VTV.vn - 1h05 ngày 23/10/2019, lực lượng cứu hộ tại hạt Essex của Anh, nhận cuộc gọi trình báo về phát hiện kinh hoàng bên trong một chiếc xe container.
Hành trình ác mộng đến Châu Âu của những người nhập cư bất hợp pháp - Ảnh 1.

nh Jawad Amiri, 28 tuổi và em trai Ahmad, 7 tuổi, người Afghanistan, có lẽ đã may mắn hơn 39 nạn nhân trong chiếc container lạnh trên. Họ là ít trong số một đoàn hơn 15 người được kéo ra từ thùng container đang trên đường từ trại tạm trú ở Calais, Pháp tới Anh cách đây 3 năm. Ngay khi mới bước ra ngoài toàn vẹn, Jawad không tin vào mắt mình vì nghĩ bản thân và em trai đã phải chôn mình tức tưởi trên cái mà anh gọi là "ngôi mộ di động", trước khi họ kịp tới Anh.

Hành trình ác mộng đến Châu Âu của những người nhập cư bất hợp pháp - Ảnh 3.

"Bên trong container đầy các thùng thuốc. Có một khoảng trống cỡ nửa mét giữa các thùng và trần container. Không một ánh sáng nào lọt vào nổi không gian kín mít. Bên trong lúc đầu rất lạnh nhưng ấm dần lên sau khi điều hòa bị hỏng. Chúng tôi được cho một ít nước nhưng mau chóng hết sạch và không có nơi nào để đi vệ sinh. Tất cả nằm trên đó 15-16 giờ trong tình trạng không thể di chuyển, ngồi hay đứng. Vài người mang theo điện thoại nhưng chẳng ai muốn gọi cảnh sát vì sợ bị trục xuất."

Chỉ đến khi không thể chịu nổi, em trai anh Jawad mới vội gửi những dòng tin nhắn cầu cứu đến một phụ nữ tại tổ chức từ thiện trong tạm trú họ từng ở. Dòng tin nhắn rời rạc, nói rằng tài xế không dừng lại và người trong xe không còn oxy để thở, đã cứu mạng cả chuyến xe. Nhưng một lần nữa, cảnh sát đã nhắc lại rằng không phải ai cũng may mắn được giải cứu kịp thời.

Hành trình ác mộng đến Châu Âu của những người nhập cư bất hợp pháp - Ảnh 4.


rại Puythouck, nằm giữa những cánh rừng ở ngoại ô xã Dunkirk, tỉnh Nord, phía bắc nước Pháp, là nơi khoảng 500 người di cư Afghanistan và người Kurd đến từ Iraq, Iran đang dựng lều dưới những tán cây. Khu vực bên ngoài trại Puythouck là nơi các di dân phải xếp hàng để có được mọi thứ, bao gồm cả việc đến lượt để trốn lên xe container trốn sang Anh.

Phóng viên trang tin BBC đã đến đây, đem theo câu chuyện về thảm kịch 39 người thiệt mạng trong xe chiếc container tại hạt Essex của Anh, hôm 23/10.

"Thật khó khăn," một người di cư từ Iraq có tên Serbaz nói. "Mọi người giờ đây đều sợ lên bất cứ xe container nào".

Serbaz, cũng giống như hàng trăm người sống tạm bợ tại trại chuyển tiếp ở Dunkirk, biết rõ nguy cơ mất mạng trong những thùng hàng kín như bưng phía sau xe tải. Nhưng họ không có nhiều lựa chọn. Với những người mong đến được Anh một cách nhanh nhất, những đường dây vận chuyển người bất hợp pháp là hy vọng duy nhất của họ để đặt chân tới Anh. Nhưng phần lớn trong số họ thừa nhận họ cũng rất mờ mịt về những gì đang chờ đợi mình. "Nếu họ nói 'lên xe tải này đi', thì tôi phải đi, không có lựa chọn", Serbaz cho hay. "Một khi bạn đã đi theo họ, bạn phải nghe lời họ và làm theo bất cứ điều gì họ yêu cầu".

Một phụ nữ ở cùng trại với Serbaz góp thêm vào câu chuyện, kể lại về ký ức trốn trong một container bị đóng kín. Những người bên trong la hét và đập liên hồi vào thành container, nhưng rồi lại bị tài xế chửi rủa. Rất may, một trong số họ đã tìm cách gọi cứu hộ. Cảnh sát đã lần theo tín hiệu GPS của điện thoại di động để truy tìm và giải thoát cho họ.

Còn Taish, một người Kurd, cũng kể rằng anh đã vượt eo biển Manche trên thùng container đông lạnh, nhưng sau đó bị lính biên phòng phát hiện.

Hành trình ác mộng đến Châu Âu của những người nhập cư bất hợp pháp - Ảnh 6.

Minh họa: Evangeline Gallangher / ProPublica

Thế nhưng Taish vẫn không từ bỏ hy vọng. "Đằng nào cũng chết", anh giải thích. "Quay về cũng khó, mà trên đường cố gắng sang Anh tôi vẫn có thể bỏ mạng."

Theo ước tính của Bộ Nội vụ Anh, mỗi tháng có khoảng 3.000 người tìm cách vượt biên trái phép, qua eo biển Manche để tới Anh. Trong năm 2018, nhà chức trách Pháp và Bỉ đã chặn bắt 35.000 vụ vượt biên trái phép với điểm đến là nước Anh.

Bà Maddy Allen, người quản lý của tổ chức Help Refugees, bày tỏ quan ngại việc siết chặt các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn người tị nạn để tới Anh có lẽ nhưng gây tác dụng ngược, khi đẩy người di cư buộc phải chọn những tuyến đường nguy hiểm hơn để đến nước Anh.

Hành trình ác mộng đến Châu Âu của những người nhập cư bất hợp pháp - Ảnh 7.

Những chuyến xe tải như vậy chở theo không chỉ chở những phận người di cư, mà còn mang cùng hy vọng mong manh đánh liều mạng sống để tới tới trời Âu.

Thế nhưng, ngay cả khi may mắn sống sót sau hành trình nguy hiểm đó, không có gì bảo đảm di dân sẽ có cuộc sống bình yên ở Anh. Họ có thể bị các băng nhóm bán vào nhà chứa, ép lao động khổ sai hoặc buôn bán ma túy...Đó là chưa kể đến nguy cơ bị cảnh sát hoặc lực lượng biên phòng bắt giữ, trục xuất.

Những thảm kịch như vụ 39 người tử vong trong xe tải ở Anh nhiều khả năng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về vấn nạn buôn người mà các băng đảng tội phạm xuyên quốc gia đang vận hành. Đây được cho là ngành kinh doanh bất hợp pháp béo bở như ma túy, trị giá khoảng 7 tỷ USD. Chỉ có điều, món hàng ở đây không phải là chất cấm, mà là những người di cư muốn mua lời hứa về cuộc sống "trong mơ".

Hành trình ác mộng đến Châu Âu của những người nhập cư bất hợp pháp - Ảnh 8.

Các mạng lưới tội phạm được cho là thường xuyên cài cắm người bên trong các trại chuyển tiếp di dân như ở Dunkirk. Tại đây, chúng sẽ bắt đầu dụ dỗ và lôi kéo những người tị nạn đang không biết đi đâu về đâu bằng việc vẽ ra những viễn cảnh "việc nhẹ lương cao" và "cuộc sống vương giả" tại trời Âu. Tất nhiên, mỗi viễn cảnh đều có một cái giá. Công tác giám sát được tăng cường khiến hoạt động trái phép trên trở nên phức tạp hơn, và do đó cũng đắt đỏ hơn cho mỗi chuyến hàng thành công. Phần lớn người nhập cư không đủ điều kiện để chi trả cho một "dịch vụ" như vậy. Nếu như vượt biên sang Anh là tốn kém nhất, thì các chuyến vượt biên từ Bắc Phi sang khu vực Schengen rồi vào Liên minh châu Âu với mức giá linh hoạt hơn lại chậm chạp hơn bởi lượng người quá đông.Với một chuyến chở 20 người nhập cư mỗi đêm, hội buôn người có thể bỏ túi 100.000 euro chỉ trong 24 giờ.


Hành trình ác mộng đến Châu Âu của những người nhập cư bất hợp pháp - Ảnh 9.

Luật sư về di trú Harjap Bhangal cho biết: "Tiền kiếm được từ buôn lậu người rất nhiều, trong khi mức án cho tội danh này lại không đủ tính răn đe. Nếu cảnh sát bắt giữ được người di cư, họ sẽ không nhận được khoản tiền đã bỏ ra."  Ông Bhangal từng làm việc với nhiều di dân tới Anh. "Số phận người di cư phụ thuộc vào những băng đảng buôn người. Tất cả những gì họ biết là lên xe di chuyển, cho tới được dừng lại. Nếu ai đó khiến hành trình bị cản trở, bọn buôn người sẵn sàng thủ tiêu người đó," ông nói thêm. "Hành trình thường bắt đầu bằng vay nợ. Nếu nạn nhân không trả nợ cho băng đảng buôn người, chúng sẽ bắt cóc và tống tiền gia đình họ."

Cơ quan tội phạm quốc gia Anh (NCA) báo cáo số lượng người di cư bị bọn buôn lậu người đưa vào Anh bằng các xe container đã tăng đột biến từ năm ngoái.

"Tất cả đều là trò chơi của số phận. Một kẻ buôn ma túy có buôn lậu 10 kg nếu anh ta có thể vận chuyển tới 100 kg không? Tất nhiên là không. Những kẻ buôn người cũng thế", ông Peter Bleksley, cựu điều tra viên thuộc Sở Cảnh sát London cho biết. Ông nói thêm những người bị bắt phần lớn là tay chân cấp dưới như lái xe, lái thuyền, nhưng kẻ cầm đầu hầu như chưa từng bị bắt hầu tòa nhờ việc điều hành từ xa và không có mặt ở Anh.

Hành trình ác mộng đến Châu Âu của những người nhập cư bất hợp pháp - Ảnh 10.

ình trạng buôn người vào châu Âu đã nhức nhối nhiều năm, buộc an ninh phải được thắt chặt tại các cảng biển, được gọi cửa ngõ dẫn đến Anh. Việc thiếu các tuyến đường an toàn và hợp pháp vào Anh là nguyên nhân một phần khiến người nhập cư phải phụ thuộc vào các phương thức nguy hiểm, mạo hiểm với cả mạng sống như bị nhồi nhét lên xe container đông lạnh hoặc lênh đênh trên biển bằng những chiếc xuồng mong manh.

Sau khi Pháp dỡ trại tị nạn Calais hồi năm 2016, những người di cư muốn tới Anh buộc phải chọn con đường nguy hiểm hơn từ bờ biển Bỉ. Đáng chú ý, số người tìm cách trốn vào Anh theo cách riêng lẻ giảm đi nhiều. Thay vào đó số vụ vượt biên quy mô do các băng đảng tội phạm tổ chức tăng vọt. Ước tính, khoảng 800 - 1.000 người di cư đang có mặt tại Bỉ, đất nước chỉ cách bờ biển Anh 100 km, để chờ thời cơ sang "miền đất hứa" bằng cách vượt biển thông qua cảng Zeebrugge hoặc các cảng của Pháp.

Số liệu chính thức về những vụ việc người di cư trái phép bỏ mạng bắt đầu được giới chức Anh thu thập và thống kê 5 năm trở lại đây dù những bi kịch kiểu này không phải là mới. Một trong những thảm kịch nhập cư bất hợp pháp tồi tệ nhất tại Anh xảy ra vào năm 2000 khi 58 thi thể người nhập cư Trung Quốc được tìm thấy trong một xe tải chở cà chua ở cảng Dover, miền Nam nước này. Hai người may mắn sống sót khai nhận mỗi người đã trả cho một băng đảng tội phạm hơn 25.000 USD để được đưa từ Trung Quốc đến "miền đất hứa". Tại đây, nhóm tội phạm xếp những người di cư lên container, dùng ba miếng gỗ làm vách ngăn, sau đó chất những thùng cà chua để ngụy trang. Tuy nhiên, tài xế đã đóng lỗ thông hơi ngay trước khi xe tới cảng Zeebrugge. Khi được cảnh sát tìm thấy, nhóm người đang trong tình trạng bất động, thân thể nóng bừng. Người lái xe sau đó đã bị kết án 14 năm tù bị kết tội ngộ sát và tham gia đường dây buôn người.

Hành trình ác mộng đến Châu Âu của những người nhập cư bất hợp pháp - Ảnh 12.

Dù thủ đoạn của những tay buôn người thường xuyên thay đổi, việc triệt phá những tháng gần đây vẫn tiến triển đều với 201 đường dây bị phanh phui trong nửa đầu năm 2019, và 500 nghi phạm phải ra hầu tòa. Các cuộc điều tra có thể kéo dài từ hai tháng tới một năm, tập hợp đầy đủ bằng chứng để bắt đầu khám xét và bắt giữ.

"Không thể chờ đợi quá lâu rồi mới can thiệp, bởi các đường dây dễ dàng biến mất và tái tổ chức ở một nơi khác", ông Cyril Duny, người đứng đầu các đơn vị thực hiện chiến dịch truy quét tội phạm buôn người, lý giải .

Hành trình ác mộng đến Châu Âu của những người nhập cư bất hợp pháp - Ảnh 13.


heo dữ liệu định vị GPS, chiếc container lạnh chứa 39 thi thể có mặt ở ít nhất 3 địa điểm ở Bỉ và Pháp trong những ngày trước khi đến hạt Essex của Anh, nơi người ta phát hiện ra vụ việc kinh hoàng. Các nhà chức trách Anh tin rằng, chiều ngày 22/10, chiếc container chở 39 thi thể đông cứng được phát hiện tại Essex, Anh đã xuất phát từ Zeebrugge của Bỉ - một điểm nóng buôn người được cơ quan chức năng Bỉ và Lực lượng Biên phòng Anh (UKBF) khoanh vùng từ năm 2016. Đây là một những tuyến đường mới được các nhóm tội phạm buôn người sử dụng, sau khi tuyến đường gần hơn và cũng là tuyến phổ biến nhất trước đây qua cảng Calais của Pháp tới cảng Dover ở Anh siết chặt kiểm soát an ninh.

Dù Anh, Pháp và Bỉ có thỏa thuận kiểm tra nhập cư trên các tuyến đường xuyên Eo biển Manche, nhưng vẫn có lo ngại về việc thiếu nhân sự và thiết bị kiểm soát phương tiện. Theo Cơ quan Tội phạm quốc gia Anh (NCA), việc phát hiện người di cư lẻn vào Anh trên những chiếc xe tải như vậy không đơn giản. Bộ Giao thông nước này ước tính năm 2018 có đến 3,6 triệu xe tải, xe container... đi vào Anh qua 40 cảng chính, đó là chưa kể vô số cảng nhỏ không có người trực tiếp kiểm soát. Bà Lucy Moreton, đại diện Liên đoàn Dịch vụ Di trú, cho biết số container vào Anh mỗi ngày quá nhiều, khiến họ không thể kiểm tra bên trong tất cả xe. "Chúng tôi không có điều kiện để kiểm tra phần lớn hàng hóa vào Anh", bà giải thích. "Hàng trăm nghìn container riêng rẽ đến Anh mỗi ngày ít có khả năng bị khám xét, trừ khi có thông tin cảnh báo." Giới chức chưa giải đáp được câu hỏi thùng container đã ở đâu trước khi cập cảng Zeebrugge và được đưa đến đó bằng cách nào.

Hành trình ác mộng đến Châu Âu của những người nhập cư bất hợp pháp - Ảnh 16.

Zeebrugge có thể chỉ là một mắt xích trong thảm kịch khiến 39 người thiệt mạng trong container bởi quá trình điều tra vẫn đang tiếp tục để làm rõ xuất phát điểm và hành trình chính xác của chiếc xe này. Tuy nhiên, những thảm kịch người di cư mắc kẹt và thiệt mạng trong xe container làm dấy lên câu hỏi về công tác kiểm tra an ninh ở các cảng. Tờ The Guardian của Anh đã đi tìm hiểu, rằng liệu có kẽ hở nào khiến những chiếc xe buôn lậu người như trên có thể qua mắt được hệ thống an ninh.

Đơn vị điều hành cảng Zeebrugge mỗi năm chi hơn 1,1 triệu USD để đảm bảo an ninh cho nhà ga có nhiệm vụ xử lý tới 7.000 container mỗi ngày.  Do đó, việc kiểm soát trực tiếp từng xe là điều bất khả thi. Các phương thức dung phát hiện vật thể lạ bên trong các xe tải hoặc container, bao gồm máy đo CO2, cảm biến phát hiện dịch chuyển, chó nghiệp vụ đánh hơi và máy quét tầm nhiệt. Đây có thể chính là lý do mà chiếc xe chở 39 người buộc phải điều chỉnh nhiệt độ xuống dưới mức âm 25 độ C, nhằm hạ nhiệt độ bên trong xe để che giấu dấu vết thân nhiệt của con người trước máy quét tầm nhiệt. Đó là chưa kể việc các container đông lạnh, việc mở cửa để kiểm tra trực tiếp hiếm khi được thực hiện bởi nguy cơ hàng hóa bên trong, vốn phải được bảo quản đặc biệt, tránh bị hư hỏng. Theo tờ The Guardian, quản lý tại cảng vụ Zeebrugge thừa nhận, việc thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên các xe chở hàng chỉ rơi vào khoảng 1%. Như vậy có nghĩa là cứ trong 400 chiếc xe tải đi qua thì mới có 1 chiếc bị lực lượng an ninh kiểm tra bằng máy quét tia X.

Hành trình ác mộng đến Châu Âu của những người nhập cư bất hợp pháp - Ảnh 17.

Ông Francois Gemenne, nhà nghiên cứu về di cư tại Đại học Liege, Bỉ, cho hay. "Chừng nào nước Anh vẫn là điểm đến hấp dẫn thì sẽ còn những người di cư sẵn lòng vượt biên. Những kẻ buôn người chẳng mảy may quan tâm đến số phận người di cư. Sự vô nhân đạo của các đường dây buôn người là nếu món hàng biến mất, không ai lên tiếng đòi lại".

Có những phi vụ buôn người bị bại lộ cũng có nghĩa là những thảm họa trực chờ được ngăn lại trước khi quá muộn. Có những chuyến xe qua được mắt lực lượng an ninh trót lọt, nhưng cũng không đảm bảo được những "hành khách" trên xe sẽ đến được đích. Chừng nào vẫn còn những tuyến đường được vạch ra, những "con mồi" bị dụ dỗ trả tiền cho những hành trình đến "miền đất hứa", và tội phạm buôn người vẫn còn khó bị kiềm tỏa, thì những thảm kịch tương tự như vụ Essex có lẽ sẽ không phải là vụ cuối cùng.

Ngọc Linh
Minh Thu
01/11/2019
X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước