iên hoan Truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) là hoạt động truyền thống hàng năm do Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì tổ chức. Đây là dịp để những người làm truyền hình gặp gỡ, trao đổi chương trình truyền hình, học hỏi nâng cao nghiệp vụ, chọn ra những chương trình truyền hình xuất sắc nhất trong năm và cũng là chuẩn bị tác phẩm tốt để phục vụ đồng bào trong cả nước.
Năm nay, LHTHTQ lần thứ 39 do Đài PT-TH Khánh Hòa đăng cai, diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 11/12 đến ngày 14/12/2019 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Là một trong những hoạt động trong khuôn khổ của LHTHTQ lần thứ 39, hội thảo "Sản xuất và phân phối nội dung truyền hình trên môi trường Internet" diễn ra từ 9h00 - 12h00 ngày 12/12 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Khánh Hòa. Hội thảo do Trung tâm Tin tức VTV24 - Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì.
Tại hội thảo, các diễn giả và những người làm truyền hình đến từ các đài truyền hình, đài PT-TH trong nước và quốc tế cùng bàn luận để tìm ra những mô hình sản xuất và phân phối nội dung truyền hình trên môi trường Internet tốt nhất, hiệu quả nhất cả về thông tin và kinh doanh. Các diễn giả và các đại biểu dự hội thảo cũng chia sẻ cách thức hoạt động và sự phát triển nội dung truyền hình trong thời kỳ chuyển đổi số.
Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Bình Minh - Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam - Chủ tịch LHTHTQ lần thứ 39
Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Đắc Vĩnh - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam - nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các đơn vị truyền hình truyền thống trước sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số.
Ông Đinh Đắc Vĩnh - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam - phát biểu tại hội thảo
Có một thực trạng hiện nay là trong xu thế phát triển truyền hình trên Internet, hầu hết các đài PT-TH địa phương chỉ mới dừng lại ở việc đăng, tải nội dung lên các kênh mạng xã hội chứ chưa có sự đầu tư mạnh mẽ vào mảng này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển các nền tảng số, truyền hình trên Internet là cách để kéo lượng khán giả quay trở lại với truyền hình.
Hội thảo là cơ hội để các đài truyền hình và đài PT-TH trên cả nước cùng hợp tác phân phối sản phẩm nội dung nhằm tiết kiệm nguồn lực, tiết kiệm chi phí đầu tư so với việc mỗi đơn vị phải tự xây dựng một hạ tầng.
hực tiễn trong những năm qua đã chỉ ra rằng, Internet đang ngày càng có nhiều ảnh hưởng tới hoạt động của các đài truyền hình, từ doanh thu đến quảng cáo, kênh phân phối nội dung cho tới cả các mô hình sản xuất. Tạo ra một kênh phân phối mới, tìm cách để tiếp cận nhanh hơn, chủ động hơn với khán giả là điều mà hầu hết các đài truyền hình và đài PT-TH đều muốn làm.
Theo ông Phạm Anh Chiến - Giám đốc Trung tâm sản xuất và kinh doanh nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam, Internet TV không phải là kẻ hủy diệt, đặt dấu chấm hết cho TV truyền thống. Thực tế, truyền hình trực tiếp vẫn đang thống trị về tổng số giờ xem. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận sự thật rằng truyền hình Internet là "ngôi sao" đang lên và OTT là nhân tố hạt nhân. Mặc dù người Việt Nam vẫn dành nhiều thời gian trước màn hình TV truyền thống nhưng họ cũng dành nhiều thời gian cho việc sử dụng các thiết bị khác với kết nối Internet.
Theo khảo sát, cứ 10 khán giả Việt Nam thì có tới 9 người xem VOD ở mọi thể loại, có tới 67% khán giả Việt Nam xem VOD ít nhất 1 lần/ngày, phim ảnh là thể loại VOD được nhiều người Việt Nam xem nhiều nhất, chiếm tới 36% và những thiết bị phổ biến được sử dụng để xem VOD là smartphone, TV thông minh, máy tính bảng, laptop, máy vi tính.
Tuy nhiên, 6/10 khán giả Việt Nam khi được khảo sát cho biết cảm thấy phiền khi quảng cáo xuất hiện trong lúc đang xem VOD. Trong khi đó, 53% khán giả nghĩ quảng cáo cung cấp cho họ những thông tin hay về sản phẩm mới khi xem VOD. Đó chính là một trong những điều kiện cho thị trường OTT tại Việt Nam bùng nổ.
Đối với các đài PT-TH địa phương, nguồn nhân lực còn giới hạn và thiếu kinh nghiệm, ngân sách thiếu hụt cho chi thường xuyên, tập khán giả giới hạn và nội dung sản xuất hữu hạn, do đó, việc tự triển khai và phát triển là điều không phải dễ dàng. Ông Phạm Anh Chiến khẳng định OTT chính là hướng đi phù hợp cho các đài PT-TH địa phương trong thời đại bùng nổ của các nền tảng số và Đài Truyền hình Việt Nam sẵn sàng trở thành Hub Content với đa nền tảng sẵn sàng kết nối, thương hiệu và quảng bá truyền thông rộng rãi cùng lượng khán giả trong nước và quốc tế đông đảo.
rong dòng chuyển dịch mạnh mẽ trên Internet, không chỉ có các đài lớn như VTV mà nhiều đài truyền hình và đài PT-TH khác trên cả nước cũng đều có những giải pháp để bắt nhịp với xu thế. Tại khu vực Tây Nam Bộ, nhiều đài đã sở hữu những kênh tương tác với hàng triệu người theo dõi, có tới hàng chục triệu lượt xem mỗi tháng.
Tại hội thảo, bà Trần Thanh Nhã phụ trách mảng tin tức và online của Đài PT-TH Hậu Giang chia sẻ câu chuyện phát triển số tại đơn vị. Theo đó, Đài PT-TH Hậu Giang đã ý thức rằng nội dung số chính là xu hướng của truyền hình hiện đại. Đài đã phát triển hệ thống ứng dụng trên di động và fanpage với tần suất hoạt động livestream 10 chương trình mỗi ngày, phản hồi các bình luận của độc giả 24/24h.
Đài PT-TH Hậu Giang hướng tới việc đầu tư ít nhưng hiệu quả cao và tập trung vào việc tương tác tốt với khán giả nhằm định hướng dư luận. Để làm được điều này, đài chọn phương thức liên kết, hợp tác với VTVgo trong lĩnh vực quảng bá và quảng cáo.
Trong thời gian tới, Đài PT-TH Hậu Giang tập trung vào việc nâng cao chất lượng chương trình, đầu tư các kênh phát sóng chuyên biệt phù hợp với đối tượng khán giả, khai thác và phát triển nguồn thu.
ây dựng nền tảng, tìm cách tiếp cận khán giả, sẵn sàng tham gia vào sản xuất và phân phối nội dung trên hạ tầng số là những quyết định quan trọng đối với mỗi đài truyền hình và đài PT-TH trong kỷ nguyên của các nền tảng số. Tuy nhiên, hiện thực hóa quyết định này không phải là điều đơn giản.
Là một trong những đơn vị trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, Trung tâm Tin tức VTV24 có chức năng sản xuất, khai thác các chương trình truyền hình tin tức để phát trên hạ tầng truyền dẫn của Đài Truyền hình Việt Nam và các hạ tầng truyền dẫn khác. Tại hội thảo, bà Nguyễn Lệ Quyên - Trưởng nhóm Media, Trung tâm Tin tức VTV24 - cho biết, ngay từ những ngày đầu thành lập Trung tâm Tin tức VTV24 từ năm 2013, lãnh đạo của trung tâm đã xác định mảng số là mảng cần tập trung phát triển sớm.
Hiện tại, Trung tâm Tin tức VTV 24 là một trong những đơn vị sở hữu hệ thống Social Media về tin tức mạnh mẽ không chỉ trong Đài Truyền hình Việt Nam mà so với nhiều đơn vị sản xuất truyền hình khác trên toàn quốc. Các hệ thống Social Media được Trung tâm Tin tức VTV24 đầu tư phát triển dựa trên chính những mạng xã hội và ứng dụng phổ biến mà người dùng đang sử dụng hiện nay, bao gồm fanpage trên Facebook, ứng dụng Zalo, ứng dụng Instagram và YouTube.
Ngoài việc khai thác và phát triển nội dung trên hệ thống Social Media, Trung tâm Tin tức VTV24 còn phối hợp với Hội đồng Tin tức số của Đài Truyền hình Việt Nam để sản xuất các chuyên trang trên Báo điện tử VTV News (vtv.vn) gồm chuyên trang Sức khỏe và chuyên trang Tiêu dùng.
Bà Nguyễn Lệ Quyên - Trưởng nhóm Media, Trung tâm Tin tức VTV24 - chia sẻ về kinh nghiệm phát triển số của Trung tâm Tin tức VTV24
Bà Nguyễn Lệ Quyên khẳng định một trong những khó khăn của Trung tâm Tin tức VTV24 khi phát triển nội dung trên hệ thống Social Media chính là việc phối hợp với các đơn vị sản xuất truyền hình truyền thống. Với việc đẩy mạnh nội dung trên nền tảng số, tin tức cần được ưu tiên trên các fanpage, ứng dụng và báo điện tử để tận dụng lợi thế tốc độ của Internet, tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo các nội dung trên sóng truyền hình. Chính vì vậy, Trung tâm Tin tức VTV24 đã lựa chọn việc đưa tin ngắn thông báo về sự kiện, vụ việc trên các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng, cập nhật nội dung chi tiết tại các phóng sự, bản tin trên sóng truyền hình và báo điện tử, chia nhỏ các nội dung đã phát sóng phát trên nền tảng số để khán giả và độc giả dễ dàng nắm được thông tin chính khi xem lại kèm theo đường dẫn về tin bài trên Báo điện tử VTV News và ứng dụng VTVgo.
Điều này giúp cho tin tức liên tục được cập nhật trên mọi nền tảng, tận dụng được nhân lực trong quá trình sản xuất và không bị lãng phí chất liệu trong quá trình khai thác, sản xuất tin. Với lợi thế về đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp cùng kho tư liệu sản xuất khổng lồ của Đài Truyền hình Việt Nam, các nền tảng số của Trung tâm Tin tức VTV24 đã phát triển nhanh và hiệu quả đến vậy.
một quốc gia hơn 1 tỷ dân với nhiều đặc trưng văn hóa tương đồng với Việt Nam, việc chuyển đổi từ ưu tiên sản xuất truyền hình truyền thống sang phát triển nội dung số cũng không phải là điều đơn giản. Theo bà Ding Li - Giám đốc Trung tâm Tin tức truyền thông mới của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), trên thực tế, tính phạm vi toàn cầu, từ lúc Internet phát triển cho đến khi thiết bị điện thoại thông minh trở nên phổ biến, những thiết bị công nghệ nhỏ gọn nhưng đầy tiện dụng đã trở thành thách thức vô cùng lớn đối với truyền thông tin tức theo cách truyền thống là báo giấy cũng như phát thanh truyền hình. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ buộc các loại hình truyền thông truyền thống phải lựa chọn con đường chuyển đổi sang loại hình truyền thông mới New Media. Và CCTV đã quyết định phải nắm bắt cơ hội để cùng lật ngược bàn cờ.
Kênh tin tức của CCTV vốn được biết đến là một trong các kênh thông tin hot nhất và có uy tín nhất trong hệ thống các kênh truyền hình do CCTV sản xuất. Đến nay, đây vẫn được coi là một trong các kênh thông tin chạy trên nền tảng new media có tầm ảnh hưởng lớn nhất của Trung Quốc.
Từ năm 2012 đến năm 2019, trải qua thời gian 7 năm, tài khoản " Tin tức CCTV" đã trở thành một trong những nguồn cung cấp có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thiết bị điện thoại di động tại Trung Quốc. Trong đó, tài khoản trên mạng Sina hiện nay đã có hơn 90 triệu người theo dõi, tài khoản trên Headline hiện đã có trên 70 triệu người theo dõi, tài khoản trên mạng Tiktok hiện có trên 40 triệu người theo dõi.
Bà Ding Li - Giám đốc Trung tâm Tin tức truyền thông mới của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc - chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số tại CCTV
Ba khái niệm mà CCTV tổng kết được trong quá trình chuyển đổi này gói gọn trong 3 từ: "Phong", "Bình", "Bạn".
Đầu tiên là "Phong", chính là về thời gian CCTV lựa chọn để bắt đầu vận hành nội dung trên các tài khoản mạng. Từ năm 2013, CCTV đã bắt đầu vận hành trên các app, từ năm 2012 tấn công vào các mạng xã hội, đến năm 2018 mới bùng nổ các clip ngắn. Ba mốc thời gian này vô cùng quan trọng.
Trung Quốc cổ xưa có câu: "Phong khởi vu thanh bình chi mạt", nghĩa là gió được sản sinh ra từ mặt đất, lúc đầu mới chỉ là sự đu đưa phấp phới của những ngọn cỏ, sau đó mới hình thành nên những trận gió lớn. Mấy năm gần đây tại Trung Quốc, ngành công nghiệp Internet thường dùng thuật ngữ "Phong Khẩu" để chỉ việc nếu bạn chấp nhận đứng ở vị trí gió lớn thì càng dễ dàng bay lên. Khi ra đời tài khoản mang tên "Tin tức CCTV" trong suốt 7 năm trở lại đây, CCTV may mắn đều đứng được ở vị trí gió lớn và bay được lên rất cao. CCTV đã trở thành một trong những thương hiệu truyền thông chính thống đầu tiên sớm nhất của Trung Quốc tham gia trên Internet và cũng là một trong những thương hiệu truyền thông chính thống sớm nhất của Trung Quốc có mặt trên các mạng Weibo và Wechat.
Thứ hai là "Bình". Có một thực tế là số lượng những người dám đương đầu với sóng gió là không ít, có điều không phải ai cũng đứng được mà số lượng đứng vững và vượt qua được lại càng ít. Bởi vì sự thay đổi đến chóng mặt của thời đại số thì càng cần thay đổi cách quản lý, cách quản lý truyền thông mới New Media không thể nào giống với cách quản lý của truyền thông truyền thống được.
Thứ ba là "Bạn". Truyền thông truyền thống và truyền thông mới rất khác nhau, không phải khác nhau về hình thức phát sóng, cũng không phải là sự thay đổi từ vô tuyến thành điện thoại di động, mà cái cốt lõi thay đổi chính là quan hệ giữa người làm truyền thông và đối tượng truyền thông. Đó là quá trình tiếp nhận thông tin của người xem trên mạng và khán giả xem truyền hình có sự khác nhau rất lớn.
Khán giả xem truyền hình chỉ có ba động tác: mở vô tuyến, cầm điều khiển chọn kênh và tắt vô tuyến. Tuy nhiên, người xem trên mạng lại có rất nhiều động tác: mở bất kỳ một app nào trên điện thoại, lựa chọn tài khoản, đánh từ khóa, tham khảo chủ đề, đưa ra bình luận, đăng tải nội dung cảm xúc, bình luận…
Đối với một người sản xuất nội dung truyền hình truyền thống hoặc một biên tập viên thì chỉ cần sau khi làm xong nhiệm vụ sản xuất chương trình và phát sóng là coi như xong nhiệm vụ. Nhưng đối với một người làm nội dung trong truyền thông mới thì lại cần sản xuất chương trình, đăng bài, phải tương tác với cộng đồng mạng, tương tác nhiều lần, nghĩa là rất nhiều nhiệm vụ khác….
Phát sóng chương trình truyền hình trước đây chỉ là sự giao lưu một chiều nhưng tương tác trên mạng sẽ là sự giao lưu qua lại hai chiều
hi đã có nền tảng, có nội dung, có con người, việc khai thác hiệu quả và tạo ra lợi nhuận từ nội dung số cũng không hề đơn giản. Với góc nhìn từ đơn vị truyền thông, bà Nguyễn Diệu Cầm - Tổng Giám đốc T&A Ogilvy cho biết, nội dung đang bủa vây người tiêu dùng từ mọi phía, tuy nhiên, những nội dung phù hợp, ý nghĩa và đúng thời điểm lại rất thiếu. Trong khi đó, chỉ cần một thay đổi nhỏ trong nội dung cũng có thể kéo theo một loạt thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Diệu Cầm - Tổng Giám đốc T&A Ogilvy - chia sẻ góc nhìn từ phía nhà quảng cáo
Chính vì vậy, để bắt kịp xu hướng thời đại, nội dung số phải được sản xuất với chất lượng cao và tốc độ nhanh như cắt. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng nội dung số phù hợp nhu cầu thị trường và phát huy tối đa tiềm năng nội bộ, phát triển đội ngũ nhân sự linh hoạt và mạng lưới sản xuất nội dung cơ động để có thể cho ra những nội dung thỏa mãn nhu cầu thị trường.