VTV.vn - Dám thay đổi là câu chuyện từ những người trong cuộc kể lại hành trình thay đổi của mình để sẵn sàng đón bình minh mới của nền Giáo dục Việt Nam.
Chào năm học mới 2024: Dám thay đổi để đón bình minh mới - Ảnh 1.

Năm học 2024 - 2025 là năm học đầu tiên của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp học, đánh dấu một chặng khởi đầu cho việc thay đổi toàn diện ngành Giáo dục Việt Nam. Khác với những chương trình Giáo dục phổ thông trước đây đều thể hiện mục đích học để "biết", mục đích học tập ở chương trình Giáo dục phổ thông 2018 không phải chỉ để "biết" mà chủ yếu là để "làm". Nói cách khác là cách học chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực học sinh.

Việc thay đổi then chốt này dẫn đến sự thay đổi toàn diện trong việc dạy và học. Từ thầy cô giáo phải tự mình thay đổi phương pháp dạy học để trở thành những người thày cô truyền cảm hứng học tập, đến học sinh phải thay đổi mục tiêu học tập để biết mình đang học vì cái gì. Phụ huynh cần thay đổi cách đồng hành với con cái để làm sao cùng con phát triển năng lực thay vì nhìn vào điểm số? Quản trị nhà trường cũng cần linh hoạt và chủ động hơn để dành mọi điều tốt đẹp nhẩt cho học sinh.

Sự thay đổi này rất tích cực nhưng vẫn đầy thách thức. Dẫu biết thay đổi là để tốt hơn, nhưng làm thế nào để bỏ đi những quan niệm giáo dục đã ăn sâu vào tiềm thức để đón nhận sự mới mẻ này? Dám thay đổi được chọn là chủ đề của chương trình "Chào năm học mới 2024 - 2025" do Ban Khoa giáo, Đài THVN thực hiện. Dám thay đổi cũng chính là câu chuyện từ những người trong cuộc kể lại hành trình thay đổi của mình để sẵn sàng đón bình minh mới của nền Giáo dục Việt Nam.

Chào năm học mới 2024: Dám thay đổi để đón bình minh mới - Ảnh 2.

Câu chuyện đầu tiên mà chương trình mang tới là sự "dám thay đổi" từ chính các em học sinh. Đó là câu chuyện của Giang Hân và Đình Bảo. Từ những học sinh bị coi là khác biệt, chán học, sợ đến trường, các em đã thay đổi bản thân và chinh phục ước mơ mà trước đó thậm chí các em chưa từng nghĩ mình sẽ chạm tay tới.

"Mọi người nghĩ em là một đứa không giống ai, rất dị, từ hồi cấp 1 đến giờ. Học hành không có gì nổi trội ngoài môn tiếng Anh" - Giang Hân kể lại. Thời điểm đó, Giang Hân cho biết em đã cố gắng mở rộng vòng tròn mối quan hệ của mình ra nhưng cuối cùng cũng chỉ dừng lại ở phần lớp.

Chào năm học mới 2024: Dám thay đổi để đón bình minh mới - Ảnh 3.

Lên cấp 3 là thời điểm mà Giang Hân quyết định thay đổi, mà theo như cách gọi của em là "một bước tiến ngoạn mục". Hâm đã quyết định tham gia vào nhiều câu lạc bộ khắp Hà Nội, từ đó em có nhiều người bạn ở các ngôi trường khác nhau. "Những câu lạc bộ đó cho em cảm giác được tôn trọng và được công nhận. Em rất thích cảm giác đó" - Hân bộc bạch.

Cô giáo Nguyễn Thị Thuỳ Linh - giáo viên chủ nhiệm cấp THPT của Giang Hân cho rằng: "Giang Hân là một cô bé nhiều tài: đánh đàn, hát, vẽ đẹp. Con không khác biệt, con có cá tính nổi trội".

Chào năm học mới 2024: Dám thay đổi để đón bình minh mới - Ảnh 4.

Ngoài nghệ thuật, Giang Hân thích giúp đỡ người khác. Em thích dạy kèm cho các em khoá sau. Giang Hân đã nhận ra mình không kém cỏi và không gò bó bản thân vào một khuôn phép. Em tự tin sẽ cân bằng được tình yêu dành cho nghệ thuật và cho khoa học kỹ thuật.

Không bị coi là "rất dị" như Giang Hân, Đình Bảo lại tự thấy mình khác biệt so với đa phần các bạn học sinh còn lại trong những môi trường học tập mà em từng học trước đây. "Em bị bắt nạt. Em thấy cô đơn, lạc lõng" - Bảo nhớ lại.

Chào năm học mới 2024: Dám thay đổi để đón bình minh mới - Ảnh 5.

Đình Bảo nghĩ rằng nếu mình cứ sống nội tâm, ít nói mãi thì em sẽ không có được những người bạn tốt. Đó là điều thúc đẩy em thay đổi. Việc thay đổi đầu tiên của Đình Bảo là tham gia vào các hoạt động trải nghiệm của nhà trường, tham gia các buổi gala... Lớp trưởng đã kết nối Bảo với tất cả các bạn còn lại trong lớp. Khi chơi thân thiện với các bạn, Đình Bảo thấy cuộc đời nhiều màu hơn, việc đi học không nhàm chán như em nghĩ. Từ đó em bắt đầu tập trung vào việc học hơn.

Chào năm học mới 2024: Dám thay đổi để đón bình minh mới - Ảnh 6.

Trong chương trình Chào năm học mới 2024 - 2025, hai người dẫn chương trình Hồng Nga - Chí Hiếu cũng là những người làm trong ngành giáo dục đã có cuộc trò chuyện với em Thế Anh (học sinh trường phổ thông liên cấp H.A.S) và chị Hương Giang - mẹ của Thế Anh. Xem xong phóng sự về câu chuyện của Giang Hân và Đình Bảo, chị Giang cho rằng Thế Anh đâu đó cũng có hình ảnh như hai anh chị trong clip nhưng chị chưa bao giờ có suy nghĩ con kém cỏi.

"Đứa trẻ hạnh phúc nhất khi nó được là nó và nó hạnh phúc với khả năng của nó. Việc áp đặt kỳ vọng của bố mẹ sẽ khiến cả bố mẹ và con mệt mỏi" - chị Hương Giang bày tỏ quan điểm - "Bố mẹ là người đồng hành, đầu tư, định hướng, hướng dẫn, còn việc thực hiện là tự bản thân con".

Năm nay, Thế Anh bước vào lớp 10. Em muốn nhắn nhủ chính bản thân mình: "Thế Anh ơi, đừng như thời gian cấp 2 vừa rồi nữa! Hãy cố gắng hoàn thành những năm cấp 3 dù ngắn nhưng sẽ khác. Hãy chứng minh năng lực bản thân của mình".

Chào năm học mới 2024: Dám thay đổi để đón bình minh mới - Ảnh 7.

Em Thế Anh và mẹ trong chương trình.

Chào năm học mới 2024: Dám thay đổi để đón bình minh mới - Ảnh 8.

Sau câu chuyện thay đổi của chính các em học sinh như Giang Hân, Đình Bảo, chương trình tiếp tục có cuộc trò chuyện với hai hiệu trưởng trường THCS và THPT - những vị "thuyền trưởng" của nhà trường trên hành trình dám thay đổi.

Chia sẻ về vấn đề này, ThS. Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, Long Biên, Hà Nội cho biết, sự thay đổi để phát triển năng lực của học sinh, tăng tính chủ động và rèn luyện phẩm chất cũng như các kỹ năng cho học sinh. Từ quy chuẩn sẽ biến thành nội dung hành động cụ thể cho các thầy cô, học sinh.

Chào năm học mới 2024: Dám thay đổi để đón bình minh mới - Ảnh 9.

Hai vị "thuyền trưởng" của những nhà trường trên hành trình dám thay đổi.

"Khi trường chúng tôi mới thành lập năm 2020, rất nhiều chương trình, hoạt động được đưa vào nhà trường. Nhiều phụ huynh ngạc nhiên thắc mắc tại sao tốn thời gian như STEM - gập giấy, làm đồ chơi... Tôi động viên phụ huynh yên tâm, các con vẫn đạt mục tiêu thi tốt, bên cạnh đó các con có tính năng động, kỹ năng sống tốt" - thầy Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ - "Ví dụ như trong thời gian ôn thi, chúng tôi tổ chức câu lạc bộ thể thao, tăng cường một tuần thêm 2 tiết thể thao, các con rất phấn khởi".

Chào năm học mới 2024: Dám thay đổi để đón bình minh mới - Ảnh 10.

ThS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, có thể mỗi nhà trường ở mỗi địa phương sẽ khác nhau nhưng giáo dục cần quá trình, vì thế chúng ta không nên băn khoăn quá nhiều như tại sao chúng ta không có màn hình này, thiết bị hiện đại kia...  Chúng ta bắt đầu từ nguồn lực chính của nhà trường có và sự tâm huyết, tận tuỵ của thầy cô cùng những chương trình thì chúng ta sẽ có bài giảng, nội dung thiết thực nhất. Thứ hai là sự đồng hành của cha mẹ.

ThS. Nguyễn Thị Mai Huệ - Hiệu trưởng trường THPT dân lập Nguyễn Huệ, Hà Nội cho biết, đứng trước một sự đổi mới nếu nói là không hoang mang, không lo lắng chút nào thì không đúng. Tuy nhiên nếu cứ mang đầy nỗi sợ thì sẽ không dám thay đổi. Chữ "dám" đó phải bắt đầu từ những người có trọng trách trong nhà trường. "Chúng tôi phải chủ động dám rồi truyền qua đồng nghiệp, tới phụ huynh và các con" - cô Mai Huệ chia sẻ - "Đổi mới cần chạm vào những cái nhỏ nhất ở ngóc ngách trái tim, đặc biệt là đối tượng học sinh của mình".

Chào năm học mới 2024: Dám thay đổi để đón bình minh mới - Ảnh 11.
Chào năm học mới 2024: Dám thay đổi để đón bình minh mới - Ảnh 12.

PGS. TS. Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai ở tất cả 12 khối lớp, cũng là năm có khối học sinh lớp 12 đầu tiên thi tốt nghiệp theo phương án mới.

"Lần đầu tiên xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực của học sinh thay cho quan điểm trước đây. Lần đầu tiên chúng ta thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa với phương thức xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Vì vậy, cách dạy cách học trong nhà trường đương nhiên phải thay đổi. Học sinh chiếm lĩnh được kiến thức nhưng không phải kiến thức chỉ để thi, mà kiến thức ấy phải được huy động và sử dụng trong quá trình học và cuộc sống hàng ngày" - PGS. TS. Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.

Chào năm học mới 2024: Dám thay đổi để đón bình minh mới - Ảnh 13.
Chào năm học mới 2024: Dám thay đổi để đón bình minh mới - Ảnh 14.

"Trong thời gian tiếp theo, điều đầu tiên chúng tôi muốn các thầy cô dám thay đổi - phải thay đổi mạnh mẽ hơn cách dạy, cách tổ chức cho học sinh học. Thứ hai, học sinh phải làm sao để nhận ra sở trường, năng lực bản thân, sự tự tin. Từ đó dám thay đổi cách nghĩ của mình. Thứ ba là cha mẹ học sinh cần phát hiện cho trúng, đúng năng lực, sở trường của con để khuyến khích, động viên, không nên ép buộc" - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học chia sẻ.

Chương trình Chào năm học mới 2024 - 2025: Dám thay đổi truyền cảm hứng và động lực để các bạn học sinh, sinh viên bước vào năm học mới với tâm thế tự tin, sẵn sàng thay đổi và phát huy tối đa tiềm năng cá nhân.

Tọa đàm Chào năm học mới 2024 - Dám thay đổi

Chào năm học mới 2024: Dám thay đổi để đón bình minh mới - Ảnh 16.
Đinh Hương
5/9/2024

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước