VTV.vn - Việc các doanh nhân, nghệ sĩ, diễn viên hay thậm chí vận động viên thể thao đột đổi nghề làm chính trị gia không phải là chuyện bây giờ mới có.
Những chính trị gia ngoại đạo bước ngang trên chính trường quốc tế - Ảnh 1.

Đều đặn mỗi tối vào tháng 3, Volodymyr Zelenskiy bước vào trường quay để nhập vai diễn đã gắn bó nhiều năm trong series phim truyền hình dài tập Servant of the People (tạm dịch là "Đầy tớ của nhân dân"). Trong đó, ông vào vai một giáo viên trung học bỗng nhiên được bầu thành Tổng thống, sau khi nhận được sự ủng hộ của người dân nhờ đăng tải đoạn video tố cáo tham nhũng lên mạng xã hội.

Tại Ukraine, Zelenskiy, 41 tuổi, là diễn viên hài, nhà biên kịch và nhà sản xuất của hãng phim Ukraine Kvartal 95. Giờ đây, người ta biết đến ông với thêm một vai trò khác: Tổng thống đắc cử của Ukraine.

Bất chấp vốn liếng chính trị bằng 0 và mới chỉ tiếp xúc với chính trường trên phim ảnh nhưng ông Zelenskiy đã thành công ngoạn mục trong việc đưa vai diễn của mình trên phim bước ra ngoài đời đời thực với tỷ lệ ủng hộ áp đảo 73,19% - một kết quả này có thể nói là chưa có tiền lệ trong lịch sử, nhất là với một chính trị gia không chuyên.

Những chính trị gia ngoại đạo bước ngang trên chính trường quốc tế - Ảnh 2.
Những chính trị gia ngoại đạo bước ngang trên chính trường quốc tế - Ảnh 3.
Những chính trị gia ngoại đạo bước ngang trên chính trường quốc tế - Ảnh 4.

Việc các doanh nhân, nghệ sĩ, diễn viên hay thậm chí vận động viên thể thao đột đổi nghề làm chính trị gia không phải là chuyện bây giờ mới có.

Nam diễn viên Hollywood Arnold Schwarzenegger lừng danh với loạt phim Kẻ hủy diệt từng khiến dư luận chú ý khi có bước chuyển mình đáng kể từ màn ảnh lên đấu trường chính trị để giữ chức thống đốc bang California trong hơn 8 năm.

Tại Philippines, nhà vô địch thế giới môn đấm bốc Manny Pacquiao được bầu vào Hạ viện và trở thành thượng nghị sĩ vào năm 2016. Ngôi sao thể thao cricket Imran Khan trở thành Thủ tướng Pakistan vào tháng 7/2018 và tạo tiếng vang đặc biệt với giới trẻ Pakistan. Nổi bật hơn có lẽ là Beppe Grillo, diễn viên hài người Italy. Ông đã góp công lớn tạo ra Phong trào 5 sao, vốn hiện là một phần trong liên minh cầm quyền nước này.

Những chính trị gia ngoại đạo bước ngang trên chính trường quốc tế - Ảnh 5.

Tờ Foreign Policy đã gọi đây là thời trỗi dậy của những chính trị gia không chuyên, vì sâu xa hơn, xu hướng này phản ánh hiện thực rằng hơn lúc nào hết cử tri đang ngày càng sẵn sàng nghiêng về cái mới, về những yếu tố khiến họ cảm nhận được sự tích cực, dù phi thực tế.

Những chính trị gia ngoại đạo bước ngang trên chính trường quốc tế - Ảnh 6.

Cho tới cách đây hai năm, người dân Pháp vẫn giữ vững thói quen bầu làm tổng thống những nhân vật mà họ biết rất rõ. Ngày 07/05/2017, họ đã phá lệ, đưa một người mới 39 tuổi, xuất thân từ ngành ngân hàng gần như không ai biết, vào điện Elysée. Trong quá khứ, một ứng viên độc lập thường nhanh chóng bị lu mờ bởi những ứng viên nhiều kinh nghiệm và nổi tiếng từ các đảng cầm quyền truyền thống. Nhưng điều đó đã không thể xảy ra với ông Macron, bởi truyền thông Pháp đã giúp một người chưa có dấu ấn chính trị nào đáng kể tạo ra "hiện tượng Macron".

Những chính trị gia ngoại đạo bước ngang trên chính trường quốc tế - Ảnh 7.

Dưới ngòi bút của báo chí và trên mạng xã hội, ông Macron nổi bật với những nét trẻ trung, tài năng và mang đến những thông điệp có thể làm hài lòng những cử tri đang khát khao những điều mới mẻ.

"Emmanuel Macron xuất hiện với một thông điệp rất lạc quan, tích cực. Ông ấy trẻ, tràn đầy năng lượng. Ông ấy không cần giải thích mình sẽ làm gì cho nước Pháp, mà nói về cách thức tạo ra cơ hội cho mọi người. Ông ấy là người duy nhất có thông điệp kiểu này" - chuyên gia Marc-Olivier Padis thuộc tổ chức cố vấn Terra Nova ở Paris nhận định.

Những chính trị gia ngoại đạo bước ngang trên chính trường quốc tế - Ảnh 8.

Điểm chung giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và mới nhất là Tổng thống đắc cử Ukraine Volodymyr Zelenskiy có là lợi thế từ việc nằm bên ngoài hệ thống chính trị sẵn có. Điều này cho phép những cử tri ủng hộ tìm thấy ở họ hình mẫu chính trị gia mới.

Một diễn viên giải trí thành tổng thống, trong một chiến dịch tranh cử kịch tính như một show truyền hình thực tế, là cách mà báo chí mô tả về chiến thắng của Volodymyr Zelenskiy. Nó cũng gợi nhớ đến một ví dụ "đá chéo sân" đặc biệt khác là chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2016.

Những chính trị gia ngoại đạo bước ngang trên chính trường quốc tế - Ảnh 9.

Ông trùm bất động sản Mỹ kiêm ngôi sao truyền hình thực tế đã gây chấn động thế giới khi đắc cử Tổng thống Mỹ mà chưa bao giờ giữ một chức vụ nào liên quan tới chính trị, ngoại giao hoặc quân sự.

Từng là một ngôi sao truyền hình thực tế, hơn ai hết ông Trump hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh bản thân qua hệ thống truyền thông riêng là Internet. Nhờ Facebook và Twitter, ông Donald Trump đã biến chuyển cách thức làm chính trị truyền thống. Người ta sẽ được biết ông đang nghĩ gì, sắp đưa ra chính sách gì, quan điểm thế nào, và gửi thông điệp gì cho các sự kiện quan trọng... chỉ bằng việc dõi theo trang Twitter của ông.

Những chính trị gia ngoại đạo bước ngang trên chính trường quốc tế - Ảnh 10.

Người dân thế giới đang dần quen thuộc với việc Giáo hoàng Francis đăng tải dòng trạng thái trên mạng xã hội bằng 9 thứ tiếng khác nhau, Thủ tướng Canada Justin Trudeau có phần hỏi, đáp trực tuyến với công dân thông qua Snapchat, hay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dùng Facebook để chia sẻ về các chuyến công du nước ngoài, quan điểm về các vấn đề mà ông quan tâm và kết nối với công dân.

Trong cuộc đua tranh giành sự chú ý của dư luận, Internet, hay cụ thể hơn là mạng xã hội, đã được vận dụng như một kênh quảng bá hình ảnh của mỗi ứng cử viên để đảm bảo rằng họ sẽ được công chúng nhớ đến. Người dân có xu hướng được tiếp cận nhiều hơn với những khía cạnh gần gũi hơn của chính trị gia mà không cuôc họp báo hay tuyên truyền bỏ phiếu truyền thống nào có thể làm được.

Ông David Black, giáo sư về truyền thông và văn hóa tại ĐH Royal Roads (Canada), cho rằng truyền thông xã hội đã có tác mạnh mẽ, bởi nó chạm tới các nhóm vốn trước đây không được xếp vào dạng quan tâm chính trị.  Đặc biệt trong các cuộc bầu cử, mạng xã hội làm cho chiến dịch vận động bầu cử dễ dàng và bớt tốn kém hơn, trong khi vẫn có thể truyền tải hình ảnh của chính trị tới mỗi người dân qua màn hình điện thoại hoặc máy tính.

Ngay từ khi mới ra tranh cử, ông Zelenskiy đã không ngần ngại quảng bá cả hai vai trò của mình với công chúng. Một là vai diễn Tổng thống trên phim, phát dày đặc trên kênh truyền hình của Ukraine, và hai, là ứng cử viên hứa hẹn thay đổi nền chính trị hiện tại. Xuất hiện chủ yếu trên mạng xã hội, thường xuyên chia sẻ khoảnh khắc đời thường như tán gẫu với bạn bè và tập gym; nói không với các cuộc mít tinh vận động bầu cử, không hay phát biểu trước công chúng, càng ít trả lời báo chí và vẫn tiếp tục đi biểu diễn cùng nhóm hài của mình. Tất cả đều mang thông điệp: "Tôi giống như các bạn".

Trong phiên tranh luận của các ứng cử viên tại sân vận động Kiev, ông Zelensky thể hiện khiếu hài hước, đối ngược với những lập luận chính trị sắc bén của ông Poroshenko. Sự hài hước đã mang tới hiệu ứng tích cực.

Chuyên gia phân tích chính trị Denis Denisov chỉ rõ, nhân vật mới Zelenskiy không có nền tảng chính trị nhưng lại thể hiện thành công hình ảnh Tổng thống trên truyền hình, là lựa chọn dễ hiểu cho những người đã rất mệt mỏi với chính trị.

Những chính trị gia ngoại đạo bước ngang trên chính trường quốc tế - Ảnh 11.

Dĩ nhiên từ phim đến đời thực luôn là một khoảng cách rất xa nhưng rõ ràng, thắng lợi của ông Zelenskiy còn là hệ quả cho thấy người dân cũng đã ngán ngẩm với những khuôn mẫu chính trị gia truyền thống và quá nghiêm túc. 

Đó là chưa kể việc cử tri nước này đang chìm trong nỗi thất vọng đã kéo dài 5 năm khi Tổng thống đương nhiệm chưa thể giúp Ukraine gia nhập EU và NATO, tình trạng tham nhũng tràn lan và là nền kinh tế nghèo nhất châu Âu.

Trước nhận định các chính trị gia không chuyên chỉ dựa vào truyền thông để "tô vẽ hình ảnh" thay vì ra các quyết sách thực tế, tiến sĩ ông Yakup Koreiba cho rằng: "Những phương pháp cũ phù hợp với thế giới quan cũ. Cần tạo ra sự mới mẻ hơn là sống với những điều cũ kỹ. Còn điều này có phi thực tế hay không, hãy để thời gian trả lời."

Những chính trị gia ngoại đạo bước ngang trên chính trường quốc tế - Ảnh 12.

Cho đến thời điểm này, hầu hết sẽ đồng ý rằng những chính trị không chuyên sẽ tạo ra những nhà lãnh đạo hoàn toàn mới. Nhưng cụ thể là mới như thế nào?

Dù thừa nhận lợi thế của những nhân vật tay ngang luôn đánh trúng vào tâm lý của số đông để gây thiện cảm, nhưng theo giới phân tích, những tình cảm này có thể không kéo dài đủ lâu để giúp họ trải qua sự nghiệp chính trị suôn sẻ.

Cử tri thường mong đợi cải cách diễn ra nhanh chóng trong vài tháng đầu tiên. Nếu thất bại, hậu quả sẽ là sự phản ứng dữ dội. Ông Oleksiy Haran, Giáo sư chính trị học tại Học viện Đại học Kyiv-Mohyla, nhận định rằng người Ukraine không nhận ra họ đang bầu cho một nhân vật truyền hình thay vì chính ông Zelenskiy.

Điều này đã cũng đã gây ra dấu hỏi của giới truyền thông khi khoảng 20 cơ quan báo chí viết thư cho ông Zelensky, kêu gọi ông chứng minh công khai các nguyên tắc chính trị mà ứng viên này tuyên bố là "không chỉ là những lời sáo rỗng".

Những chính trị gia ngoại đạo bước ngang trên chính trường quốc tế - Ảnh 13.

Tất nhiên, không phải cứ sang ngang là cầm chắc thất bại bởi lịch sử vẫn ghi nhớ nhiều trường hợp thành công trong cương vị này. Đơn cử như cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan - ngôi sao điện ảnh đầu tiên trở thành người đứng đầu một đất nước. Hay như vào năm 2010, trong cuộc bầu cử thị trưởng thành phố Reykjavik, thủ đô của Iceland, người dân địa phương đã bỏ phiếu cho diễn viên hài độc thoại Jon Gnarr. Thế nhưng, cũng chính "kẻ nghiệp dư" này đã đưa thủ đô của Iceland hồi phục từ cuộc khủng hoảng kinh tế.

Thế nên, dù mỗi kỳ bầu cử có khó đoạn định và kết thúc kịch tính đến thế nào, thì những vấn đề cần giải quyết trong tương lai sẽ là câu trả lời chính xác cho xu thế "diễn viên thống trị thế giới" như tờ Foreign Policy bình luận.

Và dù nhân tố mới có đặc biệt, khác lạ đến mấy thì sau khi đã nắm giữ vị trí quan trọng, những nhà lãnh đạo "tay ngang" này chắc chắn vẫn sẽ phải chứng minh bước chuyển của mình không phải là một lần thử sức ngẫu hững. Trọng trách người đứng đầu đất nước không phải là một vai diễn, một nhiệm vụ mà chỉ cần đóng máy, tắt tivi là đã hoàn thành.

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước