VTV.vn - Nhạc sĩ Nguyễn Phú An đã gọi nhạc sĩ Phú Quang là "Hoàng tử út ít của bà nội" trong lời tiễn biệt.

Ngay sau khi tin nhạc sĩ Phú Quang ra đi được truyền thông đăng tải vào sáng 8/12, ca sĩ Ngọc Anh – người được cho là thể hiện thành công nhiều các sáng tác của Phú Quang – đã viết một dòng chia sẻ ngắn gọn trên tài khoản mạng xã hội của cô, một chia sẻ rất ngắn nhưng đầy cô đọng về sự nuối tiếc và mất mát: "Rồi cuối cùng người cũng bỏ ra đi. Vớt vãi mãi còn câu ca ở lại".

Một người yêu nhạc của ông đã viết một bình luận sau đó và cũng như Ngọc Anh, đó là một câu ngắn, đầy sự mất mát: "Hà Nội đã mất đi một di sản lớn". Câu nói ấy cũng đã khái quát rất nhiều điều - về dấu ấn Phú Quang để lại trong hành trình của mình, về những thành tựu ông đã tạo ra trên đường đi ấy, về tình cảm những người yêu mến dành cho ông.

Nhạc sĩ Nguyễn Phú An – con trai nhạc sĩ Nguyễn Phú Ân, anh trai nhạc sĩ Phú Quang – nói anh nghĩ chú mình, trong những ngày tháng cuối đời "cũng thỏa ước nguyện được Hà Nội ôm vào lòng" dù "có lẽ chú cũng chưa chuẩn bị cho việc ra đi"…

Nhạc sĩ Phú Quang - Hoàng tử út ít và những mảnh hồi ức chợt hiện - Ảnh 1.

Các trang báo lớn tại Việt Nam đều đồng loạt đăng tải thông tin về sự ra đi của nhạc sĩ Phú Quang. Theo chia sẻ từ vợ của nhạc sĩ, bà Trịnh Anh Thư, ông đã trút hơi thở cuối cùng vào 8 giờ 45’ sáng tại Bệnh viện Việt - Xô sau gần 2 năm sức khỏe chuyển biến không tốt.

Trên thực tế, trong gần 2 năm qua, những khán giả yêu mến Phú Quang thỉnh thoảng lại được nghe một vài tin tức về tình trạng sức khỏe của ông trên báo chí với những thông tin như "sức khỏe của nhạc sĩ Em ơi Hà Nội phố có những chuyển biến rất xấu", "những người thân, bạn bè đều cảm thấy lo ngại, mong ông sớm vượt qua"… Và sau 1 năm từ khi tin tức về tình trạng bệnh của ông được đăng tải, mọi thứ dường như không nhiều tia sáng khi trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7/2021, vợ nhạc sĩ Phú Quang đã nói về tình trạng bệnh của ông mà qua đó, có thể thấy tương lai về việc ông phục hồi không có nhiều triển vọng.

Nhạc sĩ Phú Quang - Hoàng tử út ít và những mảnh hồi ức chợt hiện - Ảnh 2.

(Ảnh: An Vy)

"Hiện anh Quang vẫn đang điều trị tại bệnh viện Việt -  Xô do mắc biến chứng của bệnh tiểu đường. Anh phải thở máy, lọc thận nhân tạo hai ngày một lần, không thể đi lại được" – bà Trịnh Anh Thư nói – "Dù thuê người chăm sóc vì phải đi làm nhưng hàng ngày tôi vẫn vào thăm anh, trò chuyện, bật nhạc cho anh nghe. Do dịch bệnh nên bệnh viện hạn chế người vào thăm. Giờ trước khi vào thăm, tôi phải làm xét nghiệm, chờ kết quả nửa tiếng. Dù không nói được nhưng nói chuyện thì anh vẫn nhìn, có lúc anh mỉm cười, dù không rõ ràng lắm".

"Kể từ khi nhập viện từ tháng 5 năm ngoái, phải đặt ống nội khí quản, anh không thể nói chuyện được nữa. Tôi rất thương anh Quang, chắc anh không nghĩ mình sẽ ốm nặng như thế này. Anh vẫn chỉ nghĩ mình đến bệnh viện điều trị đỡ bệnh rồi lại về như bao lần khác… Anh không nghĩ chuyến đi này có thể là chuyến đi cuối cùng…".

Vào thời điểm đó, khi nghe tin tình trạng bệnh của nhạc sĩ Phú Quang chuyển biến xấu, nhiều nghệ sĩ bày tỏ sự buồn bã. Vì đại dịch diễn biến phức tạp, dù yêu mến ông nhưng bạn bè, đồng nghiệp không có cơ hội đến thăm.

Và rồi, cái ngày không mong đợi – nhưng dường như đã được báo trước ấy – đã đến. Nhạc sĩ Phú Quang đã kết thúc hành trình của mình, một hành trình dài 72 năm, vào 8 giờ 45’ sáng ngày 8/12. Nhạc sĩ Phú Quang ra đi nhưng những tác phẩm của ông thì còn mãi trong trái tim những người yêu mến ông.

Nhạc sĩ Phú Quang - Hoàng tử út ít và những mảnh hồi ức chợt hiện - Ảnh 3.

Trò chuyện với VTV News vào đêm muộn ngày 8/12, nhạc sĩ Nguyễn Phú An - cháu ruột, người gọi nhạc sĩ Phú Quang bằng chú, hiện đang sống tại Ba Lan nói: "Tôi nghĩ, có lẽ chú cũng chưa chuẩn bị cho việc ra đi đâu dù chú đã có tới 2 lần đã chết trước khi thực sự ra đi lần này".

"Cách đây gần 10 năm là một cơn đột quỵ, vỡ mạch máu não. Khi ấy gia đình cũng đã xác định. Nhưng chú lại quay lại tuy yếu đi từ đó" - nhạc sĩ Phú An nói tiếp - "Lần này, khi cơn co giật từ cả 2, 3 tuần nay từ từ dịu đi, cả nhà tưởng chú lại chiến thắng nhưng phép màu không đến mãi…".

"Chú Quang yêu Hà Nội kinh khủng. Dù Sài Gòn đã giúp chú trở nên nổi tiếng và chú cũng thỏa ước nguyện được Hà Nội ôm vào lòng những giây phút cuối đời".

Nhạc sĩ Nguyễn Phú An

Cũng trong chia sẻ của mình, nhạc sĩ Phú An đã nói về những hồi ức với người chú của mình - người mà như anh nói, vẫn được gọi là "Hoàng tử út ít của bà nội". 

"Lẽ ra hay có thể, bố tôi là Út. Vì nhà là con Quan nên bố tôi được gọi là Cậu ấm. Sau đó lại có thêm chú vào 9 năm sau. Chú từ nhỏ sức khỏe đã không được tốt nhưng ông Trời luôn công bằng, chú lại có trí tuệ khá phi thường. Chú Quang đọc rất nhiều, tất cả các thể loại. Bà nội tôi yêu chú Quang lắm. Đến lúc sắp về với ông tôi mà bà vẫn cố đợi chú về mới yên lòng ra đi. Nên gọi chú là Hoàng tử út ít của bà nội là vì vậy".

"Nhưng cũng phải nói rõ một chút, ông và bà tôi lúc còn sống luôn yêu thương con, cháu vô điều kiện, yêu tất cả con, cháu, chắt... Nên đến đời các bác, bố tôi, chú tôi, chúng tôi có thể ở nhà bất kỳ ai trong họ hàng từ vài tháng đến cả năm như ở nhà mình".

Nhạc sĩ Phú Quang - Hoàng tử út ít và những mảnh hồi ức chợt hiện - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Phú An (ngoài cùng bên phải) trong một bức ảnh chụp chung với nhạc sĩ Phú Quang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ngày hôm nay, rất nhiều người chia sẻ trên Facebook của họ về sự ra đi của nhạc sĩ Phú Quang. Phần lớn họ là khán giả, những người yêu các sáng tác của Phú Quang. Nhìn điều đó anh cảm thấy gì?

- Buồn. Nhưng tôi không đọc vì tôi biết, chú Quang - như người đời hay gọi là thiên tài về một mặt nào đó, chắc chắn sẽ được yêu thương và tiếc nuối. Nên tôi không đọc. Tôi chỉ đang nghe nhạc của chú, những bài mà tôi thích.

Như anh nói lúc đầu cuộc trò chuyện, anh và nhạc sĩ Phú Quang có một khoảng thời gian rất gần gũi?

- Chú Quang là út trong gia đình, sinh sau bố tôi. Chú sinh ra khi bà nội tôi đã khá lớn tuổi nên từ lúc chú sinh hạ đến khi lớn lên đã là diệu kỳ. Ý tôi là sự tồn tại về mặt sức khỏe. Trên thực tế, nếu bác cả tôi không cứu bằng một mũi tiêm thẳng vào tim lúc chú mới được vài tuổi thì có lẽ chúng ta không có một nhạc sĩ Phú Quang như bây giờ. Chú Quang cũng có tên thánh từ đó dù nhà tôi không ai theo đạo.

Anh có thể nói cụ thể về câu chuyện lúc đó không?

- Tôi không thật sự nhớ rõ câu chuyện nhưng theo bố tôi, bác cả tôi (bác Phú Đắc, đã mất) thì chú bị đuối nước và đã ngừng thở. Bác tôi ngày đó là dân Tây học, là y sĩ Việt Minh, phi ngựa về vừa kịp và quyết định tiêm một mũi thẳng vào tim chú. Và chú đã sống lại để hôm nay lại lên Trời gặp ông, bà và các bác tôi.

Trong mắt anh nhạc sĩ Phú Quang là một người như thế nào - có khác với nhạc sĩ Phú Quang mọi người vẫn hay nói về?

Nhạc sĩ Phú Quang - Hoàng tử út ít và những mảnh hồi ức chợt hiện - Ảnh 6.

Nhạc sĩ Phú Quang trong một buổi ký tặng sách. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

- Tôi là con trai "độc" trong nhà nhưng chú Quang đón vào Sài Gòn để làm quen với nhạc nhẹ từ những năm 1990. Lúc đó phía Bắc mình âm nhạc phát triển chủ yếu là classic. Tôi ở cùng chú trong khoảng từ năm 1991-1993. Trong thời gian này tôi có cơ hội quan sát chú Quang khá kỹ và hiểu được tại sao chú tồn tại được ở Sài Gòn - đất của các nhạc sĩ tài năng và nhanh nhẹn , lại được ảnh hưởng âm nhạc phương Tây. Tôi nhận ra chú Quang quả thật khác thường - từ âm nhạc đến cách cư xử ngoài đời, đặc biệt là sự thông minh trong đối đáp. Chú từng nói nếu mà chú không đi theo âm nhạc thì chú thích viết sách.

Người ta nói nhiều về Phú Quang nhưng có một khía cạnh khác của ông ít người nhắc đến, đó là viết nhạc phim. Thời "phim mì ăn liền" lên ngôi, ông viết cả cho phim video lẫn phim điện ảnh hàn lâm. Trong một bài báo xuất bản thời điểm 93/94, người ta thậm chí thống kê ông kiếm được gần 200 cây vàng riêng viết nhạc phim.

Thời điểm đó chú Quang đã nổi tiếng rồi, những bài hát của chú có thể được nghe ở khắp nơi. Tôi có thể nghe thấy những bài hát ấy ở trên xe, trong nhà bạn bè tôi. Mà bạn tôi họ đều không biết tôi là cháu của chú Quang. Nói thật, tôi luôn cảm thấy xấu hổ khi nhận là cháu chú Phú Quang, con bố Phú Ân. Lúc đó thấy xấu hổ vì nghĩ như kiểu mình "ăn theo" tên tuổi của chú, của bố. Giờ già rồi mới thấy mình ngớ ngẩn. 

Chú Quang không giống như nhiều người là cần sự ghi nhận từ cơ quan, đoàn thể, tổ chức. Chú không quan trọng chuyện đó. Tôi nghĩ có thể vì thế nên chú tập trung hơn, viết nhanh và nhiều hơn và may mắn, có nhiều tác phẩm hay hơn nhiều nhạc sỹ khác một chút. Đó là những nét mà tôi thấy chú Quang khác biệt so với mọi người. Tôi chỉ nhận thấy vài điểm khác biệt nho nhỏ như vậy.

Điều anh học được lớn nhất từ nhạc sĩ Phú Quang là gì? Và khoảng thời gian sống với chú có ý nghĩa như thế nào với anh? Có ảnh hưởng đến anh nhiều về quan điểm không?

- Tôi không học được gì ngoài số phận khá giống nhau và level thì cách biệt như Trời với Đất. (cười)

Những năm tháng ở cạnh chú khi đó đôi khi có cả giận dỗi, oán trách chú vì chú bận không... đi chơi cùng tôi. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là chú Quang khi sung sức không có đối thủ. Chú nhanh, chuẩn xác và đầy cảm xúc. Cái này là tôi nói âm nhạc của chú.

Anh thấy từ "tài hoa" đã miêu tả đủ và đúng về nhạc sĩ Phú Quang chưa?

- Chuẩn. Chú là người tài hoa. Nhắc về chú, ký ức của tôi lại lan man nhiều thứ lắm. Duy có điều khiến tôi tiếc nuối là mãi chưa bắt tay vào làm một bài cho chú và cho bố tôi. Thời gian thì không chờ đợi ai. Tôi xấu hổ và ân hận. Bố tôi cũng đang nằm viện, chỉ cách chú tôi mấy dãy nhà thôi… Cho đến lúc này tôi vẫn chưa dám gọi cho bố tôi.

Cả nhà tôi, lúc nào cũng vậy, luôn tự hào và hãnh diện về chú. Lúc này, tôi mong chú bình an và thanh thản về với ông bà và các bác. 

Nhạc sĩ Phú Quang - Hoàng tử út ít và những mảnh hồi ức chợt hiện - Ảnh 8.

Trong một cuộc trò chuyện với báo chí sau khi nhạc sĩ Phú Quang ra đi, anh trai ông - nhạc sĩ Nguyễn Phú Ân, người hiện cũng đang nằm điều trị tại bệnh viện - đã nói về những tình cảm của ông với người em đặc biệt của mình. Những chia sẻ của nhạc sĩ Phú Ân xoay quanh câu chuyện về nhạc sĩ Phú Quang trong những năm tháng ấu thơ cho tới khi trưởng thành - với những thăng trầm trong đời sống. 

Và sau tất cả, nhạc sĩ Phú Ân khẳng định nhạc sĩ Phú Quang là niềm tự hào của cả gia đình. Và ông tin rằng, khi kỷ niệm những người mình yêu thương còn thì người đó sẽ chẳng bao giờ chết, họ sẽ còn sống mãi. 

Và với nhạc sĩ Phú Quang, những tác phẩm của ông, những cống hiến và tình cảm của ông với khán giả, với cuộc sống - những điều ông đã xây dựng và vun đắp trong suốt hành trình 72 năm của mình - vẫn ở lại, sẽ ở lại mãi...

Nhạc sĩ Phú Quang - Hoàng tử út ít và những mảnh hồi ức chợt hiện - Ảnh 9.

Nhạc sĩ Phú Quang trong một bức ảnh cũ được con gái ông, nghệ sĩ Trinh Hương, chia sẻ.

Cái đặc trưng nhất của Phú Quang là tuy ông phổ nhạc của nhiều nhà thơ khác nhau nhưng nghe nhạc ông rất riêng. Nếu nói ca từ của Trịnh Công Sơn là một thứ triết thi, thì Phú Quang làm điều ngược lại - ông dùng âm nhạc của riêng ông để "thuần hoá" tất cả cá tính thơ khác biệt...

___

Người thực hiện: ĐLNA

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước