Bộ phim tài liệu "Ranh giới" của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư có bối cảnh thực hiện tại khu K1 thuộc bệnh viện sản phụ Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh. Đây là khu điều trị lớn nhất, được hoán cải từ một toà nhà của bệnh viện, để dành cho việc điều trị các thai phụ bị nhiễm COVID-19.
Trong 50 phút phim không lời bình nhưng khán giả đã được chứng kiến, được nghe, được cảm nhận những gì đang ngày đêm diễn ra sâu bên trong khu nhà của bệnh viện, là ranh giới để đội ngũ y bác sĩ giành giật lại sự sống cho các thai phụ - những con người mang hai sinh mệnh và đang phải chịu đựng những gì khắc nghiệt, khốc liệt nhất của căn bệnh này.
Ngay sau khi phát sóng, bộ phim đã lập tức trở thành tâm điểm và được chia sẻ, bình luận cũng như nhận những phản hồi vô cùng tích cực từ phía khán giả.
Bộ phim khiến người xem cảm phục tinh thần hi sinh quên mình và nỗ lực đến những giây phút cuối cùng, đến khi không thể gắng gượng được nữa của đội ngũ y bác sĩ để cứu sống bệnh nhân. Bản thân họ cũng đứng trước quá nhiều ranh giới, là ranh giới của sự lây nhiễm, của ý chí và hy vọng, của đoàn tụ và chia ly, của lựa chọn nên cứu mẹ hay cứu con.
Có xem phim, khán giả mới nhận ra rằng hoá ra trên cuộc đời này, vẫn có những con người quên hết mọi thứ để cứu sống người khác, nhẫn nại và bao dung để yêu thương người xa lạ như người thân của mình, và đôi khi không màng đến nguy hiểm mà bản thân đang phải đối diện. Có lẽ bởi giữa họ - những người bác sĩ ấy luôn có một sự gắn kết khó tả với các bệnh nhân của mình, nhất là khi cả hai đang ở trên cùng một chiến tuyến chống lại kẻ thù vô hình.
Cuộc chiến này không thể thiếu họ, và tinh thần hi sinh hết mình của các y bác sĩ khiến người xem cảm phục và trân trọng hơn những "chiến binh" mang trên mình chiếc áo blouse trắng.
PTL "Ranh giới" Phim đã nhận được sự đồng ý của các nhân vật khi ghi hình - Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư
PTL Ngày con chào đời là một tác phẩm tiếp theo của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư khai thác về đề tài COVID-19. Trong phim tài liệu "Ranh giới", nếu như khán giả đã được chứng kiến cảnh các thai phụ nhiễm COVID-19 phải vật lộn, chiến đấu với căn bệnh quái ác khi mang trong mình hai sinh mệnh cũng như sự nỗ lực, hi sinh đến cùng của đội ngũ y bác sĩ để giành giật hơi thở, sự sống cho bệnh nhân thì ở "Ngày con chào đời", khoảnh khắc những sinh linh bé nhỏ được ra đời ngay trong tâm dịch khiến người xem không khỏi bồi hồi và xúc động.
Những người phụ nữ không may mắn bị nhiễm COVID-19 trong quá trình mang thai, cũng là giai đoạn họ yếu ớt và nhạy cảm nhất. Vào viện chỉ có một thân một mình, không có ai ở bên chăm sóc, động viên, các thai phụ bị nhiễm COVID-19 phải tự mình chiến đấu và tự mình vượt qua tất cả. Điều an ủi duy nhất và là chỗ dựa duy nhất lúc này với họ chính là đội ngũ y bác sĩ.
Bộ phim "Ngày con chào đời" khắc hoạ sâu hơn về những thân phận thai phụ trong khu điều trị K1 của bệnh viện Hùng Vương. Câu chuyện về sản phụ Phạm Thị Hồng Phương, mang song thai ở tuần 32 hay câu chuyện về sản phụ Huỳnh Thị Lệ Thuỷ, Tiêu Thảo Ngân mang đến những góc nhìn chân thực dành cho khán giả.
Hình ảnh những sản phụ cô đơn nơi phòng bệnh khiến người xem không khỏi xót xa. Mỗi người lại mang trong mình những nỗi lo khác nhau.
Ngay trong tâm dịch, để các em bé được chào đời an toàn là cả một nỗ lực không nhỏ đến từ các sản phụ cũng như đội ngũ y bác sĩ túc trực ngày đêm, theo dõi sự an toàn của cả mẹ và con. Ở bệnh viện Hùng Vương, có những ngày các y bác sĩ thực hiện 5 ca mổ liên tục, có những lúc họ cần đưa ra quyết định sáng suốt để kịp thời giữ tính mạng được của cả mẹ và con. Những khi thấy mẹ tròn con vuông, các bác sĩ mới yên tâm và thở phào nhẹ nhõm.
Cũng trong khoa Nhi, bệnh viện Hùng Vương, các em nhỏ cũng phải chịu nhiều số phận khác nhau. Được ra đời đã là một may mắn, nhưng không ít em vẫn phải ở trong viện, chưa được đoàn tụ với bố mẹ và gia đình vì cả nhà đã đi cách ly; có những em thì mồ côi mẹ khi chào đời chưa được bao lâu; có những em vẫn chưa biết ngày nào sẽ được gặp lại mẹ...
Bộ phim khép lại với những lời chúc dành cho các con, mong rằng các con lớn lên sẽ thật khoẻ mạnh, hãy sống thật tốt và có ích và hãy luôn nhớ, biết ơn những người đã góp công giúp con có mặt trên cuộc đời này.
Phim tài liệu: Ngày con chào đời
Đi vào tâm dịch trong thời điểm nóng bỏng nhất, nhóm tác nghiệp của Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự gồm đạo diễn Nguyễn Hoàng Long, biên tập viên Thanh Hoa đã mang đến cho khán giả những thước phim chân thực về một thành phố sôi động nhất đất nước đang bị đóng băng vì dịch COVID-19.
Nội dung phim Chuyện ở Thành phố thức miêu tả chân thực cuộc sống của người dân TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội. Dù bên ngoài mọi thứ dường như im lìm nhưng thực chất bên trong đó là bao nhiêu người không ngủ, để thực hiện chức trách nhiệm vụ chống dịch.
PTL "Chuyện ở thành phố thức" gồm có 4 tập phim. 3 tập phim đầu ghi lại cuộc chiến bên trong bệnh viện dã chiến số 6, bệnh viện dã chiến thu dung số 12, khách sạn Công đoàn thuộc Tổng liên đoàn thành phố được sử dụng làm nơi giãn dân phòng chống lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn Quận Bình Thạnh. Tập cuối cùng miêu tả về cuộc sống người dân, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong những ngày đầu quay lại cuộc sống bình thường mới.
Trong lúc người dân thành phố đang căng mình chống dịch, chưa bao giờ hình ảnh các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam lại xuất hiện đẹp đẽ đến thế. Họ có mặt mọi lúc mọi nơi. Các anh từ nhân dân mà ra thì cũng vì nhân dân mà chiến đấu, giúp đỡ nhân dân trong hoạn nạn, trong gian khó khiến tình quân dân thêm bền chặt.
Cùng với cấp ủy thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang cùng với lực lượng y bác sĩ và các lực lượng khác đang là điểm tựa của nhân dân thành phố cũng nhau vượt qua những ngày khó khăn nhất trong đại dịch. Mỗi xã phường là một pháo đài và mỗi người dân là một chiến sĩ trong phòng chống COVID-19.
Phim tài liệu: Chuyện ở thành phố thức - Tập 3
Phim tài liệu Bình yên con nhé do Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Nam Bộ (VTV9) thực hiện đã mang đến cảm xúc nghẹn ngào, sự trăn trở cho người xem về câu chuyện thực tế "hậu COVID-19". Bắt đầu từ bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh, bộ phim đưa khán giả theo chân hai bé sơ sinh mồ côi và người thân của các bé với những hình ảnh chân thật không lời bình.
Trong phim có sự xuất hiện của hai nhân vật đặc biệt - bé Nhật Vy và bé Xuka. Hai em bé sơ sinh đã bị COVID-19 cướp đi cha mẹ ngay khi vừa chào đời, hai em bé điển hình trong hàng nghìn trẻ mồ côi vì đại dịch. Bộ phim cũng cho thấy cách những người ông, người bà cố gắng hàn gắn vết thương do COVID-19 gây ra, bù đắp, chở che cho những em bé sớm chịu cảnh thiệt thòi. Một hành trình đầy nước mắt nhưng rất nhiều yêu thương của những người ông, người bà để chăm sóc hai bé.
Hàng nghìn người cha, người mẹ đã vĩnh viễn ra đi, hàng nghìn trẻ thơ mồ côi vì đại dịch COVID-19. Những người ông, người bà đang phải gồng gánh một nhiệm vụ đặc biệt trong cuộc đời mình, đó là làm tất cả để người chết được bình yên và chở che cho những sinh linh bé nhỏ. Bộ phim là lời tri ân gửi đến họ! Sau cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng, sự bình yên sẽ đến khi các con cảm nhận được hơi ấm lan tỏa của tình thân, của tình người.
Phim tài liệu: Bình yên con nhé
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!