VTV.vn - Chia sẻ về việc tác nghiệp của phóng viên những ngày này, NB Thu Hà - Quyền trưởng Ban Thời sự - nói nhiều khi việc của chị chỉ là cố kiềm chế sự nhiệt tình của anh em.

Chúng tôi không hy vọng bài viết này có thể chuyển tải hết được không khí thực sự, những gì đang diễn ra... nhưng mong rằng, nó có thể mang đến cho các bạn một hình dung nào đó, một lát cắt nào đó về những gì các phóng viên, biên tập viên, quay phim - những người làm nên những bản tin Thời sự trên sóng VTV - đã và đang trải qua trong những ngày này, những ngày làm việc theo một cách chưa từng có trước đây...

"TÒA NHÀ VTV CÓ PHẢI BỊ CÁCH LY THÌ TẦNG 4 BAN THỜI SỰ VẪN PHẢI HOẠT ĐỘNG..."

Đây là lời khẳng định của nhà báo Thu Hà - quyền Trưởng Ban Thời sự, Đài THVN - với phóng viên VTV News trong cuộc phỏng vấn ngắn với chị về việc tác nghiệp của phóng viên Ban Thời sự trong những ngày này - những ngày cả nước căng mình chống đại dịch COVID-19.

Phóng viên Thời sự tác nghiệp trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhà báo Thu Hà - Quyền Trưởng ban Thời sự, Đài THVN.

Những ngày qua của chị như thế nào, trong vai trò của một phóng viên Thời sự?

- Là người làm thời sự, chúng tôi đã quen và luôn sẵn sàng với những tình huống bất ngờ - thiên tai, dịch, họa... - nhưng quả thật, đại dịch lần này vượt qua dự đoán của tất cả mọi người.

Chỉ gần 4 tháng kể từ khi bắt đầu xuất hiện thông tin về dịch ở Vũ Hán mà thế giới đã thay đổi quá nhanh và mỗi người cũng phải thay đổi cách sống, cách làm việc và suy nghĩ của mình. Với người làm thời sự chúng tôi cũng như mọi người cũng phải lo phòng dịch cho mình, lo lắng cho gia đình, người thân nhưng còn một nhiệm vụ quan trọng không kém là đảm nhận trách nhiệm là nguồn thông tin quan trọng và thường xuyên đối với khán giả Việt Nam trong dịch bệnh.

Chưa bao giờ bản tin Thời sự có rating (lượng người xem) cao như vậy, bất kể là giờ cao điểm hay giờ thấp điểm. Khán giả theo dõi từng phút, từng giờ thông tin cập nhật trên các bản tin của VTV. Vì vậy, chúng tôi càng phải nêu cao trách nhiệm của mình vì chỉ một thông tin không chuẩn, lời bình không đúng mực là có thể gây ra hoặc là hoảng loạn hay ngược lại là sự chủ quan thờ ơ với dịch bệnh, cả hai tình huống đều có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Còn nếu thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, khuyến cáo đúng đắn, dễ hiểu và dễ nhớ thì có thể góp phần không nhỏ vào công tác phòng chống dịch.

Và chúng tôi cũng tự hào rằng từ đầu mùa dịch tới giờ VTV đã thực hiện rất tốt , tận tụy và sáng tạo nhiệm vụ thông tin và truyền thông phòng chống dịch tới cộng đồng.

Phóng viên Thời sự tác nghiệp trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Một phần khu vực làm việc của Ban Thời sự, Đài THVN trong những ngày này. Các đạo diễn, phóng viên, kỹ thuật, đồ hoạ, khối biên tập phát sóng sẽ chia kíp làm việc, ăn ngủ ngay tại Ban Thời sự trong 7 ngày không ra ngoài. Có khoảng 30-40 người đảm bảo phục vụ phát sóng tất cả các bản tin Thời sự trong ngày. Các nhân viên này sẽ đảm bảo an toàn sóng của Ban Thời sự, đảm bảo phát sóng nhanh nhất các thông tin chính xác, tin cậy của các phóng viên đưa về.

Trong vai trò lãnh đạo, chị có thể nói qua về việc tác nghiệp của các phóng viên Ban Thời sự trong thời gian qua - việc điều động cũng như tác nghiệp trong đại dịch?

- Ngay khi có tin tức đầu tiên về dịch COVID-19, với đặc thù công việc là một hoạt động thiết yếu, chúng tôi đã phải tính từ rất sớm phương án tác nghiệp an toàn và thích nghi khi có dịch. Đầu tiên là trang bị các phương tiện như khẩu trang, sát khuẩn cho đội ngũ, ra quy định về tác nghiệp, sát khuẩn xe cộ phương tiện, chuyển hoàn toàn các cuộc họp sang online và sau đó là giảm tiếp xúc trong tác nghiệp bằng cách vận dụng công nghệ, huy động vốn tại chỗ của các đồng nghiệp và của chính nhân vật. Nhiều nhân vật tự quay phỏng vấn, tự quay hình ảnh và gửi về cho phóng viên trên cơ sở thảo luận trước.

Phóng viên Thời sự tác nghiệp trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Khu làm việc tập trung dã chiến tại tầng 1 tòa nhà cạnh tòa nhà chính của VTV. Đây là nơi các phóng viên, quay phim của Thời sự và Trung tâm tin tức VTV24 sẽ làm việc - sau khi tác nghiệp ở hiện trường về - trong thời điểm có dịch COVID-19. Lực lượng chính ở đây là các quay phim, phóng viên, kỹ thuật dựng của Ban Thời sự.

Tiếp đó, chúng tôi còn chia đội ngũ ra các nhóm tách biệt, không tiếp xúc giữa các nhóm để giảm xác suất rủi ro. Chúng tôi làm việc với tinh thần là tin bài vẫn phải phong phú cập nhật nhất nhưng cách thực hiện phải an toàn và hiệu quả nhất bởi không ai muốn xảy ra tình huống có người trong cơ quan bị nhiễm virus. Duy trì bản tin thời sự trong bối cảnh bị cách ly chắc cũng khó khăn như các bác sĩ Bạch Mai phải tiếp tục chữa trị cho bệnh nhân khi bệnh viện phải tạm thời bị phong tỏa bởi vì dù các công sở đóng thì VTV vẫn phải hoạt động, dù tòa nhà VTV có phải bị cách ly, thì tầng 4 Ban Thời sự vẫn phải hoạt động, dù Ban thời sự có người bị nhiễm virus thì bản tin vẫn phải lên sóng đầy đủ, cập nhật và trọn vẹn.

Phóng viên Thời sự tác nghiệp trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Đâu là khó khăn lớn nhất với các phóng viên Thời sự khi tác nghiệp trong mùa đại dịch này? Họ đã được trang bị như thế nào?

- Khó khăn với phóng viên tác nghiệp lúc này là phải tiếp cận điểm nóng mà phải tuyệt đối an toàn, do đó, có những trường hợp như ra sân bay vào bệnh viện toàn bộ ê-kíp phải mặc bảo hộ như y bác sĩ và cũng bọc bảo vệ máy móc thiết bị hết sức kỹ càng. Dù vậy, chúng tôi biết là phóng viên vẫn đối mặt với nguy cơ nhất định. Phải nói tinh thần tác nghiệp của các phóng viên thời sự hết sức đáng biểu dương. Có những chị phóng viên y tế ngoài 50 tuổi mà 3 tháng nay gần như chưa nghỉ ngày nào, bám sát những đề tài về dịch bệnh. Nhiều lúc đi thang máy chị ấy còn bị người khác e ngại không đi cùng, gia đình chồng con chắc cũng phải chịu đựng thiệt thòi. Và cùng với đó là đội ngũ quay phim, kỹ thuật  lái xe, không một ai phàn nàn hay ngần ngại.

Nhiều khi việc của những người quản lý như chúng tôi chỉ là kiềm chế sự nhiệt tình của anh em  vì sự an toàn của chính họ và đội ngũ.

Chị đã từng trải qua sự kiện nào có tính chất như thế này trong cuộc đời làm báo của mình?

- Không ai tắm hai lần trên một dòng sông, câu nói này càng quá đúng với người làm thời sự. Không sự kiện nào giống sự kiện nào trong cuộc đời làm thời sự của chúng tôi nhưng đúng là đại dịch COVID-19 này có lẽ sẽ là thời kỳ khó quên nhất. Chúng tôi đã ghi hình và ghi chép lại tư liệu về những ngày làm thời sự về dịch COVID-19 để đưa vào cuốn kỷ yếu 50 năm ký ức của những người làm thời sự. Chắc chắn đây sẽ là những trang đặc biệt trong cuốn sách này.

Một điều chị có thể chia sẻ với khán giả lúc này?

- Sau này đại dịch qua đi, chúng ta đừng chóng quên những ngày tháng này vì nó đã giúp chúng ta nhận rõ giá trị cuộc sống. Hãy chăm lo và giữ gìn tài sản lớn nhất của bạn là sức khỏe!

PHÍA SAU NHỮNG BẢN TIN TRÊN SÓNG...

Phóng viên Thời sự tác nghiệp trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 6.

Phóng viên Kim Xuân - Phóng viên chuyên trách mảng Y tế của Ban Thời sự, Đài THVN - nói về linh cảm của chị trước khi đại dịch bùng phát, thời chớm dịch: "Từ cuối năm 2019, khi xuất hiện những ca bệnh đầu tiên tại Vũ Hán, tôi đã gọi sang Bộ Y tế để hỏi về bệnh này và được trả lời là chưa có thông tin cảnh báo gì. Tôi nghĩ lúc đó, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều chưa một nước nào và cả WHO cũng không có thông tin gì về dịch bệnh này. Nhưng khi bạn nghe tên một bệnh có chữ "lạ" bản thân bạn sẽ nghĩ gì? Thông tin không nhiều mà Trung Quốc lại gần Việt Nam. Tôi vẫn nhớ khi đó sang phỏng vấn trưởng đại diện WHO tại Việt Nam thì được trả lời không quá nguy hiểm.... Nhưng khi Trung Quốc công bố ca tử vong đầu tiên do bệnh viêm phổi lạ gây ra và số ca mắc tăng không ngừng lúc đó tự bảo lại có một dịch bệnh mới rồi.

Có lẽ điều mà bản thân và tất cả mọi người đều choáng váng khi biết thông tin là trước khi công bố dịch bệnh này hơn 5 triệu người ở Vũ Hán đã rời Trung Quốc. Rồi Việt Nam xuất hiện ca bệnh đầu tiên.... Thời điểm lúc đó là sắp Tết và tôi nghĩ thế là mất Tết!".

Phóng viên Thời sự tác nghiệp trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 7.

Phóng viên Kim Xuân (đeo khẩu trang) tại khu làm việc tập trung dã chiến. Đây là hình ảnh quen thuộc của chị trong những ngày này.

Nói về tâm thế của VTV trong việc đưa tin khi đại dịch được công bố, phóng viên Kim Xuân cho biết: "Đó là tính chính xác và kịp thời về những diễn biến của dịch cả trong nước và quốc tế. Chúng tôi phải cố gắng cập nhật liên tục thông tin và tất cả hệ thống bản tin, chuyên mục của Ban Thời sự luôn đưa những thông tin mới, phân tích bình luận về tình hình dịch, định hướng cho người dân về cách phòng ngừa... Vì bạn biết thời điểm đó rất nhiều thông tin không đúng được đưa trên mạng xã hội. Ban Thời sự cũng là đơn vị đầu tiên đi vào các vùng dịch - từ Vĩnh Phúc, bệnh viện bệnh nhiệt đới và đặc biệt là sân bay Vân Đồn khi chúng ta đón 30 người trở về từ tâm dịch Vũ Hán. 

Với chúng tôi, an toàn cho bản thân và đồng nghiệp luôn được ưu tiên số một. Trước khi đi làm bao giờ tôi luôn nhắc mọi người phải để ý và khi đến nơi sẽ liên hệ với ngành y tế để được bảo hộ an toàn nhất. Các anh chị cũng hướng dẫn chúng tôi mặc như thế nào, vào khu nào thì cần đồ đặc chủng và chỗ nào thì chỉ cần đeo khẩu trang.

Khi biết dịch bệnh này dễ lây lan bản thân tôi đã đề xuất để một nhóm làm việc và không vào Đài nhằm giữ an toàn cho mọi người. Chúng tôi cũng hiểu việc đưa tin là quan trọng nhưng an toàn cho bản thân, đồng nghiệp và nhất là không để lây lan ra cộng đồng còn quan trọng hơn nhiều".

Phóng viên Thời sự tác nghiệp trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 8.

Phóng viên Kim Xuân (ngoài cùng bên trái) trong một chuyến tác nghiệp.

"Dịch bệnh COVID-19 sẽ đi vào lịch sử và tôi nghĩ rằng tôi và các đồng nghiệp của mình đang ghi lại những hình ảnh, thời khắc lịch sử, để nhiều năm sau mọi người khi nhắc lại sẽ biết đến sự khốc liệt của dịch bệnh. Tôi chỉ cố gắng đưa đến những thông tin mới nhất, hình ảnh chân thực của các bác sỹ, nhân viên y tế và cả những người dân trong cuộc chiến với dịch bệnh" - phóng viên Kim Xuân nói về cảm xúc của chị trong những ngày này trong phần kết của chia sẻ - "Có lẽ trong cuộc đời làm báo chưa bao giờ tôi được đi họp nhiều như mấy tháng nay, tuần họp ban chỉ đạo phòng chống dịch 3 buổi, chưa tính Bộ Y tế họp khấn, Hà Nội họp khẩn. Mỗi lần họp khẩn tôi biết lại có một sự kiện nóng sẽ xảy ra và tôi cùng các đồng nghiệp đều cùng cảm xúc là mình đang sống trong dòng lịch sử, đi cùng lịch sử và ghi lại lịch sử".

"Khi nói đến dịch bệnh này rất nhiều người kiêng dè và sợ, thậm chí có người không nói ra nhưng khi nhìn thấy chúng tôi thì né tránh, thậm chí đứng rất xa để nói chuyện. Có một chút buồn và tủi thân. Nhưng có rất nhiều đồng nghiệp nhắn tin, gọi điện động viên, hỏi thăm và chia sẻ. Cũng có những người bạn khi thấy có thông tin về cách ly xã hội nghĩ mình phải đi làm suốt không có thời gian đi chợ đã gửi cả rau, thịt, gạo và sữa đến. Điều này đã làm tôi ấm lòng".

Phó trưởng phòng quay phim, đạo diễn Ban Thời sự Chu Duy Thái: "Đại dịch COVID – 19 đã kéo dài nhiều tháng và tất cả chúng ta vẫn trong những ngày "chống dịch như chống giặc". Đó thật sự là một cuộc chiến mà không ai ngồi ngoài, không ai không bị ảnh hưởng.

Phóng viên Thời sự tác nghiệp trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 9.

Phó trưởng phòng quay phim, đạo diễn Ban Thời sự Chu Duy Thái (ở giữa).

Với đặc thù nhiệm vụ, cũng như các phóng viên, biên tập viên, anh em quay phim, kỹ thuật viên, lái xe của Phòng Quay phim Đạo diễn chúng tôi luôn lăn xả ở các điểm nóng của dịch. Chúng tôi đã chia thành 2 nhóm riêng biệt, mỗi nhóm làm việc luân phiên nhau trong 1 tuần. Mọi người chỉ được đến cơ quan theo đúng lịch phân công. Lý do của việc chia nhóm này là vì tất cả anh em đều hiểu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không may có người lao động của VTV nhiễm virus.

Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn cho ê-kíp tác nghiệp cũng được đặt lên hàng đầu và được quán triệt cụ thể, toàn diện đến tất cả mọi người - khi phỏng vấn phải có bọc micro, phát huy dùng boom để giữ khoảng cách với nhân vật. Tác nghiệp trong vùng tâm dịch thì các trang thiết bị bảo hộ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Xe ô tô, máy quay, chân máy quay, thiết bị kỹ thuật… đều phải được khử trùng cẩn thận sau khi tác nghiệp. Qua những ngày thử thách từ đầu đại dịch đến giờ, chúng tôi rất tự hào về quyết tâm và sự nghiêm túc trong nghề nghiệp của mọi người.

Phóng viên Thời sự tác nghiệp trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 10.

Quay phim của Ban Thời sự tác nghiệp tại sân bay Nội Bài.

Tác nghiệp thời đại dịch, nếu bảo anh em quay phim, kỹ thuật, lái xe của phòng chúng tôi không sợ thì không phải. Ai cũng sợ chứ, e ngại chứ vì virus có chừa ai đâu? Hơn nữa đằng sau mình còn là gia đình, vợ con mình. Nhưng các anh em quay phim, kỹ thuật viên, lái xe luôn bảo nhau: Đã là nhiệm vụ, dù khó khăn đến mấy chúng ta cũng quyết tâm hoàn thành. Chỉ có sự khác biệt lớn nhất là chúng ta phải cẩn thận hơn trong phòng trách dịch mà thôi. 

Đã có một vài anh em quay phim, kỹ thuật viên sau khi đi tác nghiệp ở các khu vực nhạy cảm đã phải đi kiểm tra, theo dõi hoặc tự cách ly. Đó là những thách thức không nhỏ đối với mỗi người chúng tôi. Tuy nhiên, anh em trong phòng quay phim không ngại khó, ngại khổ mà còn luôn cảm thấy tự hào khi được tác nghiệp những đề tài khó, có nguy cơ cao vì đó chính là sự cống hiến, sự say nghề được tôi luyện trong môi trường này.

Phóng viên Thời sự tác nghiệp trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 11.

Nhìn lại những tháng vừa qua, chúng tôi phải khẳng định là cùng với các quyết sách của Đảng và Nhà nước thì các chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Đài, của Ban Thời sự là hết sức quyết liệt, kịp thời. Nhờ đó mà những người lao động trực tiếp có thể tác nghiệp hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn sóng cho Truyền hình Quốc gia và vẫn giữ gìn sức khỏe cho gia đình, cơ quan và cộng đồng".

Phóng viên Khuất Minh - phóng viên đã tác nghiệp tại sân bay Nội Bài vào tháng 3/2020: "Hôm đó tôi đi làm tin về những lực lượng chức năng - những người đang làm việc ở tuyến đầu - và tình cờ hôm đó cũng là ngày các chuyến bay cuối cùng từ châu Âu về Việt Nam - từ Thụy Điển, Đức. Cũng có 1-2 chuyến trở về từ Nhật và Hàn Quốc. Đây có lẽ là sự kiện đặc biệt nhất tôi được tham gia đưa tin kể từ khi làm nghề đến giờ. Nó rất đặc biệt".

Phóng viên Thời sự tác nghiệp trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 12.

Phóng viên Khuất Minh tại sân bay Nội Bài, tháng 3/2020.

"Tôi đã ở sân bay khoảng 5 tiếng đồng hồ làm việc, tác nghiệp. Chính xác ở trên tuyến đầu nhưng không hiểu sao mình không sợ. Tôi nghĩ xung quanh có bao nhiêu lực lượng công an, quân đội, bác sĩ, cảng hàng không, phi công, tiếp viên... người ta làm cả ngày đêm không sợ thì mình sợ gì?" - Khuất Minh nói tiếp - "Lúc đó chỉ nghĩ làm sao ghi được nhiều hình ảnh nhất việc lực lượng cán bộ làm việc vất vả ra sao. Vì không phải ai cũng được tác nghiệp trong không gian này".

"Tôi cũng thấy tự hào dù biết có nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng không thấy sợ lắm. Chỉ nghĩ sẽ làm được và làm bằng được" - Khuất Minh tiếp tục - "Những ngày này, mọi người trong Ban Thời sự đều rất cố gắng vì lượng công việc gấp 3 lần những ngày thường".

"Tôi nghĩ sau đại dịch mọi thứ sẽ tốt lên ở mọi mặt. Sự thay đổi nhất là ý thức của mỗi người với bản thân và cộng đồng khi biết giữ vệ sinh chung hơn, biết quan tâm đến sức khoẻ bản thân hơn, biết rửa tay và đeo khẩu trang nhiều hơn. Mỗi người sẽ biết vì người khác nhiều hơn, vì lợi ích chung nhiều hơn".

Khung cảnh làm việc của các phóng viên, biên tập viên Ban Thời sự trong những ngày này...

____

Người thực hiện: ĐLNA

Ảnh: Ban Thời sự 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước