VTV.vn - PV Liên Liên nhiều lần thức trắng đêm trong nhiều tháng ghi hình, thu thập bằng chứng về nạn thu tiền “bảo kê” ở chợ Long Biên và mong muốn sự việc không bị “chìm xuồng”.

TINH VI MÁNH KHÓE THU TIỀN BẢO KÊ CHỢ LONG BIÊN

Đầu những năm 1990, băng nhóm xã hội đen do Dương Văn Khánh (Khánh "trắng") cầm đầu đã thâu tóm toàn bộ khu vực chợ Đồng Xuân và một số khu vực lân cận, trở thành một "thế lực đen" bậc nhất Hà thành. Dưới danh nghĩa là các nghiệp đoàn, tổ đội bốc xếp, vận chuyển kiêm bảo vệ, những gã giang hồ này đã thẳng tay thu tiền bến bãi, bóc lột bà con tiểu thương.

Câu chuyện trên tưởng đã trở thành quá khứ nhưng nay lại đang tái diễn ở chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội. Vẫn là mánh khóe đó, chỉ khác là những con người với cách thực hiện tinh vi hơn….

Theo tìm hiểu của phóng viên VTV, để có thể tồn tại buôn bán, bà con tiểu thương tại chợ đầu mối Long Biên sẽ phải đóng tiền "bãi" – hay còn gọi là tiền bảo kê. Nếu không đóng tiền, bà con tiểu thương sẽ không có chỗ đỗ xe để chuyển hàng. Tại đây, hàng hóa bán buôn là chính vì thế, không có chỗ đỗ xe coi như hết đường làm ăn.

Phức tạp hoạt động bảo kê tại chợ Long Biên

Việc thu tiền "bãi" ở chợ Long Biên, theo các tiểu thương, do một số người ở chợ tự đặt ra và đều nằm dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Kim Hưng (Hưng "kính"). Hưng "kính" tuy chỉ là Tổ trưởng tổ bốc xếp nhưng tỏ ra có quyền lực hơn cả Ban quản lý chợ Long Biên.

Chợ Long Biên có khoảng 1.000 hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 300 hộ thường xuyên cần chỗ đỗ xe. Trong khi Ban quản lý chợ Long Biên chỉ thu được khoản tiền vé vào cổng với mức từ 15.000 – 60.000 đồng/lượt thì những người thu tiền bảo kê lại kiếm được số tiền gần gấp 10 lần. Một số tiền không nhỏ của tiểu thương bị ngang nhiên chiếm đoạt.

Để có thể tồn tại buôn bán, các tiểu thương tại chợ Long Biên sẽ phải đóng tiền "bãi" (tiền bảo kê) với mức tiền là 200 nghìn đồng, nếu là xe to thì phải đóng 350 nghìn đồng. Có trường hợp theo phản ánh của tiểu thương phải đóng 100 triệu đồng/năm tiền "bãi".

Những người thường xuyên thu tiền bảo kê ở chợ đầu mối Long Biên

Lê Thanh Hải – Hải "Gió" – Nhân viên tổ bốc xếp số 2

Nguyễn Mạnh Long – Long "Cao" - Nhân viên tổ bốc xếp số 2

Dương Quốc Vương – Vương "Lợn"- Nhân viên tổ bốc xếp số 2

Bà con tiểu thương ở chợ Long Biên vẫn gọi những người thường xuyên thu tiền bảo kê là Hải "Gió" tức Lê Thanh Hải, Long "Cao" tức Nguyễn Mạnh Long và Vương "Lợn" tức Dương Quốc Vương. 3 người này thuộc tổ bốc xếp số 2 do Nguyễn Kim Hưng - hay còn gọi là Hưng "Kính" làm tổ trưởng. Dưới vỏ bọc là tổ bốc dỡ hàng hóa thuộc Ban quản lý chợ Long Biên, họ sẽ ép buộc các chủ hàng phải thuê bốc dỡ, dù tiểu thương không có nhu cầu.

Tổ bốc xếp số 2 có khoảng hơn 10 người. Những người này đều ký hợp đồng thời vụ với Ban quản lý chợ Long Biên. Hàng ngày, tổ sẽ giao ban vào khoảng 7h sáng để tổng kết số tiền thu được của ngày hôm trước. Bất ngờ nhất, có những cuộc giao ban họ còn bàn bạc cách đối phó với công an về những khoản tiền đã thu. Tuy nhiên, họ đã từng ký xác nhận vào các tờ thu tiền "bãi" của tiểu thương chính là những bằng chứng khó có thể chối cãi.

Vụ “bảo kê” chợ Long Biên: “Trắng đêm” thu thập bằng chứng, mong sự việc không bị “chìm xuồng” - Ảnh 4.

Nguyễn Kim Hưng - hay còn gọi là Hưng "Kính" - tổ trưởng tổ bốc xếp số 2, chợ Long Biên

Đối với các tiểu thương không chịu nộp tiền bảo kê, những người này sẽ dùng cá thối mùi nồng nặc để ngay sát chỗ bán hàng, cho xe chắn ngang cửa cản trở việc kinh doanh của người dân. Bằng mọi thủ đoạn, họ muốn dằn mặt tiểu thương, "ai dám chống lại thì sẽ hết đường làm ăn". Núp bóng là người của Ban quản lý chợ Long Biên nên nhóm người của Hưng "Kính" đã ngang nhiên coi thường pháp luật, lộng hành quấy rối.

Nhận diện những đối tượng thu tiền "bảo kê" của tiểu thương ở chợ Long Biên.

Ngày 21/9, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu công an thành phố chỉ đạo khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 30/9/2018.

Cụ thể, Chủ tịch UBND quận Ba Đình yêu cầu Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý chợ Long Biên: Tổ chức kiểm tra, làm rõ các nội dung phản ánh có tình trạng bảo kê tại chợ Long Biên, báo cáo UBND quận trước ngày 25/9/2018; đồng thời phối hợp chặt chẽ và cung cấp hồ sơ tài liệu có liên quan theo yêu cầu của Công an quận trong quá trình điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo nội dung báo chí phản ánh. Tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, kịp thời có biện pháp xử lý, không để xảy ra tình trạng như nội dung cơ quan báo đài phản ánh; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND phường Phúc Xá đảm bảo an ninh trật tự, trật tự đô thị, an toàn giao thông và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân kinh doanh.

Trưởng Công an quận được giao nhiệm vụ khẩn trương tổ chức điều tra các nội dung phản ánh; kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định pháp luật; đồng thời tham mưu UBND quận chỉ đạo, giải quyết vụ việc.

Trưởng phòng Kinh tế quận chủ trì, phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch, Thanh tra quận và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra công tác quản lý hoạt động của chợ Long Biên; việc chấp hành các quy định về thu, chi tài chính, nhất là các nội dung liên quan đến nội dung phản ánh của báo chí. Chánh Thanh tra quận theo dõi, nắm tình hình; tham mưu UBND quận xem xét chỉ đạo, giải quyết; đồng thời kiểm tra, đôn đốc Ban quản lý Chợ Long Biên khẩn trương khắc phục tồn tại hạn chế sau kiểm tra tại Ban quản lý chợ Long Biên theo chỉ đạo của UBND quận tại văn bản số 1947/UBND-TTr ngày 31/8/2018.

Chủ tịch UBND phường Phúc Xá phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý chợ Long Biên xử lý kịp thời các nội dung phản ánh; đồng thời chỉ đạo Công an phường Phúc Xá thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, trật tự đô thị, an toàn giao thông tại khu vực Chợ Long Biên; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo chức năng, thẩm quyền. Báo cáo UBND quận kết quả thực hiện trước ngày 30/9/2018.

Có hay không sự thông đồng của Ban quản lý chợ Long Biên?

Có hay không sự thông đồng của Ban quản lý trong việc chèn ép tiểu thương ở chợ Long Biên?

Sáng sớm ngày 24/9, theo ghi nhận của phóng viên VTV, chuyện thu tiền "bãi" (tiền bảo kê) vẫn tiếp tục diễn ra. Người thu tiền vẫn là 1 trong 3 đối tượng đã được ghi nhận trước đây - ông Nguyễn Mạnh Long (Long "Cao").

Trong khi người thu tiền bến bãi vẫn công khai lấy tiền, nhưng đại diện Ban quản lý chợ Long Biên khẳng định đã đình chỉ công tác 2 nhân viên bốc xếp, trong đó có ông Nguyễn Mạnh Long.

Liên quan đến việc bị nhóm người chèn ép và thu tiền bến bãi, đã có tiểu thương gửi đơn tố cáo lên Công an quận Ba Đình từ cách đây gần 2 tháng. Cơ quan công an cũng đã triệu tập nhóm 4 người này. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục việc làm phi pháp. Thực tế này khiến dư luận phải đặt câu hỏi: "Nhóm người này đang thách thức pháp luật hay đằng sau có ai dung túng mà họ có thể lộng hành đến như vậy?".

Giải trình về hành vi tiếp tục thu tiền "bãi" của nhân viên bốc xếp Nguyễn Mạnh Long (Long "Cao"). UBND quận Ba Đình cho biết, theo báo cáo của Ban quản lý thì đây là tiền bốc xếp.

Nếu thu tiền bốc xếp, đồng nghĩa với việc phải có hợp đồng bốc dỡ hàng hóa với Ban quản lý chợ Long Biên và cung cấp hóa đơn cho người nộp. Tuy nhiên, mâu thuẫn ở chỗ, trước đó, đại diện Ban quản lý chợ Long Biên lại cho biết, chưa từng ký hợp đồng với tiểu thương bán lẻ nào.

Dư luận có quyền nghi ngờ về sự khuất tất trong việc xử lý tình trạng thu tiền trái pháp luật ở chợ Long Biên. Liệu Ban quản lý chợ Long Biên sẽ cung cấp những tài liệu gì để hợp thức hóa cho những thông tin báo cáo quận Ba Đình không đúng với thực tế. Dư luận trông chờ vào sự công tâm, khách quan của các lực lượng chức năng, đảm bảo vụ việc được xử lý triệt để, không còn tồn tại các nhóm người thu tiền bến bãi, ép buộc tiểu thương như thời gian vừa qua.

Cần câu trả lời về nạn "bảo kê" ở chợ Long Biên

TỪ NHỮNG ĐÊM TRẮNG TÌM BẰNG CHỨNG Ở CHỢ LONG BIÊN…

Theo phóng viên Liên Liên – Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam, đây là đề tài khá gai góc và có thể nói là nguy hiểm khi thực hiện. Chị và các cộng sự đặc biệt quan tâm tới đề tài này bởi trước đây đã từng thực hiện loạt phóng sự phản ánh nạn bảo kê ở chợ cá bên Bắc Ninh.

"Đây là đề tài chúng tôi nhận được nguồn tin từ báo Phụ nữ. Vì cần nhiều người tác nghiệp nên chúng tôi đã phối hợp cùng với nhau.

Đây là đề tài chúng tôi quan tâm bởi trước đây, chúng tôi đã từng làm đề tài bảo kê ở chợ cá bên Bắc Ninh. Khi đó, mặc dù chợ cá quy mô nhỏ nhưng tôi hiểu được mức độ nguy hiểm. Việc tác nghiệp thường diễn ra ban đêm nên sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng rất khó nếu có bất trắc.

Theo tôi, dư luận và người dân rất quan tâm đến đề tài thu tiền "bảo kê" ở chợ Long Biên. Những đối tượng chúng tôi phản ánh trong phóng sự bằng mọi cách chèn ép tiểu thương để thu tiền. Nếu chúng tôi có những bằng chứng đưa ra về hành vi như thế tôi nghĩ phóng sự điều tra này có sức ảnh hưởng tốt. Từ đó, cơ quan chức năng có căn cứ để vào cuộc. Vì thế, tôi rất mong muốn có thể khai thác được đề tài này", phóng viên Liên Liên – người trực tiếp tham gia và phản ánh đưa tin trên kênh VTV1, Đài THVN cho biết.

Vụ “bảo kê” chợ Long Biên: “Trắng đêm” thu thập bằng chứng, mong sự việc không bị “chìm xuồng” - Ảnh 9.

Phóng viên Liên Liên tác nghiệp tại chợ Long Biên.

Do hoàn cảnh và thời gian thực hiện đề tài này khá khó khăn, nhóm phóng viên VTV phải tiến hành thực hiện từ 21h, 22h đến sáng hôm sau. Theo đó, nhóm phóng viên phải xác định thức trắng đêm. "Nếu có chợp mắt, chúng tôi sẽ tranh thủ ngủ gà gật ở mọi chỗ có thể chừng 15 phút cho tỉnh táo", phóng viên Liên Liên cho hay.

Để lấy được những bằng chứng cụ thể, nhóm phóng viên phải phối hợp nhiều người quay cùng lúc, phải bàn tính để có những cảnh quay làm bằng chứng thuyết phục nhất.

Phóng viên Liên Liên tiết lộ: "Chúng tôi phân công mỗi người một vị trí, trong các vai khác nhau để tiếp cận những người trực tiếp thực hiện hành vi này. Trong thời gian tiến hành theo dõi, dù biết họ sẽ "hành động" nhưng vì nhiều lý do, lúc thì trời mưa, lúc thì họ đi xe máy thông thuộc địa hình hơn chúng tôi đi bộ và ở trong tư thế lúc nào cũng phải bám sát, nên nhiều lần chúng tôi bị mất dấu vết. Đó là những khó khăn trong quá trình thực hiện dù đã lên kế hoạch kỹ lưỡng bố trí người bám theo để khi phát hiện có hành vi vi phạm sẽ ghi hình đầy đủ nhất.

Chúng tôi mất nhiều thời gian để thu thập chứng cứ. Trong suốt gần 2 tháng, chúng tôi tập hợp lực lượng, phân công và tiến hành thu thập bằng chứng. Nhiều trường hợp bị lộ, chúng tôi phải nhờ thêm anh em, bạn bè khác để hỗ trợ. Ngoài 2 tháng tác nghiệp, trước đó, chúng tôi cũng mất khá nhiều thời gian để thu thập thông tin trước khi tiến hành".

BẢO ĐẢM TUYỆT MẬT THÔNG TIN VỚI CẢ NGƯỜI NHÀ, CHO TỚI SÁT GIỜ PHÁT SÓNG

Do tính chất nguy hiểm khi thực hiện đề tài, nhóm phóng viên thống nhất nguyên tắc giữ bí mật tuyệt đối, ngay cả với người nhà. Phóng viên Liên Liên thổ lộ, gần như không ai biết chị đang thực hiện đề tài gì, ở đâu. Thông tin đề tài phóng sự điều tra cũng được giữ kín tới sát giờ phát sóng nhằm tránh những áp lực không đáng có.

"Tôi làm phóng sự điều tra lâu năm nên có kinh nghiệm trong việc dự đoán để làm sao tránh ảnh hưởng, áp lực nhằm đảm bảo thông tin và phóng sự được lên sóng. Đề tài này có đặc thù đó là áp lực trực tiếp trong khi tác nghiệp khá nặng nề do tính chất nguy hiểm. Chúng tôi xác định, đây là những đối tượng họ có thể manh động nếu phát hiện ra việc ghi hình của chúng tôi. Cả quá trình, chúng tôi phải bí mật, bí mật với cả người nhà.

Di chuyển tới đâu, làm gì, khi trao đổi chúng tôi chỉ trao đổi ở mức độ vừa phải. Chúng tôi đều xác định, bất cứ ai nói ra thông tin thì nguy hiểm đầu tiên chính là mình. Chúng tôi có nguyên tắc đề ra để đảm bảo an toàn tuyệt đối về mặt thông tin. Khi đó, chúng tôi mới đảm bảo an toàn trong quá trình tác nghiệp của mình.

Thậm chí, chúng tôi cũng không để lộ ra thông tin cho tới lúc phát sóng. Ngay sát giờ phát sóng, tôi mới tiết lộ địa điểm ghi hình "

QUYẾT KHÔNG ĐỂ VỤ VIỆC ‘CHÌM XUỒNG" GIỮA CHỪNG

Tiểu thương bị nộp tiền bảo kê đều cảm thấy e ngại, sợ bị ảnh hưởng đến việc làm ăn do các tiểu thương chưa biết những đối tượng kia sẽ bị xử lý thế nào. Đặc biệt, sau khi phóng sự phát sóng trên VTV, những đối tượng đó bị triệu tập lên cơ quan công an nhưng ngay tối hôm đó, những người này vẫn vui vẻ như chưa có chuyện gì xảy ra.

"Những tiểu thương có thể nghi ngờ những đối tượng kia có thể lực nào đó "chống lưng" khiến cho họ càng sợ hơn. Đây là điều chúng tôi cảm thấy băn khoăn", phóng viên Liên Liên trải lòng.

Phóng viên Liên Liên: "Ngay sau khi phòng sự đầu tiên phát sóng, tôi nhận được phản hồi lớn từ khán giả. Khán giả đều đồng lòng ủng hộ để chúng tôi nói lên hiện tượng xưa nay ít người, ít cơ quan báo chí dám làm bởi đề tài bảo kê tại khu chợ lớn và phức tạp như chợ Long Biên thì các cơ quan báo chí đưa gần như chỉ đưa sau khi cơ quan công an đã "làm án".

Nhiều khán giả đã thể hiện quan điểm ngay khi theo dõi phóng sự phát sóng, trên mạng xã hội và cả các cơ quan báo chí khác cũng vào cuộc mạnh mẽ để loạt phóng sự thành công ngoài mong đợi đối với ê kíp.

Hiện chúng tôi đang phối hợp với các lực lượng chức năng để làm sao trong thời điểm nhạy cảm này chúng tôi được đảm bảo an toàn nhất. Chúng tôi an toàn thì người dân mới có lòng tin rằng những việc chúng tôi lên tiếng".

"Để có thể lấy lai niềm tin của khán giả, của những tiểu thương ở chợ Long Biên, vấn đề này phải được xử lý một cách triệt để. Đây chính là mong muốn của ê kíp. Chúng tôi tạo ra dư luận xã hội để mọi người quan tâm đồng thời mong muốn những người có sai phạm phải được xử lý. Nếu sau phóng sự phản ánh, những đối tượng trên không bị xử lý, tôi cho rằng sau câu chuyện này vô hình trung danh thế của họ lại càng khiến tiểu thương sợ hãi hơn và đành chấp nhận việc nộp tiền bảo kê mà không dám lên tiếng.

Chúng tôi mong muốn, cuối cùng sự việc này PHẢI ĐƯỢC XỬ LÝ MỘT CÁCH TRIỆT ĐỂ, không có bất cứ áp lực nào đằng sau dung túng khiến sự việc bị ‘chìm xuồng’", phóng viên Liên Liên nhấn mạnh.

"THẾ GIỚI NGẦM" Ở CHỢ LONG BIÊN

Đe dọa, dằn mặt, ép buộc... để tiểu thương phải đóng tiền bảo kê cho một nhóm người hoạt động không khác gì băng đảng xã hội đen. Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm ở chợ Long Biên, Hà Nội và trở thành nỗi kinh hoàng của các hộ kinh doanh. Chính quyền địa phương có biết hay không? Ai, tổ chức nào "chống lưng" cho những hoạt động phi pháp? Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm minh ra sao?

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu cầu Công an Thành phố trước ngày 30/9/2018, phải có báo cáo về vụ việc.

Chương trình Sự kiện bình luận tuần này, 09h15 thứ Bảy, ngày 29/9 sẽ có cuộc trò chuyện với nhà báo Liên Liên - người thực hiện loạt phóng sự trên và PGS. TS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn - Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học, Học viện Cảnh sát nhân dân để làm rõ hơn câu chuyện về "thế giới ngầm" này.


Thực hiện: Khánh Nguyễn - Liên Liên 


X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước