Kết thúc ca trực lúc 6 giờ 30 sáng, bác sỹ gây mê Henry Nikicicz, đang làm việc tại thành phố El Paso, bang Texas, Mỹ, vội vàng kéo khẩu trang che kín mũi và miệng khi nhìn thấy đám đông trong hành lang bệnh viện. Phản xạ này đã hình thành kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Mỹ. "Tôi cần phải đeo khẩu trang", vị bác sỹ tuổi đã ngoài 60, vốn mắc chứng hen suyễn và bệnh cao huyết áp, chia sẻ với New York Times. Giờ đây, với nguy cơ virus SARS-CoV-2 luôn lơ lửng trên đầu, ông cố gắng cẩn trọng hơn bằng cách đeo khẩu trang thường xuyên hơn, nhất là khi ý thức được mình phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân mỗi ngày. Nhưng ông không ngờ được hành động này đã mang lại rắc rối lớn.
Ít ngày sau, bác sỹ Nikicicz nhận được tin nhắn từ cấp trên, cho rằng ông đã phản ứng thái quá. "Ông đeo khẩu trang ngay cả khi ở sảnh bệnh viện ư? Ở đó làm sao mà có thể có nhiều virus, vi khuẩn hơn ở trong siêu thị Walmart được chứ!"
Bất chấp sự phản đối, bác sỹ này vẫn tiếp tục đeo khẩu trang, cho đến khi ông nhận được thông báo bị đình chỉ công tác vì không tuân thủ quy định. Bệnh viện nơi ông làm việc cấm sử dụng khẩu trang bên ngoài phòng bệnh.
Đây là nghịch lý không của riêng bác sỹ Henry Nikicicz. Trên khắp nước Mỹ, các đồng nghiệp của ông đã đồng loạt chia sẻ câu chuyện mình bị chỉ trích hoặc yêu cầu ngừng đeo khẩu trang khi không làm việc.
Chia sẻ với đài NPR, bác sĩ làm việc tại phòng cấp cứu Ming Lin cho biết ông đã bị sa thải vì công khai rằng bệnh viện nơi mình công tác đang thiếu thiết bị bảo hộ. Trong khi đó, một phòng khám tại thành phố Seattle, Mỹ đã ra cảnh cáo với bác sĩ Oliver Small vì đeo khẩu trang dù đang không chăm sóc bệnh nhân. Vợ bác sỹ Small đã bày tỏ sự giận dữ trên Facebook cá nhân.
" Chồng tôi bị cấp trên khiển trách vì không muốn tạo tiền lệ khiến các nhân viên khác hoảng sợ và cũng tìm cách đeo khẩu trang. Anh ấy đeo khẩu trang để đề phòng khả năng mình có thể đã mắc COVID-19 nhưng chưa thể hiện triệu chứng, và sẽ lây truyền cho nhiều người khác."
Cũng theo cô, bác sĩ Oliver Small đã buộc phải lựa chọn giữa "tháo khẩu trang hay là nghỉ việc" – một cách giải quyết mà theo cô là quá khó hiểu.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các nhân viên y tế không cần phải đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi. Một phần là vì nước này đang trong tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo hộ y tế do sự lây lan khủng khiếp của dịch bệnh. Tuy nhiên, một số bác sỹ cho rằng Ban quản lý quyết định cấm đeo khẩu trang để tự bảo vệ hình ảnh của bệnh viện. Họ không muốn bị nhìn nhận như một địa điểm đầy rẫy rủi ro của bệnh tật và vi khuẩn, nhất là trong thời điểm diễn ra dịch COVID-19.
Sự căng thẳng âm ỉ giữa đội ngũ y bác sỹ với ban quản trị bệnh viện tại Mỹ về quyền được đeo khẩu trang đã bùng lên, khi dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của nhiều bác sỹ, y tá và các nhân viên y tế nhiễm bệnh khi đang làm nhiệm vụ. Không chấp nhận rủi ro này, nhiều người đã tự dựa vào đánh giá của bản thân để quyết định có nên đeo khẩu trang hay không.
Câu chuyện các bác sỹ đấu tranh để được đeo khẩu trang đánh dấu thêm một lần nữa mà một vật dụng bình thường lại có thể châm ngòi cho những tranh cãi chưa có hồi kết: Nên đeo hay không nên đeo khẩu trang?
Với người dân châu Á, mang khẩu trang thường xuyên ở nơi công cộng, dù có triệu chứng bệnh hay không, là khuyến cáo mà giới chức y tế đã đưa ra ngay từ khi dịch mới bùng phát. Nhưng ở những nơi khác như tại Mỹ và châu Âu, thông điệp về chiếc khẩu trang dường như có phần lu mờ trước những khuyến cáo như chú trọng việc rửa tay sạch và tuân thủ giãn cách xã hội.
Ngay từ những tuần đầu tiên ghi nhận dịch bùng phát, giới chức y tế tại các khu vực này đã nhiều lần nhấn mạnh khẩu trang là không cần thiết và không có tác dụng ngăn ngừa truyền bệnh. Phần lớn người dân phương Tây cũng lựa chọn không đeo khẩu trang bất chấp dịch COVID-19 không chỉ vì không có thói quen mà còn vì nhận thức khác biệt về sự cần thiết này. "Tại nhiều nước phương Tây, người ta tin rằng chỉ những người bị nhiễm bệnh mới đeo khẩu trang vì họ có thể phát tán mầm bệnh, còn người khoẻ mạnh thì không cần phải làm như vậy," ông Xi Chen, phó giáo sư chuyên ngành Y khoa tại Đại học Yale (Mỹ), nói với tờ Nikkei Asian Review. Theo BBC, cộng đồng người gốc Á ở nước ngoài thậm chí còn trở thành đối tượng của những cái nhìn thiếu thiện cảm hoặc thậm chí bị kỳ thị, như thể họ là nguồn lây truyền bệnh chỉ vì đeo khẩu trang nơi công cộng.
Một lý do khác dẫn tới sự khác biệt về cách nhìn nhận chiếc khẩu trang trong quan niệm phương Đông và phương Tây còn bắt nguồn từ các chuẩn mực xã hội trong việc che mặt, theo nhận định của bà Ria Shinha - nhà nghiên cứu cấp cao thuộc trường Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đăng tải trên tạp chí Time. "Trong các tương tác xã hội ở phương Tây, một người cần phải thể hiện danh tính và giao tiếp bằng ánh mắt. Các biểu cảm trên khuôn mặt rất quan trọng." Bởi những chuẩn mực tồn tại từ lâu như vậy, việc thuyết phục người phương Tây tiếp nhận thói quen đeo khẩu trang còn dễ bị coi là phản ứng thái quá.
Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams thậm chí còn đăng một dòng tweet được viết bằng nhiều chữ in hoa để nhấn mạnh: "ĐỪNG MUA KHẨU TRANG! Chúng KHÔNG hiệu quả trong việc phòng chống dịch cho cộng đồng, nhưng nếu nhân viên y tế không có để sử dụng khi tiếp xúc bệnh nhân, họ và cả cộng đồng sẽ đứng trước rủi ro." Tương tự, khi được hỏi về quan điểm về việc đeo khẩu trang, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield đã thẳng thừng nói "không".
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của châu ÂU (ECDC) đến đầu tháng này cũng vẫn không khuyến khích việc sử dụng khẩu trang: "Việc dùng khẩu trang có thể gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh vì nó tạo cho người ta một cảm giác an toàn sai lệch. Người ta sẽ có xu hướng lơ là giữ vệ sinh và sờ tay lên mặt nhiều hơn khi đeo khẩu trang."
Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là dù chiếc khẩu trang có thực sự ngừa bệnh hay không, thì nó vẫn có những tác dụng nhất định trong bối cảnh cần đương đầu với các dịch bệnh lớn. Quan sát cách mà những quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản ứng phó với COVID-19, tiến sỹ y khoa Lisa Bryski nhận thấy biện pháp đeo khẩu trang diện rộng là một cách tiếp cận mang lại nhiều hiệu quả và hoàn toàn có thể được áp dụng tại các nước bên ngoài châu Á.
Thực tế, cảnh tượng từng rất hiếm hoi tại châu Âu là người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài giờ đã trở nên phổ biến. Từ đầu tháng 4/2020, đeo khẩu trang đã trở thành nghĩa vụ của người dân thành phố Jena của Đức khi họ đến nơi đông người hoặc sử dụng phương tiện công cộng.
Cùng thời điểm này, ít nhất 3 quốc gia tại lục địa già là Áo, Cộng hòa Séc và Slovakia đã ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Séc Adam Vojtech cho biết: "Séc là một trong số ít nước châu Âu chứng kiến sự lây lan rất chậm của virus. Điều khác biệt nằm ở chỗ mọi người được khuyến khích đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà". Thậm chí, để làm gương cho người dân, Thủ tướng Séc Andrej Babis và nhiều chính trị gia nước này đã đeo khẩu trang khi xuất hiện trong các bài phát biểu trên truyền hình.
Trong khi đó, các siêu thị tại Áo đã triển khai phát tặng khẩu trang miễn phí cho người đến mua hàng từ đầu tháng này, trong nỗ lực giúp người dân thích nghi với quy định mới. Phát biểu trong một cuộc họp báo chính phủ, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz khẳng định bước đi này là sự điều chỉnh lớn nhưng cần thiết trước thực tế cho thấy nhiều nước châu Á đã khống chế dịch bệnh tốt hơn một phần nhờ biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang. "Tôi hiểu rằng khẩu trang là thứ xa lạ với văn hóa của chúng ta. Nhưng để ứng phó với tình hình dịch bệnh, chúng ta sẽ cần điều chỉnh thói quen của người dân."- ông nói.
Chuyên gia về y tế cộng đồng kiêm giáo sư Đại học Birmingham (Anh) KK Cheng cho biết ông ủng hộ thái độ quyết liệt của Áo: "Tôi cho rằng đó là một ý tưởng hay, vì siêu thị bây giờ là nơi duy nhất còn được mở cửa. Khi mọi người đổ đến siêu thị mua đồ, đó sẽ là môi trường dễ phải tiếp xúc với virus hay mầm bệnh."
Theo sau đó, chính quyền vùng Lombardia đã trở thành nơi tiên phong tại Italy ban hành quy định bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà kể từ ngày 5/4. Động thái cũng cho thấy sự thay đổi trong quan điểm của Italy về việc đeo khẩu trang đối với người dân. "Trong trường hợp không có khẩu trang, người dân có thể sử dụng áo hoặc khăn để che mũi và miệng," – người đứng đầu vùng Lombardia Attilio Fontana tuyên bố.
Làn sóng này cũng nhanh chóng lan sang nước Mỹ. Nhiều địa phương tại Mỹ, đặc biệt là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, đã quyết định tự hành động từ trước khi có những chỉ dẫn chính thức từ CDC. Thành phố New York – tâm dịch lớn nhất của Mỹ với hơn 130.000 ca nhiễm đến nay, đã đề nghị người dân đeo khẩu trang hoặc che mặt khi ra khỏi nhà, trong nỗ lực hạn chế dịch tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Trong khi đó, thị trưởng thành phố Los Angeles Eric Garcetti đã xuất hiện trên truyền hình với chiếc khẩu trang để kêu gọi khoảng 4 triệu cư dân tại đây có động thái tương tự. "Tất cả chúng ta rồi sẽ phải làm quen với hình ảnh này. Đeo khẩu trang khi ra ngoài là một cách bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm. Bất cứ giải pháp nào dù chỉ có hiệu quả 1%, 10% hay 50%, chúng ta đều nên thực hiện", Thị trưởng Garcetti nói.
Nhưng không chỉ người dân Mỹ bắt đầu tự học cách làm quen với việc đeo khẩu trang, sự thay đổi cũng được ghi nhận trong phản ứng của chính phủ và các cơ quan y tế cấp cao. Sự nguy hiểm của COVID-19 đã buộc quốc gia này phải thay đổi suy nghĩ về sự cần thiết của vật dụng này. Ngày 3/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết CDC đã ra một bản khuyến nghị mới, hướng dẫn người dân nước này đeo khẩu trang hoặc một vật dụng che mặt khi ở nơi công cộng để phòng ngừa dịch bệnh. Đây được coi là sự thay đổi quan điểm đáng kể của CDC khi mà chỉ mới tháng trước, cơ quan này vẫn khẳng định đeo khẩu trang là không cần thiết và cho thấy những diễn tiến nguy hiểm của COVID-19 đã khiến nước này phải thay đổi suy nghĩ. Dù thế, chính phủ Mỹ vẫn khẳng định khuyến nghị này chỉ kêu gọi sự tự nguyện. Người dân có thể sử dụng khăn choàng hoặc dùng khẩu trang vải thay cho khẩu trang y tế - thứ đang rất hiếm ngay cả với đội ngũ bác sỹ tại nước này.
Người dân Mỹ đeo khẩu trang khi đi ngoài phố, đi siêu thị
Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho sự đảo chiều trong cách nhìn nhận về tác dụng của chiếc khẩu trang. Phát biểu trong một cuộc họp báo gần đây tại Geneva, Thụy Sỹ, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế của WHO Mike Ryan cho biết: "WHO đang nghiên cứu tất cả các bằng chứng để xem tác dụng của việc đeo khẩu trang đối với đại dịch lúc này. Việc sử dụng khẩu trang ở cấp độ cộng đồng có thể hữu ích như phản ứng toàn diện với dịch COVID-19." Nhiều tháng trước đó, WHO đã kiên trì khuyến nghị người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang nếu không mắc COVID-19 hoặc không phải chăm sóc cho người đang mắc bệnh. Tuy nhiên, tiến sỹ Mike Ryan cũng đồng quan điểm với cơ quan y tế Mỹ khi nhấn mạnh: việc sử dụng khẩu trang tự chế hoặc các vật che chắn mặt khác cũng có thể được xem như cách thức giảm sự lây truyền của virus SARS-CoV-2.
Cũng chuyển hướng sang ủng hộ việc đeo khẩu trang ngay cả khi không có triệu chứng bệnh, Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức còn lập luận rằng hành vi này sẽ giúp người dân ý thức hơn tới việc giữ khoảng cách và giữ vệ sinh khi ho hoặc hắt hơi.
Trang tin CNBC ví bước chuyển trong thái độ về chiếc khẩu trang tại phương Tây giống như một cú đảo chiều 180 độ. Còn trang tin CNN thì gọi đây là lời minh oan lớn nhất cho chiếc khẩu trang nói riêng và người dân châu Á nói chung. Bất chấp những cái nhíu mày hay thái độ thờ ơ, thậm chí bị coi là "ám ảnh" khi người châu Á gắn chặt với chiếc khẩu trang, thói quen này đã có công lớn trong hiệu quả kiềm chế dịch bệnh tại một số nước châu Á.
Viết trên tờ New York Times, nhà nghiên cứu nhân chủng học Christos Lynteris cho rằng đeo khẩu trang giống như một nếp văn hóa về sự quan tâm tới cộng đồng tại hầu hết các nước châu Á, bắt nguồn từ lối suy nghĩ ai cũng có thể là người nhiễm bệnh. Theo tờ Japan Times, phần lớn châu Á đều đã rút được kinh nghiệm "sống còn" từ các trận dịch trước đây như SARS vào năm 2003, MERS vào năm 2015 và nhiều đợt dịch cúm gia cầm, khiến châu lục này hình thành phản ứng nhanh và cảnh giác cao độ hơn.
Ở Trung Quốc, hình ảnh mọi người đeo khẩu trang rất phổ biến và không mấy khi bị phản đối bởi nước này đã từng trải qua đại dịch SARS năm 2003. Những ký ức dường như vẹn nguyên về sự tàn phá khủng khiếp của dịch SARS đã nhắc nhở họ không thể lơ là chiếc khẩu trang khi đứng trước cơn bão dịch bệnh. Sau cuộc khủng hoảng SARS, khẩu trang trở thành vật không thể thiếu của nhiều người dân châu Á không chỉ để phòng bệnh, mà còn để bảo vệ sức khỏe khỏi tình trạng ô nhiễm không khí.
Nhật Bản thậm chí khuyến khích người dân mang khẩu trang giống như một biện pháp cách ly cá nhân di động và hữu hiệu ở bất cứ nơi đâu có khả năng là kịch bản lý tưởng cho virus lây lan.
"Quốc gia này đã đưa khẩu trang thành chuẩn mực xã hội và hình thành ý thức chống lại mối đe dọa vô hình từ bệnh dịch", nhà xã hội học tại Đại học Shumei (Nhật Bản) Mitsutoshi Horii cho biết. "Thói quen mang khẩu trang tại Nhật Bản đã trở thành "nghĩa vụ công dân" nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng xung quanh."
Tất nhiên là so với châu Á, Mỹ và các nước châu Âu đã không phải đối mặt với các đại dịch lớn vài thập kỷ trở lại đây. Việc đeo khẩu trang phòng dịch vì thế cũng không phải là ưu tiên. Tuy nhiên cũng phải nhắc lại rằng không chỉ các nước châu Á mới có những bài học lịch sử để nhìn lại. Trên thực tế, nước Mỹ và châu Âu cũng đã có kinh nghiệm của riêng mình, khi các nước này cũng từng trải qua thời kỳ phải gắn liền với chiếc khẩu trang trong đại dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra vào năm 1918. Dù không có một thống kê chính xác trên quy mô lớn, nhưng theo CDC, ước tính hơn 1/3 dân số thế giới bị nhiễm bệnh và 50 triệu người tử vong. Hơn một nửa số ca tử vong này tập trung tại Mỹ.
Bắt đầu từ ổ dịch San Francisco với hơn 4.000 ca mắc, thành phố này đã nhanh chóng ra sắc lệnh bắt buộc đeo một miếng vải che mũi, miệng ở những nơi công cộng. Hội Chữ thập đỏ cũng đẩy mạnh tuyên truyền: "Dùng khăn tay để che mặt cũng tốt hơn là không có gì. Bạn cần phải mang khẩu trang không chỉ để bảo vệ bạn mà còn là con cái và mọi người xung quanh. Những ai không mang khẩu trang đều là những kẻ lười biếng, mang lại nhiều nguy hiểm." Chiến dịch đã đem lại hiệu quả khi các khu vực khác trong bang California bắt đầu làm theo, từ Santa Cruz và Los Angeles, rồi lần lượt là các bang khác trên khắp nước Mỹ, với hình phạt nghiêm khắc nhất dành cho những người không đeo khẩu trang khi ra đường là phạt tiền và bỏ tù.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, một số vùng tại Pháp và Anh ngày đó cũng từng đưa ra khuyến nghị tương tự. Rõ ràng đã đeo khẩu trang, dù có hiệu quả ít hay nhiều, cũng đã từng là biện pháp hàng đầu để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tuy thế, đây lại là kinh nghiệm được các nước châu Á đã học hỏi và áp dụng hiệu quả hơn, dù Mỹ mới là nơi đầu tiên biết về tác dụng của khẩu trang.
Không chỉ để lỡ thời cơ đưa ra biện pháp quyết liệt chống dịch, Mỹ và châu Âu còn vấp phải vấn đề tương tự họ từng gặp vào năm 1918. Khi ngày càng nhiều người bắt đầu làm quen với việc đeo khẩu trang để ngăn COVID-19, vấn đề nguồn cung xuất hiện.
Lý giải cho việc vì sao Mỹ không khuyến cáo người dân đeo khẩu trang sớm hơn, tiến sỹ Anthony Fauci, thành viên Lực lượng đặc nhiệm liên bang chống COVID-19 của Mỹ, cho biết vấn đề nằm ở việc ưu tiên nguồn lực. "Lý do mà chúng tôi không khuyến cáo đeo khẩu trang từ sớm vì không muốn nguồn cung khẩu trang bị phân tán cho những người không thực sự cần chúng hơn là các nhân viên y tế. Trong một thế giới lý tưởng có đủ khẩu trang cho tất cả, sẽ không có vấn đề gì nếu một người bình thường đeo khẩu trang," tiến sỹ Fauci nói.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù không nhắc đến việc phải đeo khẩu trang, nhưng cũng đưa ra một gợi ý thay thế: "Các bạn có thể dùng khăn quàng cổ, thứ mà hầu như ai cũng có. Che mặt bằng khăn quàng cũng rất tốt. Hãy để dành khẩu trang cho nhân viên y tế."
Có thể thấy, cả chuyên gia y tế đầu ngành như tiến sỹ Anthony Fauci và người đứng đầu nước Mỹ Donald Trump đều rất thận trọng khi đề cập đến một khuyến cáo chính thức về việc đeo khẩu trang. Bởi lẽ những quyết định như vậy có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung mặt hàng này cho các nhân viên y tế– những người đang cần vật dụng này hơn lúc nào hết. Theo thống kê, có tới 92% trong hơn 200 thành phố trên toàn nước Mỹ đang không có đủ khẩu trang y tế cho nhân viên y tế.
"Trước tình hình thực tế là đội ngũ bác sỹ và y tá trên thế giới còn đang thiếu trang thiết bị bảo hộ, sẽ là khá vội vàng và chưa thấu đáo nếu ai đó đưa ra đề xuất tất cả chúng ta nên đeo khẩu trang. Điều này ảnh hưởng tới đội ngũ y bác sỹ, vốn phải tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân COVID-19 nhưng không thể giữ khoảng cách đủ an toàn," bà Ilhem Messaoudi, nhà dịch tễ học tại Đại học California, Irvine nhận định.
Trước khi để một số vùng áp dụng lệnh bắt buộc đeo khẩu trang như hiện tại, Italy - tâm dịch của châu Âu cũng đã từng rất lo ngại cung sẽ không đủ cầu. Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, ông Giovanni Rezza, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Viện Y tế cấp cao Italy nói: "Nhu cầu về khẩu trang là rất lớn nhưng thực tế là khẩu trang luôn rất thiếu đến mức khan hiếm hàng là một nguy cơ có thật. Đây là một trong những nguyên nhân vì sao chúng tôi không ra quy định nghiêm ngặt phải đeo khẩu trang."
Khi dịch COVID-19 ập đến, Italy đã lúng túng trông thấy, khi ước tính nhu cầu khẩu trang dùng trong mỗi tháng có thể lên tới 100 triệu chiếc, tương đương 3 triệu chiếc mỗi ngày. Tuy nhiên công suất của các nhà máy địa phương không thấm tháp vào đâu, trong khi nguồn xuất khẩu khẩu trang bên trong EU cũng rất nhỏ giọt. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn. Hàng loạt các nước khác Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga đều phải tạm ngưng xuất khẩu mặt hàng này ra nước ngoài để ưu tiên đáp ứng nhu cầu nội địa.
Nỗi lo ngại tình trạng khan hiếm khẩu trang xảy ra giống như hiệu ứng domino là lý do để chính phủ Mỹ và châu Âu dè chừng hơn trước việc "phổ cập" chiếc khẩu trang. Bà Jennifer Lee, cây viết bình luận chuyên về vấn đề y tế của CNN, thừa nhận lo lắng trên có cơ sở. Song bà cũng đồng thời nhấn mạnh rằng giới chức nên phân tích rõ về khuyến cáo người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang ở nơi công cộng có phải thực sự vì nó không có ích? Hay đây là để ngăn người dân đầu cơ tích trữ và ảnh hưởng đến nhóm người chịu rủi ro cao hơn?
Bình luận trên tờ The New York Times, giáo sư Zeynep Tufekci cho rằng thông điệp về hiệu quả của việc đeo khẩu trang đã bị lẫn lộn với mục đích bảo tồn nguồn cung có hạn của sản phẩm này. Tuy vậy, bà cho rằng chính phủ các nước cần phải thẳng thắn đề nghị người dân ưu tiên nguồn khẩu trang cho bệnh viện, thay vì để bị hiểu rằng khẩu trang không thực sự có tác dụng nào.
Nhà nghiên cứu dịch tễ học tại Đại học Oxford (Anh) Peter KaHung Chan cũng đồng quan điểm. "Đeo khẩu trang đương nhiên không phải là giải pháp hữu dụng duy nhất, nhưng tác dụng của nó cần được nghiên cứu thấu đáo hơn là bác bỏ hoặc cổ xúy nó quá mức mà không có bằng chứng khoa học đầy đủ."
Khi tình thế thay đổi, các quy định cũng nên được thay đổi theo. Đây là nhận định của chuyên gia y tế cộng đồng Cameron Kaisser nhằm lý giải cho thái độ đảo chiều về chiếc khẩu trang ở các nước Âu Mỹ. Theo giới phân tích, những dữ liệu có được thêm từ virus SAR-CoV-2 và diễn biến nhanh chóng của dịch cho phép giới chức cập nhật những chỉ dẫn phù hợp với thực tế.
"Chúng ta mới chỉ có hơn 3 tháng đối mặt với loại virus mới này. Chúng ta có thể học hỏi những biện pháp chứng minh hiệu quả ở một số nơi, và cũng có thể thấy những bước đi sai lầm ở quốc gia khác." – tiến sỹ Bryski bình luận.
Khuyến nghị người dân che mặt khi ra ngoài được đưa ra trong bối cảnh có bằng chứng mới cho thấy những người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không có hoặc có rất ít triệu chứng đang là yếu tố làm dịch lây lan mạnh hơn. Theo thống kê của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), trong số gần 900 ca bệnh nước này ghi nhận từ đầu tháng 4 đến nay, có khoảng 70% là các trường hợp không tỏ rõ triệu chứng. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS, giám đốc CDC của Mỹ Robert Redfield ước tính có tới 25% số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này không có triệu chứng. Thị trưởng New York Bill de Blasio cũng bày tỏ sự quan ngại: "Chúng tôi hiện không có bằng chứng chắc chắn nhưng việc che mặt sẽ bảo vệ người khác trước khả năng lây COVID-19 từ những người không có triệu chứng gì. Chúng tôi đã dự đoán hơn một nửa dân New York đã có thể nhiễm bệnh. Điều đó có nghĩa là có một số người ở ngoài kia vẫn chưa hoặc không thể biết họ đã mắc COVID-19."
Những dữ liệu này cho thấy nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng từ các "ẩn số" khó lường trên là rất cao và khiến quá trình kiểm soát dịch khó khăn hơn. Đó cũng là mấu chốt quan trọng khiến Văn phòng Tổng Y sĩ Mỹ, CDC Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem xét lại công dụng của khẩu trang.
"Cần lưu tâm là chúng ta đang trong một giai đoạn khác của dịch bệnh và phải đặt ra tình huống rằng số ca nhiễm bệnh nhiều hơn thực tế," chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Eli Perencevich nhận định trên trang Forbes. "Biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng khi chúng ta cho rằng ai cũng có thể là nhân tố mang mầm bệnh. Điều này khớp với việc mở rộng các khuyến cáo mang khẩu trang bởi nó giúp bảo vệ những người khác trong cộng đồng."
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, cho thấy những lo ngại về việc giãn cách xã hội có thể chưa đủ. Hàng loạt thí nghiệm đã chỉ ra khi một người ho hoặc hắt hơi, các giọt bắn phát ra có thể đi xa từ 6 đến 8 mét trước khi rơi xuống đất hay các bề mặt như da người hay quần áo. Điều này dẫn đến giả thiết rằng, việc đeo khẩu trang sẽ trở nên hữu ích khi ở trong không gian kín hoặc khoảng cách gần. "Khẩu trang thông thường không thể lọc bỏ những phân tử nhỏ trong không khí vì chất liệu không đủ tiêu chuẩn," – giáo sư Bourouiba, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, phân tích. "Tuy nhiên, lớp chắn từ khẩu trang lại có thể ngăn chặn luồng khí từ bên trong thoát ra ngoài."
Với những phát hiện trên, giới chuyên gia cho rằng nghiên cứu trên có thể là mấu chốt để thay đổi các khuyến cáo liên quan đến việc đeo khẩu trang. Đặc biệt là khi lợi ích của đeo khẩu trang trong việc ngăn chặn nguy cơ truyền bệnh từ người đã mang mầm bệnh sang người khoẻ mạnh có thể được chứng minh nếu được thực hiện ở cấp độ cộng đồng. "Nếu có thể xác định được ai là người nhiễm bệnh không có triệu chứng hoặc tiền triệu chứng, chúng ta có thể ưu tiên để họ đeo khẩu trang. Nhưng không may là chúng ta không thể dễ dàng khoanh vùng nhóm bệnh nhân này." – tiến sỹ Arnold Monto, nhà nghiên cứu dịch tễ học tại Đại học Michigan - Ann Arbor (Mỹ) nhận định.
Theo CNN, việc khuyến cáo cộng đồng cùng đeo khẩu trang sẽ vô cùng có ích trong trường hợp một người nhiễm bệnh nhưng không dám đeo khẩu trang do lo ngại sự kỳ thị từ cộng đồng. "Chúng ta cần thay đổi nhận thức rằng khẩu trang chỉ dành cho người bị bệnh và việc mang nó là điều kỳ cục hay đáng xấu hổ. Nếu nhiều người mang khẩu trang hơn, nó sẽ trở thành một chuẩn mực xã hội cũng như của cả sức khỏe cộng đồng," chuyên gia y tế công cộng Shan Soe-Lin và nhà dịch tễ học Robert Hecht cùng chia sẻ trên tờ Boston Globe.
Dù thế, ngay cả khi nguồn khẩu trang trở nên dồi dào hơn, vẫn có những lo ngại khẩu trang có thể dẫn dụ mọi người vào cảm giác an toàn một cách chủ quan và coi đây là cớ để giữ khoảng cách xã hội. Hãng tin AFP nhận định vật dụng này không nên được coi là "yếu tố X kỳ diệu", mà trên hết là phải có gói chiến lược tổng thể để lập lớp phòng thủ tốt nhất trong cuộc chiến với COVID-19. Chiến lược tổng thể bao gồm biện pháp như khuyến khích rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách vật lý và hạn chế tiếp xúc trong cộng đồng, và xét nghiệm diện rộng nhằm khoanh vùng người bệnh. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này với đài NPR, cựu lãnh đạo Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb cũng nhấn mạnh việc đeo khẩu trang chỉ nên đóng vai trò thêm một lớp bảo vệ cho những người bắt buộc phải ra ngoài chứ không thể thay thế việc rửa tay và tránh tụ tập đông người.
Dù thế, sự thay đổi trong cách nhìn nhận của người dân phương Tây với chiếc khẩu trang vẫn là một bước biến chuyển có ý nghĩa lớn và có thể cứu hàng nghìn mạng sống khỏi đại dịch.