VTV.vn - Ông Dương Quang Phái, Nguyên Thư ký Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung Ương, đã có những chia sẻ với VTV News về hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong hơn 1 năm qua.

Từ ngày 28-31/5/2018, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tổ chức họp kỳ thứ 26 và xem xét kết luận một số nội dung có liên quan đến sai phạm của hàng loạt cán bộ cấp cao, nguyên là các lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành hay thậm chí có người còn đang đương nhiệm.

Những động thái kiểm tra, xử lý mạnh tay, nghiêm minh, không có "vùng cấm" dành cho bất cứ thành phần nào từ Ủy ban Kiểm tra TƯ đang nhận được những sự phản hồi tích cực trong quần chúng nhân dân. 

[MAGAZINE] Ủy ban Kiểm tra Trung ương - Đột phá khẩu của cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng phát động - Ảnh 1.

Ông Dương Quang Phái có thời gian dài là Thư ký của Cố Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Kiên (trái).

Cùng bàn luận với Báo Điện tử VTV News, ông Dương Quang Phái, Nguyên Vụ trưởng, Thư ký của Cố Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Trần Kiên đã có bình luận rằng: Hoạt động của Ủy ban Kiểm tra TƯ trong thời gian vừa qua giống như "đột phá khẩu" của cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng phát động.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương - "Đột phá khẩu" của cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng phát động.

P.V: Gần đây, kết quả kiểm tra, kỷ luật của Đảng được công bố rất minh bạch và sớm. Ông đánh giá như thế nào về đổi mới này?

- Ông Dương Quang Phái: Năm 2017 đánh dấu một năm hoạt động nhiều khởi sắc của Ủy ban Kiểm tra TƯ, đã kiểm tra được nhiều tổ chức Đảng và Đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là những Đảng viên thuộc Bộ Chính trị, mở toang ra cánh cửa để các cơ quan chức năng khác, ví dụ như cơ quan điều tra Bộ Công an, để làm rõ được bản chất của vấn đề vi phạm, đó không chỉ là những vi phạm về mặt kỷ luật Đảng mà còn vi phạm về mặt pháp luật. Những sai phạm ở đây đã kéo dài trong thời gian quá dài, hình thành nếp không lành mạnh, không được phép tồn tại trong đội ngũ cán bộ. Do đó, những hoạt động của Ủy ban Kiểm tra TƯ năm 2017 có thể coi là những tiếng chuông, những lời thức tỉnh, có tác dụng răn đe, cảnh báo với những người đang có ý định vi phạm.

Bước sang năm 2018, Ủy ban Kiểm tra TƯ tiếp tục thực hiện mạnh tay các hoạt động thanh, kiểm tra ở các Bộ… Đây là hoạt động mang ý nghĩa lớn, như một "đầu tàu" xông lên mở toang cánh cửa, cổ vũ mọi người cùng tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng phát động. Sự khởi sắc trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng thể hiện quyết tâm lớn của Trung ương Đảng, Bộ chính trị, Ban Bí thư, nhất là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Số lượng tham ô, tham nhũng trong bộ máy Đảng và Nhà nước có lẽ còn nhiều hoặc thậm chí là rất nhiều, không ở riêng đâu, có thể xuất hiện ở cả 63 tỉnh thành.

Ông Dương Quang Phái

Song rõ ràng, Ủy ban Kiểm tra TƯ không đủ sức để thanh kiểm tra toàn bộ bộ máy, toàn bộ đội ngũ cán bộ khi có dấu hiệu vi phạm. Vậy thì nên tập trung vào tổ chức Đảng, cấp dưới trực thuộc trung ương và những cán bộ đứng đầu ngành, đứng đầu địa phương. Làm cho người đứng đầu thực sự "sạch sẽ", thì người đứng đầu sẽ quản lý và làm nhiệm vụ kiểm tra với các cán bộ cấp dưới. Ví dụ Bộ trưởng "sạch sẽ" thì sẽ kiểm tra được các Thứ trưởng. Và các Thứ trưởng sẽ không dám có sai phạm để rồi khi các Thứ trưởng làm tốt nhiệm vụ của mình, dưới cấp Vụ sẽ không dám làm sai.

[MAGAZINE] Ủy ban Kiểm tra Trung ương - Đột phá khẩu của cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng phát động - Ảnh 4.

Theo ông Phái, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên tập trung làm trong sạch những người đứng đầu, tạo hiệu ứng lan tỏa từ cấp trên xuống dưới.

Vì thế tôi cho rằng trong thời gian sắp tới, Ban Kiểm tra TƯ cần tập trung "làm sạch" người đứng đầu từ các Bộ, Ngành Trung ương tới các địa phương, cấp ủy địa phương, chính quyền địa phương… thì tôi tin rằng sẽ có một sự chuyển biến tốt lan tỏa. Và những người đứng đầu ấy phải có trách nhiệm kiểm tra cán bộ cấp dưới và tổ chức Đảng cấp dưới.

Ủy ban kiểm tra Trung Ương sẽ không đủ sức để với tới từng ngóc ngách địa phương. Cơ quan này phải là đầu tàu, là những người "đột phá khẩu", huy động sức người từ cả bộ máy trong hệ thống tham gia vào công tác kiểm tra, như vậy, công tác chống tham nhũng mới thực sự đạt được kết quả.

Nhìn chung, từ thành tựu ban đầu này, chúng ta cần nhân rộng công tác chống tham nhũng, nhân rộng nó thành phong trào của cả hệ thống chính trị và toàn thể quần chúng nhân dân. Quần chúng nhân dân đang phấn khởi khi nhìn thấy công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng đang thu được những kết quả. Nhưng so với yêu cầu làm trong sạch bộ máy của Đảng và nhà nước thì những gì đạt được chỉ mới là bước đầu, còn ít ỏi, phải tích cực gấp nhiều lần nữa mới có thể xứng danh là bộ máy "của dân, do dân và vì dân".

Việc công bố như vậy cho thấy Đảng rất công minh, nghiêm khắc, nghiêm túc trong công tác kiểm tra. Tuy nhiên, cũng cho thấy không ít lãnh đạo cấp cao của Đảng vì phạm nghiêm trọng kỷ luật, kỷ cương, phẩm chất đạo đức cán bộ Đảng viên. Liệu theo ông điều đó có làm ảnh hưởng uy tín của Đảng không? Tại sao?

Tôi không cho rằng uy tín của Đảng bị giảm đi mà ngược lại đã tăng lên. Đất nước ta không thiếu người có tài có đức để thay thế. Còn những người trong bộ máy đã tham nhũng rồi thì không thể vì dân vì nước được.

Ông Dương Quang Phái

Những kẻ suy thoái về mặt đạo đức, suy thoái về mặt chính trị đều bắt nguồn từ sự suy thoái về mặt kinh tế. Khi người đó chỉ tính toán đến tiền, lo cho lợi ích của bản thân thì không có thời gian để lo cho lợi ích của nhân dân. Giống như những người tham gia vào lợi ích nhóm thì không bao giờ nghĩ tới lợi ích của toàn dân được nữa.

Từ đó, chúng ta mới đi được tới sự công bằng của các cá nhân trước pháp luật, công tội phải nghiêm minh. Hơn nữa, công tác kiểm tra hoàn toàn diễn ra dân chủ, công bằng. Đây không phải là hoạt động đấu tố trên diện rộng mà là xử lý đúng người, đúng tội, có bằng chứng cụ thể.

Mới đây, Ban chấp hành Trung ương đã giao thêm quyền hạn cho Ủy ban Kiểm tra TƯ, cho phép Ủy ban có quyền được yêu cầu Đảng viên có dấu hiệu vi phạm về mặt tham nhũng, không được phép xuất cảnh. Theo tôi, đây là thay đổi tốt. Vì trên thực tế thời gian vừa qua đã cho chúng ta thấy rằng, nhiều cá nhân có những sai phạm lớn, khi thấy có động tĩnh về việc bị xử lý, đã lập tức trốn sang nước ngoài.

[MAGAZINE] Ủy ban Kiểm tra Trung ương - Đột phá khẩu của cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng phát động - Ảnh 6.

Ông Dương Quang Phái cho rằng quyền hạn cấm xuất cảnh đối với những cá nhân tình nghi vi phạm kỷ luật nên được áp dụng sâu rộng hơn. Tránh trường hợp để "việc đã rồi".

Song tôi cho rằng quyền hạn này phải được áp dụng cả vào trong công tác phòng ngừa, chứ không phải chỉ tới lúc Ủy ban Kiểm tra TƯ phát hiện ra dấu hiệu vị phạm rồi thì mới yêu cầu không được xuất cảnh. Ủy ban Kiểm tra TƯ cần đề nghị Bộ Chính trị yêu cầu các đơn vị quản lý khác có trách nhiệm phối hợp trong công tác này. Vì một mình Ủy ban Kiểm tra TƯ không thể kiểm tra được hết, mà thậm chí khi người vi phạm chưa bị kiểm tra, họ cũng đã bỏ trốn rồi.

Ví dụ như những người có dấu hiệu tham nhũng có thể sẽ chuyển tiền sang ngân hàng nước ngoài, mua nhà ở nước ngoài… đây là những thông tin mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam có biết. Công tác phòng ngừa ở đây là tốt song cần được quy định chi tiết hơn nữa để có được hiệu quả cao hơn.

Trước đây, khi Nghị quyết Trung ương 4 nhận định, có một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên, thậm chí là cán bộ Đảng viên cấp cao suy thoái đạo đức, lý tưởng. Dư luận rất băn khoăn, bức xúc vì không chỉ rõ được "bộ phận không nhỏ" là bao nhiêu? Ai là người trong số "không nhỏ" đó. Giờ, bức xúc trong dư luận đã được giải tỏa, niềm tin vào Đảng cũng tăng lên. Ông có bình luận gì về phản ứng của số cán bộ tha hóa, biến chất nhưng chưa bị xem xét kỷ luật? Liệu họ có nhìn vào các trường hợp bị kỷ luật mà lo cải tà, quy chính; có tự sửa sai, tự nỗ lực để gột rửa chàm đã dính?

Qua theo dõi của tôi thì có những trường hợp hồi tâm chuyển ý, cải tà quy chính đến từ sau những hiệu quả của công tác triệt để kiểm tra và xử lý vi phạm. Nhiều trường hợp bị công bố những sai phạm cũng đã khai ra những đồng phạm, đồng thời, nộp lại tiền tham nhũng, nhằm được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Nên nhớ rằng công tác chống tham nhũng không phải là đẩy những người vi phạm tới con đường cùng mà là chỉ ra những sai phạm khiến người phạm tội nhận thức được việc làm sai trái, đồng thời, làm cách nào thu lại tiền cho nhà nước, cho nhân dân.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! 

Hải Minh
Duy Nguyễn
6/6/2018
X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước