái từ phía Mỹ, nhà sáng lập tập đoàn Huawei, ông Nhậm Chính Phi cho rằng  Mỹ đang đánh giá thấp tiềm lực của họ. 

"Mạng 5G của Huawei sẽ hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Về mặt công nghệ 5G, vẫn chưa có đối thủ nào bắt kịp Huawei trong 2-3 năm tới. Chúng tôi sẽ không dễ dàng từ bỏ việc mua con chip của Mỹ sản xuất, nhưng cũng đã chuẩn bị cho kế hoạch B."

Nhà sáng lập Huawei - Nhậm Chính Phi

Kế hoạch B mà họ nói tới chính là phát triển hệ điều hành riêng, mà như nhiều chuyên gia nhận định, được thúc đẩy từ chính mong muốn được cắt đứt sự phụ thuộc vào Mỹ. Trang CNN trích dẫn lời ông Glenn Schloss - người phát ngôn của Huawei: "Chúng tôi đã luôn tập trung nghiên cứu xây dựng hệ điều hành riêng để có thể sử dụng trong trường hợp cần thiết." Huawei hiện sử dụng hệ điều hành Android của Google cho các sản phẩm điện thoại và Microsoft cho các dòng máy tính xách tay và máy tính bảng. Nhiều thông tin rò rỉ về hệ điều hành của Huawei nói rằng hệ điều hành này có tên gọi là "Hongmeng OS".

Hệ điều hành riêng này dự kiến sẽ ra mắt vào mùa thu năm nay hoặc chậm nhất là vào mùa xuân năm sau (2020). Việc Huawei ra mắt hệ điều hành riêng sẽ không chỉ tổn hại đến doanh số iPhone tại Trung Quốc mà còn trực tiếp tấn công vào thị phần của Android.

Trong khi đó, dù đều là những thương hiệu đến từ Trung Quốc, Oppo, Xiaomi Vivo và OnePlus dù không có trong tay công nghệ 5G cũng như tiềm lực hùng mạnh như Huawei, giờ đây hoặc là cầu nguyện mình không rơi vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ, hoặc là gấp rút rút ra những bài học đắt giá để sinh tồn. Tuyên bố tự tạo ra những phương án thay thế cho các thiết bị, phần mềm trong trường hợp "bị dồn vào đường cùng" của Huawel là động thái, lạc quan hơn mà nói, đã mở ra hướng đi cho các nhà sản xuất thiết bị công nghệ của Trung Quốc bứt phá khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ.

Làn sóng tẩy chay Huawei: Cơn ác mộng bất ngờ và tương lai nào cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ở thị trường quốc tế - Ảnh 5.

Nhà sáng lập và kiêm Chủ tịch Nhậm Chính Phi vẫn đang tỏ ra tự tin để chèo lái "con thuyền" Huawei

Chuyên gia phân tích công nghệ của trang tin Bloomberg Tim Culpan chỉ rõ, "Trung Quốc sẽ không dễ dàng chịu thua. Họ sẽ làm mọi cách, kể cả bơm tiền, để Huawei và các công ty công nghệ nội địa phát triển hệ điều hành điện thoại di động riêng, thiết kế con chip riêng, phát triển công nghệ bán dẫn… và cả áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ riêng. Đúng là tiền không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng nếu tự vượt qua các thách thức trên, Trung Quốc sẽ đảm bảo sản phẩm nội địa vẫn sinh tồn được dù không có công nghệ của Mỹ."

Tự lực cánh sinh là cần thiết, nhưng bước đi này vẫn phải hết sức cẩn trọng, nhất là khi ngẫm đến những kết cục cay đắng mà cả Nokia, Amazon, Microsoft... đều đã đầu hàng vô điều kiện khi tự phát triển hệ điều hành riêng.

Tương lai nào cho Huawei tại thị trường quốc tế?

Câu hỏi đặt ra là, kể cả khi lòng tự tôn dân tộc khiến người dân Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận sản phẩm Huawei với hệ điều hành riêng, thì liệu người dùng quốc tế có muốn sử dụng một sản phẩm tách biệt với cả thế giới? Ở châu Âu - thị trường lớn thứ nhì của Huawei, rất khó để thuyết phục người tiêu dùng bằng lòng chấp nhận sự phiền phức khi không được sử dụng các ứng dụng phổ biến toàn cầu như Gmail hay Youtube.

Ông Geoff Blaber, Phó chủ tịch nghiên cứu của CCS Insight cho biết: "Các ứng dụng độc quyền của Google đóng vai trò then chốt để các nhà sản xuất smartphone có thể cạnh tranh ở các khu vực như châu Âu." Do đó, điện thoại Huawei chắc chắn sẽ phải làm nhiều hơn là trang bị camera tốt để có thể cạnh tranh với các hãng điện thoại khác.

Làn sóng tẩy chay Huawei: Cơn ác mộng bất ngờ và tương lai nào cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ở thị trường quốc tế - Ảnh 6.

Huawei có thể thuyết phục người dùng sử dụng một chiếc smartphone không có Gmail, YouTube...?

Bên cạnh đó, cũng có những hoài nghi về khả năng Huawei bứt phá khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung chip từ Mỹ. HiSilicon Technologies là tập đoàn sở hữu nhà thiết kế chip hàng đầu Trung Quốc tự tin có thể thiết kế những dòng chip riêng cho các sản phẩm của Huawei, và có hiệu năng không hề thua kém các tên tuổi khác.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, gần như tất cả các loại chip dùng trên điện thoại di động, dù là Apple A của Apple, Snapdragon của Qualcomm, Exynos của Samsung hay chính Kirin của Huawei, đều không thể thiếu thiết kế nhân chip của ARM. Công ty Anh quốc tạo ra những thiết kế này và bán lại cho các nhà sản xuất, hoặc cung cấp bản quyền tập lệnh, cho phép các doanh nghiệp như Apple, Qualcom hay Huawei tuỳ biến thiết kế sao cho phù hợp với sản phẩm của mình.

Làn sóng tẩy chay Huawei: Cơn ác mộng bất ngờ và tương lai nào cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ở thị trường quốc tế - Ảnh 7.

Tất cả các loại chip trên điện thoại di động đều cần thiết kế nhân của ARM

Việc ARM ngừng hợp tác, nhiều khả năng sẽ không ảnh hưởng đến những mẫu chip mới nhất hiện nay của Huawei như Kirin 985. 

Thế nhưng, công ty Trung Quốc sẽ không còn có thể sử dụng các thiết kế, tập lệnh mới nhất của ARM để sản xuất chip trong tương lai, đồng nghĩa với sự tụt hậu về công nghệ so với các đối thủ cạnh tranh. Việc cố gắng sử dụng các thiết kế cũ sẽ dẫn tới những rắc rối pháp lý khi Huawei bán sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Lựa chọn khả dĩ nhất chính là Huawei tự mình tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh bị hàng loạt đối tác quay lưng như hiện nay, việc thiết kế một con chip vừa hiện đại, vừa không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của tất cả các hãng, sẽ tiêu tốn của Huawei hàng chục tỷ USD và rất nhiều thời gian.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu như việc thiếu vắng hệ điều hành Android chỉ có thể gây khó cho Huawei trên thị trường quốc tế, thì sự quay lưng của ARM có thể đe dọa đến toàn mảng kinh doanh điện thoại di động của doanh nghiệp này.

Sau khi Huawei bị tước quyền sử dụng Android, một số công ty khác tại Anh và Nhật Bản đã có những động thái tạm ngưng hợp tác Huawei. Mới đây, hai nhà mạng lớn hàng đầu châu Âu là EE và Vodafone ra thông báo sẽ ngưng bán điện thoại của Huawei cho khách hàng dùng mạng 5G. Đại diện của Vodaphone cho biết điện thoại 5G của Huawei vẫn chưa có được các chứng nhận cần thiết.

Làn sóng tẩy chay Huawei: Cơn ác mộng bất ngờ và tương lai nào cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ở thị trường quốc tế - Ảnh 8.

Huawei đang trở thành con "tốt thí" trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

Nhà mạng EE, thuộc sở hữu của tập đoàn viễn thông khổng lồ BT của Anh, cho biết họ sẽ tạm thời không cung cấp dịch vụ 5G trên thiết bị của Huawei cho đến khi "biết chắc rằng khách hàng của mình khi mua điện thoại Huaweisẽ được hỗ trợ dịch vụ trọn đời’’ – trích lời Marc Allera, Giám đốc điều hành Bộ phận tiêu dùng của công ty mẹ nhà mạng EE. Trong khi đó, tại Nhật Bản, hai hãng viễn thông lớn cho biết họ đang xem xét lại việc bán series điện thoại mới của Huawei.

Hiện tại Bộ Thương mại Mỹ đã cấp một giấy phép tạm thời kéo dài 3 tháng cho Huawei để các công ty Mỹ có thể cập nhật các thiết bị Android của họ.

Theo các chuyên gia, vẫn có khả năng Huawei được chính quyền của ông Trump sử dụng như một con bài để tạo lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo với Trung Quốc.

Nếu theo kịch bản đó, Huawei có thể được xóa khỏi danh sách đen nhưng điều này không ngăn được việc chính quyền Mỹ vẫn coi Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia và vẫn có những biện pháp để hạn chế. Khó khăn vẫn có thể đang chờ đợi Huawei ở phía trước!

Nhật Anh - Duy Cường

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước