VTV.vn - "Khát vọng thịnh vượng 2024" đã thực sự góp phần - dù là nhỏ bé nhưng lại vô cùng ý nghĩa - trong tiến trình xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

Khái niệm về khát vọng thịnh vượng đã thay đổi, cuộc sống thịnh vượng phổ biến nhất có lẽ là ước mong sung túc về tài chính. Nhưng với nhiều người, ước mơ thịnh vượng được tìm thấy trong từng khoảnh khắc hạnh phúc, là khi sức khoẻ luôn vững vàng. Nhưng cũng có những khát khao thịnh vượng là được cống hiến cho cộng đồng.

Trong khi đó, đối với nhiều doanh nghiệp, khát vọng thịnh vượng đó là ước mơ chinh phục công nghệ, là Việt Nam không thụt lùi trong guồng xoay nhanh khó lường của thế giới.

Đó là khát vọng đổi mới sáng tạo, đi đầu - dù chỉ là nước đang phát triển. Hay là đấu tranh với những tiêu cực đang cản trở khát vọng thịnh vượng của dân tộc.

Với thời lượng 60' của chương trình, "Khát vọng thịnh vượng 2024" phát sóng tối qua (mùng 4 Tết, 13/2) đã cho chúng ta đã được thấy khát vọng thịnh vượng trong mỗi người đã thay đổi như thế nào và khát vọng của đất nước đang được thắp sáng ra sao.

Và đúng như mong muốn của ê-kíp chương trình, Khát vọng thịnh vượng 2024 đã thực sự góp phần - dù là nhỏ bé nhưng lại vô cùng ý nghĩa trong tiến trình xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường của chúng ta...

Và cũng qua 60' của "Khát vọng thịnh vượng 2024", chúng ta còn được nhìn thấy rất nhiều điều khác nữa...

Khát vọng thịnh vượng 2024 - Vì một Việt Nam hùng cường - Ảnh 1.

KỶ NGUYÊN NUNG NÓNG TOÀN CẦU

Khát vọng thịnh vượng 2024 - Vì một Việt Nam hùng cường - Ảnh 3.

(Ảnh chụp màn hình chương trình Khát vọng thịnh vượng 2024)

Không khí không thể thở được...

Nắng nóng không thể chịu nổi...

Nóng nhất trong vòng 125000 năm qua...

Những hậu quả tựa như ngày tận thế...

'Biến đổi khí hậu là đây! Nó thật đáng sợ! Và nó chỉ là khởi đầu. Kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã kết thúc, kỷ nguyên nung nóng toàn cầu đã đến. Không khí không thể thở được. Nắng nóng không thể chịu nổi'.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres.

Sự biến đổi khí hậu đang hiện hữu rõ ràng trong đời sống của chúng ta trong hiện tại với số ngày nắng nóng trong một năm đang ngày một nhiều hơn, mực nước biển đang dâng cao hơn, các thảm họa thiên nhiên ngày càng nhiều và lớn hơn… trái đất nóng lên đang phá vỡ sự cân bằng vốn có của tự nhiên. 

Đời sống sinh hoạt bị đảo lộn, việc chống nóng giờ đây không khác gì việc chống rét.

Đối ngược và xảy ra nối tiếp với cái nóng là mưa vượt mốc lịch sử. 8200 tỷ đồng thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam trong năm 2023, 143 tỷ USD là con số mà kinh tế toàn cầu mỗi năm đã thiệt hại vì biến đổi khí hậu.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu. Cụ thể, Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của 18 triệu người, đã và đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; hơn 70% diện tích đất của một số tỉnh thành có thể bị ngập trong vòng 80 năm nữa. Dự tính Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do các tác động của khí hậu.

Vậy điều gì đang gây ra biến đổi khí hậu? Quá trình sản xuất hàng hoá và lương thực thiếu bền vững của con người đã và đang mang đến những hệ quả gì?

Khát vọng thịnh vượng 2024 - Vì một Việt Nam hùng cường - Ảnh 10.

Trên vịnh Xuân Đài hiện nay đang có khoảng hơn 45 nghìn lồng nuôi tôm hùm thương phẩm. Các lồng này đang thải ra lượng rác là bao nhiêu? Và bao nhiêu được xử lý, bao nhiêu không? Có lẽ sẽ là con số chẳng bao giờ có thể tính toán được chính xác. Chỉ biết rằng rác thải từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản đang ngập các bãi biển, biến bãi biển thành bãi rác, biến làng biển thành làng rác…

Biến đổi khí hậu và câu chuyện từ rác...

Khi đến với một trong những thủ phủ nuôi tôm hùm lớn nhất cả nước - Phú Yên - chúng ta có thể thấy được rõ ràng thực trạng sản xuất gây ô nhiễm đang diễn ra như thế nào. Rác và mùi của rác đã in hằn trong tâm trí những đứa trẻ từ khi sinh ra. Nên khi được hỏi biển ở đây có gì, những đứa trẻ đã trả lời mạch lạc và rõ ràng: "Có cá, có cua và có rác…".

Còn với những người lớn, họ đã chấp nhận rác như một phần không mong muốn của cuộc sống này. 

Nói về tình trạng xả rác ở đây, Đại uý Vũ Lý Huỳnh - Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Xuân Đài, Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên - cho biết: "Hành vi xả rác thải ra môi trường thì vẫn kiên quyết xử lý nhưng mà ý thức người dân với cái khối lượng nó nhiều quá. Lực lượng thì mỏng nên không thể nào mà hết được".

Tình trạng rác thải, ô nhiễm không khí, môi trường không chỉ được nhìn thấy ở vịnh xuân Đài. Ở nhiều nơi tại Việt Nam, nhất là các làng nghề, những cảnh ô nhiễm không phải là ít. Là một đất nước đang phát triển, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức về môi trường. Đó cũng là thách thức chung của nhiều quốc gia đang phát triển khác.

Vậy, chúng ta làm gì để có thể thay đổi thói quen, tư duy của hàng nghìn công nhân với phương thức sản xuất cũ trong suốt 20 năm qua?

Nỗ lực bảo vệ môi trường vì phát triển bền vững...

Dù nguồn lực trong nước còn hạn hẹp, là một nước đang phát triển nhưng để bảo vệ ngôi nhà chung của thế giới, Việt Nam đã dám ký vào các cam kết quốc tế giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 , ủng hộ các sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí metan. Và không chỉ bằng lời nói, Việt Nam bắt tay ngay vào hành động. 

Khát vọng thịnh vượng 2024 - Hành động Xanh

Sự thay đổi đã được thích ứng nhanh chóng. Cụ thể, sản xuất hàng hoá trong nước đang chịu tác động từ các nước nhập khẩu, theo hướng bền vững, giảm thải và chất lượng. Những tiêu chuẩn mà Liên minh châu Âu đặt ra đối với hàng hoá nhập khẩu đang trở thành tiêu chí quan trọng đối với doanh nghiệp trong nước, mang lại lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng và cho môi trường của những nước có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu.

Liên minh châu Âu gián tiếp thúc đẩy cải thiện môi trường tại các nước xuất khẩu hàng hoá vào châu Âu. Những tiêu chuẩn ngặt nghèo về giảm thải, chống phá rừng, chống đánh bắt cá trái phép… ban đầu chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp châu Âu. Để đáp ứng các tiêu chuẩn đó, doanh nghiệp châu Âu, hoặc phải chi những khoản tiền lớn để cải thiện quy trình sản xuất; hoặc thất thu do không còn được thoải mái phá rừng hay đánh cá tuỳ ý… 

Khát vọng thịnh vượng 2024 - Vì một Việt Nam hùng cường - Ảnh 15.

Trong khi đó, doanh nghiệp các nước bên ngoài châu Âu, do không phải chịu những ràng buộc đó, có thể xuất khẩu hàng hoá vào châu Âu với giá bán thấp hơn nhiều so với hàng hoá tương đương do doanh nghiệp châu Âu làm ra. Để tái lập công bằng đối với doanh nghiệp của mình, Liên minh châu Âu dần dần ra quy định, nếu doanh nghiệp bên ngoài không áp dụng tiêu chuẩn châu Âu, thì phải trả phần chênh lệch nếu muốn bán hàng vào châu Âu.

Doanh nghiệp nước ngoài muốn tiếp tục xuất khẩu hàng hoá vào châu Âu bắt buộc phải giảm phát thải trong quá trình sản xuất tại nước mình, bảo vệ rừng và nguồn cá của chính nước mình, sản xuất thực phẩm chất lượng hơn. Các nước đó cũng dần đưa ra những tiêu chuẩn an toàn và môi trường cao hơn, tất nhiên là người tiêu dùng trong nước cũng được hưởng lợi. Những quy định nội bộ của Liên minh châu Âu đang gián tiếp tạo động lực tích cực cho một nền kinh tế bền vững toàn cầu, thông qua sức nặng của ngoại thương.

Quy mô thị trường tiêu thụ tại châu Âu đủ lớn để những những doanh nghiệp muốn bán hàng vào châu Âu buộc phải quan tâm tới trách nhiệm xã hội: giảm thải carbon, truy xuất nguồn gốc, loại bỏ tồn dư hoá chất trong hoa quả và thịt cá, đánh cá đúng luật, hạn chế phá rừng…

'Sức mạnh của thị trường chung châu Âu có tác dụng đòn bẩy. Chính sách thương mại của chúng ta là một trong những công cụ quan trọng tác động đến các quốc gia khác, nhằm bảo vệ các khu rừng trên thế giới. Những sản phẩm không gây hại đất rừng đều được chào đón trên thị trường chung châu Âu'.

Bà Karin Karlsbro - Nghị sĩ Thuỵ Điển.

Thay đổi đề tồn tại...

Các dây chuyền cũ được thay mới - hiện đại và giảm điện năng tiêu hao, từng bước giảm phát thải nhà kính ngay trong khuôn viên sản xuất của mình. Đón đầu các quy định về xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ và Châu Âu... Nếu như trước đây, 1 tiếng lò sấy bằng bóng đèn hồng ngoại sẽ tiêu thụ tới 50kw điện thì với hệ thống sấy nhiệt hơi nước hiện tại, lượng điện tiêu thụ chỉ chiếm gần 15kw/ giờ. Tức là bằng 1/5 lượng điện tiêu thụ so với trước đây...

Doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, tăng lợi nhuận và giảm thiểu được lượng phát thải nhà kính ngay trong khuôn viên sản xuất của mình. Song song với đó là hàng loạt các thói quen sản xuất cũng được thay đổi.

Khát vọng thịnh vượng 2024 - Vì một Việt Nam hùng cường - Ảnh 19.

LNG được nhắc đến đầu tiên vào năm 2009 và tới tháng 7 năm ngoái, sau hơn 13 năm chuẩn bị, tàu Maran Gas Achilles, quốc tịch Hy Lạp vận chuyển gần 70.000 tấn LNG đã cập bến Kho cảng LNG Thị Vải, Vũng Tàu, Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập về năng lượng và bắt đầu một hành trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam.

Tại COP26, Việt Nam đã cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Và sau 2 năm qua, không chỉ là cam kết, hàng loạt các: Đề án, Chiến lược, Kế hoạch hành động đã được các Bộ, ngành trình Chính phủ. Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và cả các doanh nghiệp tư nhân đang là những đơn vị đi đầu - bằng những hành động cụ thể như trao đổi tín chỉ carbon rừng, chi trả, mua bán giảm phát thải khí nhà kính ERPA hay chuyển đổi từ những nguồn năng lượng hoá thạch sang năng lượng xanh.

Sau hội nghị COP26, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam đã được thành lập và ban hành quy chế hoạt động. Với12 biện pháp lớn, toàn diện thuộc 3 nhóm nhằm giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng, lợi ích của người dân cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế. Và tại hội nghị COP28 - Hội nghị COP lớn nhất trong lịch sử, với sự tham dự của gần 140 Nguyên thủ, Thủ tướng các nước và hơn 90.000 đại biểu tham dự. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã nhấn mạnh, phải biến cam kết từ các hội nghị trước thành những hành động cụ thể, nhanh chóng, quyết liệt.

Bà Kitty Bu - Phó Chủ tịch Liên minh Năng lượng toàn cầu vì người dân và hành tinh - nói: "Việt Nam đang cho thấy rất tâm huyết trong việc phát triển năng lượng tái tạo và xanh hóa mạng dưới điện. Những gì mà tôi biết được thì Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm 15 - 20% trước năm 2030, và 80% vào năm 2050. Tôi nghĩ rằng, với việc đưa ra một mục tiêu rõ ràng, nghiêm túc triển khai những mục tiêu đó, Việt Nam đang đóng vai trò dẫn dắt khu vực, tạo ra hình mẫu cho cả cộng đồng quốc tế".

Đổi mới sáng tạo - cánh cửa để mở ra một tương lai thịnh vượng...

Khi tài nguyên tự nhiên theo thời gian đang cạn dần, những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển của con người ngày càng nhiều. Điều đó yêu cầu chúng ta sử dụng tài nguyên ít hơn nhưng tạo ra năng suất lớn hơn và mang lại hiệu quả cao hơn, nghĩa là phải có một cách làm khác đổi mới hơn, sáng tạo hơn. Theo kết luận trong một nghiên cứu năm 2019 của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford (Mỹ) Đổi mới sáng tạo có thể đóng góp đến 85% tổng mức tăng trưởng kinh tế. Với Việt Nam đổi mới sáng tạo là cơ hội phát triển đột phá của doanh nghiệp, là động lực quan trọng phát triển nhanh, bền vững của quốc gia. 

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ là một nước có thu nhập trung bình cao, và đến 2045 là nước phát triển phát triển thu nhập cao, sống hài hòa với môi trường, thiên nhiên, xã hội nhất có thể. Đổi mới sáng tạo chắc chắn là cánh cửa để mở ra một tương lai thịnh vượng hơn.

Ông Hà Văn Đức - Giám đốc thi công dự án Neom, Tổng công ty lắp máy Việt Nam - chia sẻ: "Nếu mà chúng tôi không phát triển, chúng tôi đứng yên tại chỗ thì dần dần những người thợ lao động như chúng tôi cũng sẽ bị đào thải".

Khát vọng thịnh vượng 2024 - Vì một Việt Nam hùng cường - Ảnh 22.

"Công nghệ luôn thay đổi và chính bản thân mình muốn đáp ứng các yêu cầu về công việc về tìm kiếm các cái nguồn công việc mới thì chúng ta cũng bắt buộc phải thay đổi thay đổi từ chính bản thân người lao động để nâng cao tay nghề, nâng cao sự hiểu biết nâng cao kỹ năng. Tham gia vào một dự án quan trọng và cái quy mô lớn thì cũng là niềm vinh dự và niềm tự hào rất lớn, bởi vì chúng tôi suy nghĩ rằng chúng tôi đã được đóng góp sức lực đóng góp cái tư duy, trí tuệ của bản thân mình để phục vụ một mục tiêu chung của mỗi đó to lớn hơn đấy là một mục tiêu chuyển dịch năng lượng xanh thân thiện với môi trường trong tương lai".

Trong khi đó, theo ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam: "Nếu không thay đổi mà anh chỉ dừng lại - kể cả những doanh nghiệp đang rất thành công - thì cũng là chết. Nếu không thay đổi thì là chết, đấy là là nguyên tắc thứ nhất. Nguyên tắc thứ hai, bây giờ thế giới là luôn luôn thay đổi, thị trường Việt Nam cũng thay đổi... Thế đến bây giờ, nếu mà không thay đổi thì chẳng lẽ chúng ta là đóng cửa doanh nghiệp?".

Và để biết nhiều hơn về sự đổi mới sáng tạo mang đến những điều gì, bạn hãy xem tiếp trong video dưới đây - chương trình "Khát vọng thịnh vượng 2024":

Khát vọng thịnh vượng - 13/02/2024



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước