Vào ngày hôm nay (3/4), Chào Tiếng Việt – một chương trình dạy tiếng Việt trên truyền hình hoàn toàn mới được Ban Truyền hình đối ngoại (THĐN), Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất sẽ chính thức lên sóng. Đây là chương trình dạy tiếng Việt trên truyền hình đầu tiên dành riêng cho trẻ em người Việt sinh ra, lớn lên và sinh sống ở nước ngoài có độ tuổi 6-11, nhằm khơi gợi cho các bạn nhỏ sự hứng thú, yêu thích tiếng Việt và khám phá đất nước Việt Nam. Chương trình sẽ trở thành sợi dây gắn kết, gìn giữ, củng cố và phát triển ngôn ngữ cũng như bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về quê hương, đất nước cho các bạn nhỏ.
Chào Tiếng Việt nằm trong chuỗi chương trình đặc sắc của VTV4 góp phần quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Song hành với sách giáo khoa Chào Tiếng Việt do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, chương trình được kỳ vọng sẽ trở thành bộ giáo trình trực quan sinh động về tiếng Việt dành riêng cho các bạn nhỏ người Việt Nam ở nước ngoài.
Chào Tiếng Việt là một trong ba chương trình truyền hình về tiếng Việt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài quan tâm yêu thích ngôn ngữ, văn hóa Việt. Các chương trình được Ban Truyền hình Đối ngoại đầu tư sản xuất kĩ lưỡng, dành nhiều tâm sức để xây dựng, góp phần nâng cao hiệu quả việc dạy và học tiếng Việt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, từ năm 2018, nhận thức được nhu cầu và tầm quan trọng của việc học tiếng Việt của khán giả người Việt Nam ở nước ngoài, Ban THĐN đã phối hợp với các chuyên gia ngôn ngữ tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt – Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội sản xuất và phát sóng chương trình Xin chào Việt Nam. Khác với Chào Tiếng Việt, chương trình học tiếng Việt - Xin chào Việt Nam dành cho đối tượng khán giả đã có kiến thức cơ bản về tiếng Việt, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài. Tại đây, khán giả nắm được các bài học từ vựng và ngữ pháp gắn trải nghiệm nhân vật đồng hành trong bối cảnh thực tế tại Việt Nam. Qua đó, khán giả học được ngôn ngữ trong cuộc sống thực tế và hiểu hơn về văn hóa, phong tục và cuộc sống hiện đại tại Việt Nam. Sau 4 năm, chương trình đã phát sóng hơn 120 tập với thời lượng 15 phút/tập trên Kênh VTV4 và trên các nền tảng số.
Tiếp đó, Gala đặc biệt "Tiếng Việt ơi" ra mắt khán giả năm 2022, là bức tranh thực tế sinh động và đa góc nhìn về sự phát triển và lan tỏa của tiếng Việt ở các nước trên thế giới; giúp khán giả hiểu hơn về tâm, sức và những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm phát triển ngôn ngữ và văn hóa Việt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, chương trình cũng đề cập tới những phương thức, giải pháp sáng tạo của cá nhân và cộng đồng trong việc giảng dạy hiệu quả tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Chương trình được đầu tư sản xuất công phu với các phóng sự chất lượng, được thực hiện tại các quốc gia trên thế giới (Mĩ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Ba Lan… và Việt Nam), đan xen là các tiết mục nghệ thuật phong phú, hấp dẫn. Những câu chuyện thực tế truyền cảm hứng trong Gala sẽ là nguồn tham khảo và là động lực để khán giả duy trì và gìn giữ tiếng Việt. Qua đó, chương trình cũng thúc đẩy niềm tự hào và tình yêu tiếng Việt.
Bên cạnh các chương trình chuyên mục định kỳ và Gala thường niên, Ban Truyền hình đối ngoại còn thường xuyên thông tin về các hoạt động tập huấn, giảng dạy và học tiếng Việt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước tổ chức, các phóng sự thời sự về các câu chuyện học tiếng Việt của cộng đồng người Việt, hay nhân vật truyền cảm hứng ở khắp nơi trên thế giới trong các bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam.
Nhận thấy những hiệu quả rõ rệt từ các chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài do Ban Truyền hình Đối ngoại sản xuất và nhu cầu của cộng đồng khán giả, năm 2023, Ban Truyền hình Đối ngoại đã hợp tác với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB) nghiên cứu, sản xuất và cho ra đời chương trình Chào Tiếng Việt. Khác với Xin chào Việt Nam, Chào Tiếng Việt dành riêng cho khán giả ở độ tuổi 6-11, sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Các cháu không có nhiều cơ hội tiếp xúc với tiếng Việt, khả năng nói tiếng Việt hạn chế. Nhiều cháu hoàn toàn không biết nói tiếng Việt.
Chương trình Chào Tiếng Việt có thời lượng 15 phút/số, phát sóng hàng tuần trên kênh VTV4 và nền tảng số. Thông qua nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn đối với đối tượng trẻ em như sử dụng trường quay màu sắc, đồ hoạ sinh động, linh vật gần gũi cùng những tình huống ngoài thực tế để giúp cho các bạn nhỏ dễ dàng tìm hiểu về đất nước Việt Nam và tiếng Việt. Chương trình cũng sẽ thu hút các em nhỏ gần hơn với tiếng Việt thông qua trò chơi, bài hát, câu chuyện, bài thơ, đồng dao hay điệu nhảy. Từ bài học cho đến các bài tập đều đưa người học vào tình huống giao tiếp cụ thể, giống như giao tiếp đời thường để các em dễ dàng tiếp thu ngôn ngữ Việt và vận dụng trong thực tế sau đó.
Chương trình Chào Tiếng Việt có sự đồng hành, tham gia, cố vấn của Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh cùng các chuyên gia ngôn ngữ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
- Như bạn cũng đã biết, một trong những đối tượng khán giả chính của VTV4 là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Việc học và dạy tiếng Việt cho con em của phụ huynh người Việt ở nước ngoài luôn là sự trăn trở từ lâu nay. Làm thế nào để con học tiếng Việt hiệu quả? Áp dụng phương pháp giảng dạy nào tại gia đình và nhà trường để phù hợp với điều kiện thực tế? Có cách gì để các con hứng thú với tiếng Việt? Vì không biết tiếng Việt thì sợi dây gắn kết của các con với quê hương Việt Nam sẽ không còn được bền chặt. Hiểu ngôn ngữ mới có thể giúp các con biết tới văn hoá, mong muốn tìm hiểu văn hoá và yêu đất nước mình.
Từ nhiều năm, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều chương trình hoạt động để hỗ trợ, gắn kết bà con với quê hương, đất nước, trong đó có đề án nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Mục tiêu đề án nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm giữ gìn, củng cố và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về quê hương, đất nước; góp phần quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Từ năm 2018, Ban THĐN đã triển khai chương trình đầu tiên về giảng dạy Tiếng Việt trên truyền hình với tên gọi Xin Chào Việt Nam. Kế đến là chương trình Gala Tiếng Việt ơi năm 2022 và đầu tháng tư này, ngày 3/4 là chương trình hoàn toàn mới dành riêng cho trẻ em người Việt ở nước ngoài "Chào Tiếng Việt".
- Chương trình Chào Tiếng Việt là phiên bản truyền hình dựa trên giáo trình cùng tên do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, với sự đồng hành của tác giả là Tiến sĩ Nguyễn Thuỵ Anh, người có thời gian sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt chị cũng là người giàu kinh nghiệm tương tác, làm việc với trẻ em người Việt ở nước ngoài.
Ý tưởng cho ra đời một chương trình học tiếng Việt cho khán giả nhỏ tuổi người Việt Nam ở nước ngoài đã được tôi và Tiến sĩ Thuỵ Anh ấp ủ từ năm 2016. Tuy nhiên, cho tới nay, dự định đó mới thành hiện thực với sự phối hợp chặt chẽ của ba đơn vị là Ban THĐN, NXB GD Việt Nam và Tiến sĩ Thuỵ Anh.
Như bạn đã biết, đối với các chương trình truyền hình về giáo dục và yêu cầu chuyên môn cao về ngôn ngữ, hiểu tâm lý trẻ, cũng như các phương pháp sư phạm thì một mình chúng tôi cũng không thể "gột nên hồ". Đối với các em nhỏ người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, các cháu sống trong môi trường văn hóa và ngôn ngữ ở bên đó. Cũng có thể hiểu các cháu như trẻ em nước ngoài, chỉ khác là sinh ra trong gia đình người Việt, hoặc có bố/mẹ là người Việt. Các cháu chịu tác động văn hoá nước sở tại và dĩ nhiên sẽ thạo ngôn ngữ sở tại hơn tiếng Việt. Cách tư duy của các cháu cũng khác biệt với trẻ sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Do vậy, cách tiếp cận các bạn nhỏ này cũng yêu cầu phương pháp giảng dạy cũng khác nhiều so với các cháu cùng độ tuổi tại Việt Nam.
Để có thể sản xuất chương trình Chào Tiếng Việt phù hợp với mục tiêu dễ tiếp cận với các cháu người Việt ở nước ngoài, Ban Truyền hình đối ngoại đã có rất nhiều buổi trao đổi, làm việc trực tiếp với NXB Giáo dục và tiến sĩ Thuỵ Anh. Sau thời gian hợp tác tiền kỳ, chúng tôi nhận thấy rằng, phải kết hợp sức mạnh tập thể mới có thể thành công. Việc hợp tác giữa ban bên có thể coi là chiếc "kiềng ba chân" vững chắc cho sức bật của chương trình truyền hình mới Chào Tiếng Việt với kỳ vọng sẽ trở thành bộ giáo trình trực quan sinh động bằng hình ảnh về tiếng Việt dành riêng cho các bạn nhỏ người Việt Nam ở khắp thế giới.
- Chúng tôi cũng vừa ghi hình xong 7 số đầu tiên của chương trình. Vì là những chương trình đầu tiên nên các nhóm phải vừa làm, vừa điều chỉnh ngay trên chính trường quay. Như bạn đã biết, Chào Tiếng Việt là chương trình tập hợp nhiều cấu phần và phương thức thể hiện phức tạp (từ ngôn ngữ giảng dạy, đồ hoạ phức tạp và cả biểu diễn nghệ thuật dân gian).
Từ kịch bản tới khi ghi hình cũng phải điều chỉnh nhiều cho phù hợp với thực tế. Đặc biệt liên quan tới cấu trúc các nội dung trong chương trình truyền hình. Ban đầu, chúng tôi đã tính phương án tuân theo các cấu phần trong sách giáo khoa Chào Tiếng Việt. Tuy nhiên, các chương trình truyền hình có những tiêu chuẩn riêng, phức tạp hợp nhiều so với giáo trình. Chương trình phải đảm bảo sự sinh động, hấp dẫn, mới lạ từ nội dung, âm nhạc cho tới thể hiện và đặc biệt chú trọng tới phần tương tác khán giả và đất nước học. Do vậy, nhóm đã phải bàn bạc kĩ lưỡng để đưa ra phương án phù hợp nhất, hài hoà giữa nội dung sách và chương trình truyền hình.
Ngoài ra, Chào Tiếng Việt có tới 90% là thể hiện đồ hoạ. Đây cũng là khâu phức tạp và tốn kém thời gian nhất của nhóm sản xuất. Thông thường, thời gian thực hiện chỉ một vài chi tiết đồ hoạ động cũng đã ngốn rất nhiều thời gian. Trong khi đó, chương trình sẽ lên sóng hàng tuần. Do vậy, thực sự chúng tôi rất bị áp lực thời gian nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng hình ảnh và nội dung. Rất may mắn, chúng tôi đã nhận được sự phối hợp chuyên nghiệp của bộ phận đồ hoạ của Trung tâm Mỹ thuật, của Đài Truyền hình Việt Nam. Trung tâm đã phải cắt cử riêng cho Ban THĐN một nhóm hoạ sĩ và đồ hoạ viên hỗ trợ thường trực theo tuần cho Chào Tiếng Việt của VTV4.
Còn nhiều khó khăn nữa chưa kể hết, nhưng chúng tôi đã phối hợp rất ăn ý trong từng khâu để cho ra đời chương trình đầu tiên Chào Tiếng Việt phát sóng đầu tháng tư này. Sau khi phát sóng, chúng tôi cũng mong nhận được các phản hồi từ khán giả để có những điều chỉnh tiếp theo cho thực sự phù hợp và thu hút sự quan tâm, theo dõi của khán giả trên truyền hình.
Hiện tại, giáo trình về sách của Chào Tiếng Việt cũng đã được gửi đến nhiều cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Cùng với giáo trình sách, chúng tôi cũng hy vọng "giáo trình" truyền hình Chào Tiếng Việt sẽ giúp ích cho các cháu học tiếng Việt được hiệu quả hơn. Với sự kết hợp lợi thế của truyền hình, nhà xuất bản và chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục; cũng như mong muốn của VTV4, trong thời gian tới chúng tôi mong muốn được mở rộng hợp tác với các công ty công nghệ để thiết lập các Apps học tiếng Việt trên các thiết bị thông minh. Nhờ sức mạnh tập thể này, hy vọng các chương trình dạy và học tiếng Việt của Đài THVN sẽ tạo ra được hệ sinh thái học tập tiếng Việt toàn diện, thu hút trẻ em người Việt không chỉ ở nước ngoài và cả trong nước được tiếp cận ngôn ngữ tiếng Việt một cách dễ dàng và lý thú.
- Truyền hình là một nghề sáng tạo, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Mỗi khi được giao nhiệm vụ mới, tạo ra chương trình mới là một bài toán khó, đầy thử thách nhưng cũng rất hấp dẫn. Giống như việc bạn ra một kết quả đúng và thậm chí bạn oà lên sung sướng vì mình đã tìm ra phương pháp giải mới, sáng tạo thì cảm giác đó không thể diễn tả thành lời. Cũng tương tự, khi "đứa con tinh thần" Chào Tiếng Việt ra đời có thể đáp ứng được phần nào hoá giải sự trăn trở "Làm thế nào để con yêu thích học tiếng Việt?" của các bậc phụ huynh, gia đình, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với chúng tôi đó là niềm vui lớn và vô cùng ý nghĩa. Chỉ cần làm được một điều nhỏ đóng góp cho cộng đồng là chúng tôi hạnh phúc lắm rồi.
- Để sản xuất một chương trình thực sự có thể tiệm cận và tiếp cận được với khán giả thì chắc chắn khán giả phải thấy có mình trong đó. Đây cũng là bài toán chúng tôi đã đặt ra khi bắt tay lên ý tưởng cho chương trình truyền hình Chào Tiếng Việt. Do vậy, trong mỗi chương trình, cô Thuỵ Anh sẽ đặt ra một yêu cầu thực hành cho các bạn nhỏ. Yêu cầu đó xoay quanh các kiến thức các con đã theo dõi trong chương trình. Từ đó, các bạn nhỏ sẽ thực hành ngôn ngữ tại nơi mình sinh sống bằng cách ghi lại video và gửi về cho chương trình Chào Tiếng Việt. Các video sẽ được các chuyên gia ngôn ngữ phân tích, hỗ trợ điều chỉnh và được Miu Nguyễn hoặc cô Thuỵ Anh sửa trực tiếp trên chương trình Chào Tiếng Việt và trên Fanpage của Chào Tiếng Việt. Các con cũng sẽ nhận được món quà tinh thần nho nhỏ nhằm vinh danh các bạn từ chương trình. Với cách làm này, chương trình sẽ tạo sự hứng thú cho các bạn nhỏ và các bạn có động lực để cùng thi đua "thực hành" với mỗi yêu cầu chương trình đưa ra.
Ngoài ra, Ban THĐN cũng sẽ luôn sẵn sàng hướng dẫn sử dụng và cung cấp học liệu truyền hình dành cho các thầy cô giảng dạy ở cộng đồng thông qua những chương trình tập huấn, đào tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài.
- Tôi sinh con, nuôi con ở xa Việt Nam nên rất đồng cảm với các phụ huynh người Việt ở nước ngoài về mong mỏi giữ gìn cho con tiếng nước mình, để giữa con và người thân không đứt gãy sợi dây tình cảm sâu sắc được thể hiện thông qua ngôn ngữ. Đương nhiên, nguyện vọng ấy dù chính đáng cũng vấp phải vô vàn rào cản, mà việc đầu tiên là rào cản đến từ chính những đứa trẻ.
Các bạn nhỏ sinh ra, lớn lên, đi học, sống ở miền đất nào cũng đều nhanh chóng gắn bó, hòa nhập với văn hóa bản địa, đến mức các con không có nhu cầu biết tiếng Việt. Làm sao để mong muốn của ông bà, bố mẹ gặp được nhu cầu của các con – đó chính là thách thức. Nếu không hình thành được nhu cầu tự thân, xây dựng được động lực học rõ ràng cho từng giai đoạn học thì việc học tiếng Việt sẽ trở thành gánh nặng cho mỗi gia đình.
Ở nhiều nước đã có các lớp học, trường học do cộng đồng tổ chức, chia sẻ được phần nào gánh nặng đó, chẳng hạn như trường tiếng Việt Lạc Long Quân Ở Ba Lan, nhóm Cánh diều ở Pháp, kênh Yêu tiếng Việt ở Úc, các nhóm lớp học ở nhiều nơi khác…
- Nhiều người bày tỏ mong muốn có một giáo trình – sách giáo khoa thống nhất cho việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài. Tôi lại cho rằng, vấn đề không nằm ở sách giáo khoa. Không có bộ tài liệu nào có các ngữ liệu đáp ứng được tất cả trẻ em học tiếng Việt trên thế giới với đặc trưng vùng miền, tính cách, độ tuổi và trình độ tiếng Việt xuất phát điểm khác nhau, điều kiện học tập cũng khác nhau. Vì thế, vấn đề cần giải quyết ở đây là phương pháp. Cần tìm ra một phương pháp trung dung – nằm ở giữa phương pháp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và dạy tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Và đây cũng là nội dung nghiên cứu của tôi nhiều năm qua.
- Như tôi đã nói, vấn đề khúc mắc đầu tiên là thiếu động lực vì chưa hình thành được nhu cầu học. Khi cả gia đình ở nước ngoài, bố mẹ cũng sử dụng ngôn ngữ bản địa thì bạn nhỏ không có nhu cầu học tiếng Việt sâu hơn mà thường sẽ chỉ dừng ở giao tiếp đơn giản. Ngoài ra, nếu các thầy cô trong nhóm lớp dạy tiếng Việt hoặc các bố mẹ chưa có được kỹ năng sư phạm cần thiết, cũng dễ khiến cho việc học tiếng Việt trở nên quá tải với các em. Ví dụ, bố mẹ quá tích cực, ép các em chỉ được dùng tiếng Việt ở nhà, hoặc ngược lại, bố mẹ ít khi trò chuyện với các em bằng tiếng Việt khiến các em không có phản xạ với ngôn ngữ này, cho dù đó là tiếng mẹ đẻ của các em.
Thêm nữa, nhiều cơ sở dạy tiếng Việt lại lựa chọn ngữ liệu chưa phù hợp với tâm sinh lý của học viên, áp đặt những giá trị mà các em chưa cảm nhận được – việc học ngay lập tức sẽ trở nên buồn chán. Nhiều bạn trẻ đã qua tuổi tô chữ, đánh vần mà phải học theo phương pháp của học sinh lớp 1, 2 ở Việt Nam, đọc các bài đọc trẻ con không hợp tuổi, là những vấn đề các em không quan tâm – việc học hoặc là thất bại, hoặc là sẽ không mang lại hứng thú cho người học.
Ngoài ra, những lỗi sai, những khó khăn của trẻ em ở nước ngoài, không có môi trường ngôn ngữ hằng ngày sẽ rất khác so với trẻ học tiếng Việt ở Việt Nam. Tốc độ nghe, nói, đọc, viết cũng khác. Cảm nhận về thanh điệu cũng rất đặc thù. Tất cả những điều đó đều cần được nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng để đưa ra các kỹ thuật dạy và học phù hợp.
- Trong 10 năm trở lại đây, có rất nhiều các nhóm lớp, trường học tiếng Việt được tổ chức ở các nước và có các kênh dạy tiếng Việt online. Chỉ cần gõ "dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài" là ra rất nhiều kết quả, chứng tỏ nhu cầu học đã tăng lên. Tuy nhiên, sau khi tham khảo, lắng nghe một số chương trình, tôi cho rằng, không phải chương trình nào cũng giúp các em nảy sinh nhu cầu học tiếng Việt tự thân mà vẫn nhờ vào sự thúc đẩy của ông bà, bố mẹ.
Bộ sách "Chào Tiếng Việt" của tôi, có thể nói, là sự đúc rút hệ thống từ những gì tôi đã trải nghiệm, đã thực làm cùng cộng đồng người Việt ở nước ngoài, từ quá trình dạy kèm tiếng Việt cho các bạn nhỏ thời tôi còn là sinh viên cho đến khi nghiên cứu đối tượng cụ thể để tìm ra hướng tiếp cận phù hợp với tư cách là chuyên gia về phương pháp dạy học. Với sự hỗ trợ của trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại Warszawa, nhóm học tiếng Việt của Hội người Việt Nam ở Stuttgart, nhóm Cánh diều ở Paris… tôi có được sự thực nghiệm khá đủ để có thể đưa ra một đề xuất, một cách làm.
Bộ sách sử dụng phương pháp tiếp cận trẻ thông qua trò chơi, hoạt động học cụ thể, từ đó khơi dậy trong các em sự thích thú trong sử dụng tiếng Việt để giao lưu, tương tác với người thân và cộng đồng người Việt. Ngoài ra, bộ sách còn cung cấp các kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lí Việt Nam qua những câu chuyện phù hợp với lứa tuổi, tạo được tiếng cười dí dỏm cho các bạn nhỏ.
- Việc dạy, tổ chức hoạt động học theo sách ở bên ngoài, tương tác trực tiếp sẽ rất khác so với việc xây dựng phiên bản truyền hình. Ngoài việc chuyển thể kịch bản chi tiết cho phù hợp với hiệu ứng màn ảnh nhỏ, thiết kế hình ảnh đồ họa, thiết kế âm nhạc (do nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm và nhạc sĩ Nguyễn Cao Kỳ thực hiện), thì ê-kíp còn phải tính đến việc tương tác qua màn ảnh sao cho ấm áp, gần gũi, truyền được năng lượng tốt nhất cho các bạn nhỏ ở xa.
Giữ được các bạn ngồi lại với chương trình ở 15 phút này và háo hức mong đợi các số sau – là nhiệm vụ vô cùng khó tuy là… khả thi, nhưng chúng tôi sẽ luôn phải nghĩ, sáng tạo, không bằng lòng với một lối mòn nào đó đã thành hình. Phải làm sao cho mỗi bạn nhỏ đều tìm thấy được một lý do cho mình để đến với chương trình – lý do ấy hẳn sẽ rất khác biệt, khác nhau. Vì thế, nội dung và cách thể hiện kiến thức Đất nước học, nội dung các hoạt động sẽ luôn thay đổi. Tôi mong các em sẽ luôn tò mò: số tuần sau có gì lạ?
- Qua mấy số vừa thực hiện, tôi thấy hào hứng với hình ảnh đồ họa đẹp, âm nhạc vừa đủ sôi động mà không bị rối, và khi tương tác với các khán giả tưởng tượng, tôi không hề thấy bị "khớp", bởi trước mắt tôi luôn hiện lên những đôi mắt tròn đáng yêu của các bạn ở Đức, Nga, Ba Lan, Pháp, Séc… mà tôi từng có cơ hội tiếp xúc.
Ngoài ra, trước khi khởi quay chương trình, tôi đã nhận được nhiều thông tin phản hồi tích cực về hai cuốn sách, thậm chí là những đoạn phim xinh xinh, đoạn ghi âm tiếng các bạn nhỏ đọc từng đoạn thơ của tôi. Điều đó khiến tôi vững tin và thấy như giữa chương trình và người xem, người học của mình có một sợi dây kết nối thân mến, dễ chịu.
Có một chi tiết vui vui tôi muốn chia sẻ: khi viết kịch bản, tôi gọi khán giả nhỏ tuổi của Chương trình là "các bạn nhỏ". Nhưng khi quay, tôi đã thay đổi cách xưng hô, gọi các em là "các bạn trẻ" từ đầu đến cuối. Chi tiết tuy bé nhỏ nhưng thể hiện thông điệp trân trọng, muốn đồng hành với các em lâu dài, trong cả quá trình lớn dần lên của các em. Chính các nhân vật Miu Nguyễn, Dế và Bé cũng vậy, cũng sẽ cùng các em sống, trò chuyện, chia sẻ những khoảnh khắc buồn vui, hạnh phúc những năm sắp tới.
- Với Chào Tiếng Việt, tôi cùng nhóm biên tập viên, họa sĩ NXB Giáo dục và ekip thực hiện Chương trình đều mong muốn thiết lập được tình thân giữa các gia đình người Việt trên khắp thế giới. Thông qua "Chào Tiếng Việt", mỗi gia đình đều có cơ hội trò chuyện nhiều hơn với nhau, kết nối với cộng đồng, cảm nhận được sâu sắc sự gần gũi, những quan tâm chung mà ngôn ngữ, văn hóa mẹ đẻ mang lại cho người Việt cả trong nước lẫn nước ngoài, ở mọi châu lục…
Mong sao Chương trình phần nào sẽ hỗ trợ các bố mẹ, thầy cô những ý tưởng khai thác ngữ liệu của bộ sách "Chào Tiếng Việt", áp dụng vào câu chuyện tiếng Việt ở mỗi gia đình, mỗi cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!