'Tôi cần làm nhiều hơn. Tôi tự thuyết phục mình rằng họ vẫn ở đó'.
'Tôi đã đợi quá nhiều năm. Giờ đây, đó là tất cả những gì tôi nghĩ tới'.
Bob Connor và Richard Magner là hai cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Họ vừa thực hiện một chuyến đi đáng nhớ để khảo sát và cung cấp thông tin về khoảng 20 ngôi mộ tập thể của các chiến sĩ Việt Nam nằm rải rác khắp 4 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai.
Họ trở lại Việt Nam sau nửa thế kỷ với niềm tin rằng mình có thể làm vơi đi nỗi đau của những người đã mất đi người thân trong cuộc chiến.
Với Bob Connor và Richard Magner, đó là hành trình của sự hàn gắn. Và câu chuyện của họ đã được giãi bày trong chương trình Talk Vietnam.
Richard Magner (ảnh trái) và Bob Conner (ảnh phải).
HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM NHỮNG NGƯỜI CHƯA ĐƯỢC TRỞ VỀ...
Thông tin quan trọng mà hai cựu chiến binh Bob Connor và Richard Magner cung cấp được kỳ vọng sẽ góp phần giúp các cơ quan chức năng tiến hành khai quật và đưa hàng ngàn chiến sĩ Việt Nam trở về quê hương. Vậy, câu chuyện đằng sau nỗ lực này là gì?
Chuyến đi lần này của Bob và Richard trên thực tế không phải chuyến đi đầu tiên của 2 cựu binh này đến Việt Nam nhưng lại có nhiều sự khác biệt với chuyến đi của họ trước đó. Nói về chuyến đi của mình tại chương trình Talk Vietnam, ông Richard Magner nói: "Chúng tôi vẫn đang cảm thấy nhiều dư âm tuyệt vời. Rất nhiều người đã chào đón chúng tôi, mọi người rất nhiệt tình và hiếu khách. Tôi vô cùng biết ơn".
Hai cự binh Mỹ Bob và Richard cùng người dẫn chương trình Lina Phạm tại Talk Vietnam.
"Đây là chuyến đi hoàn toàn khác biệt" - ông Bob Connor cho biết - "Giống như Rich đã nói, khi gặp gỡ các lãnh đạo tỉnh, ban ngành và người dân, họ đã dành cho chúng tôi những lời khen, ghi nhận công sức của chúng tôi trong việc tìm kiếm và cố gắng xác định vị trí chính xác của các ngôi mộ cũng như những nỗ lực chúng tôi đã bỏ ra".
"Họ rất trân trọng điều đó và nó thể hiện rõ trên khuôn mặt của họ khi chúng tôi xuất hiện" - ông Bob nói thêm.
Lần đầu đến Việt Nam, 1967...
Bob Connor nói ông ra nhập quân ngũ khi vừa tốt nghiệp trung học, chỉ mới 17, 18 tuổi.
'Khi đó, tôi muốn nhập ngũ để ngăn chặn làn sóng cộng sản lan rộng vào miền Nam'.
Bob Connor.
"Ngày hôm đó nóng cũng y như ngày hôm nay" - ông Bob nhớ lại ngày đầu tiên mình đặt chân đến Việt Nam - "Khi đó, tôi thấy vô cùng bất an. Chúng tôi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn và di chuyển bằng một chiếc xe buýt của đơn vị Không quân".
Ông Bob Connor trong cuộc trò chuyện tại Talk Vietnam. (Ảnh chụp màn hình)
"Nhưng dù gì chúng tôi cũng đã đến Biên Hòa, có tôi và khoảng 30 người khác. Từ đó, chúng tôi bắt đầu làm quen với thời tiết, nhận đồ dùng và vũ khí" - ông Bob nói tiếp về chuyến đi đầu tiên ấy - "và trải qua quy trình giới thiệu thông thường, không phân biệt Không quân hay Lục quân. Sau đó chúng tôi bắt đầu công việc của mình".
Trong khi đó, Richard Magner gắn bó với binh nghiệp của mình với vai trò phi công trực thăng chiến đấu, tham chiến tại nhiều tỉnh thành ven Sài Gòn. Trên chính chiếc trực thăng của mình, Richard đã chụp một số hình ảnh về những cuộc chôn cất liệt sĩ Việt Nam vào các ngôi mộ tập thể. Richard rời chiến trường Việt Nam sau khi bị bắn rơi và bị thương nặng trong một phi vụ.
Nói về ngày đầu tiên của mình khi đến Việt Nam, với Richard Magner cho biết: "Tôi đến đây ngay sau khi Sư đoàn Không vận số 1 di chuyển từ Vùng 1 và 2 chiến thuật xuống phía Nam. Tôi đã đến Biên Hòa và được cử lên phía Bắc hoặc căn cứ An Khê thuộc khu vực Tây Nguyên để tập huấn một tuần".
Richard Magner trong một tấm ảnh cũ. (Ảnh chụp màn hình)
"Sau đó, tôi được phân công về căn cứ của tôi ở Dầu Tiếng. Vì vậy, tôi thực hiện các chuyến bay chủ yếu ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh trong thời gian ở đây".
'Là một người lính, chúng tôi chỉ làm theo mệnh lệnh'.
Richard Magner.
Richard cũng nói rằng ông đã biết về Việt Nam qua một cuốn sách mẹ mình gửi.
"Mẹ tôi đã gửi cho tôi một cuốn sách khi tôi đang học trường tập bay - cuốn "Vietnam" do Marvin Gettleman biên tập. Nó là một tập hợp nhiều bài luận về Việt Nam và lịch sử của đất nước. Tôi đọc rất kỹ nhưng không may thay, là một người lính, chúng tôi chỉ làm theo mệnh lệnh" - Richard trả lời câu hỏi của người dẫn Lina Phạm về việc ông có biết gì về Việt Nam trước khi đến không.
Ông Richard Magner. (Ảnh chụp màn hình)
"Nhiệm vụ của tôi là lái trực thăng Cobra và hộ tống các trực thăng Huey, các trực thăng vận tải tham gia vào các cuộc tấn công đổ bộ vào các trận địa. Đồng thời cố gắng ngăn chặn mọi hỏa lực để những trực thăng này hạ cánh an toàn, đổ quân và sau đó cất cánh trở lại" - ông Richard nói tiếp.
Nhưng, những ngày cả hai ở Việt Nam đã bắt đầu thay đổi cả Bob và Richard lúc đó.
Ông Bob Conner: " Nhưng sau một thời gian ở Việt Nam, tôi bắt đầu thấy và nghe những điều khiến tôi suy nghĩ lại. Chúng tôi đang tạo ra sự khác biệt như thế nào - với những gì đang diễn ra trước mắt và xung quanh và những điều tôi nghe được từ các binh sĩ khác như Lục quân hoặc Thủy quân lục chiến mà tôi có thể gặp ở căn cứ. Tôi tự hỏi chúng ta đang tạo ra sự khác biệt như thế nào với cuộc chiến này? Và tôi nhận ra nó sẽ không mang lại kết quả nào".
... và những nỗi ám ảnh suốt nhiều thập kỷ
Bob Connor trong một bức ảnh tư liệu. Ông đến Việt Nam tham gia vào cuộc chiến khi chỉ vừa tốt nghiệp trung học. (Ảnh chụp màn hình)
Bob Connor tham chiến tại Việt Nam trong 2 năm 1967 - 1968 với nhiệm vụ là Trung sĩ an ninh của Không lực Hoa Kỳ tại sân bay Biên Hòa. Ông chứng kiến căn cứ này bị tấn công trong chiến dịch Mậu Thân 1968 cũng như chứng kiến những tổn thấy hy sinh của phía bộ đội Việt Nam. Những gì diễn ra đã ám ảnh Bob Connor trong suốt nhiều thập kỷ sau đó.
Nhắc lại cuộc tấn công ở phía Đông căn cứ không quân Biên Hòa, Bob vẫn còn nhớ chính xác những gì đã xảy ra cũng như những điều ông đã thấy trong cuộc tấn công ấy. Bob nói: "Khi đó, tôi đang đứng nhìn từ tháp nước ở căn cứ lúc 11:30 đêm. Tôi đang ở trên tháp khi đột nhiên một tiếng súng nổ ra. Tôi đã đi dò quanh và phát hiện hai viên đạn trên bạt".
"Lúc 2:20 sáng, trận chiến nổ ra ở phía Đông" - Bob nói tiếp - "Phía Nam của Sư đoàn dù 101 khai hỏa đầu tiên và sau đó, toàn bộ căn cứ sáng lên. Đạn xả vào những người lính Việt Cộng đang chạy về phía căn cứ vì tất cả những gì chúng tôi thấy là những người lính Việt Cộng đang xung phong tấn công tới hàng rào dây thép gai của chúng tôi".
'Sau khi chúng tôi khai hỏa, khoảng chưa đầy 2 phút, họ đã đang cố chui qua hàng rào. Đó là lúc những chú chó đặc vụ K9 phát hiện ra họ và các đơn vị không quân cũng xác định được mục tiêu'.
Bob Connor.
Và chính việc chứng kiến sự kiện này cũng như nhiều thập kỷ sau đó, trong một lần được cháu gái mình đến gặp và nhờ ông giúp làm một dự án về Việt Nam, Bob đã có lại được sự kết nối thông tin với Biên Hòa sau đó. Bob nhớ lại khi cháu gái đến tìm mình: "Tôi hỏi cô bé muốn làm gì nhưng cháu không hề biết".
"Sau cuộc nói chuyện đó khoảng 1 tháng, cô bé đã đổi ý và muốn làm một cái khác. Khi ấy, tôi đã lên Google Earth và đánh dấu vị trí nơi tôi biết có một ngôi mộ từ trận chiến đó. Đó là ngôi mộ duy nhất mà tôi biết ở căn cứ và tôi đánh dấu vị trí đó. Lúc đó, trang web Panoramio có một chương trình cho phép bạn có liên kết đến bất kỳ câu chuyện nào, bao gồm cả hình ảnh và bình luận".
Bob Connor. (Ảnh chụp màn hình)
"Tất cả những gì tôi làm đều rất đơn giản. Tôi đã viết một bình luận vào một tấm ảnh, rằng vị trí này là một ngôi mộ tập thể của khoảng 150 người lính Việt Nam được chôn cất vào khoảng ngày 2 tháng 2 năm 1968. Đó là tất cả những gì tôi viết".
Ông Bob chắc chắn đã không nghĩ gì nhiều về điều sẽ xảy ra sau phần bình luận đơn giản ấy của mình.
"Đầu tiên, tôi nhận được một lá thư từ một người đàn ông tên là Chế Trung Hiếu. Ông ấy rất vui mừng vì quân đội đã tìm kiếm các ngôi mộ bên trong căn cứ nhiều năm rồi mà không thu thập được gì. Khi đó, tôi đã khẳng định với ông ấy rằng chắc chắn có một ngôi mộ ở đó, không thể sai lệch".
Sau cuộc trao đổi đó, Bob nhận được lời mời từ Đại tá Mai Xuân Chiến. "Vâng, đó cũng chính là đại tá mà ông Hiếu đã nhắn đến. Đại tá nói rằng ông rất vui nếu chúng tôi có thể tìm được một nhân chứng thứ hai. Vì vậy, tôi đã tìm đến người chỉ huy của tôi và ông ấy sẵn sàng chỉ rõ hơn vị trí khu mộ".
"Tôi nói: "Nếu ông muốn đến Việt Nam thì họ đang chờ chúng ta".
'Nếu ông muốn đến Việt Nam thì họ đang chờ chúng ta'.
Bob Conner.
Tháng 3 năm 2017, Bob Connor lần đầu trở lại Việt Nam, tìm về nơi ông đã tham chiến cùng với Đại tá Martin Strones - sĩ quan phụ trách quốc phòng tại căn cứ Sân bay Biên Hòa, cũng là người đã trực tiếp chỉ huy việc chôn cất các liệt sĩ Việt Nam sau trận đánh.
Nói về suy nghĩ của mình khi nhận được lời mời từ Đại tá Mai Xuân Chiến, ông Bob cho biết: "Tôi tự hỏi mình đang dấn thân vào việc gì thế này? Tôi không biết nữa. Tôi cứ nghĩ về ngôi mộ đó trong suốt quãng đường đến căn cứ. Bây giờ mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, chủ yếu là do cây cối mọc quá cao. Một căn cứ Không quân Mỹ bình thường sẽ không có bất kỳ một cái cây nào".
Trái với kỳ vọng của Bob và Martin, do chưa xác định được vị trí chính xác trong một khu vực rộng tới 30.000m2, sau gần 1 tháng tìm kiếm, dấu vết ngôi mộ tập thể vẫn không được tìm ra.
"Chúng tôi đã cảm thấy lo lắng, thất vọng và thậm chí rất bực bội với bản thân vì có thể chúng tôi đã nhầm. Nhưng liệu họ có đang đào đúng vị trí chúng tôi đã chỉ không? Không ai biết rõ cả".
Bob và Martin đã trở về Mỹ với tâm trạng khắc khoải không yên. Phải gần một tuần sau đó, hố chôn tập thể mới được tìm ra, tại vị trí gần đúng với những chỉ dẫn của Bob.
"Rất khó nhận ra khu vực ngoài hàng cây. Cây cối đã mọc lên rất dày" - ông Bob nói tiếp - "Tôi biết con đường bao quanh như lòng bàn tay, nhưng để tìm đến ngôi mộ thì khó có thể. Khi đó, không có gì ngoài cỏ, cao khoảng 60cm. Còn cây thì cao hơn 12 - 15m và mọc rất dày. Nhưng ngôi mộ cuối cùng lại nằm ở đó, phía Đông Nam, cuối khúc của của con đường trong sân bay, cách hàng rào khoảng hơn 27m".
Và khi tìm được ngôi mộ ấy, điều ông Bob nghĩ đến lại là: "Phải tìm thêm. Chắc chắn còn nhiều ngôi mộ khác". Bob nói suy nghĩ này càng thôi thúc ông hơn khi ông được biết thông tin rằng "có tới 2500 bộ đội Việt Nam tấn công sân bay".
Di vật và hài cốt của liệt sĩ Việt Nam đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai quy tập và an táng trọng thể. Đối với gia đình và người thân của họ, đó là sự đoàn tụ đã được khắc khoải chờ đợi gần nửa thế kỷ.
"Phải tìm thêm. Chắc chắn còn nhiều ngôi mộ khác". (Ảnh chụp màn hình)
Còn đối với Bob Conner và những người cộng sự, thành công đầu tiên này đã mở ra một cách thức mới trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, đó là dựa trên thông tin và sự tương tác giữa các cựu binh Mỹ với lực lượng tìm kiếm Việt Nam.
'ĐIỀU QUAN TRỌNG BÂY GIỜ LÀ NHỮNG GIA ĐÌNH ĐƯỢC YÊN LÒNG'
"Tôi vô cùng vui mừng. Tôi đã thông báo với cả gia đình mình" - cựu binh Mỹ Bob Connor nhớ lại cảm xúc của ông khi nghe tin ngôi mộ đầu tiên được tìm thấy - "Tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều khi tìm thấy ngôi mộ đầu tiên. Nhưng ngay sau đó, tôi cảm thấy vẫn cò nhiều ngôi mộ và tôi cần tìm ra chúng".
"Tôi đã đọc về Việt Nam trước khi đến và biết được về văn hóa tâm linh về linh hồn và sự giải thoát" - Bob nói tiếp - "Tôi nhận ra đây chính là cách giải thoát cho các linh hồn. Các gia đình đã chờ đợi gần 49 năm để biết được những người thân yêu của mình đã ra đi ở đâu".
"Điều quan trọng bây giờ là những gia đình ấy được yên lòng".
___
Người thực hiện: Tiêu Trang Ngọc Bảo (Theo Talk Vietnam)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!