VTV.vn - "Trầm cảm là một quá trình gặm nhấm tâm khảm của người ta từ từ, từ từ...".


Trong tiếng Anh, từ để chỉ bệnh trầm cảm là 'depression'. Thực ra, đây là từ được vay mượn từ trong tiếng Latin. Nó có nghĩa là 'nhấn xuống'. Từ thế kỷ 14 nó có nghĩa là 'Khuất phục và hạ gục tâm trí của một con người'. Chúng ta nhìn vào gốc từ đó là chúng ta hiểu được bản chất của bệnh trầm cảm...

Trầm cảm nó là một quá trình gặm nhấm tâm khảm của người ta từ từ, từ từ...

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 3.

Theo những ghi chép từ thời Hy Lạp cổ đại, trầm cảm được cho là một bệnh lý do sự mất cân bằng các chất dịch trong cơ thể. Cha đẻ của ngành Y học phương tây, thầy thuốc Hippocrates, đã dùng thuật ngữ 'sầu uất' xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ để chỉ bệnh trầm cảm.

"Nó buồn, nó chán, nó mất hết năng lượng, không có muốn làm việc nữa. Mình chỉ đi vô ngồi cho có vậy thôi, chỉ muốn đi lên phòng nào trống trống nằm ngủ thôi chứ không có muốn đi làm".

"Ngủ được không?"

"Ngủ được. Nhưng lúc đó ngủ được là do có thuốc"

"Là do uống thuốc mới ngủ được?"

"Dạ"

"Nếu không uống thuốc?"

"Không uống thuốc thì lúc đó không ngủ được".

...

"Có ngủ được không cô?"

"Ngủ không được. Ban ngày lúc nào cũng cảm thấy lo lắng...".

...

"Từ khi sinh con đến giờ chưa ngủ được với con ngày nào hết. Em cứ nói là em khóc. Em cứ suy nghĩ là bây giờ, thật, em chết đi cho rồi. Nhưng con mới sanh thì bỏ ai chăm? Sanh con ra mà không ngủ được với con, chỉ ngủ với được bà nội thôi...".

'Thoạt đầu chồng không hiểu được, không ai hiểu được, đến bố mẹ còn không hiểu được con nữa là...'.

"Thời gian nó nặng, là nhốt ở trong nhà, rồi trói, nhốt, xích chân tay... trói chặt. Ngày đêm là nó không ăn. Tường cao như vậy mà nó cứ nhảy vọt ra ngoài. Hai mẹ con dìm ở sông mấy lần rồi đấy. Bế nó vào nó ngọng miệng không biết một cái gì nữa...".

"Em có suy nghĩ đó từ rất lâu rồi, từ năm lớp 10 và kéo dài đến bây giờ... Bình thường là em thường cắt tay, đôi khi nếu em cầm dao thì em sẽ đơ ra một lúc, em nghĩ có nên cắt hay không. Hoặc là đứng trên cao em sẽ nghĩ là mình nhảy xuống...".

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 6.

Trầm cảm là căn bệnh không còn xa lạ nhưng trong xã hội, người hiểu được căn bệnh này không nhiều. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu tại mít-tinh hưởng ứng ngày chăm sóc sức khỏe tâm thần thế giới váo tháng 10 năm 2022: "Đa số người dân quan niệm rối loạn tâm thần là "tâm thần phân liệt", dân gian thường gọi là "điên"..."

Thực tế, tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% dân số. Trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao khoảng 5-6% dân số. Còn lại là các rối loạn khác.

Những hiểu lầm rất cơ bản về trầm cảm trên thực tế đã cản trở cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế với những người có vấn đề sức khỏe tâm thần. Từ chỗ không biết đến hiểu sai về bệnh đã dẫn đến những hậu quả không thể cứu vãn. 

Trầm cảm ảnh hưởng lớn đến tinh thần, cuộc sống của cá nhân và xã hội. Trầm cảm được đánh giá là căn bệnh thầm lặng nhưng có thể để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Đôi khi, không dễ để người thân hay chính người bệnh những rối loạn họ đang gặp phải. 

Theo bác sĩ CKII Vũ Kim Hoàn - Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh - trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, ở mọi tầng lớn xã hội, không phải ở riêng một giới hay một trình văn hóa, một lứa tuổi nào.

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 11.
Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 12.

Anh La Tiểu Bảo.

Anh La Tiểu Bảo - một người mắc bệnh trầm cảm sống ở thành phố Hồ Chí Minh - tâm sự: "Mình cứ bị mắc kẹt trong cái hố đó. Nhưng mà không phải... người ta nói là người trầm cảm là bệnh giả đò. Nhưng thực sự tôi không thể làm được gì ở thời điểm đó nữa. Ở thời điểm đó, những việc rất là đơn giản với mọi người mỗi ngày, ví dụ như là đánh răng, rửa mặt... nhưng với tôi đó là những việc rất là khó để làm được nó. Tôi đã phải dùng rất nhiều sự cố gắng của mình để có thể làm được những việc đơn giản mà mọi người nghĩ rằng ai cũng có thể làm được".

"Đó có thể là thói quen hàng ngày thôi nhưng những người trầm cảm như tôi thì nó quá khó".

"Nói về chuyện tự sát thì gần như tôi nghĩ về nó mỗi ngày" - La Tiểu Bảo nói tiếp - "Nhưng có một điểm mấu chốt ở đây mà chắc mọi người chưa có một góc nhìn và mọi người ít để ý tới chính là cái cảm giác trước tự sát nó ra sao? Tôi hiểu được cái cảm giác đó".

'Có những cái đêm cơn trầm nó tới... cái cảm giác nó sôi sùng sục trong người. Và tôi nhớ tôi từng đọc ở đâu đó một chia sẻ rằng nó giống như lửa ở phía sau bạn vậy và bạn phải nhảy để bạn sống'.

La Tiểu Bảo.

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 14.

"Bạn muốn nhảy ra khỏi cái lửa đó và khi đó, sinh lý của bạn nó y chang như vậy - nó sôi lên, cái cảm giác lo âu, nó giống như lửa ở kế bên hay cái cảm giác có gì đó nó khủng khiếp lắm, nó ở bên trong của bạn. Và cảm giác đó chỉ có thể giải thoát được khi mà bạn chết, bạn nhảy hay bạn tự làm hại bản thân mình... thì nó mới tạm thời vơi đi".

Trong khi đó, với Kylor Nguyễn, một người mắc bệnh trầm cảm khác: "Em sợ nhiều lắm. Em làm gì em cũng sợ hết. Em không làm gì, em ở không em cũng sợ nữa. Vấn đề duy nhất em không sợ là em không sợ chết".

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 15.

"Lúc đó em muốn chết".

"Em đã từng chạy xe ngoài đường mà em chạy hết vận tốc của em luôn" - Kylor nhớ lại chuỗi ngày khó khăn, khổ sở khi vật lộn với trầm cảm - "Và em nghĩ trong đầu bây giờ ai đi qua cán mình cũng được. Bởi vì em chấp nhận cái sự đó".

"Em hay đập đầu vô tường để em bớt nghĩ lại. Tại vì em không biết cái suy nghĩ đó đến từ đâu? Không biết tại sao mình lại bị suy nghĩ over như vậy?".

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 16.

'Mình cứ hỏi: Uả, mình sống để làm gì?'.

Lê Bá Nguyệt Minh.

Chị Lê Bá Nguyệt Minh cũng là một trong những người đã phải vật lộn với bệnh trầm cảm. Chị nói về những điều trầm cảm ảnh hưởng đến tinh thần của mình: "Mình không còn niềm tin vào con người. Mình không còn niềm tin vào cuộc sống nữa. Thậm chí mình còn không tìm ra được là mình sống để làm cái gì?".

"Mình cũng không biết mình tồn tại để làm gì trong suốt những năm sau đó". 

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 18.

Chị Minh kể câu chuyện cuộc sống của mình khi vật lộn với bệnh trầm cảm và không nén được nước mắt về những gì đã trải qua.

Nhớ lại thời điểm khủng khiếp trong cuộc đời mình, chị Nguyệt Minh nói về một sự cố chị đã phải trải qua.

"Chương trình mời mình là chương trình Chung kết toàn miền Nam, trực tiếp và rất lớn. Cô này cô ấy tin tưởng mình vì cô ấy biết mình nhiều năm. Cô ấy thậm chí không cần test chương trình trước với MC" - chị Minh nhớ lại - "Và mình nghĩ mình cũng có thể làm rất tốt. Bởi vì trước giờ đó là khả năng của mình. Nhưng mà đến lúc chương trình diễn ra, mình không thể ngờ được là cái cơn trầm cảm nó có thể khiến mình cứng đờ người và không hiểu sao mình không thể mở miệng nói được một cái gì".

"Mình không thể. Mình không biết tại sao?". 

Anh Dương Anh Vũ - Kỷ lục gia trí nhớ thế giới - nói: "Tôi từng mất 10 năm cuộc đời để đối đầu với nó và đôi khi tôi cảm giác rằng mình thất bại".

"Khi một người bị trầm cảm họ sẽ mất dần khả năng điều hướng cảm xúc của mình" - Anh Vũ nói tiếp - "Bởi vì họ đã quen nhìn thế giới xung quanh của họ thông qua một khung cửa hẹp và khung cửa đó được tạo ra trong một thời gian rất dài từ nội tâm u uất của họ".

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 19.

"Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào từ tiếng Anh để chỉ bệnh trầm cảm, đó chính là "depression". Thực ra từ này được vay mượn từ trong tiếng Latin. Nó có nghĩa là "nhấn xuống". Từ thế kỷ 14 nó có nghĩa là "Khuất phục và hạ gục tâm trí của một con người". Chúng ta nhìn vào gốc từ đó là chúng ta hiểu được bản chất của bệnh trầm cảm".

"Thật ra, nó giống như một cái tiền đồn" - anh Vũ nói tiếp - "Có một số lượng người rất lớn được bao vây trong cái tiền đồn đó và phía ngoài là một đội binh hùng mạnh đang công phá cái đồn đó và đến khi nó hạ gục được cái đồn đó thì người bị trầm cảm họ liên tục nghĩ đến cái chết. Vì thế, trầm cảm nó là một quá trình gặm nhấm tâm khảm của người ta từ từ, từ từ".

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 21.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, những căng thẳng kéo dài trong trong thời thơ ấu có những hậu quả lâu dài đối với sức khỏe và hạnh phúc của một người. Nó có thể làm gián đoạn sự phát triển sớm của não và ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thần kinh và miễn dịch. Ngoài ra, do hành vi của một số người đã từng đối mặt với trải nghiệm thơ ấu tiêu cực. Căng thẳng như vậy có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như trầm cảm và những bệnh mãn tính khác.

Kylor Nguyễn nói về thời thơ ấu của mình: "Ba mẹ em không ở với nhau từ lúc em còn nhỏ. Sự quan tâm của mẹ và của ba mang đến cho em thì hầu hết đến từ vật chất. Em chỉ bị những lời hứa của bố em là cho em cái này hay đợi cái kia... Em kỳ vọng vào những lời hứa đó quá".

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 22.

Những bức hình kỷ niệm thời thơ ấu của Kylor Nguyễn.

"Ví dụ bố em hứa với em 10 điều thì ông chỉ làm được 1 điều thôi và ông không ở gần em để hiểu được con người em như thế nào" - Kylor nói tiếp - "Nên em bị thất vọng về những sự kỳ vọng của chính em". 

"Từ nhỏ mà em muốn đi du lịch với lớp thì mẹ em lại muốn đi theo. Mẹ em sợ em có vấn đề gì" - Kylor nhớ lại - "Hay là em muốn đi ra biển chơi mẹ em lại sợ em chết đuối vì em không biết bơi. Rồi em đi chơi với bạn bè thì mẹ em lại sợ em hư hỏng... Cả bố cả mẹ em không dạy em cách đối diện với những trải nghiệm đó mà bố mẹ em dạy cách sợ hãi nó. Cho nên khi em ra ngoài em có quá nhiều nỗi sợ mà em đã được cài đặt trước đó, em đã được đưa vào người tư tưởng trước đó".

"Nếu như em thất bại và trở về nhà thì gia đình, thay vì động viên em là "ok, cố lên con" thì gia đình lại động viên theo cách là "đấy, đã bảo rồi là đừng có làm".

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 23.

Kylor Nguyễn.

'Tại vì em không gặp bố em nhiều, em chỉ ở chung với mẹ thôi. Nên khi em hỏi mẹ, mẹ bảo những người bị trầm cảm là những người thiếu nghị lực'.

Kylor Nguyễn.


"Em ngồi trên cái ghế này thì làm sao em nhấc được cái ghế của em lên mà nói em thiếu nghị lực?" - Kylor nói tiếp - "Em còn chả biết yêu thương em nữa".

"Lúc em gặp bác sĩ em còn hỏi các anh chị đó là: Uả, bây giờ yêu thương bản thân là làm cái gì? Là skin care mỗi tối, mỗi sáng hả? Em cũng skin care mỗi tối, em cũng đi spa này nọ. Vậy yêu thương bản thân mình mà mọi người hay nhắc tới là gì em cũng còn không biết nữa". 

"Từ nhỏ, ba mẹ sống cũng không hạnh phúc lắm" - chị Lê Bá Nguyệt Minh nói về câu chuyện của mình - "Ba mẹ thường xuyên cãi nhau, thậm chí có những vụ ẩu đả xảy ra hàng tuần. Và mỗi lần như vậy, ba mẹ giận nhau, là đồ đạc chén bát trong nhà tanh bành hết. Và mình cũng là người khá nhạy cảm. Mỗi lần như vậy mình rất buồn".

'Mình cho rằng gia đình mình là gia đình buồn bã nhất, bất hạnh nhất, không hạnh phúc nhất. Và việc đó làm cho mình khó nói chuyện với những người xung quanh...'.

Lê Bá Nguyệt Minh

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 26.

"Mình 13 tuổi thì ba mẹ có những cuộc cãi vã lớn nhiều hơn và gây ra mâu thuẫn nhiều hơn" - chị Minh nói tiếp - "Và ba đi ra ngoài thường xuyên hơn và không có ở nhà. Ba bị tai nạn đến 3 lần. Anh trai và mẹ thì rất ít nói".

"Ba là người hay hỏi và quan tâm đến mình nhiều nhất. Và khi ông bị bệnh thì mình gần như là mất đi một chỗ mà mình có thể chia sẻ được, ít nhất là có thể nói chuyện được và hiểu mình. Từ đó mình càng cô lập hơn và mình càng ít nói hơn".

"Sau đó dì mình từ Sài Gòn về và có hỏi sao mình học sút đi? Thì mẹ nói "chắc nó buồn về chuyện của ba"... - chị Minh tiếp tục - "Sau đó thì dì nói hay mẹ cho mình vào trong Sài Gòn học? Và không hiểu hai người bàn bạc như thế nào đấy mà mình vào nhưng mình không phải là người được quyền chọn lựa".

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 27.

Chị Lê Bá Nguyệt Minh trong một bức ảnh kỷ niệm.

"Lần đầu tiên mình vào Sài Gòn mình đi tàu và đi một mình. Cái cảm giác đi tàu một mình và còn rời khỏi gia đình bước đi nó vô cùng đơn độc. Khi mình ở trong gia đình, mình không có sự kết nối với anh trai mình nhưng ít nhất mình vẫn thấy được họ, và mình vẫn cảm thấy an toàn. Nhưng khi mình vào trong nhà dì thì mình gần như mất kết nối với họ. Bởi vì mình đã không nói chuyện được với họ rồi".

"Mẹ gần như là không bao giờ gọi điện thoại".

"Mình cũng là người không thể nói ra được".

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 28.

La Tiểu Bảo trong một bức ảnh cũ.

Khác với chị Minh hay Kylor, Tiểu Bảo được sống trong tình yêu thương của gia đình và bè bạn. Tuy nhiên, để một người mắc bệnh trầm cảm không đến từ một nguyên nhân duy nhất.

"Tôi bắt đầu căn bệnh này vào thời điểm học lớp 12" - La Tiểu Bảo chia sẻ câu chuyện của mình - "Thời điểm đó tôi không chấp nhận được bản thân mình, rằng mình từng là người học rất giỏi nhưng tôi không thể đậu nổi một trường nào hết. Thời điểm đó cuộc sống giống như rơi vào ngõ cụt vậy, không còn biết phải đi đâu, về đâu hay làm gì".

'Tôi bắt đầu sống trong cảnh chán nản, chán chường mỗi ngày cho tới khi cái cảm xúc muốn chết xuất hiện...'.

La Tiểu Bảo.

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 31.

Đại dịch COVID-19 dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực về kinh tế, xã hội và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của dân số trên toàn thế giới. Đặc biệt, số người tự tử lại càng đáng báo động khi tình trạng trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm thần tăng từ 3-5 lần so với bình thường. Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 6 khu vực cho thấy số ca tăng mạnh. Số người khám sàng lọc đáp ứng trầm cảm tăng 535%. Cũng theo đó, trong giai đoạn này, nhóm tuổi từ 11-17 tuổi có tỷ tệ tự tử cao nhất.

Có nhiều vấn đề tâm lý cũng như xã hội mà chúng ta không thể đơn giản nhận diện một nguyên nhân cụ thể như sinh học hay vật lý. Thường, người ta dùng khá nhiều khái niệm để gọi những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến vấn đề trầm cảm.

Theo Tiến sĩ - Chuyên gia tâm lý Lê Nguyên Phương: "Hiện nay, khi đánh giá những vấn đề tâm lý thì người ta thường dùng đến mô hình tâm - sinh - xã. Tức là tâm lý, sinh học và xã hội. Có cả các yếu tố tương quan với môi trường". 

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 32.

"Có thể nói các yếu tố nguy cơ liên quan đến đời sống của một người có thể khiến cho người đó có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn. Thứ nhất, nếu người đó là người cao niên, ví dụ trên 70 tuổi, thì nguy cơ bị trầm cảm cao hơn. Thứ hai, cái yếu tố khi họ bị cô lập, bất cứ mọi lứa tuổi nào bị cô lập hay bị một cái bệnh mãn tính. Thứ 3 là những mất mát hay cái chết của một người thân".

"Có một số thuốc chúng ta dùng mà chúng ta không biết nó có thể gây ra trầm cảm".

Cũng theo Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, còn có yếu tố khác có thể tác động đến sức khỏe tâm thần đó là gen - vấn đề di truyền và yếu tố giới tính. Trong những gia đình có thế hệ trước bị trầm cảm thì con cháu cũng có nguy cơ trầm cảm cao hơn và phụ nữ thường có nguy cơ trầm cảm cao hơn đàn ông. Khi chúng ta có nguy cơ đè nén cảm xúc của mình, đặc biệt là tức giận trong một thời gian dài cũng có nguy cơ mắc trầm cảm.

'Những biến cố quan trọng trong đời sống con người cũng có thể gây ra trầm cảm'.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương.

"Một trong những vấn đề lâu nay tôi vẫn lưu tâm đó là chấn thương của tuổi trẻ, khi thuở thiếu thời" - chuyên gia Lê Nguyên Phương nói - "Khi một đứa trẻ bị bạo hành liên tục - bằng lời nói, ngôn ngữ hay thậm chí xâm hại tình dục... - mà đứa trẻ không có khả năng phản kháng hay giải quyết vấn đề đó cũng bị trầm cảm".

Trầm cảm vẫn còn nhiều điều chưa thể giải mã. Hiện nay, các nhà chuyên môn vẫn đứng trước nhiều ẩn số đi kèm tranh cãi. Nhưng có một điều chắc chắn không ai phản đối, đó là không có duy nhất một nguyên nhân gây ra trầm cảm. Trầm cảm có lý do sinh học, tâm lý và xã hội. Hơn nữa, những yếu tố này tương tác qua lại với nhau khiến bức tranh tổng thể càng trở nên phức tạp hơn. 

Theo bác sĩ CKII Vũ Kim Hoàn - Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh: "Trầm cảm theo theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Tổ chức Y tế thế giới thì nó có 3 tiêu chuẩn chính. Đầu tiên là người bị trầm cảm họ buồn, cái khí sắc họ rất buồn, họ gần như là buồn suốt ngày. Và thời gian buồn nản như vậy kéo dài trong vòng 2 tuần".

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 34.

"Cái thứ 2 là họ chán" - bác sĩ Hoàn nói tiếp - "Chán ở đây là họ mất đi những cái thích thú trước kia của họ. Và cái thứ 3 là họ rất dễ mệt mỏi".

"Còn 7 triệu chứng phổ biến khác như ăn không ngon, ngủ không được rồi sau đó là họ mất tự tin" - bác sĩ Hoàn tiếp tục - "Hồi xưa họ làm cái gì cũng thoải mái, nhưng sau đó là không còn tin vào bản thân của mình nữa. Từ cái mất tự tin đó họ sẽ khó tập trung. Họ không tập trung để làm các công việc. Ngày xưa thì năng nổ, làm việc rất tập trung. Nhưng bây giờ là mất tự tin, không tập trung vào công việc đó nữa".  

"Rồi tiếp đến nữa là khi họ khó tập trung như vậy thì sẽ dẫn đến tình trạng là họ có mặc cảm tội lỗi. Mà mặc cảm tội lỗi này gây ra rất nhiều thứ phiền phức. Từ những mặc cảm tội lỗi đó họ sẽ dẫn đến tình trạng bi quan trong cuộc sống".

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 35.

'Họ thấy tương lai của họ rất mờ mịt và mờ mịt như vậy thì sống để làm gì? Từ đó hình thành ý định tự tử. Từ ý định tự tử đó họ sẽ lập ra kế hoạch tự tử và cuối cùng là hành vi tự tử'.

Bác sĩ Vũ Kim Hoàn, Bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với những người có ý định tự sát thì đa số đều xuất hiện những dấu hiệu báo động và sự tác động cuối cùng để đưa đến kết cục xấu chỉ là một giọt nước làm tràn ly. Tự sát không đơn thuần là một hành vi đơn lẻ mà đó là một chuỗi hành vi bao gồm 3 thành phần: Ý tưởng, lập kế hoạch và cuối cùng là hành động.

Cũng theo các chuyên gia, hành trình chữa bệnh trầm cảm là một hành trình vô cùng khó khăn và trong quá trình đó, ngay cả khi người bệnh uống thuốc chữa trầm cảm thì người nhà vẫn luôn cần theo sát họ một cách chặt chẽ.

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 37.

Tiến sĩ - Chuyên gia tâm lý Lê Nguyên Phương trong một cuộc tọa đàm về bệnh trầm cảm.

Theo Tiến sĩ - Chuyên gia tâm lý Lê Nguyên Phương: "Có một số nghiên cứu nói về những bạn trầm cảm đi qua giai đoạn hưng cảm hoặc là bắt đầu uống thuốc, trầm cảm vừa giảm xuống một cái, khi bắt đầu có một chút động lực thì họ lại sử dụng cái động lực đó để mà tự sát. Nó đau đớn như vậy. Cho nên dùng thuốc trầm cảm thì người ta nói trong vòng sau 2-3 tuần là thời gian phải canh bệnh nhân thật chặt chẽ".  

Đồng quan điểm này, bác sĩ Vũ Kim Hoàn cho biết một cách cụ thể hơn về thuốc chống trầm cảm cũng như việc người bị trầm cảm sẽ trải qua những giai đoạn như thế nào của quá trình chữa bệnh.

"Thuốc chống trầm cảm, nguyên tắc của nó là sau 1-2 tuần nó mới bắt đầu có tác dụng"- bác sĩ Vũ Kim Hoàn cho biết - "Khi uống thuốc chống trầm cảm thì tôi hay dặn bệnh nhân rằng không phải uống vô một cái là nó hết liền, là trầm cảm của mình hết liền đâu. Mà nó phải có thời gian nó mới có tác dụng. 2 tuần nó mới có tác dụng rồi từ từ nó mới có cải thiện về khí sắc. Tuy nhiên, có những người uống thuốc vào nó tự mở trói cơ thể nhưng trong tâm trí chưa được mở trói. Trạng thái trầm cảm trong đầu họ vẫn còn. Do nó vẫn còn mà bây giờ nó được mở trói thì người ta sẽ nghĩ đến vấn đề tự tử và người ta sẽ thực hiện hành vi tự tử đó".

Ngày nay, với trình độ khoa học ngày càng phát triển, bộ môn Thần kinh học đã có những bước tiến dài để lý giải dần các biểu hiện tâm lý liên quan đến não bộ.

Theo các nghiên cứu được tiến hành với não bộ của con người, các nhà khoa học phát hiện ra rằng Hồi hải mã ở những người trầm cảm hoạt động khác những người không bị bệnh. Hồi hải mã được phát hiện nhỏ hơn ở những người trầm cảm. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra ở những người bị trầm cảm nặng có thể gây giảm kích thước hồi hải mã. Các nhà khoa học không chắc chắn liệu kích thước suy giảm là kết quả của bệnh trầm cảm hay chỉ là một yếu tố góp phần gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, thực tế có bằng chứng cho rằng căng thẳng tạo tác động tiêu cực đến vùng hồi hải mã.

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 40.

Tại trung tâm nghiên cứu não bộ của Oxford, nơi người ta đã kiểm tra hoạt động trong não của những người trầm cảm. Công việc của họ tập trung ở Hạch hạnh nhân, một khu vực nhỏ bé giống như trung tâm máy tính của não, và tương tự như chúng ta thấy ở Hồi hải mã, Hạch hạnh nhân hoạt động khác nhau ở những người trầm cảm. Não của những người bị trầm cảm phóng đại những hình ảnh tiêu cực, qua đây thấy được những người trầm cảm mất đi quan điểm và một phần não của họ hạy cảm hơn với sự tiêu cực.

Hố đen - câu chuyện của những người mất kết nối với thế giới - Ảnh 41.

Những kết quả nghiên cứu này đã bổ sung đáng kể vào "bức tranh trầm cảm", từ đây giúp ích cho các bác sĩ, nhà tâm lý trị liệu hiểu hơn về bệnh nhân của mình. 

Xuất phát từ thực tiễn cũng như công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã triền khai chương trình Cấp cứu trầm cảm - với sự phối hợp tham gia giữa 2 đơn vị là Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh. Đối với người bị trầm cảm, đặc biệt là ở thể nặng thì hành động tự hại bản thân gần như là mẫu số chung có thể dự đoán trước. Do đó, kịp thời phát hiện có ý định tự sát và kịp thời gọi điện cho đội cấp cứu đến hỗ trợ trở thành một hoạt động thiết thực cần được triển khai.

Ông Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố Hồ Chí Minh - nói: "Trước đây thì rất ít nhưng sau khi triển khai thì số lượng bắt đầu nhiều lên và mình đã giúp được cho nhiều người hơn. Đặc biệt trong những cuộc gọi đó thì có những cuộc mình đã cấp cứu kịp thời và đưa vào Bệnh viện Tâm thần".

"Trước đó, hầu như người ta không biết người ta có vấn đề về tâm thần" - ông Duy Long nói thêm.

Để điều trị hiệu quả trầm cảm, ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, nhà tâm lý trị liệu... các bệnh nhân cần tập luyện, học tập thêm nhiều phương pháp bổ trợ. Bên cạnh đó là sự chăm sóc, sẻ chia từ người thân và gia đình.

Không ai biết trầm cảm sẽ đến vào lúc nào nhưng việc nhanh nhất mỗi người đều có thể thực hiện được ngay hôm nay đó là hãy yêu thương và bao dung nhiều hơn nữa - với chính bản thân mình và những người xung quanh.

Phim tài liệu: Hố đen

Phim Tài liệu "Hố đen" được thực hiện bởi đạo diễn Trịnh Quang Bách. Trước khi giành giải tại LHP Việt Nam 2023 vừa diễn ra vào 25/11 cho "Tác giả kịch bản xuất sắc", bộ phim đã giành được cú đúp tại giải Cánh diều Vàng 2023 (diễn ra vào tháng 9). Tại Cánh diều vàng 2023, phim Tài liệu "Hố đen" đã chiến thắng tại 2 hạng mục, gồm: Cánh diều vàng cho Phim Khoa học và Đạo diễn Phim Khoa học xuất sắc.

___

Thực hiện: N.A

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước